Doanh nghiệp

Đại gia taxi số 1 Việt Nam hụt két 900 tỷ: Kêu khóc tại ai bây giờ?

Mới đây, TAND TP.HCM đã lùi ngày xét xử vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam, được đưa ra vào đầu năm nay. Phiên tòa đã tạm hoãn vì Grab còn đang lấn cấn ở phương thức định giá mức độ thiệt hại.

Theo đơn khởi kiện của Vinasun, trong thời gian qua hoạt động của Grab đã gây thiệt hại cho những công ty taxi truyền thống như Vinasun bằng những phương thức cạnh tranh không lành mạnh. Theo đó, Vinasun yêu cầu Grab đền bù khoản lợi nhuận 41 tỷ đồng sụt giảm trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017.

Hàng trăm tài xế kéo đến chờ đợi kết quả phiên tòa Vinasun kiện Grab

Như vậy, Vinasun vẫn phải tiếp tục chờ đợi kết quả chính thức từ phiên tòa. Nhưng trong thời gian chờ đợi từ khi đâm đơn kiện đến nay, hãng taxi truyền thống số một Việt Nam này tiếp tục duy trì hoạt động một cách trầy trật.

Báo cáo tài chính quý II của Vinasun cho thấy, doanh thu hợp nhất trong 6 tháng đầu năm nay chỉ còn hơn 1.000 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 1.900 tỷ đồng trong năm ngoái. Mặc dù hãng đã chuyển hướng kinh doanh nhượng quyền, nhưng cũng không đủ bù đắp cho khoản doanh thu này “bay” đi không chỉ vì cắt giảm tài xế. Số lượng tài xế mà Vinasun báo cáo “thiệt hại” trong đợt này lên đến 8.000 người.

Kết quả chung cho thấy lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh vận tải lỗ 23,5 tỷ đồng (năm ngoái lời 100 tỷ đồng). Cũng may, lợi nhuận từ việc bán quảng cáo và bán xe cũ hơn 50 tỷ đồng đã kéo được Vinasun đỡ “ngại” với các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Cuộc kiện tụng về mức độ thiệt hại này trên thực tế không chỉ ở Vinasun hay Grab, mà là câu chuyện của công ty “taxi truyền thống” bị ảnh hưởng bởi một công ty “taxi công nghệ”, vốn cũng đang gây tranh cãi nhiều trên thế giới.

Áp lực doanh thu của Vinasun ngày càng lớn

Trước đó, hồi tháng 3, liên doanh ComfortDelgro Savico Taxi (quy mô khoảng 400 xe) phải sáp nhập vào Vinataxi sau 13 năm hoạt động. Mai Linh cũng hoạt động chật vật tương tự với Vinasun khi phải cắt giảm tài xế, đưa về mô hình hợp tác nhượng quyền, cố gắng giảm chi phí về mức tối thiểu và cân đối dòng tiền.

Các hãng taxi truyền thống như Vinasun gặp những trở ngại lớn. Theo các chuyên gia, taxi truyền thống nhiều năm bị mắc kẹt trong mô hình hoạt động của chính mình với đặc thù chi phí cao. Đó là chi phí vận hành, quản lý tài xế, vay vốn ngân hàng để sở hữu xe. Ngược lại, các hãng taxi công nghệ thì chỉ có tung tiền để khuyến mãi, tài xế thì gọi là đối tác, họ tự vay tự trả tiền ngân hàng để mua xe.

Không kiểm soát tốt chi phí là một điểm hạn chế lớn đối với các mô hình truyền thống. Điều càng đáng lo ngại hơn nếu nhìn vào Vinasun trong năm nay, khi chi phí bán hàng và chi phí quản lý không giảm về con số tuyệt đối, cho dù doanh thu đã giảm hơn 47%.

Dịch vụ taxi từng chiếm 86% doanh thu nay chỉ còn 43%, ở mức tương đương so với hình thức nhượng quyền kinh doanh

Thống kê của Vinasun cho thấy khoản định giá tài sản cố định (xe) là khoảng 3.700 tỷ đồng. Con số này gần bằng với số tiền (được cho là khoảng gần 4.000 tỷ đồng) mà Grab đã đổ vào thị trường Việt Nam trong các chương trình khuyến mãi từ trước đến nay để giật lấy thị trường. Trong đơn kiện của mình, Vinasun cũng tố Grab khuyến mãi thì thoải mái, còn mình thì phải đăng ký trước với Sở Công Thương.

Không chỉ taxi truyền thống mà cả thị trường taxi công nghệ gần đây cũng có những biến động lớn. Ngay sau khi Uber sáp nhập vào Grab ở khu vực Đông Nam Á, rồi lần lượt các “anh tài” mới như Go-Viet (Indonesia) và các ứng dụng Việt mới nổi lên gần đây tuyên bố nhảy vào như VATO của Phương Trang, hay Fastgo.

Tuy nhiên, số phận của các ứng dụng đặt xe phụ thuộc vào số tiền mà các đại gia chịu chi là bao nhiêu. Các hãng taxi truyền thống cũng có ứng dụng riêng của mình, nhưng gần như là mất hút vì khó có thể chi tiền đậm để hút tài xế hay khách hàng.

Theo: Vietnamnet 

 

Go-Viet cử người ra lề đường tiếp nhận tài xế Grab đăng ký tại Hà Nội

(Techz.vn) Vì lượng tài xế đến đăng ký đông, Go-Viet tại Hà Nội đã bố trí cả nhân viên đứng ra lề đường tiếp nhận. Phần lớn người đến đăng ký từng chạy GrabBike.