Giải trí

Đàm Vĩnh Hưng tức tốc chia sẻ cách cứu giúp miền Trung, CĐM xôn xao vì nghĩ đến Thủy Tiên, Mỹ Tâm

Mới đây, vào chiều ngày 16/10, Đàm Vĩnh Hưng bất ngờ đăng tải một dòng trạng thể hiện quan điểm của mình về việc cứu trợ mùa lũ.

Cụ thể, nam ca sĩ đăng tải trên trang cá nhân như sau: “Ngay lúc cấp bách thấy bài viết hay ,,ý nghĩa, chuẩn xác do fans gửi nên chưa kịp tìm tác giả để xin phép copy! 

Cũng là vì miền Trung! Mong tác giả ko thấy phiền nhé! Vì bạn nói đúng ! Và bạn cũng muốn nhiều người biết điều đúng đó! Nên H xin phép đăng lại nha!

Hưng cũng đồng ý ! Vì H rất thực tế! Hưng là trao hẳn tiền mặt là nhanh gọn lẹ! Để bà con xử lý đúng nhu cầu của họ ! Xe đoàn này nối đuôi đoàn kia! Thêm một khoản chi phí xe cộ vận chuyển nữa! 

"XIN MỌI NGƯỜI HÃY HẠN CHẾ TẶNG MÌ TÔM"

Tôi sinh ra và lớn lên ở Miền Trung, không cần phải giới thiệu thêm vì trong tâm trí mọi người, khi nói về Miền Trung người ta thường hay sử dụng luôn cả cụm từ “MT lũ lụt”; “khúc ruột MT”; “MT oằn mình trong bão lũ”. Khi tôi nói với bạn bè rằng: “Quê tao ở Miền Trung” thì lập tức tụi nó tự hiểu rằng: Tao biết rồi, quê mày nghèo, đất đai cằn cỗi, gió lào cắt trắng. Trồng trọt, chăn nuôi đều khó khăn. Hàng năm thường xuyên gánh chịu bão, lụt, hạn hán, phải đập đi làm lại nhiều lần. Tụi mày sống cần kiệm, chịu khó và để đạt được những thứ bình thường như bao người khác, tụi mày phải vượt qua nhiều rào cản và nỗ lực hơn người ta gấp nhiều lần…

Những ngày qua, khúc ruột Miền Trung mong manh nhưng can trường ấy lại một lần nữa oằn mình chống chọi với tình trạng lũ chồng lũ, nước lên rồi lại dừng, dừng rồi lại lên mà chưa có hồi kết. Biết bao câu chuyện thương tâm đã xảy ra: Sản phụ ở Huế trên đường đi sinh nở bị chìm ghe, con chưa kịp chào đời thì cả mẹ lẫn con thiệt mạng. Hai mẹ con ở Quảng Nam dọn nhà sau lũ bị điện giật tử vong; lại là Quảng Nam, hai em bé 13 và 15 tuổi đi lội nước, trượt chân và bị nước lũ cuốn trôi … Tính đến 17h ngày 12/10/2020 đã có hơn 40 người thiệt mạng và mất tích, hàng chục ngàn ngôi nhà bị ngập sâu, chưa thể thống kê hết số km đường giao thông bị sạt lở, rất nhiều địa phương bị cô lập, chia cắt hoàn toàn. Người dân vũng lũ đang rất cơ cực trong cảnh ngập úng, không có điện, không có nước sinh hoạt, không ti vi, báo đài, không có chiếu sáng vào ban đêm, điện thoại hết pin, lương thực, thực phẩm ướt hoặc bị trôi, không có chỗ nấu nướng, nơm nớp lo âu … xót xa lắm, thương lắm.

Nhân dân cả nước đang hướng về Miền Trung ruột thịt, đây đó trên khắp các diễn đàn, các hội nhóm, các tổ chức đoàn thể… người ta đang kêu gọi, bàn bạc, quyên góp chung tay góp sức ủng hộ đồng bào Miền Trung. Đã có các mạnh thường quân, các tổ chức, cá nhân không quản ngại gian lao và hiểm nguy, xộc thẳng vào vùng lũ để cứu trợ giúp đỡ bà con vượt qua hoạn nạn, tấm lòng của quý vị đáng trân quý vô cùng. Đây chính là lúc phát huy tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Tự hào thay, trong bão lũ, thiên tai lại thấy lòng dân căng tràn lai láng, đoàn kết đùm bọc nhau.

Tuy nhiên, vẫn còn đó một vài lấn cấn. Khi một gia đình, 1 xóm làng bị nước lũ chia cắt, thực phẩm thiếu thốn, 1 gói mì tôm sẽ giải quyết được cơn đói nhanh chóng và hiệu quả nhất. Mì tôm là thứ rất tiện lợi trong chế biến, trong vận chuyển trên ghe xuồng, trong việc phân phát đến tay người dân vì nó không thấm nước, bảo quản được lâu, có thể ném từ xa đến tay người dân nếu gặp tình huống khó tiếp cận. Thế nhưng không biết từ lúc nào, rất nhiều chương trình thiện nguyện, cứu trợ lũ lụt đã mặc định trở thành chương trình phát mì tôm???

