Đánh giá laptop

Đánh giá Transformer Prime - Ông vua mới của tablet Android

Đánh giá Transformer Prime - Ông vua mới của tablet Android

Cho đến bây giờ liệu còn có tablet nào thu hút được nhiều sự chú ý như Transformer Prime? (Xin đừng nói với tôi là Kindle Fire). Sau hàng tuần lễ chờ đợi, cuối cùng chúng tôi cũng đã có dịp “trên tay” chiếc tablet nổi đình nổi đám từ khi mới được công bố này của ASUS. Không có bất kỳ một điểm gì phải phàn nàn, chúng tôi cho rằng, đây là thiết bị “nuột” nhất mà chúng tôi có cơ hội được “trên tay” trong năm nay, không phải chỉ vì nó thừa hưởng tất cả những điểm thành công của bản Transformer đầu tiên, mà là cả vì những cải tiến thực sự ấn tượng của chính nó. 

  • Ngắm nhìn Asus Transformer Prime “tự bộc bạch” qua video
  • Asus Transformer Prime so 'gằng' cùng với iPad 2
  • Asus Eee Pad Transformer Prime chạy vi xử lý 4 nhân Tegra 3


Tất cả điều trên giải thích cho cảm giác hồi hộp của chúng tôi khi nhận được Prime và, bạn cũng sẽ sớm có cảm giác ấy: ASUS nhận đơn đặt hàng online từ 19 tháng 12, và sẽ xuất hiện tại các đại lý chính hãng một tuần sau đó (lưu ý là đợt đầu này chỉ bán các bản Wi-fi, bản có 3G vẫn chưa có kế hoạch bán ra chính xác). Mức giá sẽ từ 499$ cho bản 32GB, khá hợp lý nếu so sánh với các tablet cao cấp khác cũng có giá tầm 500$ cho bản 16GB. Với bản 64GB sẽ là 599$. Nếu bạn muốn có dock bàn phím? Thêm 149$ nữa. Và có đáng hay không? Bạn hãy đọc và tự quyết định.

Transformer Prime là thiết bị đầu tiên sử dụng con chip “nóng hổi vừa ra lò” của Nvidia, Tegra 3, khiến nó trở thành tablet lõi tứ đầu tiên trên thế giới. Đi kèm với đó là hứa hẹn về thời gian sử dụng xuất sắc và hiệu năng cực đỉnh (gấp 5 lần so với Tegra 2, theo NSX thông báo), và tất cả được gói gọn trong một độ dày 8.3mm, thậm chí còn mảnh mai hơn là iPad 2 hay Galaxy Tab 10.1, với những thông số tiếp tục làm “ngây ngất lòng người” như màn hình trang bị kính cường lực Gorilla Glass, camera với cảm biến CMOS back-illuminated, ống kính khẩu độ mở f/2,4 giống so với loại được sử dụng trong các máy ảnh compact cao cấp,và cam kết nâng cấp lên Android 4.0 sớm nhất có thể.

Phần cứng

Thực tế, nhìn Prime (mặt trước) thật gần gũi, nó cũng xêm xêm kiểu các máy tính bảng khác trên thị trường : một thiết kế 10.1 inch, mặt trước bóng bẩy với lớp kính Gorilla Glass. Nếu bạn theo dõi những sản phẩm Ultrabook của ASUS, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy, Prime chia sẻ một thiết kế gần tương tự với dòng Zenbook. Giống như Zenbook, Prime có một mặt lưng làm bằng nhôm, với 2 màu có sẵn là “amethyst gray” và “champagne gold” (chúng tôi xin phép không dịch). Tất nhiên sẽ có vài người thấy rằng kiểu thiết kế kiểu này giống với những đồ dùng làm bếp hơn là máy tính bảng, nhưng chúng tôi đánh giá cao thiết kế này, và chúng tôi đặc biệt thích những đường vân nổi, sẽ không để lại bất kỳ dấu vân tay nào, cũng như rất khó nhận ra những vết xước dăm, so với việc sử dụng một mặt lưng nhựa hay kính bóng như ở một số thiết bị khác.

