Đã có 5 người chết do bão Haiyan, trong đó có 1 phóng viên ở Quảng Ngãi tử nạn khi đang tác nghiệp.
Tuy bão chưa đổ bộ vào nhưng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong ngày 9/11 đã có 2 người chết. Nạn nhân được xác định là ông Nguyễn Hoa (57 tuổi, ở phường Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ). Ông Hoa bị tử vong khi đang trèo chặt tỉa cây phòng bão, không may bị ngã.
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Hiền (thôn Mỹ An, xã Đại Quang, Đại Lộc) tử vong do bị rơi từ mái nhà khi đang chèn chống phòng tránh bão.
Đã có hơn 30 người bị thương phải nhập viện điều trị cũng do bất cẩn ngã từ mái nhà. Nặng nhất là trường hợp anh Phan Sỹ Tình (27 tuổi, xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ), bị rơi từ mái nhà với độ cao gần 5m xuống dưới đất lúc 10h sáng 9/11 bị chấn thương nặng ở đầu.
Chiều 9/11, gần 2.000 người dân xã Tam Thanh, Tam Tiến chủ yếu là người già, người tàn tật, phụ nữ và trẻ em đã được UBND Thành phố Tam Kỳ sơ tán tránh bão tại trường Đại học Quảng Nam và trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật.
Tại tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng có 1 người chết do bão Haiyan. Tỉnh Quảng Ngãi có 2 người tử vong do bão, trong đó có một phóng viên tử nạn trong lúc tác nghiệp. Nạn nhân được xác định là chị Nguyễn Thị Hồng Sen, sinh năm 1986, phóng viên của Đài truyền thanh huyện Đức Phổ.
Sáng 10/11, thân nhân gia đình đã chuẩn bị an táng cho chị Sen. Được biết, trước đó, vào tối 9/11, trong quá trình đi nắm thông tin tại các xã trong huyện để phản ánh việc triển khai phòng chống siêu bão Haiyan, trên đường trở về cơ quan chị Sen bị tai nạn giao thông, tử vong sau đó.
Tính đến 5h ngày 10/11, các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên đã thực hiện sơ tán, di dời 174.582 hộ/602.838 người. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Ninh Bình dự kiến sáng nay 10/11 sẽ tổ chức di dời. Các tỉnh, thành phố Nam Định, Hải Phòng họp Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh trong sáng 10/11 và quyết định phương án di dời dân.
"Nếu để dân chết vì lơ là chủ quan là trách nhiệm thuộc về chúng ta", Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. Ảnh: Nguyễn Đông/VNE |
Trước đó, chiều 9/11, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong quá trình đi thị sát các tỉnh miền Trung đã nhận định bão Haiyan đang tiến sát bờ, dù chưa biết tỉnh nào sẽ là tâm bão nhưng tuyệt đối không được chủ quan.
"Kiên quyết di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm trước 19h ngày 10/11. Thuyết phục không được thì phải cưỡng chế", Phó Thủ tướng nói.
"Tinh thần 4 tại chỗ rất quan trọng. Các lực lượng quân đội, công an, thanh niên, hải quân,… sẵn sàng cứu nạn, cứu hộ. Trường hợp cần thiết phải dùng xe thiết giáp và máy bay", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng, sau bão sẽ là lũ, đặc biệt nguy cơ sau bão Haiyan sẽ xảy ra lũ lớn. Phó Thủ tướng chỉ đạo các địa phương thường xuyên thông tin đến người dân, quản lý chặt chẽ việc thủy điện xả lũ; quản lý việc đi lại của người dân sau bão, tuyệt đối không để người dân đói, thiếu thuốc chữa bệnh và sống cảnh màn trời chiếu đất.
"Dân có thể không chết do bão nhưng chết do lũ nên tuyệt đối không thể để tâm lý chủ quan. Nếu để dân chết do lơ là thì trách nhiệm thuộc về chúng ta", Phó Thủ tướng nói.
Mời bạn xem thêm: Cha bất lực nhìn con bị siêu bão Haiyan cuốn trôi
Hồng Long (VTC)