LG

Đánh giá chi tiết LG G3: Niềm tự hào của LG năm 2014

Với những mẫu smartphone đã ra mắt trong nửa đầu năm nay, G3 của LG là một trong số ít những sản phẩm gây được ấn tượng mạnh. Đây cũng được cho là niềm tự hào lớn nhất của LG trong năm 2014. So với những mẫu smartphone cao cấp khác hiện có trên thị trường, G3 nổi bật hơn nhờ sự xuất hiện của màn hình 2K, khả năng lấy nét bằng laser, cùng với đó là 2 phiên bản với 2 mức giá khác nhau, đem lại nhiều sự lựa chọn hơn dành cho người sử dụng.  Dưới đây sẽ là bài đánh giá chi tiết của Techz về siêu phẩm đang được rất nhiều người săn đón và ao ước này.

Thiết kế

Nếu chỉ nói riêng về mặt thiết kế, so với các nhà sản xuất điện thoại danh tiếng khác trên thị trường, những mẫu điện thoại được sản xuất bởi LG luôn đặc trưng bởi một phong cách thiết kế riêng biệt không thể nhầm lẫn. Nếu Samsung luôn bị ám ảnh bởi những mẫu smartphone vỏ nhựa, Sony dần khiến người ta có cảm giác tù túng bởi việc ra mắt hàng loạt những mẫu smartphone nguyên khối theo phong Omni Balance thì cùng với HTC, LG là một trong số ít những nhà sản xuất luôn có sự thay đổi đột phá về thiết kế trên những mẫu điện thoại của mình.

Hiện nay giá bán của LG G3 đang phổ biến ở mức 15.99 triệu đồng với phiên bản 32GB. Tại một số hệ thống cửa hàng thuộc hệ thống của Hoàng Hà Mobile, G3 bản 32GB chính hãng được bán với giá 15.1 triệu đồng

Đặc trưng của thiết kế được sử dụng trên những mẫu điện thoại của LG là sự kết hợp một cách nhuần nhuyễn của chất liệu nhựa và kính cùng với đó là những lớp vân chìm óng ánh mà chỉ riêng có trên những mẫu điện thoại của LG. Điều này đã được thể hiện từ những mẫu điện thoại bấm nút của thời xa xưa với KF510 – "sự kỳ diệu của ánh sáng" cho đến tận những mẫu smartphone gần đây như Optimus G, Optimus G Pro.

Đến G2, LG lại một lần nữa cho thấy sự cách tân mạnh mẽ của mình với việc di chuyển phím nguồn và cặp đôi phím tăng giảm âm lượng ra mặt sau, đồng thời giảm độ dày của lớp viền màn hình xuống chỉ còn ở mức tối thiểu. Và hình ảnh đặc trưng này đã được giữ nguyên trên mẫu điện thoại mới nhất của LG là LG G3. Nếu không kể đến kích thước, điểm khác biệt lớn nhất giữa 2 mẫu điện thoại này chính là độ tỉ mỉ trong từng chi tiết nhỏ và chất liệu đã được  nhà sản xuất lựa chọn để làm nên máy.

LG G3 sở hữu một lớp vỏ sau được làm bằng nhựa giả kim loại. Bởi vậy, nếu chỉ mới nhìn qua, đặc biệt là với 2 phiên bản màu xám và vàng ánh kim, chắc hẳn ai cũng sẽ có một ấn tượng đặc biệt với vẻ ngoài kim loại của mẫu điện thoại này. Phải đến khi thực sự cầm máy trên tay, nhiều người mới biết rằng chiếc smartphone này thực ra được làm bằng nhựa. Đây vừa là một ưu điểm lại vừa là một nhược điểm của LG G3 bởi với cảm giác trên, sẽ không ít người mơ về một chiếc smartphone với vỏ làm bằng kim loại có cảm giác bị hụt hẫng.