Mặt trước với bóng bẩy với lớp kính cường lực Gorilla Glass

Mặt sau làm bằng nhôm với hoa văn đơn giản

Nếu xét về vấn đề thẩm mỹ, chúng tôi tin là Prime xứng đáng đến từng xu với cái giá 500$.Đôi khi, chúng ta bắt gặp những máy tính bản khác, cũng sử dụng thiết kế kim loại, như T-Mobile Springboard (ở VN không xuất hiện) hay HTC Flyer, hay nếu bạn muốn, thì, cả iPad 1 nữa (chúng tôi không muốn đưa ra bất kỳ vụ flame nào đâu nhé). Chúng ta phải thốt lên “thiết kế của chúng thật nhàm chán, nhưng ít nhất, có vẻ cũng khá tốt”. Nhưng với Prime, chúng tôi không định dùng từ “tuyệt vời”, nhưng chúng tôi sẽ dùng từ “có vẻ tốt hơn”. Thông số về cấu hình “khủng” được nhồi nhét trong một thiết kế với độ mỏng 0.33inch, cân nặng 586 gam (mỏng và nhẹ hơn cả Galaxy Tab 10.1).

Prime (dưới) mỏng và nhẹ, kể cả so với thế hệ trước của chính nó

Dù sao thì thiết kế nào cũng nên hướng đến việc đem lại cảm giác thoải mái cho người sử dụng. Galaxy Tab 10.1, với những đường viền được bo tròn, tỏ ra rất thoải mái khi cầm trên tay. Còn với Prime, đó là những đường viền có vẻ quá mỏng và thậm chí, “sắc”, một thiết kế tương tự kiểu iPad 2. Thiết kế này cũng tạo sự thoải mái cho người sử dụng, nhưng, nếu dùng trong thời gian lâu, thậm chí có thể làm hằn lên lòng bàn tay và thậm chí có thể “cứa” ( thực sự thì vấn đề này chúng tôi chỉ lo ngại chứ chưa gặp phải), vả lại, phải chấp nhận thực tế là đây không phải do ASUS cố ý, mà do độ mỏng của thiết bị đã gây ra phiền toái này.

Tùy chọn dock của Prime không chỉ mang đến một bàn phím thuận tiện cho việc nhập liệu, mà còn mang đến thêm những cổng kết nối đáng giá: một cổng USB 2.0 fullsize và một đầu đọc thẻ SD. Lựa chọn này ;àm cho cả thiết bị có thể nặng hơn 1 chút, nhưng so với nhiều thiết bị “trượt” (như Samsung slide chẳng hạn), thì thực sự vẫn còn nhẹ hơn nhiều.

 Dock giá 149$

Thiết bị cũng có 1 camera 1.2 megapixels ở mặt trước và 1 camera khác 8 megapixels ở mặt sau, đi kèm với một đèn LED flash.

Camera 8Mpx, đèn LED flash

Camera phụ 1.2 Mpx

Nút nguồn/khóa máy được để ở cạnh trên, với 1 đèn LED báo trạng thái. Cạnh dưới có 3 khấc làm sẵn để bạn lắp vào dock, đồng thời cũng để trao đổi dữ liệu với dock khi bạn nhập liệu hoặc gắn các thiết bị lưu trữ. Cạnh phải có một cổng cắm tai nghe 3.5, cạnh trái là nút tăng giảm âm lượng, cổng mini-HDMI và một ở cắm thẻ microSD.

Nút nguồn/tắt màn hình ở cạnh trên

Ở cạnh dưới là chấu kết nối với dock


Cạnh trái (từ trái qua): Nút tăng giảm âm lượng, các cổng MicroUSB, miniHDMI

Cạnh phải với giắc cắm tai nghe 3.5

Loa của Prime được đặt ở phía dưới phần cạnh phải. Tất nhiên với thiết kế này, chúng ta không nên hy vọng vào âm thanh đạt chuẩn stereo, nhưng nhìn chung, âm lượng loa của Prime là khá tốt.

