Nhịp sống số

Cơn khủng hoảng của RIM và bài học dành cho doanh nhân

Thêm một công ty lớn lại đang đứng bên bờ vực thẳm, lần này là công ty viễn thông đã khai sinh ra dòng điện thoại BlackBerry nổi tiếng: Research In Motion, hay còn được biết đến với cái tên RIM. Trong tuần vừa rồi, RIM đã công bố khoản lỗ lớn cùng việc phải cắt giảm bớt một lượng lớn nhân viên, đồng thời lùi lịch ra mắt mẫu smartphone BlackBerry mới của hãng.

 

Đây hoàn toàn là một đòn nặng nề giáng thẳng vào người đi tiên phong trong ngành sản xuất thiết bị di động này.

 

Song, cơn đại địa chấn không phải tự nhiên diễn ra mà là hậu quả tích lũy từ lâu sau tầng tầng lớp lớp các quyết định sai lầm của đội ngũ quản lý trong nhiều năm liên tiếp. Bài viết sau sẽ phân tích những nước đi sai lầm đó và kinh nghiệm mà các doanh nhân có thể học hỏi:

1. Phớt lờ đối thủ.

Còn ai nữa ngoài iPhone?

Phải nói rằng đây là sai lầm trí mạng nhất mà nhà sản xuất BlackBerry có thể mắc phải, và hiển nhiên là đã kéo theo vô số hệ lụy nghiêm trọng. Năm 2007, RIM bán được 20 triệu chiếc BlackBerry và có hơn 9 triệu thuê bao trên toàn cầu, công ty cho rằng mình đã hoàn toàn gạt bỏ mối lo ngại được gọi là “kẻ tiêu diệt BlackBerry”, tức Apple với sản phẩm sắp ra mắt lúc đó là iPhone.

Kết quả? Thị phần smartphone của BlackBerry trên toàn cầu tụt xuống còn 6,2% trong khi Apple chiếm 23% và lượng smartphone chạy Android chiếm đến 59%.

Bài học: Đừng bao giờ coi nhẹ đối thủ.

2, Phân tán quyền lực lãnh đạo.

Mãi cho đến đầu năm nay, RIM vẫn được quản lý bởi cả Mike Lazaridis và Jim Balsillie, người giữ chức co-CEO. Đồng thời có hai nhà lãnh đạo làm cho thủ tục trong công ty trở nên nhiêu khê và rắc rối, đặc biệt là có những kế hoạch cần có sự đồng thuận của cả hai người mới có thể tiến hành.

“Gần như không thể khi muốn được chấp nhận hoàn thành thứ gì đó,” – một nhân viên của RIM trả lời phỏng vấn – “Muốn đổi mới cũng bất khả thi.”

Thêm vào đó, phải nói thêm rằng cả Lazaridis và Balsillie đều không làm việc cùng văn phòng và hiếm khi gặp nhau trực tiếp cho đến những ngày cuối cùng.

Bài học: Một núi không thể có hai hổ. Quyền lực tốt nhất chỉ nên tập trung vào một cá nhân ở vị trí cao nhất.

3, Bảo thủ.

RIM đã chây ì quá lâu trong việc tạo ra một hệ thống thân thiện hơn với người dùng như iPhone và Android đều đã làm. Hiện tại, để kéo lại 1 tỷ $ cứu trợ, CEO tại nhiệm Thorsten Heins đang dự tính bán đi phân khu di động của công ty.

Bài học: Nói ra thì nghe rất dễ, nhưng làm thì không dễ chút nào. Hãy luôn sẵn sàng thay đổi khi cần thiết.

4, Phân tán sự chú ý vào những thứ không cần thiết.

Nếu kế hoạch lớn của bạn là phát triển công ty, vậy hãy đảm bảo giữ cho sự phân tán tư tưởng ở mức tối thiểu. Đối với RIM, rất tiếc, Lazaridis đã bị phân tâm bởi hai bộ phận nghiên cứu mà ông sáng lập: Trung tâm Điện toán Lượng tử và Trung tâm nghiên cứu Vật lý Lý thuyết.

Trong khi đó, Balsillie lại quá mê mẩn môn hockey. Trong giai đoạn 2006 đến 2009, Balsillie nhiều lần đã muốn mua lại một vài đội hockey chuyên nghiệp nhưng thất bại.

Có lẽ công ty đã không thất bại thảm hại đến thế nếu hai ông lớn không mải mê vui vẻ với thú vui riêng đến như vậy.

Bài học: Đừng quá chú tâm vào những thành phần không phải trọng điểm, đi lệch khỏi mục tiêu lớn.

 

Theo westart.vn