Cũng giống với M8 của HTC, G3 đã cho thấy chất lượng gia công tốt hơn rất nhiều so với người tiền nhiệm của nó. Từng chi tiết nhỏ như các phím bấm và cụm camera đều được LG kĩ càng chau chuốt. Điều này được thể hiện rõ ngay khi bạn sử dụng các đầu ngón tay để tương tác với những phím bấm trên mặt sau của LG G3.  Lúc này bạn sẽ thấy phím nguồn với phần vân tròn đồng tâm đem lại cho ngón tay một cảm giác rất thoải mái, tiếp đến là lớp vân nổi ở cụm phím volume.

Với những người không quen tay, sẽ rất dễ gặp phải trường hợp vô tình nhấn nhầm vào vị trí của camera thay vì phím nguồn. LG có lẽ cũng đã có một sự tính toán nhất định đối với trường hợp này bởi khi các đầu ngón tay tiếp xúc với lớp kính bên ngoài camera, có cảm giác lớp kính này khá êm và mượt. Cảm giác này vẫn tồn tại sau khoảng hơn một tuần sử dụng sản phẩm. Điều này cho thấy chất lượng lớp kính bảo vệ trước camera của G3 là khá tốt khi không thấy xuất hiện một vết xước nhỏ nào.

Có một điểm trên G3 mà khá ít người quan tâm chú ý, đó là những hoa văn với họa tiết khác nhau ở phần khoảng trống hiếm hoi trên mặt trước của LG G3. Với phiên bản màu xám nòng súng và vàng ánh kim, ta có thể thấy những vân tròn đồng tâm tương tự như những mẫu ZenFone. Còn với phiên bản màu trắng, những vân tròn đồng tâm này lại được thay thế bằng các họa tiết ô vuông như ở trên mặt lưng của mẫu máy Optimus G.

Xét một cách tổng thể, thiết kế của G3 là một thành công của LG trong năm 2014. Với lớp vỏ giả kim loại đẹp và sang trọng, đặc biệt là với phiên bản màu nòng súng, đây sẽ là một sự lựa chọn chất lượng về mặt thiết kế đối với người tiêu dùng.

Hạn chế lớn nhất của thiết kế này có lẽ là ở những thay đổi mang tính chiến lược của LG. Việc đưa các phím bấm ngoài xuống mặt sau rõ ràng sẽ khiến các cạnh bên trở nên trơn bóng và nhìn ấn tượng hơn, tuy vậy đẹp chưa hẳn đã đi liền với sự tiện lợi, đặc biệt là khi việc bố trí phím bấm ở các cạnh bên đã trở thành một chi tiết quá quen thuộc với đại đa số người dùng. Với những ai mới chuyển từ một dòng máy khác sang mẫu điện thoại của LG, chắc hẳn sẽ gặp phải không ít sự bực dọc và phiền phức do những thay đổi đi ngược với chuẩn mực này.

Màn hình

Với nhiều người, G3 được chú ý bởi việc được trang bị màn hình QuadHD có độ phân giải lên đến 2K (1440 x 2560 pixel) đi cùng với tấm nền IPS. Điều này cũng là dễ hiểu bởi trong các chiến dịch truyền thông, LG luôn tìm cách nhấn mạnh vào màn hình độ phân giải 2K, điểm được xem là đi trước một bước so với các đối thủ của mình. Tuy nhiên, sau khoảng 1 tuần sử dụng LG G3, rất khó để chỉ ra được đâu là sự khác biệt giữa màn hình 2K trên G3 và màn hình độ phân giải Full HD trên đa phần những mẫu smartphone cao cấp hiện có trên thị trường.