Năm 1999, trong khi Tôi đang đi học cấp 3 trên thị xã, ở quê tôi xảy ra trận lũ lịch sử. Tôi vượt 25km đường ngập lụt về đến nhà thấy Mạ tôi đang ngồi thu lu trên bàn ăn mì tôm (vì nước ngập cả ghế) bên cạnh là 3-:-4 thùng mì tôm chồng lên nhau. Tôi hỏi: Nhà mình vẫn còn gạo, một mình Mạ ăn uống được bao nhiêu mà nhận mì tôm nhiều thế? Mạ tôi trả lời: Mạ ăn không hết thì đem cho bà con chòm xóm, các đoàn từ thiện người ta đều phát mì tôm, mình không nhận thì phụ tấm lòng của họ. Chợt thấy chạnh lòng và hoang mang! ai vừa làm từ thiện cho ai vậy? Lần “từ thiện” mà tôi nhớ nhất trong cuộc đời là gần 10 năm trước, lúc còn công tác tại huyện nghèo Phước Sơn, Quảng Nam, cuối tuần hoặc lúc rãnh rỗi Tôi thường vượt gần 30km đường HCM để đi tắm tại con suối nước nóng còn khá hoang sơ, nghịch lý ở chỗ ngôi làng sở hữu con suối “triệu đô” ấy là một bản làng nghèo xơ xác. Mỗi lần đi tắm suối, chúng tôi mang theo một vài ổ bánh mì nhân thịt phòng khi tắm xong thường hay đói bụng. Một hôm, Tôi vừa đi vừa gặm bánh mì thì gặp 1 em nhỏ (5-6t) người đồng bào thiểu số, em ấy đứng ngay trước mặt, nhìn tôi chăm chăm, ánh mắt ngại ngùng và chờ đợi. Tôi hiểu ánh mắt ấy, nhưng đây là ổ bánh mì cuối cùng, lại đang cắn dở. Trong quan niệm của Tôi, việc cho ai đó một món đồ đang ăn dở dang có khi trở thành 1 sự xúc phạm. Sau vài giây bối rối, Tôi chọn cách ngồi xuống và nói với cậu bé: Con có muốn cùng ăn bánh mỳ với chú không? Cậu gật đầu lia lịa và cầm lấy ½ ổ bánh mì, ánh mắt cậu vụt sáng lên. Có thể ai đó không hiểu, nhưng đối với 1 cậu bé sống ở bản làng cách thị trấn 20km đường rừng thì ổ bánh mì nhân thịt là một thứ xa xỉ phẩm. Ngay lúc này, cậu bé thể hiện rất rõ ràng về việc cậu muốn có thứ đó. Chỉ có Tôi ngại ngần không dám cho đi vì chính cái rào cản xuất phát từ quan niệm của cá nhân mình. Tôi nhận ra rằng, cho cái người ta thực sự cần sẽ đáng trân quý biết bao so với đem cho cái mà mình nghĩ là họ cần.

Trong điều kiện lũ lụt, dầm nước nhiều ngày, giao thông cách trở, chợ búa ngưng trệ, người dân vùng lũ họ đang cần gì?

1. Áo phao, Đèn pin, Radio xài pin: Radio để tiếp nhận thông tin lụt bão khi không có tivi, internet, điện thoại. Trong trường hợp nước lũ dâng lên lúc nữa đêm, trời tối đen như mực, một bộ Áo phao + Đèn pin có thể làm tăng khả năng sống sót cho cả 1 gia đình. Nếu mỗi người dân vùng lũ đều có áo phao thì sẽ tránh được rất nhiều câu chuyện thương tâm xảy ra.

2. Nước sạch: Hầu hết nông thôn hiện nay sử dụng nước giếng khoan, lũ lụt, cúp điện đồng nghĩa với việc thiếu nước sạch để ăn, uống.

3. Lương thực: Gạo, muối, dầu ăn, nước mắm, gia vị, đường, sữa, bánh chưng, lương khô, các loại thực phẩm chế biến sẵn bảo quản được lâu như món muối thịt ruốc sả, cá khô, mắm…

4. Dược phẩm, thuốc men: Các loại thuốc không kê đơn: Thuốc trị nấm ngứa ngoài da, thuốc đau bụng, thuốc cảm sốt; Dầu gió; Cloramin B (để khử trùng nước); Xà bông diệt khuẩn, xà phòng giặt, xà bông tắm… Vì sau lũ lụt thường kéo theo dịch bệnh.

5. Những sản phẩm vệ sinh cho phụ nữ, trẻ em: Kotex, Dạ hương, Bỉm tả… (rất cần thiết).

6. Quần áo, chăn đắp, áo đi mưa, giày dép, ủng cao su.

7. Một số nhu cầu khác: Tôn để lợp lại mái nhà, vật liệu xây dựng để tái thiết sau lũ, máy bơm nước, ghe xuồng… Nếu được hãy trao cho họ một ít tiền mặt, rất thiết thực để xây dựng lại cuộc sống.

