Báo Mới

Cựu điều tra viên 'mổ xẻ' diễn biến tâm lí của BS Tường

Là người có nhiều năm công tác trong lĩnh vực điều tra trọng án, Thiếu tá Đào Trung Hiếu đã phân tích sâu sắc diễn biến tâm lí tội phạm của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường trong vụ ném xác bệnh nhân xuống sông.

Căn cứ xác đáng về địa điểm BS.Tường vứt xác nạn nhân

Thưa anh, vụ bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường ném xác bệnh nhân Lê Thị Thanh Huyền xuống sông Hồng, sau hơn 20 ngày vẫn chưa tìm thấy xác. Là người có nhiều năm công tác trong lĩnh vực điều tra trọng án, anh có nhận thấy điều gì bất thường ở đây? Anh suy nghĩ như thế nào về giả thuyết như đối tượng đã cắt rời các bộ phận trên thi thể nạn nhân trước khi ném xác “phi tang”?

Trước tiên, tôi muốn gửi lời chia sẻ những đau thương, mất mát với gia đình nạn nhân, đồng thời bày tỏ sự cảm phục tinh thần làm việc tận tụy, quên mình vì nhân dân của đồng đội cũ, tại Đội điều tra trọng án 1 – Phòng Cảnh sát Hình sự - CATP Hà Nội.

Theo tôi biết, ròng rã hơn 20 ngày qua, CBCS của Đội cùng gia đình nạn nhân và các đơn vị chức năng, chưa giờ phút nào ngừng nghỉ công cuộc tìm kiếm nạn nhân Huyền. Việc tìm thấy thi thể chị Huyền không chỉ là sự động viên, phần nào xoa dịu nỗi đau của thân nhân gia đình, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong công tác điều tra, truy tố, xét xử vụ án. Bởi vậy, CATP Hà Nội đã hạ quyết tâm thực hiện đến cùng công việc tìm kiếm.

Tuy nhiên, cho đến giờ, những nỗ lực đó chưa mang lại kết quả mong muốn, vì vẫn chưa tìm thấy xác chị Huyền. Điều này đã gây ra nhiều suy đoán, những giả thuyết khác nhau về việc “phi tang” của bác sĩ Tường.

Trên báo và các mạng xã hội, người ta đưa ra rất nhiều nhận định, rằng có thể ông Tường đã chặt xác nạn nhân thành nhiều bộ phận rồi ném xuống sông; rằng địa điểm vứt xác chưa chắc đã phải là sông Hồng. Thậm chí, mấy hôm nay, dư luận lại “nóng” lên, bởi nhận định của một vị tướng, cho rằng nạn nhân bị móc nội tạng, nhét vật nặng vào trong nên xác không thể nổi trên mặt nước…

Tôi cho rằng, những giả thuyết đó không có cơ sở. Căn cứ tài liệu vật chứng đã thu thập được, cùng lời khai của các nghi can, thấy việc bác sĩ Tường và đồng phạm khai đã ném xác nạn nhân xuống sông Hồng đoạn chảy qua cầu Thanh Trì là có căn cứ.

Đến nay, chưa có tài liệu nào phản ánh giữa chị Huyền và bác sĩ Tường có quan hệ quen biết hoặc mâu thuẫn thù tức với nhau từ trước. Do đó, về bản chất, sự việc chỉ đơn giản là việc chị Huyền đến thẩm mĩ viện Cát Tường để làm đẹp, rồi xảy ra tai nạn dẫn đến hành vi ném xác “phi tang” của bác sĩ Tường. Nhận thức như thế, mới có thể đưa ra những suy đoán tiệm cận với thực tế.

Đánh giá quĩ thời gian từ lúc nạn nhân chết, đến lúc ông Tường “phi tang”, là một quá trình liên tục, tương đối ngắn, trạng thái tâm lí của đối tượng là hoảng loạn, có thể dùng từ “quẫn trí”, nên tôi cho rằng, bác sĩ Tường không có đủ bình tĩnh, không có đủ thời gian để “phân kim” thi thể nạn nhân như các giả thuyết đã nêu.