LG G3 sở hữu màn hình với mật độ điểm ảnh thuộc vào loại cao nhất hiện nay  (554 ppi). Tuy nhiên, với những tấm nền màn hình có kích thước trên dưới 6 inch, con số này tương đối vô nghĩa. Màn hình với mật độ điểm ảnh cao đồng nghĩa với việc hình ảnh sẽ đỡ bị vỡ hạt hơn.  Tuy nhiên, bạn chỉ có thể phân biệt được điều đó khi đưa điện thoại lên và soi chúng ở khoảng cách gần sát với khuôn mặt. Với những thao tác sử dụng thông thường, chẳng ai trong chúng ta làm như vậy cả.

Nói vậy chỉ để thấy rằng, thông số màn hình 2K trên G3 mang tính thương mại và quảng cáo nhiều hơn là giá trị thực tế. Tất nhiên, điều này không có nghĩa là màn hình của LG G3 có chất lượng hiển thị không tốt. Với tấm nền IPS, màn hình của G3 sắc sảo với độ trong nhất định chứ không đậm màu và rực rỡ như ở những thiết bị sử dụng màn hình AMOLED của Samsung.

Màn hình độ phân giải 2K của Oppo Find 7 (bên trái) so với màn hình độ phân giải Full HD Oppo Find 7a (bên phải) khi Crop 100%

Tùy theo độ cảm nhận về thị giác và sở thích của mỗi người mà chúng ta có những đánh giá khác nhau về màn hình này. Tuy nhiên nhìn chung, G3 sẽ thích hợp với những người thích sự cân bằng về màu sắc trên màn hình hơn là độ rực rỡ. Độ sáng lên đến 240 nit cũng giúp mẫu điện thoại này hiển thị tương đối tốt ở điều kiện ngoài trời, dưới điều kiện ánh sáng không quá mạnh.

Màn hình với độ sáng cao giúp G3 hiển thị tốt dưới điều kiện ánh sáng ngoài trời 

Sở hữu màn hình với kích thước lên tới 5.5 inch nhưng khi cầm máy trên tay, G3 không quá to như nhiều người vẫn tưởng. Điều này là bởi công nghệ viền màn hình siêu mỏng được LG áp dụng trên sản phẩm của mình. Với những ai có bàn tay quá khổ một chút, việc thao tác trên chiếc phablet này bằng một tay tỏ ra tương đối dễ dàng. Điều này đã hạn chế được phần nào nhược điểm do kích thước to quá khổ của đa phần những mẫu máy Phablet hiện nay.

Phần mềm

Không chỉ có những khác biệt về mặt ngoại hình, phần mềm và giao điện đồ họa bên trong cũng là một trong số những điểm thay đổi dễ nhận thấy của G3 so với G2.

Giao diện đồ họa trên G3 bị ảnh hưởng khá mạnh mẽ theo phong cách của giao diện phẳng với những ô icon được thể hiện dưới dạng hoạt họa. So với giao diện gốc trên G2 của năm ngoái, giao diện của năm nay cho cảm giác đơn giản và thanh nhã hơn.

Giao diện đồ họa theo phong cách phẳng trên LG G3

Không áp dụng quá nhiều những công nghệ theo dạng cảm biến cử chỉ được gọi là thông minh nhưng không thực sự cần thiết của Samsung, LG hướng nhiều hơn đến những ứng dụng thiên về tính thực tế. Nổi bật nhất trong số này là ứng dụng Quick Remote hỗ trợ việc điều khiển các thiết bị từ xa thông qua cổng hồng ngoại.

Qua một thời gian sử dụng, Quick Remote cho thấy sự nhận diện khá nhanh của mình đối với các thiết bị không chỉ đến từ LG mà còn đến từ những nhà sản xuất khác. Trong quá trình thử nghiệm, Techz đã tiến hành với 3 mẫu TV đến từ 3 thương hiệu khác nhau là LG, Samsung và Panasonic. Với cả 3 thiết bị, Quick Remote đều cho kết quả tốt với thời gian kết nối nhanh chóng và quá trình hoạt động mượt mà. Ngoài ra, không chỉ áp dụng với TV, chiếc “điều khiển thông minh” này còn có thể hoạt động tốt với điều hòa, đầu DVD và cả những dàn âm thanh có sử dụng công nghệ điều khiển thông qua cổng hồng ngoại.

