Đánh giá laptop

Đánh giá ASUS Pro Series BU400A: Mỏng nhẹ cho doanh nhân

Điểm mạnh nhất của chiếc máy này chính là thiết kế tuyệt vời, mức độ mỏng nhẹ có thể sánh với Ultrabook,trong khi vẫn còn đó đầy đủ chất doanh nhân.


 

Tổng quan

ASUS chỉ giỏi làm dòng bình dân và chơi game, đó là nhận định của đa phần người dùng, đặc biệt là người dùng trong môi trường doanh nghiệp. Tuy nhiên đó chỉ là vì những dòng máy đó được ASUS làm quá tốt mà thôi, chứ không phải những dòng máy khác của họ tồi!

Thật vậy, đa phần các mẫu máy của ASUS đều có cấu hình tốt, thậm chí là rất tốt so với giá tiền. Chỉ với khoảng 16 triệu đồng, bạn đã có thể mua một mẫu máy tính xách tay dòng bình dân của ASUS với cấu hình Core i7, 8GB RAM, card màn hình rời tương đối mạnh, trong khi những dòng giải trí của các hãng như Sony hay HP giá có thể lên tới hơn 20 triệu đồng là chuyện thường.  So với một dòng máy giá rẻ tương đường và cũng có cấu hình mạnh tương đương là Dell Inspirion chẳng hạn thì các dòng máy ASUS luôn mát mẻ hơn, sử dụng điện năng hiệu quả hơn.

Tuy nhiên một nhà sản xuất chưa thể trở thành một nhà sản xuất lớn nếu không có những dòng máy được đánh giá cao cho môi trường chuyên nghiệp cao như môi trường doanh nghiệp/chuyên gia. Đó là lý do mà Lenovo quyết tâm mua lại thương hiệu Thinkpad, còn các hãng HP và Dell cũng rất chú trọng đến những dòng máy doanh nhân và WorkStation của mình. Điểm yếu của ASUS chính là ở đây: họ chưa có một dòng máy thật sự rõ ràng, định vị trong tâm trí của người tiêu dùng.

Và dòng ASUS B, với sản phẩm mà hôm nay chúng ta đánh giá, chiếc BU400A, là một trong những đáp án cho vấn đề này của ASUS. Được định giá nhắm vào phân khúc doanh nhân tầm trung (có thể coi là ở giữa dòng Small Bussiness và dòng Business truyền thống), chiếc máy này có đầy đủ những đặc điểm của dòng máy doanh nhân như đầu đọc vân tay kết hợp chip bảo mật TPM tăng khả năng bảo đảm an toàn cho dữ liệu, công nghệ chống sốc 3 chiều cho ổ cứng tăng khả năng sống sót của dữ liệu, nhưng lại được trau chuốt về thiết kế để hướng tới sự thanh thoát, mỏng nhẹ. Đây hiện đang là xu thế của thị trường máy tính xách tay hiện nay.

Thiết kế

Thiết kế của ASUS Pro Series BU400A thật sự rất “sexy”. Một anh bạn đồng nghiệp của người viết bài khi vừa nhìn thấy chiếc máy này chỉ còn biết nói “máy này giá bao tiền?”. Điều đó đủ cho bạn biết được rằng chiếc máy này có mức độ “nóng bỏng” rất cao.

ASUS BU400A với mức độ thu hút về thiết kế rất cao

Phần khung máy được làm từ nhôm nguyên khối, một tiêu chuẩn “bất thành văn” cho các dòng máy doanh nhân thời gian gần đây . Cầm chiếc máy này trên tay luôn có cảm giác mát lạnh.

Máy rất mỏng, chưa đạt đẳng cấp như Ultrabook, nhưng phải nói là đủ sức để làm những quý cô cũng phải cảm thấy hài lòng. Tuy nhiên, máy vẫn nặng hơn chuẩn Ultrabook, một phần vì vẫn dùng ổ cứng đĩa quay truyền thống (phần lớn nguyên nhân là từ đây), ngoài ra cũng là vì máy hoàn toàn làm từ kim loại.

