Nhịp sống số

Công nhân lắp iPhone ở TQ ồ ạt nghỉ việc, Huawei có thể thay thế?

Công nhân lắp iPhone ở TQ ồ ạt nghỉ việc, Huawei có thể thay thế?

Một ngày thứ bảy bình thường tại Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam. Bầu trời phía trên nhà máy Foxconn hôm nay mù, nhiều mây. Phía dưới, hàng dài công nhân đang đi ra khỏi nhà máy.

Điều kiện làm việc tại nhà máy lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới giờ khá tệ, khi mà nhu cầu iPhone giảm đi khiến công nhân làm việc ít hơn, và do đó thu nhập của họ cũng giảm đi. Đi kèm với đó là nhiều chính sách khác đã bị bỏ. Xe buýt nội bộ trong khu ký túc của công nhân đã không còn, và nhiều người phải đi bộ tới 40 phút mới về được đến phòng của mình.

Việc làm ít đi, dịch vụ tăng giá

Thông thường cứ tới dịp Tết Âm lịch, xe buýt nội bộ sẽ tạm ngưng phục vụ. Dù vậy, năm nay công nhân đã quay trở lại làm việc lâu rồi mà dịch vụ này vẫn không có. Những tiện ích nho nhỏ khác cũng không còn nữa. Dịch vụ giặt miễn phí đã dừng từ đầu năm, công nhân phải trả 7 tệ (khoảng 24.000 đồng) cho mỗi lần giặt, còn sấy quần áo cũng mất 18 tệ (62.000 đồng). Thu nhập của công nhân vào khoảng 2.000-3.000 tệ.

Công nhân của Foxconn tại nhà máy Trịnh Châu xếp hàng để làm thủ tục nghỉ việc. Đây là nhà máy lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới. Ảnh: SCMP.

Nhà máy tại Trịnh Châu chỉ là 1 trong 45 nhà máy của Foxconn tại Trung Quốc, được mở vào năm 2010. Là cơ sở sản xuất iPhone lớn, bên ngoài nhà máy còn có cả chi cục hải quan để rút ngắn tối đa thủ tục xuất khẩu iPhone. Đặc khu thương mại này được tạo ra để hàng hóa nhập về không phải đóng thuế, trong khi hàng hóa sản xuất ra thì được giảm thuế giá trị gia tăng.

Hơn 100.000 công nhân làm việc và sống tại đây, nhưng lúc đông nhất, vào năm 2014, con số này lên tới 300.000. Dù vậy, mọi thứ có vẻ đang ngày càng khó khăn với iPhone khi lượng iPhone bán ra giảm mạnh từ giữa năm 2018.

Điều này ảnh hưởng tới cả tỉnh Hà Nam. Foxconn là công ty đóng góp nhiều nhất cho kim ngạch xuất khẩu của tỉnh này. Theo số liệu của bộ Thương mại Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu điện thoại di động tại Hà Nam, trong đó phần lớn được lắp ráp tại nhà máy Foxconn, chiếm tới 38,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Theo thông tin từ hải quan thành phố Trịnh Châu, kim ngạch xuất khẩu di động trong tháng 1/2019 giảm 23,7% so với năm ngoái.

Thông báo được dán tại ký túc xá của công nhân, cho biết dịch vụ giặt, sấy sẽ không còn miễn phí từ tháng 1/2019. Ảnh: SCMP.

Đầu tháng 1/2019, CEO Tim Cook của Apple cảnh báo doanh thu quý cuối năm của Apple có thể giảm, với lý do là nhu cầu mua iPhone tại Trung Quốc giảm và trên khắp thế giới số người nâng cấp điện thoại cũng giảm. Từ thời điểm có giá cao nhất vào tháng 10/2018, tới nay cổ phiếu của Apple đã giảm 25% giá trị.

Năm 2018, khi Foxconn Industrial Internet, bộ phận sản xuất và điện toán đám mây của Foxconn được niêm yết trên sàn chứng khoán Thượng Hải, thông tin niêm yết cho thấy khoảng 20-30% doanh thu của công ty đến từ “một thương hiệu Mỹ nổi tiếng”, rõ ràng là nói tới Apple.

Khoảng hơn 20 công nhân được SCMP phỏng vấn cho biết lương của họ đã giảm từ cuối năm ngoái, một điều chưa bao giờ xảy ra. Một người cho biết giai đoạn sản xuất cao điểm năm ngoái chỉ kéo dài khoảng 20 ngày, khiến cho thu nhập của anh giảm từ 4.000 tệ vào tháng 10 xuống còn 3.000 tệ (tầm 10 triệu đồng) trong tháng 11/2018.

Không chỉ Foxconn, nhiều nhà máy của Pegatron cũng đứng trước tình trạng thiếu việc làm, công nhân nghỉ việc. Ảnh: New York Times

Mọi năm, mùa sản xuất cao điểm thường bắt đầu vào tháng 8, 1 tháng trước khi Apple công bố thế hệ iPhone mới, và kéo dài từ 4-5 tháng.

“Tháng 9 năm ngoái, quản đốc nói với chúng tôi là Apple vừa đặt hàng sản xuất thêm 3 triệu chiếc iPhone 8 Plus. Chỉ mất khoảng 20 ngày là chúng tôi hoàn tất đơn hàng đó, bởi vì chúng tôi làm tới 18 giờ mỗi ngày, chia làm 2 ca và làm cả cuối tuần. Năm nay mùa cao điểm chẳng hề dài như mọi năm”, người công nhân này kể lại trên SCMP.