Ứng dụng Quick Remote trên G3 có thể tương thích với nhiều loại TV và điều hòa của các nhà sản xuất khác nhau.

Điểm thứ 2 mà nhiều người sử dụng sẽ thích là việc G3 áp dụng khá nhiều các công nghệ khác nhau cho việc mở khóa màn hình. Với chiếc điện thoại này người dùng sẽ có thể sử dụng tính năng KnockCode hoặc nhận diện khuôn mặt để mở khóa.

Đây là những công nghệ mà không nhiều mẫu điện thoại cao cấp trên thị trường hiện nay đang áp dụng. KnockCode hay  gõ theo nhịp để mở khóa là một tính năng khá hay và thân thiện. Còn nếu sử dụng mở khóa bằng nhận diện khuôn mặt, bạn sẽ phải cẩn thận bởi chỉ với một tấm ảnh, kẻ xấu cũng có thể mở khóa điện thoại của bạn một cách dễ dàng.

Ứng dụng mở khóa KnockCode

Điểm yếu nhất về phần mềm của LG G3 đến từ bộ gõ bàn phím. G3 không sử dụng các bảng mã Telex hay Vni để gõ tiếng Việt, bạn sẽ phải giữ một lúc vào các nguyên âm để gõ các từ có dấu. Rõ ràng, đây là một điểm rất khó chịu khi thao tác này vừa hạn chế về thời gian, vừa đi ngược lại các thói quen về bộ gõ của người dùng. Tuy vậy, điều này có thể khắc phục một cách đơn giản thông qua các ứng dụng phổ biến cho Android như Gõ Tiếng Việt hay La Bàn Key.

Bên cạnh những ứng dụng tiêu biểu kể trên, còn khá nhiều các tính năng ẩn nữa được trang bị trên LG G3 mà Techz sẽ gửi đến các bạn trong các bài viết khác.

Camera

Một trong những điểm dành được sự quan tâm chú ý lớn của LG G3 là về chất lượng camera của máy. Theo như những gì quảng cáo bởi LG, với khả năng lấy nét bằng Laser, G3 sẽ đem đến một tốc độ lấy nét cao và vô cùng chính xác. Trên thực tế, camera trên G3 thể hiện khá tốt so với những lời mà LG giới thiệu.

Trước khi phân tích những điểm yếu và mạnh của camera trên LG G3, ta sẽ nói qua một chút về công nghệ lấy nét bằng Laser của máy. Về mặt lý thuyết, công nghệ lấy nét bằng laser trên LG G3 có nguyên lý hoạt động khá giống với những chiếc máy đo khoảng cách bằng tia laser thường được sử dụng trong quân sự và các công trình xây dựng dân dụng.  

Cụ thể hơn, bộ phận phát tia laser ở mặt sau của LG G3 sẽ liên tục phát ra những tia hồng ngoại với cường độ thấp ngay khi chúng ta tiến hành kích hoạt tính năng camera. Tất nhiên, những tia hồng ngoại này có cường độ nhẹ và hoàn toàn vô hại với cơ thể con người.

Khi các tia hồng ngoại này gặp phải vật chắn, sẽ xuất hiện các tia phản hồi. Bộ phận cảm biến hồng ngoại đặt ở bên trái camera sau trên G3 sẽ có nhiệm vụ thu nhận các tia phản hồi này và lưu lại các thông tin về chúng. Dựa vào các thông tin thu được như chu kỳ quay trở lại của các tia phản hồi này, máy sẽ có thể tính ra được độ lớn bé và khoảng cách xa gần của các vật thể, từ đó tác động đến việc khóa nét và cố định tiêu cự.