Mặt trên của máy làm từ sợi carbon siêu bền, có khả năng chịu lực ép lớn, được phủ một lớp sơn bóng chống trầy (tuy nhiên vì bóng nên nó không chống được vân tay như lớp vỏ của Zenbook), các đường vân chìm của kim loại tạo một cảm giác rất sang trọng, tuy nhiên, cũng tùy gu của người dùng, có người sẽ thích vân nổi như của Zenbook hơn. Ở giữa mặt này là logo ASUS được dập nổi, như “thói quen” mọi khi của nhà sản xuất này. Dù sao thì việc bám vân tay vẫn là một điểm trừ tương đối lớn của hệ thống vỏ máy, và bạn nên trang bị một chiếc khăn lau mềm nếu muốn giữ chiếc máy của mình luôn luôn bóng bẩy và “sạch sẽ”.

Mặt trên của máy được phun một lớp sơn bóng chống trầy với những vân kim loại chìm rất bắt mắt

Mặt dưới của máy do làm từ nhôm nguyên khối nên khi ấn xuống hoàn toàn không có hiện tượng móp (điều mà ASUS đã chứng mình bằng việc thử nghiệm với các thiết bị chuyên biệt) và chắc chắn là có công năng bảo vệ tốt hơn nhiều những mặt lưng làm từ nhựa ở các dòng máy bình dân. Phần loa được đặt ở mặt dưới này, và nhìn vào kích thước màng loa rất khiêm tốn như thế này thì chúng tôi từ đầu đã không kỳ vọng gì về một hệ thống âm thanh chất lượng cao.

Mặt lưng làm từ nhôm nguyên khối, chắc chắn và tản nhiệt tốt

Việc bố trí các khe tản nhiệt của ASUS luôn rất hợp lý, và ở chiếc máy này thì họ đã đẩy các khe tản nhiệt ra phía sau phần bản lề, cộng với việc đặt một vài khe thông khí ở mặt dưới máy, với mục đích đẩy luồng khí nóng ra những nơi mà người dùng không cảm thấy khó chịu. ASUS rất tự tin vào khả năng tản nhiệt và sử dụng điện năng hợp lý của hệ thống, và trên thực tế thì kết quả khá khả quan, như chúng tôi sẽ đề cập ở phần “Nhiệt độ”.

Khe tản nhiệt hướng gió nóng ra vị trí không gây khó chịu cho người dùng

Phần màn hình của máy có viền khá dày, với mục đích không gì khác nhằm bảo vệ tốt hơn. Thực chất thì khung máy này có thể đảm bảo được việc fit vừa màn hình đến 15 inch, nhưng chắc chắn một màn hình với viền mỏng sẽ có khả năng sống sót khi bị va đập thấp hơn nhiều màn hình này.

Phần gây ấn tượng nhất trong quá trình sử dụng chiếc máy này với người viết chính là phần bản lề máy. Chưa đọc bất kỳ thông tin giới thiệu sản phẩm nào của ASUS, người viết cũng đã biết đây là một bản lề có chất lượng rất cao. Việc mở máy ở một chiếc máy nhẹ thế này cứ tưởng phải dùng đến 2 tay, nhưng nhờ có độ nhạy rất tốt của bản lề mà người viết có thể dễ dàng mở máy chỉ cần dùng 1 tay. Thứ nữa là khi có tác động đến phần màn hình, thì bản lề cũng thể hiện khả năng giữ cố định rất tốt ,nhanh chóng đưa màn hình về chế độ cố định.

Một điều mà người viết hơi khó hiểu ở chiếc BU400A này, đó là việc ASUS “kiên quyết” giữ 2 đường viền rất rộng ở 2 bên bàn phím mà không bố trí thêm 1 vài cụm phím chức năng (như phím bât/tắt wifi, phím tắt/bật loa chẳng hạn), hoặc làm chuyển luôn hệ thống loa ra các vị trí này, điều đó sẽ khiến phần thân máy đỡ đơn điệu hơn.