Mặt khác, nếu đặt ra vấn đề ông Tường đã cắt rời nạn nhân ra nhiều bộ phận, thì hiện trường hủy xác đó ở đâu?. Tại đó đương nhiên sẽ để lại những dấu vết máu. Ngoài ra, dấu vết còn có thể để lại trên xe ô tô trong quá trình vận chuyển thi thể, tại vật dụng, quần áo của đối tượng... Trong khi đó, hoạt động khám xét, khám nghiệm hiện trường... đều không phát hiện có những dấu vết này. Vì vậy, khả năng đối tượng “giải phẫu” thi thể nạn nhân trước khi phi tang có thể được loại trừ.

Cần nhớ, trước hôm xảy ra vụ án trời mưa tại nhiều địa phương, nên lưu lượng nước trên sông Hồng khá lớn, tốc độ dòng chảy nhanh, mạnh. Vì vậy, tôi thiên về khả năng xác nạn nhân đã bị trôi xa khỏi địa điểm ban đầu, trước khi sự việc được phát hiện.

Việc tổ chức tìm kiếm thi thể nạn nhân bằng các biện pháp thủ công đến nay chưa có kết quả, theo tôi cũng không có gì đặc biệt. Có nhiều vụ hung thủ vứt con dao, cái búa, khẩu súng…là hung khí gây án xuống ao hồ, mà việc tìm kiếm còn rất khó khăn, qua rất nhiều ngày tháng mới thấy. Quá trình điều tra đến nay chưa có bất cứ tài liệu nào để bác bỏ lời khai của các nghi can về địa điểm ném xác nạn nhân.

Động cơ phi tang xác nạn nhân chỉ là để che giấu sai trái trong mở thẩm mĩ viện

Việc một bác sĩ “phi tang” xác bệnh nhân là việc bất thường, hi hữu, vì đi ngược lại chuẩn mực đạo đức, quy tắc nghề nghiệp. Theo anh, nguyên nhân, động cơ nào khiến bác sĩ Tường lại có hành động như trên? Tâm lí tội phạm, theo anh, đã diễn biến như thế nào?

Trước hết, cần hiểu động cơ là cái thúc đẩy bên trong ý thức, tâm lí khiến một người thực hiện một hành động nào đó. Căn cứ tài liệu điều tra, xác định giữa chị H. và bác sĩ Tường không có quan hệ nào khác, ngoài quan hệ bác sĩ - bệnh nhân. Đây là căn nguyên, điểm xuất phát của những vấn đề phát sinh sau này.

Đến nay, chưa có tài liệu nào đủ sức bác bỏ lời khai của bị can Tường và đồng phạm, về việc chị Huyền đã đến đó làm đẹp (giải phẫu nâng ngực) sau đó bị chết. Sau những nỗ lực cấp cứu bệnh nhân không thành và xác định chị Huyền đã chết, thay vì báo cáo cơ quan chức năng và gia đình nạn nhân, ông Tường đã chở xác đi phi tang. Việc làm này của ông Tường, theo tôi đánh giá chỉ nhằm mục đích để che giấu hoạt động dịch vụ y tế chưa được cấp phép của ông này.

Từ thực tiễn công tác điều tra các vụ trọng án, chúng tôi nhận thấy, tội phạm thường có một diễn biến tâm lí chung, đó là: “lỡ” làm cái này thì phải làm cái khác. Như một đối tượng “lỡ” thực hiện hành vi hiếp dâm, khi bị nạn nhân chửi bới, đe dọa tố cáo, vì sợ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, hung thủ đành giết nạn nhân để bịt đầu mối.

Có thể ban đầu, ý định giết người không có trong đầu hắn. Với diễn biến tâm lí đó, có thể suy đoán trong sự việc này, vì “lỡ” mở thẩm mĩ viện trái phép, “lỡ” phẫu thuật để bệnh nhân chết, nhận thấy nếu để xác bệnh nhân nằm đấy, nguy cơ bị phát hiện xử lí, đi tù là rõ ràng. Trong khoảng thời gian cực ngắn, ông Tường đã nảy sinh ý định ném xác “phi tang” để trốn tội.