Loa của Prime đặt ở góc dưới của cạnh phải, cho âm lượng tương đối tốt

Hiển thị

Có lẽ nhiều người trong chúng ta cho rằng công nghệ hiển thị AMOLED của Samsung là công nghệ hiển thị tốt nhất trên các thiết bị di động. Đó là lý do tại sao danh sách các thiết bị sử dụng loại màn hình này cứ ngày càng nhiều, từ nhiều nhà sản xuất như Samsung (tất nhiên), Nokia, Dell, HTC,vv..vv. Nhưng ASUS không đi theo lối mòn đó. Họ sử dụng công nghệ màn hình Super IPS+ cho Prime, và theo đánh giá chủ quan của chúng tôi, màn hình này rất đáng khen ngợi. Chúng ta có gì ở đây nào? Một màn hình 10.1 inch, độ phân giải 1280x800 với độ sángthực sự gây sốc,600nits (tương đương 1 số loại màn hình cao cấp trên laptop như của Fujitsu hay Toshiba). Và nếu thông số đó chưa đủ thuyết phục bạn, thì nó cao hơn 50% so với hầu hết các tablet hiện có trên thị trường. Độ tương phản cũng rất tốt, màu tối rất sâu và màu sáng thì rất … sáng.Tuy nhiên, màu sắc có vẻ chưa thực sự trung thực (vì hơi quá sáng).

Nếu sử dụng trong nhà, chỉ cần để ở mức sáng mặc định là đủ để nhìn rõ nội dung hiển thị trên màn hình máy, và ASUS cũng khuyến cáo nên tắt chế độ 600nits cũng như tắt Super IPS (có nút chuyển đổi trong thanh taskbar) để tiết kiệm pin. Nhưng cho dù tắt hết các chức năng đó và để ở độ sáng chỉ ở 50% thì nội dung hiển thị vẫn rất rõ nét.

Góc nhìn của Prime cũng rất tốt, chắc hẳn ASUS đã tính đến trường hợp bạn cắm máy vào dock để cùng thưởng thức phim với bạn bè. Chúng tôi đã thử nghiệm nhiều góc nhìn khác nhau để đánh giá thông số này (theo NSX đưa ra là 178 độ). Chúng tôi thử nghiệm với góc rất hẹp ở hai cạnh cũng như từ phía trước (ngửa màn hình ra dần dần), và thật bất ngờ là hình ảnh thu được vẫn rất tốt, trong khi ngay cả những màn hình cao cấp cỡ như của Macbook cũng rất tỏ ra rất chật vật với thử nghiệm này. Sự biến màu chỉ xuất hiện khi chúng tôi ngửa máy ra ở góc gần như bẹt, nhưng ngay cả như vậy thì việc theo dõi nội dung trên màn hình vân không có vấn đề gì (các bạn có thể xem thêm ở các ảnh thử nghiệm).

Dock

Mặc dù ASUS có đặt tên cho thiết bị này là Transformer, thế nhưng nếu không có kèm dock thì có lẽ chúng ta thấy giữa cái tên và thiết kế của Prime chẳng liên quan gì đến nhau. Nhưng khi chúng ta sử dụng dock (với cái giá 150$) kèm theo cả Prime, thì ta mới hiểu được tại sao ASUS lại đặt tên cho dòng thiết bị này là “Transformer” (robot biến hình, nếu có ai còn chưa rõ). Khi gắn thêm dock bàn phím, Prime từ một chiếc tablet mảnh mai đã trở thành một chiếc laptop siêu di động, thậm chí còn hơn cả rất nhiều mẫu netbook trên thị trường. Nếu có ai còn e ngại sự cồng kềnh khi phải vác theo thêm một phụ kiện to lớn chẳng kém gì chính chiếc tablet thì bạn có thể yên tâm: ngay cả với phụ kiện kèm theo này, khi nhét vào chiếc cặp máy tính, bạn cũng sẽ còn rất,rất nhiều khoảng trống để đựng các phụ kiện hay các “đồ chơi” khác.

Dock thậm chí còn nhẹ hơn cả chính Prime

Để gắn dock với phần máy tính bảng, bạn đơn giản chỉ cần lật phần lẫy giữ ở trên dock ra và đưa Transformer trượt vào. Kết nối có vẻ khá tốt, một phần là nhờ vào cả các khe trên transformer đã dành sẵn cho việc này. Khi muốn tháo ra, bạn chỉ cần làm ngược lại.

Ngay khi bạn kết nối Transformer vào dock, máy sẽ tự động được sạc pin. Thực chất trong dock cũng có một viên pin và nó sẽ giúp kéo dài thời gian hoạt động cho transformer (một cách đáng kể, mời bạn xem ở phần đánh giá thời lượng pin). Bỏ ra 150$ cho một viên pin ngoài chất lượng cao như thế này có lẽ cũng không hẳn là một lựa chọn tồi. Thêm nữa, thiết kế của phần dock này cũng rất "ăn ý" với phần chính của máy.