Nhờ tốc độ phát đi và phản hồi rất nhanh của ánh sáng mà G3 có thể lấy nét cực nhanh các mục tiêu nằm trong tầm hoạt động trên camera của mình. Với công nghệ này, G3 không chỉ có khả năng lấy nét nhanh mà còn có thể định vị một cách chính xác khoảng cách giữa người cầm máy và vật thể ở phía trước.

Theo như những kết quả đo đạc được công bố từ phía LG, G3 có thể lấy nét chính xác với tốc độ 0.276s. Con số này cũng chỉ nhỉnh hơn một chút nếu so với tốc độ lấy nét khoảng 0.3s trên Galaxy S5 của Samsung hay One M8 của HTC. Điều này là bởi cũng như LG, Samsung, HTC hay bất kỳ một nhà sản xuất nào khác đều luôn cố gắng phát triển những công nghệ lấy nét nhanh nhất dành cho các sản phẩm của mình. Ta có thể nhận thấy rõ điều này qua việc HTC trang bị thêm hẳn một cảm biến camera nữa ở mặt sau của M8 để xử lý quá trình lấy nét và độ sâu của trường ảnh.

Nói như vậy để thấy rằng, về mặt con số thống kê, công nghệ lấy nét bằng laser của LG hiện đang cho kết quả tốt nhất, tuy vậy sự khác biệt giữa công nghệ lấy nét của các nhà sản xuất ngày nay vẫn còn chưa quá lớn.

LG G3 không có nhiều sự lựa chọn về chế độ chụp trong tính năng camera. Người dùng cũng không thể tùy chỉnh các thông số về iso, tốc độ... cho ảnh chụp

Một điểm khá đặc biệt của G3 là khi chụp ở chế độ tự động, trên màn hình của máy xuất hiện rất nhiều điểm lấy nét giống như ở trên những chiếc DSLR.

Về chất lượng hình ảnh, đa phần người dùng  sẽ có cảm giác hài lòng với những gì được thể hiện trên LG G3. Trong điều kiện môi trường ánh sáng tốt, cũng như đa phần những mẫu smartphone cao cấp hiện nay, G3 thể hiện khá tốt vai trò một chiếc flagship của mình. Với dải màu rộng và khả năng lấy nét nhanh, các hình ảnh được thể hiện trên G3 có độ tương phản lớn và độ nét cao ở từng chi tiết trong điều kiện ánh sáng tốt.

Cảm biến camera có độ nhạy sáng cao trong điều kiện ánh sáng yếu. Đặc điểm này khiến cho ảnh chụp khi trời tối của G3 trở nên sáng hơn. Tuy nhiên trong nhiều bức hình, có cảm giác những hình ảnh ghi lại bởi G3 bị làm mịn khá nhiều. Điều này sẽ giúp ảnh được khử nhiễu tốt hơn, giảm hiện tượng vỡ hạt nhưng nó cũng sẽ làm cho bức hình trở nên mất đi độ chi tiết.

Một bức ảnh được chụp trong điều kiện đủ sáng của LG G3.

Với điều kiện đủ sáng trong nhà 

Ở điều kiện ánh sáng kém hơn, cảm biến trên G3 cho thấy độ nhạy sáng tốt. Tuy nhiên, nhà sản xuất đã làm mịn hình ảnh đi khá nhiều để giảm noise. Điều này cũng khiến cho bức hình trở nên mất đi độ chi tiết.

Trong hoàn cảnh điều kiện ánh sáng phức tạp

Với camera trước, điểm ảnh trên cảm biến này được thiết kế với kích thước lớn hơn, giúp thu được nhiều ánh sáng hơn trong quá trình xử lý. Kết quả là ảnh được chụp bằng camera trước của G3 luôn có độ sáng lớn hơn so với ảnh xuất ra từ những mẫu máy tương tự.