Về việc bố trí các cổng giao tiếp, người viết đã phát ngấy với việc tất cả các nhà sản xuất luôn đặt 2 cổng USB quá sát nhau, khiến việc cắm 1 lúc 2 thiết bị lưu trữ USB là gần như không thể nếu không có dây nối dài, và ASUS cũng không phải là một nhà sản xuất dám phá bỏ “xu thế” rất trái khoáy này.

Tại sao 2 cổng USB luôn phải nằm sát nhau????

Dù sao thì, thiết kế vẫn là điểm mạnh nhất của chiếc máy này, và e rằng không ít người dùng khi vừa nhìn thấy chiếc máy này sẽ có cùng cảm tưởng với cậu bạn của người viết: “chiếc máy này phải là của mình”.

Hiển thị

Các dòng máy doanh nhân thường không cần một khả năng hiển thị quá xuất sắc, vì doanh nhân thường chỉ làm việc với những con số và văn bản, cùng lắm là biểu đồ, họ hiếm khi có thời gian xem phim hay chơi game trên những chiếc máy tính của mình. Tuy nhiên kể cả như vậy thì màn hình của BU400A vẫn khá tệ.

Điểm tệ nhất, điểm trừ lớn nhất của màn hình này là nó quá tối. Người viết tưởng màn hình của chiếc Probook 4530 đã là tối, nhưng màn hình của B400 thậm chí còn tối hơn, thậm chí lần đầu sử dụng, người viết còn tưởng rằng thiết bị này đang ở chế độ tiết kiệm năng lượng! Độ sáng thấp khiến cho việc sử dụng thiết bị này ngoài trời là khá bị hạn chế, kể cả khi màn hình này là màn hình nhám giúp giảm khả năng bị lóa đi chăng nữa.

Thứ hai, đó là màn hình này bị ám (có vẻ là ám sang màu xanh) khá nặng, một phần là vì độ sáng thấp khiến cho phần tử màu có nhiệt độ cao nhất trong dải màu tái tạo màu trắng bị thể hiện hơi quá đà (màu xanh). Việc ám màu này sẽ không quá nghiêm trọng với các văn bản đen – trắng, nhưng với việc xem phim hay xem ảnh thì có lẽ sẽ gây một chút phiền hà cho người dùng.

Màn hình của BU400A tối và bị ám màu xanh

Thứ ba, cũng là một điểm trừ cuối cùng, màn hình này có độ phân giải khá thấp, chỉ 1366x768 pixel. Với xu thế càng ngày càng “HD hóa” như hiện nay thì màn hình này sẽ sớm không đáp ứng được yêu cầu của người dùng. Độ phân giải thấp khiến hình ảnh hiển thị không được sắc nét cho lắm, cộng với việc văn bản đôi khi bị rỗ.

Màn hình độ phân giải thấp nên có thể dễ dàng nhìn thấy từng pixel

Điểm cộng đối với màn hình này là nó có góc nhìn rất tốt, kể cả từ 2 bên và từ trên xuống (nhìn từ dưới lên thì góc nhìn không được tốt cho lắm).

Tóm lại, với nhu cầu doanh nhân thì chiếc máy này có thể tạm đáp ứng được phần “nhìn”.

Audio

Như chúng tôi đã nói ở trên, với việc màng loa rất bé như thế này thì đòi hỏi một chất lượng âm thanh cao là gần như không thể.

Phần loa được thiết kế một diện tích rất "khiêm tốn"

Và thực tế đã chứng minh dự đoán của chúng tôi là đúng. Âm lượng của bộ loa này chấp nhận được, nhưng các tầng âm chưa được tách biệt, nhất là âm bass thì hơi đuối, một vấn đề mà hầu như bất kỳ bộ loa trên máy xách tay nào cũng gặp phải (do thiếu cục bass riêng).

Nói chung là nếu bạn là một audiophile thì không nên sử dụng những bộ loa trên máy tính xách tay, trừ những dòng máy giải trí cao cấp, và giải pháp đơn giản nhất là mua một chiếc tai nghe tầm giá khoảng trên dưới 1 triệu đồng là có thể có chất lượng âm thanh vượt qua mọi bộ loa tích hợp này.