Các ngàm giữ phần máy phía trên


Phần chốt cố định dock vào máy

Thiết kế rất "ăn ý" với phần chính của máy

Ra dáng netbook

Tất nhiên, với 150$ đó, ASUS cung cấp cho chúng ta thêm nhiều thứ khác nữa : một cổng USB 2.0 fullsize và một đầu đọc thẻ SD, giúp bạn mở rộng khả năng lưu trữ của thiết bị.Bạn có thể dùng cổng USB này để cắm thêm một con chuột ngoài, nhưng tất nhiên đó là nếu bạn không thích sử dụng touchpad được tích hợp sẵn ở dưới chiếu nghỉ tay của dock.

Đầu đọc thẻ SD

Cổng USB2.0 fullsize

Touch pad này có thể nhỏ nhưng khá nhạy, nó cho phép cuộn trang, cả ở ngoài màn hình chính cũng như trong ứng dụng (như lướt web hoặc trong soạn thảo văn bản). Tất nhiên là cái giá 150$ không cho phép ASUS trang bị một bàn di đa điểm: nếu muốn pinch-to-zoom, mời bạn thực hiện trên màn hình của máy. Touch pad này có một điểm trừ rất lớn, đó là nó không thể bị tắt, hậu quả như thế nào thì có lẽ các bạn hay soạn thảo văn bản trên máy tính xách tay sẽ hiểu rất rõ, chúng tôi xin phép không nói thêm. Một điểm trừ khác: các nút bấm của touch pad rất cứng và kém nhạy, có lẽ ASUS chỉ làm cho có, vì chúng ta chắc hẳn sẽ thích cái cảm giác bấm – chạm ngay trên màn hình của máy hơn,LOL.

Touchpad, điểm trừ lớn của Dock đi kèm prime

Bàn phím của dock có thể nói là chấp nhận được, nhưng để được gọi là tốt thì còn xa. Diện tích phím bé và mặc dù phím bấm rất nhẹ, chúng tôi vẫn mong các phím lớn hơn.Làm việc trên bàn phím này tương đối bí, nhưng cũng phải nói là những phím quan trọng nhất được thiết kế có kích thước khá thoải mái, ngoại trừ phím right shift.

Một điểm phàn nàn cuối cùng: do phần máy chính còn nặng hơn cả phần dock, nên nếu để màn hình hơi ngửa, máy sẽ bị kênh, góp phần thêm vào sự khó chịu lúc soạn thảo, và cũng khiến bạn phải cẩn thận hơn khi dùng máy ở những vị trí không an toàn như cạnh mép bàn chẳng hạn.

Và bây giờ là câu hỏi cuối cùng là : bạn có nên sử dụng phụ kiện tương đối đắt tiền (bằng 1/3 giá của chiếc máy) này không. Theo chúng tôi là có. Bỏ qua sự khó chịu của touch pad hay sự hơi bí khi dùng bàn phím (có thể khắc phục bằng cách dùng bàn phím ảo trên màn hình), thì việc di chuyển trong lúc soạn thảo văn bản dùng dock này thuận tiện hơn nhiều so với việc gõ và bấm trên màn hình cảm ứng của máy, chưa kể bạn sẽ còn thấy thích chiếc dock của mình nhiều hơn sau khi dùng thiết kế tương tự của Motorola – LOL.

Hiệu năng và đồ họa

Có lẽ đây là phần được mong chờ nhất trên chiếc tablet này. Đơn giản, vì nó là tablet đầu tiên được trang bị con chip 4 nhân next-gen của Nvidia, Tegra 3. Dưới đây là kết quả một số phép thử của chúng tôi, được thực hiện trên một số phần mềm bench mark khá phổ biến cho các thiết bị di động.

 

Benchmark

Điểm số

Quadrant

3,023

Linpack

43.35 (single-thread) / 67.05 (multi-thread)

Nenamark 1

60.07

Nenamark 2

46.07

Vellamo

953

SunSpider 0.9.1

1,861

 

Prime dễ dàng hoàn tất các thử nghiệm ở tất cả các phép thử và cũng đánh bại tất cả các tablet nền Android khác như Tab 10.1 hay 7.0 Plus.