Camera trước của G3 với kích thước điểm ảnh lớn hơn cho độ nhạy sáng tốt trông thấy

Một điểm cần chú ý nữa về camera trước của G3 là sự xuất hiện của tính năng chụp thông minh. Với tính năng này, khi xòe bàn tay ra, cảm biến trên G3 sẽ nhận dạng tay của người sử dụng nếu nó xuất hiện trong khung hình. Khi chúng ta thực hiện hành động cụp bàn tay lại, máy sẽ hiểu rằng ta đã kích hoạt tính năng chụp nhanh và tự động đếm ngược 3 giây trước khi chụp lại khoảnh khắc.

Hiệu năng hoạt động

G3 hiện là một trong những mẫu điện thoại có cấu hình mạnh nhất trên thị trường ở thời điểm hiện nay. Máy được trang bị chip Qualcomm Snapdragon 801 lõi tứ, xung nhịp 2.5 GHz. Hỗ trợ cho máy sẽ là bộ xử lý đồ họa Adreno 330 và bộ nhớ RAM với dung lượng 3GB.

Hiện nay do giá bán của G3 là tương đối cao, LG Việt Nam vừa cho phát hành một phiên bản khác của G3 với RAM 2GB và bộ nhớ trong 16GB. Phiên bản với cấu hình yếu hơn sẽ có giá giảm xuống khoảng 3 triệu đồng. Với mức cấu hình này, dù là phiên bản 2GB RAM hay 3GB RAM, G3 vẫn có thể chạy tốt với những ứng dụng hoặc tựa game nặng như Asphalt 8.

Điểm số đo được của G3 với bài test Antutu

Sở hữu màn hình 2K với mật độ điểm ảnh cao, thời lượng pin là vấn đề mà nhiều người muốn sở hữu LG G3 lo ngại. Trong điều kiện thử nghiệm, khi chỉ dùng G3 để lướt web qua WiFi và chụp ảnh với mật độ cao trong vòng khoảng 3 tiếng đồng hồ, dung lượng pin của máy giảm xuống còn khoảng 55%. Với tốc độ tiêu thụ pin này, pin 3.000 mAh của G3 có thể cung cấp cho người dùng sử dụng thoải mái trong khoảng một ngày. Trong trường hợp sử dụng máy với thời lượng hạn chế hơn, việc kéo dài thời gian hoạt động của máy sang đến một nửa ngày thứ 2 là điều hoàn toàn có thể. Bên cạnh đó, với pin được thiết kế rời thay vì liền khối như G2, người dùng cũng có thể hoàn toàn yên tâm trong việc sắm sửa thêm một viên pin dự phòng cho máy.

G3 chính hãng với nắp lưng giả da được tặng kèm theo máy

Kết luận

Nhìn một cách tổng thể, G3 là một sản phẩm chất lượng của LG trong năm nay. Cùng với M8 của HTC, đây là mẫu điện thoại hiếm hoi cho thấy sự cách tân và đổi mới đến từ nhà sản xuất trong năm 2014. Tuy nhiên, với mức giá 15.99 triệu đồng, tức là ngang ngửa với giá bán của M8 và Xperia Z2, thật khó để có thể chỉ ra đâu là sự lựa chọn tốt nhất cho những người muốn sở hữu một chiếc điện thoại cao cấp.

Với những người thiên về tính năng chụp ảnh trên điện thoại, một chiếc smartphone như One M8 sẽ là sự lựa chọn tốt hơn. Còn đối với những ai thích sự tiên phong của LG và hướng tới sự cân bằng, phiên bản rẻ hơn của LG G3 với giá bán chỉ 12.99 triệu đồng sẽ là một sự lựa chọn hợp lý hơn cả.

Hiện nay cả phiên bản 32GB và 16GB của LG G3 đều đang được phân phối tại các cửa hàng thuộc hệ thống của Hoàng Hà Mobile với mức giá rẻ hơn một chút so với giá thị trường.

Đọc thêm: Trên tay LG G3 chính hãng tại Việt Nam: màn hình 2K, giá 14 triệu đồng

Hưng Bếu

Tag:

LG G3

LG