Hành động diễn ra trong tình thế quẫn bách, tâm lí sợ hãi cao độ, rõ ràng là mang tính chống chế đối phó. Ngoài ra, rất có thể ông Tường không biết việc “phi tang” xác bệnh nhân phạm vào tội “xâm phạm thi thể” và phải gánh chịu những hậu quả pháp lí.

Tôi có suy nghĩ bất cứ ai cũng có thể mắc sai lầm. Việc làm của ông Tường đã bị nhiều đồng nghiệp trong nghề y phê phán là “hồ đồ”, “dại dột”. Tôi nghĩ sự “tàn nhẫn” không phải là thuộc tính tâm lí của vị bác sĩ này, cũng như của những người làm công việc y tế cứu người. Sự việc vừa qua do nhất thời manh động, bột phát. Tuy nhiên, thời gian qua có nhiều thông tin trên các mạng xã hội, các báo mạng mô tả ông Tường như một “quỷ dữ” khoác áo blouse, rồi từ đó phê phán ngành y tế với nhiều từ ngữ nặng nề…

Tôi cho rằng cần một cái nhìn khách quan, toàn diện và đúng mực. Không nên vì một hiện tượng, một số hiện tượng tiêu cực mà quy thành bản chất. Nhân việc một người, “chửi” cả ngành là phiến diện, không công bằng, vô hình trung xúc phạm đến các y bác sĩ chân chính khác.

Không khởi tố về tội "giết người" là đúng!

Mặc dù chưa tìm thấy xác nạn nhân nhưng với những chứng cứ thu thập được và lời khai nhận tội của các bị can, đã có đủ cơ sở để định tội hay chưa? Anh nhận định gì về tội danh đã áp dụng để khởi tố ông Nguyễn Mạnh Tường? Tại sao không khởi tố ông này về tội “Giết người”?

Tôi hoàn toàn nhất trí với các tội danh cơ quan CSĐT –CATP Hà Nội đã khởi tố đối với ông Tường. Với hai tội danh như cơ quan CSĐT đã khởi tố thì dù tìm được hay chưa tìm được thi thể nạn nhân, cũng không ảnh hưởng đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, vì đây là những lỗi đã rất rõ ràng của ông Tường.

Có người thắc mắc cần phải khởi tố ông Tường về tội "Giết người” theo Điều 93 – Bộ luật Hình sự. Khoa học luật hình sự định nghĩa tội giết người là: “Hành vi cố ý tước đoạt sinh mạng của người khác một cách trái pháp luật”.

Đối chiếu với vụ án này, thấy sự kiện chị Huyền đến thẩm mĩ viện Cát Tường để làm đẹp dẫn đến tử vong, xảy ra là nằm ngoài ý muốn của ông Tường. Vì hai bên không có mâu thuẫn thù tức gì trước đó, nên có thể thấy ông Tường không có động cơ nào để giết hại chị Huyền. Mặt khác, tài liệu điều tra phản ánh, khi thấy chị Huyền có biểu hiện nguy kịch, ông Tường đã triển khai các biện pháp cấp cứu nhưng không thành công. Do đó, đến nay chưa có căn cứ nào để khởi tố ông Tường về tội giết người.

Tuy nhiên, khi tìm thấy xác nạn nhân, giả sử trên thi thể có dấu vết thương tích do ngoại lực tác động, hoặc có căn cứ xác định chị Huyền bị vứt xuống sông khi chưa chết, thì câu chuyện lại rẽ sang hướng khác. Tạm thời tính đến thời điểm hiện nay, việc khởi tố ông Tường về các tội danh nêu trên là thỏa đáng và có căn cứ, thể hiện sự chắc chắn, thận trọng tối đa của cơ quan điều tra. Việc thay đổi tội danh khi có căn cứ của một tội khác, sẽ không có gì là khó khăn và hoàn toàn thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra.

Xin cảm ơn anh!

Mời các bạn xem thêm thông tin về vụ trọng án: TMV Cát Tường vứt xác phi tang.