Cuộc đời trái ngang của ‘nữ hoàng sân khấu’ và vụ ám sát chấn động nhất làng giải trí Việt
Người nghệ sĩ tài hoa, tài sắc
Sinh năm 1942 tại Tây Ninh trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, cha của cố nghệ sĩ Thanh Nga (tên thật là Nguyễn Thị Nga) là Nguyễn Văn Lợi và mẹ là Nguyễn Thị Thơ, tức là bà bầu Thơ, trưởng đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga vang tiếng một thời. Thừa hưởng được một dòng máu nghệ sĩ nóng chảy trong người, từ bé Thanh Nga còn có cơ hội tiếp cận với nghệ thuật sân khấu cải lương khi có mẹ là trưởng một đoàn hát nổi tiếng.
Từ năm 8 tuổi, Thanh Nga đã được bước lên sân khấu với vai diễn Nghi Xuân trong vở cải lương Phạm Công Cúc Hoa, được khán giả vô cùng yêu mến và đặt biệt danh là "Thần đồng cải lương". Có dưỡng phụ là nghệ sĩ Năm Nghĩa làm bầu gánh cho sân khấu Thanh Minh nên từ lúc 10 tuổi, Thanh Nga bắt đầu ca vọng cổ phụ họa và rất thành công.
Năm 1958, Thanh Nga mang về giải thưởng triển vọng Thanh Tâm vô cùng danh giá vì được mẹ ưu ái cho lên sân khấu chính thức lần đầu tiên với vai Phà Ca trong vở Người vợ không bao giờ cưới với nhan sắc đậm chất Á đông sang trọng, quý phái. Người trong nghề đánh giá Thanh Nga có chất giọng và phong cách diễn xuất đặc biệt. Bằng giọng ca mùi mẫn đầy cảm xúc, bà quyến rũ khán giả bởi sự biến hóa khi thanh thoát, khi day dứt cũng có lúc bi ai nhưng rất chân phương. Từ đó, cộng đồng người hâm mộ bắt đầu chú ý đến cái tên Thanh Nga.
Dần dần, Thanh Nga nhận ra đam mê làm nghề thực thụ của mình bên cạnh danh vọng và sự hào nhoáng của ánh đèn sân khấu để tiếp tục vào các vai diễn trong các vở như Khói sóng tiêu tương, Xử án Bàng quý phi, Phụng Nghi Đình… đưa tên tuổi của bà lên như diều gặp gió.
Từ năm 1969, Thanh Nga bắt đầu tham gia phim ảnh ngoài cải lương, bà trở thành một trong những diễn viên điện ảnh đại diện miền Nam tham dự Liên hoan phim Á châu tại Đài Bắc năm 1971, giải Diễn viên xuất sắc nhất tại Đại hội Điện ảnh Á châu tổ chức năm 1974 cũng tại Đài Bắc (Đài Loan) với vai cô gái Huế trong phim Nắng chiều, là đại diện gương mặt nữ duy nhất trong đoàn tham dự Đại hội Điện ảnh Ấn Độ năm 1969.
Chuyện tình yêu là một chuỗi những thăng trầm
NSƯT Thanh Nga được nhiều người biết đến như một mỹ nhân của Sài Gòn chứ không chỉ nổi tiếng bởi tài năng thiên bẩm trong lĩnh vực sân khấu. Bà sở hữu một vẻ đẹp rất đặc biệt với gương mặt thanh tú, đôi mắt thu hút cùng nụ cười duyên dáng. Bao người say mê Thanh Nga cũng chỉ bởi chính nét yêu kiều, quý phái này.
Tuy nhiên, sự ái mộ đó lại đem lại rất nhiều phiền toái cho Thanh Nga. Từng có rất nhiều người đàn ông giàu có tỏ tình với bà bằng cách đem nhiều thứ vật chất đến trước mặt bà: nhẫn kim cương, đồ đạc tiện nghi hay thậm chí xây cho bà cả một cái rạp hát mới nhưng đều bị bà từ chối vì không thích cách thể hiện tình cảm bằng quyền lực và tiền bạc.
Thanh Nga cũng từng không đáp lại tình cảm của nghệ sĩ Thành Được sau khi ông chia tay nghệ sĩ Út Bạch Lan. Để chinh phục cho bằng được Thanh Nga, ông đã đeo đuổi và dùng cả thế lực ngoài đời. Khi ấy nhiều người còn nói cuộc hôn nhân đẹp của Thành Được với nghệ sĩ Út Bạch Lan tan vỡ là do sự xuất hiện của Thanh Nga.
