Danh tính 2 vị 'Tổ trung hưng' đầu của Việt Nam: Đều là bậc thầy quân sự, dưới trướng toàn tướng tài
"Tổ trung hưng" là tôn hiệu và miếu hiệu do hậu duệ đời sau đặt cho các bậc tiền bối có công trung hưng cơ nghiệp của tổ tiên hoặc quốc gia dân tộc đã bị suy thoái do tác động từ nhiều yếu tố chủ quan và khách quan khác nhau. Ở Việt Nam, hai vị "Tổ trung hưng" đầu chính là Ngô Quyền và Lê Lợi.
Ngô Quyền (17/4/898 – 14/2/944) hay còn được gọi là Tiền Ngô Vương là người đã lãnh đạo nhân dân ta đánh bại quân Nam Hán trong trận Bạch Đằng năm 938. Những vị tướng từng phục vụ cho ông có thể kể đến Dương Đình Nghệ, Kiều Công Hãn,... Trận chiến thắng lịch sử này đã kết thúc gần một ngàn năm Bắc thuộc, mở ra một thời kì độc lập lâu dài của Việt Nam. Ông chính là hoàng đế đầu tiên của nhà Ngô với thời gian trị vì kéo dài từ năm 939 - 944 (5 năm).
Không chỉ nằm trong danh sách 14 vị anh hùng dân tộc Việt Nam mà Ngô Quyền còn được người chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu xem là vị "Tổ Trung hưng" đầu tiên của Việt Nam. Trong sử sách Việt Nam, ông được ngợi ca là bậc anh hùng tuấn kiệt. Đại Việt sử kí toàn thư còn ghi chép một giai thoại "báo trước" mệnh làm vua của Ngô Quyền, cụ thể như sau: "Khi Ngô Quyền vừa mới sinh có ánh sáng lạ đầy nhà, dung mạo khác thường, có 3 nốt ruồi ở lưng, thầy tướng cho là lạ, bảo có thể làm chủ một phương, nên mới đặt tên là Quyền. Ngô Quyền lớn lên, khôi ngô, mắt sáng như chớp, dáng đi thong thả như hổ, có trí dũng, sức có thể nâng được vạc bằng đồng".
Lê Lợi (10/9/1385 – 5/10/1433) sau này là vua Lê Thái Tổ, được sử sách ngợi ca là nhà chính trị, nhà lãnh đạo quân sự kiệt xuất. Ông là người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. đánh đuổi hoàn toàn quân Minh ra khỏi Đại Việt vào năm 1428 và lập ra nhà Lê. Ông cũng là người đánh dẹp các tù trưởng ở biên giới phía Bắc Đại Việt và quân đội Ai Lao bị xúi giục, giữ vững hòa bình cho dân tộc. Đặc biệt, thành công của Lê Lợi chính là thu phục được nhiều tướng giỏi. Nguyễn Trãi, Lý Triện là hai trong những nhân tài từng phục vụ dưới trướng Lê Lợi. Các thế hệ sau này đều coi Lê Thái Tổ Lê Lợi là vị Hoàng đế huyền thoại của Đại Việt khi giỏi cai trị, bảo vệ đất nước, chăm lo, yêu thương dân chúng như con.
Năm 2019, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam là PGS.TS Trần Đức Cường đã đưa ra ý kiến là có thể tôn gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị “Tổ trung hưng" thứ ba của dân tộc Việt Nam. Ông nêu rõ quan điểm: "Trong một chừng mực nào đó, theo tôi nghĩ cũng có thể gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người lãnh đạo tối cao của cách mạng Việt Nam lúc đó thực sự cũng là vị “Tổ trung hưng thứ ba” của dân tộc ta".
Việt Nam có hai quân sư vô cùng nổi tiếng, luận tài năng uyên bác không thua gì Gia Cát Lượng
Nếu Trung Quốc có Tôn Tẫn, Gia Cát Lượng thì Việt Nam chúng ta cũng có hai vị quân sư uyên bác, tài giỏi không kém cạnh.