Tất cả các tác vụ thông thường như mở ứng dụng, duyệt qua các menu,vv…v đều có tốc độ đáp ứng được kỳ vọng của chúng tôi với một thiết bị bốn nhân. Máy đáp ứng rất tốt với các lệnh, chuyển về màn hình chính từ lúc thoát ra ứng dụng gần như là ngay lập tức, kể cả khi chúng tôi dùng trên màn hình máy hay khi dùng trên dock. Nhưng đừng nhầm lẫn: Prime rất nhanh, nhưng việc duyệt qua menu, dù là với các hiệu ứng 3D của Honeycomb, cũng không thể là một cách tốt nhất để kiểm chứng cho sức mạnh của con chip Tegra 3, khi mà các con chip Tegra 2 cũng đã thực hiện được việc này một cách tương đối ổn rồi.

Thế cho nên, phải nói rằng, trong suốt quá trình sử dụng, chúng tôi thường xuyên gặp tình trạng trễ hay giật hình xuất hiện, thường phải mất khoảng nửa giây máy mới trở lại bình thường. Đây là một hiện tượng luôn luôn xuất hiện với tất cả các thiết bị android mà chúng tôi từng thử nghiệm, nhưng điều đáng buồn là ở một cấu hình mạnh thế này nó vẫn chưa chấm dứt. Chúng ta có thể chọn 3 mức hiệu năng cho máy ở trên cửa sổ popup, nhưng ngay cả với thiết lập cao nhất, mỗi core chạy ở 1.3Ghz thì hiện tượng này vẫn có thể xảy ra. Có lẽ đây là lỗi phần mề, và hi vọng rằng hiệu năng của máy sẽ được tăng lên khi được cập nhật lên ICS 4.0.

Thời lượng pin

 

 So sánh thời lượng pin với một số dòng máy tính bản phổ biến

Chúng tôi không muốn gây bất ngờ bằng cách gian lận các kết quả thử nghiệm nhằm PR cho sản phẩm này của ASUS. ASUS tuyên bố là với pin 22Wh, thiết bị có thể hoạt động tối đa 12 giờ (nếu không có dock) và với thử nghiệm của chúng tôi cũng đạt được không xa con số đó lắm, 10 giờ 17 phút, với điều kiện là phát video với độ sáng màn hình 50% và bật Wifi (nhưng không kết nối). Kết quả này chỉ kém 8 phút so với iPad 2, vốn được biết là tablet hoạt động hiệu quả về năng lượng nhất cho đến hiện tại (chúng tôi thử nghiệm iPad 2 cũng cùng với thiết lập này). Lưu ý khi thử nghiệm chúng tôi đặt chế độ hoạt động của chip ở mức trung bình, nếu để sang mức tiết kiệm năng lượng thì kết quả đạt được chắc chắn sẽ cao hơn nữa.

Đóng góp lớn nhất phải kể đến là con chip Tegra 3, một con chip không chỉ nhanh mà còn phải dùng từ “hiệu quả”. Con chip này có khả năng tính toán hợp lý mức độ sử dụng độ sáng cũng như nhiệt độ màu thích hợp nhất để đưa một hình ảnh lên màn hình hiển thị sao cho đảm bảo chất lượng mà vẫn không lãng phí điện năng. Đèn màn hình được bật – tắt – điều chỉnh phù hợp với nội dung hiển thị.Kết quả đạt được thật mỹ mãn : hình ảnh đẹp, nhưng pin lâu!

ASUS cam kết rằng, thời gian sử dụng sẽ tăng thêm 6 tiếng nếu như sử dụng thêm dock bàn phím và thật vui mừng khi biết, tuyên bố đó là hoàn toàn chính xác. Với pin phụ từ dock, thiết bị có thể hoạt động trong 16 giờ 34 phút, một con số thực sự hết sức ấn tượng, đúng nghĩa Timeline (chúng tôi mượn tạm thương hiệu của Acer).

Lưu ý là Prime có thể sạc qua cả cổng USB cũng như bằng adapter ngoài. Tuy nhiên, dock lại không hỗ trợ sạc qua USB. Do đó, nếu muốn sử dụng thiết bị cả ngày (18 giờ 1 ngày chẳng hạn), có lẽ bạn nên kiếm chỗ ngồi cạnh một ổ cắm điện.