Lương cơ bản của công nhân tại nhà máy này vào khoảng 2.100 tệ, và sau khi trừ các chi phí thì họ còn khoảng 1.500 tệ. Thu nhập trung bình của công nhân tại Trịnh Châu năm 2018 vào khoảng 6.900 tệ.

Một công nhân khác cho biết cô gia nhập Foxconn từ năm 2015, kể lại vào mùa cao điểm mỗi tháng cô chỉ được nghỉ 2 ngày, và buộc phải tìm được 1 công nhân thời vụ làm cùng nếu muốn được làm thêm giờ. Những thời điểm khác trong năm, cô có tới 6 hoặc 8 ngày nghỉ 1 tháng.

“Năm 2017, chúng tôi sản xuất iPhone 8. Tôi vui lắm vì tôi được làm tới 11 giờ mỗi ngày và không hề nghỉ cuối tuần. Quản lý xưởng còn bắt chúng tôi làm nhiều hơn, thậm chí đi uống nước cũng phải vội vàng”, cô kể lại.

Năm nay, cô không còn phải tìm công nhân thời vụ như mọi năm.

‘Chúng tôi đã bỏ hết trứng vào một giỏ’

Theo Bloomberg, Foxconn sẽ cắt giảm chi phí sản xuất tới 20 tỷ tệ (khoảng 3 tỷ USD) trong năm 2019 khi đối diện với một năm “rất khó khăn và đầy cạnh tranh”. Con số này tương đương gần một nửa chi phí sản xuất của họ trong năm 2018.

Năm 2007, khi Foxconn đang tìm địa điểm đặt nhà máy, thị trưởng thành phố Trịnh Châu đã trực tiếp chỉ đạo để có thể thu hút công ty này. Nhờ sự xuất hiện của Foxconn, họ được phép xây dựng sân bay mới, đảm bảo hàng chục ngàn người lao động địa phương có việc làm. Đổi lại, Foxconn được ưu đãi rất nhiều: ký túc xá của công nhân được thành phố xây dựng cùng mức thuế ưu đãi.

Năm 2010, khi thỏa thuận chính thức được ký kết, một thành phố mới đã được dựng lên xung quanh nhà máy của Foxconn với bệnh viện, công trình ngầm, trường quốc tế và cả những trung tâm thương mại. Tất cả mọc lên ở vùng đất trước đây là đồng ruộng. 

Nhà máy của Foxconn tại Trịnh Châu được đặt trong một đặc khu thương mại, nhằm đảm bảo hàng hóa xuất ngoại nhanh nhất. Ảnh: SCMP.

Hàng trăm ngàn công nhân từ Hà Nam và các tỉnh khác đổ đến thành phố mới. Năm 2011, Trịnh Châu lọt vào bảng xếp hạng top 20 thành phố Trung Quốc về GDP.

Nhưng quãng thời gian tươi đẹp không kéo dài.

“Dường như chúng tôi đã bỏ hết trứng vào 1 giỏ. Hà Nam quá phụ thuộc vào xuất khẩu của Foxconn. Khi những đơn hàng ít đi, cả lực lượng lao động và kim ngạch xuất khẩu đều bị ảnh hưởng”, ông Liu Zhe, thành viên ban tư vấn kinh tế Hà Nam nhận xét.

Theo nhiều thông tin, đã có tới 50.000 công nhân Foxconn nghỉ việc từ tháng 10/2018, nhưng phần lớn công nhân nghỉ việc vì không được làm thêm giờ nữa. Hàng ngày, rất nhiều công nhân xếp hàng để hoàn tất thủ tục nghỉ việc. Một công nhân kể lại rằng mọi năm, vào mùa cao điểm có thể có tới 140 công nhân làm việc trên một dây chuyền, nhưng giờ con số đó chỉ còn khoảng 30 người

Foxconn có tổng cộng 45 nhà máy trên khắp Trung Quốc. Ảnh: EPA

Một người khác cho biết trong ứng dụng nội bộ của công ty, lượng người hoạt động thường xuyên đã giảm từ khoảng 150.000 người vào năm ngoái xuống chỉ còn 110.000 người ở thời điểm này.

Với lượng công nhân xin nghỉ việc quá cao, một người làm việc tại bộ phận nhân sự của Foxconn chia sẻ họ sẽ phải tuyển khoảng 50.000 công nhân trong 2 tháng nữa. Mỗi nhân viên Foxconn sẽ được thưởng 1.000 tệ nếu họ giới thiệu được 1 công nhân mới.

Mọi việc có thể tốt lên trong thời gian tới, khi Huawei đặt hàng một lô sản xuất mới, theo Thông tấn xã Đài Loan (CAN). Dù vậy, cả Huawei và Foxconn đều chưa xác nhận thông tin này.

“Chưa ai nói với chúng tôi thông tin gì, tôi chỉ biết sự thật là lương ngày càng thấp”, một công nhân làm việc tại Foxconn từ năm 2016 chia sẻ. 

Theo: Zing.vn 

 

Muốn dứt cũng không đành, Apple vẫn muốn Samsung cung cấp màn hình gập cho iPhone

(Techz.vn) Samsung sẽ cung cấp màn hình gập cho cả Apple và Google.