Mong các tấm lòng hảo tâm, các mạnh thường quân khi đi làm từ thiện: Hạn chế tặng mì tôm nếu không thực sự cần thiết. Đừng xác lập các phần quà theo kiểu Combo gói sẵn, hãy chịu khó tìm hiểu xem người dân họ có gì, họ cần gì, mang giá trị trao đúng nơi, đúng nhu cầu, đúng người và đúng hoàn cảnh.

Hãy vì mỗi hoàn cảnh cần giúp đỡ thật sự mà chia sẻ và hỗ trợ phù hợp. Nhân dân vùng lũ họ khổ lắm, thế nên nhận được sự quan tâm động viên dù nhỏ vẫn quý báu, ấm lòng, trân trọng lắm nhưng nếu được hỗ trợ đúng nhu cầu thì sẽ tốt hơn biết nhường nào.

Là một người con của vùng lũ Bình Trị Thiên, thay mặt xóm giềng, 

Nguồn : Nguyễn Phước Nhâm (Sài Gòn, 13/10/2020)”

Theo đó, ‘ông hoàng nhạc Việt’ thể hiện sự đồng tình với một bài viết cho rằng các mạnh thường quân nên hạn chế tặng mì gói khi cứu trợ cho bà con miền trung mà thay vào đó nên nghiên cứu những món quà phù hợp với hoàn cảnh cần được giúp đỡ.

Bên cạnh một số ý kiến đồng ý, dòng trạng thái của Đàm Vĩnh Hưng đã gây ra không ít tranh cãi. Nhiều người cho rằng quan điểm trên đụng chạm đến rất nhiều người đang cố gắng tới tâm lũ để trao những gói mì tôm đến cho bà con miền Trung như: Mỹ Tâm, Thủy Tiên….

Không ít ý kiến cho rằng quan điểm này chỉ dựa trên lý thuyết còn thực hành thì rất khó đặc biệt là trong những thời điểm bà con cần chi viện ngay lập tức thì những hành động cứu trợ nhanh chóng cho dù đó chỉ là một gói mì tôm cũng rất quý giá. Điều đáng nói là ở giai đoạn người dân miền trung đang bị cô lập, không thể đi lại như hiện thì mì tôm là một trong những ‘vật phẩm’ thiết yếu.

Một số bình luận còn lấy việc Thủy Tiên đi làm từ thiện để ví dụ: “Tác giả nói rất đúng nhưng trong thời điểm này không thể nấu cơm mỳ tôm là thứ thiết yếu nhất để sống lúc này, giống như Thủy Tiên làm hiện tại là mì tôm gạo, dầu gió, thuốc men khi hết lũ có thể là giúp họ bằng cách xây nhà cầu và các thứ khác.”, “Hỗ trợ lúc cấp bách nó khác,bài viết như vậy nghe thì hay lắm nhưng tác giả nên cộng trừ nhân chia để xem giải hết bài toán này thì cần những gì?cần có tổ chức,cần có kế hoạch,cần có con người phân chia nhiệm vụ để sâu sát tình hình,cần có hoạt động...vv và vv.. thử hỏi làm tốt hết được ko? Sách vở mà thôi....”, “Tiền thì rất cần và lúc nào cũng cần anh, nhưng đang bão lụt không ai buôn bán, nên lương thực là cần nhất trong lúc này, đợi bão rút mình hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết khác và tiền sửa nhà cửa,cầu đường này nọ.”

Tuy nhiên, chia sẻ của Đàm Vĩnh Hưng cũng chỉ có ý mang tính đóng góp xây dựng, hướng đến miền Trung chứ không hề đả động đến công việc từ thiện của bất kỳ nghệ sĩ nào. Đàm Vĩnh Hưng cũng khẳng định chờ vài ngày hết cảm, anh sẽ đích thân vào miền trung để cứu trợ bà con.

Trong nhiều ngày qua, một loạt nghệ sĩ trong đó nổi bật là Thủy Tiên đã gây xúc động mạnh mẽ khi kêu gọi quyên góp được 30 tỷ đồng, vào miền trung, lội đến từng nhà để trao tiền, quà tặng bao gồm: mì tôm, bánh sữa, nước, dầu gió đến tận tay bà con. Mới đây, Mỹ Tâm cũng gây bất ngờ khi đăng tải hình ảnh cô phát mì tôm, bánh cho các bà con Quảng Nam.

 

Thủy Tiên đổ bệnh sau khi nhận được 40 tỷ tiền ủng hộ, tiết lộ tình trạng hiện tại, khiến CĐM xót xa

(Techz.vn) Sau hai ngày lội nước cứu trợ bà con miền Trung, Thủy Tiên đã gặp một số vấn để về sức khỏe.