Nhưng cuối cùng, Thanh Nga lại quyết định rời xa ông để lập gia đình bởi khi hai người đã nên duyên thì Thành Được lại mải mê đuổi theo những hình bóng giai nhân khác. Những tưởng đó chỉ là lời đùa của người đàn bà ghen tuông ngờ đâu Thanh Nga quyết tuyệt tình, sau đó nhanh chóng kết hôn với một sĩ quan của chế độ ngày ấy như một sự "trả thù tình". Do không giấy giá thú nên cuộc hôn nhân ấy tan rã chóng vánh dù được tổ chức đám cưới linh đình.
Trong chuyện tình yêu, cuộc đời Thanh Nga là một chuỗi những thăng trầm. Đến khi bà gặp và lấy ông Phạm Duy Lân, dường như bến đỗ hạnh phúc đích thực dành cho bà mới xuất hiện. Có thể nói đó là một mối tình định mệnh. Trong lần cùng đoàn Bộ Thông tin đi lưu diễn tại Pháp, Thanh Nga gặp Luật sư Phạm Duy Lân. Trước nhan sắc và sự dịu dàng của Thanh Nga, ông Lân đã bị "sét đánh". Bằng cách hết sức quan tâm, săn sóc, ông Lân âm thầm bày tỏ tình cảm với Thanh Nga. Cảm động trước tấm chân tình của ông Lân, Thanh Nga đã đồng ý làm vợ ông sau chuyến đi ấy.
Vụ ám sát kinh hoàng làm chấn động làng giải trí Việt
Sau khi kết hôn với Luật sư Phạm Duy Lân, Thanh Nga sinh được một con trai là Phạm Duy Hà Linh (nay là nghệ sĩ Hà Linh). Trở về thiên chức của một người mẹ khi rời xa ánh đèn sân khẩu, dù gia đình nhiều người giúp việc, nhưng bà vẫn không an tâm mà luôn tự tay chăm sóc con từ những việc nhỏ nhất như pha sữa, cho con ăn... Đi diễn ở đâu, bà cũng mang theo con trai đi cùng.
Nhưng dường như, người nghệ sĩ tài danh ấy sinh ra là để toả sáng trên sân khấu chỉ trong thời khắc ngắn ngủi của đời người. Ngay trước cửa nhà ở đường Ngô Tùng Châu (hiện tại là đường Lê Thị Riêng, quận 1, TP.HCM), vợ chồng bà Nguyễn Thị Nga đã bị phát súng nghiệt ngã cướp đi tính mạng khi bà bước sang tuổi 36 và đang ở trong lúc thời kỳ hoàng kim trong sự nghiệp. Lúc bấy giờ, vụ ám sát đã gây chấn động xã hội. Sau khi được Công an TP.HCM điều tra ra, hung thủ đã sa lưới. Ban đầu đối tượng khai nhận rằng chỉ có kế hoạch bắt cóc con trai của nghệ sĩ Thanh Nga và việc nổ súng vào hai vợ chồng bà là ngoài ý muốn.
Người dân cả thành phố không khỏi bàng hoàng trước cái chết của người nghệ sĩ tài sắc vẹn toàn và phẫn nộ với hung thủ. Hàng nghìn người đã rơi nước mắt tiễn đưa Thanh Nga. Trên mộ bà trong mỗi ngày giỗ rất nhiều năm sau vẫn có những bông hoa lạ đặt ở đó. Hoa của những người hâm mộ vô danh vẫn luôn yêu mến, nhớ thương Thanh Nga.
Các thế hệ về sau vẫn luôn gìn giữ, trân trọng những vai diễn của bà, biến chúng trở thành gia tài vô giá của nghệ thuật cải lương Việt Nam dù chủ nhân đã mất đi. Nhà nước cũng đã truy tặng danh hiệu NSƯT cho Thanh Nga vào năm 1984. Tên bà còn được đặt cho một con đường thuộc khu dân cư Gia Hòa, phường Phước Long B, quận 9, TP.HCM vào năm 2015.
Hồi ức kinh hoàng về vụ ám sát chấn động làng cải lương 42 năm trước
(Techz.vn) - Dù đã 42 năm trôi qua nhưng khi nhắc lại vụ ám sát thương tâm của gia đình NSƯT Thanh Nga “nữ hoàng” sân khấu cải lương lúc bấy giờ không ít người phải rùng mình.