Nhập liệu

Bàn phím BU400A là một điểm sáng, có lẽ là một bàn phím tốt nhất trong tầm giá này (nếu không kể các sản phẩm từ Lenovo). Hành trình phím rất vừa vặn, phím nảy rất êm, và độ cong của các phím rất vừa đủ. Soạn thảo hay code trên chiếc máy này thực sự rất thoải mái. Tuy nhiên, có vẻ không gian hơi thừa thãi nên các phím được giãn cách nhau khá xa, ai chưa quen (như người viết) sẽ gặp khá nhiều lỗi khi mới sử dụng. Điển hình có thể kể đến là hệ thống phím chức năng (F1 đến F12) và tiêu biểu nhất là phím xược  được làm lớn một cách bất thường.

Bàn phím của máy tuy có cảm giác rất tốt nhưng vẫn tồn tại điểm yếu

Phần touchpad của máy thì lại làm người viết “hơi hơi” thất vọng, đó là nó chỉ có 1 cụm phím trái/phải ở phía dưới, trang bị thường thấy ở những dòng máy doanh nhân cấp thấp hơn. Mặc dù mức giá chưa cao đến tầm doanh nhân trung cấp, nhưng nếu BU400 được trang bị 2 cặp phím sẽ tạo cho người dùng có cảm giác thoải mái hơn khi sử dụng.

Touchpad có cảm giác sử dụng rất "khoái"

Trải nghiệm sử dụng touchpad này thì lại rất tốt. Độ nhám của bề mặt cảm ứng vừa phải, giúp việc thực hiện các thao tác kéo,thả, pinch-to-zoom, lướt bằng 2 ngón, 3 ngón,.. rất mượt mà nhưng không bị quá trơn dẫn đến hệ thống không kịp xử lý (người viết đã gặp hiện tượng này trên chiếc Elitebook của mình). Các phím chuột trái/phải cũng rất êm, và hành trình phím vừa đủ, tạo cảm giác thoải mái khi sử dụng.

Thời gian gần đây touchpad của các máy ASUS được làm rất tốt, và chiếc BU400A lại tiếp tục truyền thống này.

Phần camera đạt chuẩn HD, và không có gì đáng nói. Chất lượng hình ảnh chấp nhận được cho các cuộc gọi video.

Webcam có chất lượng trung bình

Kết nối

Về số lượng kết nối của BU400A thì có thể dùng từ “vừa đủ” chứ chưa thế nói là “tốt”. Chiếc máy có đầy đủ những kết nối tiêu chuẩn của 1 máy tính xách tay ở thời điểm hiện tại: 3 cổng USB 3.0, khe cắm thẻ nhớ SD, jack RJ45, jack HDMI, cổng VGA out.

Bằng này kết nối có lẽ vẫn hơi thiếu

Thế nhưng tiêu chuẩn ấy chỉ là áp dụng cho các máy tính xách tay cho người dùng phổ thông, còn với những máy tính dòng doanh nhân thì thế vẫn còn là hơi ít. Chúng tôi đề xuất thêm một cổng Displayport và một khe cắm thẻ Express Card, và nếu có thêm một cổng eSATA 3.0 thì là tuyệt vời nhất. Có vẻ hơi tham lam nhưng đó là những trang bị thường thấy trên những dòng máy doanh nhân, phân khúc mà chiếc BU400A này hướng tới: Displayport giúp xuất ra nhiều màn hình hoặc 1 màn hình độ phân giải cao, đây là một chuẩn cao cấp hơn chuẩn HDMI rất nhiều, eSATA 3.0 sẽ cho phép cắm các thiết bị như ổ cứng di động hay các thiết bị như ổ đĩa quang dễ dàng hơn, còn Express card sẵn sang cho những card kỹ xảo hoặc trang bị thêm các tính năng khác cho người dùng doanh nhân.