Ứng dụng và hoạt động

Chúng ta nhận được lời hứa nâng cấp lên ICS 4.0 sớm nhất có thể từ phía ASUS tuy nhiên, thực tế phải chấp nhận rằng, chúng ta tạm phải hài lòng với phiên bản Android 3.2.1. Dù sao thì đây cũng không phải là một hệ điều hành tồi, nó vẫn có những ưu điểm chung của android: tùy biến trong giao diện với nhiều widget khá hữu ích, trình quản lý điện năng, tắt các thành phần không cần thiết như Bluetooth, Wifi, IPS/Super IPS+ (đã đề cập ở trên), auto rotation,vvv..v. Tất nhiên là chúng cũng xuất hiện trên các tablet khác, nhưng dù sao, xin nhắc lại, đây vẫn là một hệ điều hành “đủ dùng”.

Giao diện màn hình chính không khác nhiều với các Tablet Android Honeycomb khác

Có nhiều ứng dụng được cài sẵn, có thể kể ra như Kindle, App locker, Polaris Ofice,… và đặc biệt là rất nhiều game để chúng ta có thể thử nghiệm tính năng chơi game của con chip Tegra 3, và tất nhiên chúng tôi không bỏ lỡ thử nghiệm này.

Chất lượng đồ họa trong game xuất sắc

Trải nghiệm thu được rất tuyệt vời, rất tốt. Game (ở đây chúng tôi sử dụng hình ảnh của Shadow Gun) chạy rất mượt mà, và cho hình ảnh rất đẹp. Nvidia đã từng nói sẽ đưa đến trải nghiệm đồ họa tương đương trên PC. Tất nhiên nói như thế có hơi quá: số lượng các đa giác sử dụng trong dựng hình game trên tablet hiện nay chưa thể so sánh với các game trên PC được. Tuy nhiên, nếu so với các tablet khác hiện có, thì chất lượng đồ họa trên Prime rõ ràng là tốt nhất. Hiệu ứng mặt nước trong game, đúng như Nvidia công bố, thực sự rất ấn tượng.

Camera

Với các thiết bị di động, ngoại trừ một số thiết bị hướng đến chức năng chụp ảnh (như N8,iPhone hay một số dòng của Sony Ericson) thì hầu như camera là phần bị “bỏ quên”. Tuy nhiên với những thông số ấn tượng của camera trên Prime (nhắc lại nếu các bạn không muốn đọc lại: cảm biến CMOS back-illuminated 8Mpx,ống kính khẩu độ mở f/2,4 giống so với loại được sử dụng trong các máy ảnh compact cao cấp), chúng tôi cũng tiến hành thử khả năng chụp hình của máy. Kết quả thu được ở mức trung bình: khi chụp bằng chế độ lấy nét tự động, máy xử lý tương đối lâu, màu sắc của ảnh cũng không được rực rỡ cho lắm,tuy nhiên vẫn chấp nhận được. Bạn có thể theo dõi một số hình chụp bằng camera của Prime dưới đây.

Tổng kết

Trong cuộc đua giữa các tablet, Galaxy tab 10.1 đã nắm giữ ngôi đầu trong một thời gian tương đối dài, nhưng vị trí đó bây giờ có lẽ đã có một chủ nhân khác. Bản Transformer đầu tiên là một tablet rất tốt và cũng khá thành công. Tuy nhiên, Transformer Prime,mỏng hơn, nhẹ hơn, mạnh hơn, thậm chí còn xuất sắc hơn nữa, đặc biệt là p/p cực tốt với giá dưới 500$ cho bản 32GB.

Dock, là một phụ kiện đáng giá, nhưng cũng thật khó nói là bạn có nên mua hay không. Nếu bạn cần một tablet với thời gian sử dụng pin điên rồ, có lẽ bạn nên chọn nó, kể cả khi bạn sẽ phải tương đối khó chịu khi thao tác trên bàn phím rất bí của nó. Tuy nhiên, chúng tôi nhắc lại, khi bạn cần nhập một địa chỉ web dài hay thao tác chỉnh sửa nhiều đoạn trong  văn bản, có lẽ bạn sẽ thấy sự bí bách ấy đáng để thay thế cho cảm giác gõ không bao giờ là chính xác tuyệt đối trên màn hình cảm ứng.

Cho đến bây giờ, chúng tôi khẳng định, Prime là tablet android tốt nhất trên thị trường, vị vua mới của máy tính bảng đã xuất hiện.