Về kết nối không dây thì BU400 hỗ trợ kết nối Wifi chuẩn a/b/g/n với công nghệ WiDi giúp chia sẻ dữ liệu giữa những máy trạm thuộc cùng một mạng không dây dễ dàng hơn. Chưa có sự xuất hiện của chuẩn 802.11ac, có lẽ phần cứng cho công nghệ này vẫn chưa phổ biến nên chỉ mới được trang bị trên những thiết bị cao cấp nhất. Chuẩn Bluetooth 4.0 mới nhất cũng đã được ASUS tích hợp, giúp việc truyền dữ liệu với các thiết bị thông minh như Smartphone hay Tablet nhanh hơn nhiều lần chuẩn 3.0. Mặc dù không hy vọng lắm nhưng người viết vẫn tìm kiếm một khe cắm SIM 3G built-in và.. không thấy.

Để có một độ mỏng đáng mơ ước, BU400 đã phải hy sinh nhiều tính năng cao cấp. Tuy nhiên, nếu không có những nhu cầu cao như trình diễn hình ảnh chất lượng cao hơn chuẩn HD, hay sử dụng các ổ cứng gắn ngoài tốc độ cao có giá "trên trời", chắc bạn sẽ vẫn thấy những kết nối tiêu chuẩn trên chiếc máy này là đủ dùng.

Hiệu năng

Hiệu năng thường và  luôn luôn không phải là thế mạnh của những dòng máy tính dành cho doanh nhân (xin đừng nhầm lẫn với dòng máy trạm workstation). Do đó chúng tôi không quá kỳ vọng vào hiệu năng của BU400A. Dưới đây là một vài kết quả thử nghiệm mà chúng tôi ghi nhận qua quá trình test máy.

CPU và GPU của máy

Đánh giá của Windows

Điểm đánh giá tổng thể hiệu năng PCMark 11

Điểm đồ họa - Khá thấp

Tốc độ ổ cứng khá tốt nếu xét trong dòng ổ cứng 5400rpm


Điểm CPU

Nhìn chung hiệu năng của BU400A là ở mức trung bình so với phân khúc máy tính xách tay cho doanh nhân, và nó đáp ứng đủ các nhu cầu văn phòng cũng như giải trí cơ bản. Tất nhiên sẽ là hiệu năng máy sẽ tốt hơn đáng kể nếu như sử dụng phiên bản có ổ cứng SSD, tuy nhiên các phiên bản ở thị trường Việt Nam đều không có option này để giảm giá thành.

Nhiệt độ

Thật khó tin về sự mát mẻ mà ASUS đã tạo ra ở mẫu máy doanh nhân này của họ. Suốt cả thời gian dài, mặc dù chạy khá nhiều phép thử bench mark, tuy nhiên nhiệt độ của máy vẫn cực kỳ mát mẻ. Điều này có được hẳn là do CPU Core i5 tiết kiệm điện năng mà ASUS trang bị cho BU400A, cùng với thiết kế bảng mạch hợp lý để tối ưu hóa lượng không khí lưu thông trong khoang máy.

Test nhiệt độ hệ thống sau 15 phút chạy Furmark, vẫn khá mát mẻ

Hãy tin tôi, nếu không để máy lên đùi, thì chắc hẳn bạn sẽ phải chạy một phép benchmark cực mạnh như Furmark mới có thể cảm nhận được hơi ấm từ chiếc máy này. Phần chiếu nghỉ tay cũng như phần bàn phím luôn luôn có một sự mát mẻ đáng ngạc nhiên, vì toàn bộ nhiệt lượng được dồn vào phía mặt dưới. Có chăng khi sử dụng trong một thời gian dài, phần chiếu nghỉ tay bên trái hơi ấm lên do đó là khu vực đặt đĩa cứng, thành phần duy nhất vẫn chưa thực sự hoàn hảo ở thiết kế tản nhiệt của chiếc máy này.

Pin

Trái với hiệu năng, thời lượng dùng pin của laptop doanh nhân được chú ý hơn rất nhiều. Cũng là điều dễ hiểu, vì với những người bận rộn và thường xuyên đi đến những địa điểm công cộng, thì họ sẽ không có hứng thú mang theo cả chiếc adapter nặng nề.

Pin của chiếc B400 không thuộc dạng dễ dàng tháo/lắp (do thiết kế nguyên khối của vỏ máy), có dung lượng 53Wh nhưng cho thời gian dùng khá tệ. Máy có thể chạy liên tục khoảng hơn 8h nếu như để chế độ tiết kiệm và chỉ soạn thảo văn bản thông thường. Nếu sử dụng ở cường độ trung bình (lướt web, màn hình để mức 60% độ sáng), thì máy chạy được khoảng 6h trước khi phải cắm sạc, còn chạy full load thì chỉ được hơn 2 giờ. Đây là một mức sử dụng tương đối tệ vì nếu xét về thời lượng dùng pin khi Idle/khi sử dụng trung bình thì các đối thủ của B400 đều tốt hơn, cụ thể

-                      Elitebook Folio 9470m đạt 11h/7h30

-                      Latutude 6430u đạt 12h/7h30

-                      Thinkpad X1 Carbon đạt 9h/7h

Tất nhiên mức giá của những chiếc máy này có cao hơn chiếc BU400 (thậm chí còn rất nhiều), tuy nhiên về dung lượng pin cũng như cấu hình thì những chiếc máy này không khác nhiều, do đó có vẻ như hệ thống của ASUS vẫn chưa thực sự được tối ưu về khả năng tiết kiệm năng lượng, mà lỗi lớn nhất chắc chắn thuộc về ổ đĩa cứng từ truyền thống, trang bị mà ASUS hiện chưa có option khác ở thị trường Việt Nam.

Phần mềm

BU400A được cài đặt sẵn phiên bản Windows 8 64bit OEM và một số phần mềm hỗ trợ từ Intel cũng như từ ASUS. Trong đó phải kể đến Intel Small Bussiness Advantages là trung tâm, cung cấp các tính năng hỗ trợ người dùng doanh nhân như: xác thực bằng sinh trắc (vân tay), mã hóa dữ liệu dựa trên chip TPM được tích hợp, chống sốc ổ đĩa cứng,…. Tuy nhiên phải nói là những phần mềm này hầu hết chưa phải “gà nhà” của ASUS mà mới là sự “góp nhặt” từ nhiều nguồn khác nhau và chưa có đầy đủ những tính năng mà người dùng cần đến.

Trong lĩnh vực này có lẽ ASUS sẽ cần nghiêm túc hơn, khi những phần mềm của họ không thực sự là "gà nhà", trong khi những hãng khác có những bộ phần mềm phát triển riêng từ lâu như ProtectTools (trên dòng doanh nhân của HP) hay ControlPoint Security Manager (trên dòng doanh nhân của Dell).

Ai sẽ mua chiếc máy này?

Thật khó để ép buộc những người đang dùng, đang tận hưởng sự thoải mái và tiện nghi (tất nhiên là cả một phần vì thương hiệu nữa) trên những chiếc Thinkpad T, Thinkpad X hay những chiếc Elitebook/Latitude chuyển sang sử dụng dòng máy này. Thế nhưng những người dùng trẻ, đặc biệt là những người chưa bao giờ sử dụng dòng máy doanh nhân, muốn một chiếc máy mỏng, đẹp, nhưng vẫn đáp ứng các tiêu chí về chất lượng của một người làm kinh doanh, thì BU400A là một chiếc máy hấp dẫn. 

Kết luận

Điểm mạnh:

  • Kiểu dáng cực kỳ sexy, mỏng nhẹ nhưng vẫn chắc chắn
  • Hệ thống tản nhiệt cực tốt
  • Bàn phím ổn
  • Màn hình có góc nhìn tốt

Điểm yếu:

  • Màn hình hơi tối
  • Các phím khoảng cách hơi xa
  • Phần mềm đi kèm chưa thực sự hữu ích
  • Không có SSD
  • Thiếu một số cổng kết nối cao cấp

Xem thêm: Trên tay ASUS B400A: Ultrabook cho doanh nhân 

Thanh Hải