Con đường ‘huyết mạch’ của Hà Giang được Bác Hồ đặt tên: Kỳ tích bi tráng tới 'trái tim đá'
Đường Hạnh phúc là 1 cung đường dài 185km, nối thành phố Hà Giang với 4 huyện vùng cao phía Bắc Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Nơi mà trước đây có 8 vạn dân thuộc 16 dân tộc sống biệt lập với thế giới bên ngoài trong tình trạng đói nghèo và lạc hậu vì hệ thống giao thông chỉ là đường mòn, phương tiện giao thông chỉ có ngựa và đôi chân của con người.
Con đường Hạnh phúc được xem là con đường “huyết mạch” của Hà Giang giúp kinh tế và du lịch của tỉnh phát triển. 6 năm thi công ròng rã, hơn 1.300 nam, nữ thanh niên xung phong từ 6 tỉnh Việt Bắc (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang) và 2 tỉnh đồng bằng (Nam Định, Hải Dương) đã sát cánh cùng hơn 1.000 dân công của 16 dân tộc trên cao nguyên đá bắt tay vào phá núi mở đường. Với dụng cụ lao động vô cùng thô sơ, chỉ là cuốc, xẻng, búa tạ, xà beng, xe cút kít..., trong điều kiện làm việc vô cùng khó khăn, thiếu lương thực, thiếu muối, thiếu nước, thiếu dầu, thiếu rau xanh, vật vã với khí hậu khắc nghiệt của vùng cao, mùa hạ nóng như rang, mùa đông rét cắt da cắt thịt, có những khi nhiệt độ giảm xuống dưới không độ, nước đóng thành băng trên đá, cả ngàn người lao vào đục đá làm đường. Nơi đây cũng là nơi 14 thanh niên xung phong đã nằm lại trên trập trùng đá xám, và đổi lại là cuộc đời mới của người dân.
Cuối cùng trải qua bao nhiêu khó khăn, vất vả, đến năm 1965 người dân vỡ òa khi con đường đã được hoàn thành, đồng nghĩa với việc “đánh thức” cao nguyên đá Hà Giang thành công. Cũng trong năm này, Bác Hồ kính yêu đã đặt tên con đường này là ‘Con đường Hạnh phúc”.
Sau hơn 60 năm hình thành, con đường đã làm thay đổi cuộc sống của người dân vùng cao nguyên đá Hà Giang gấp hơn 100 lần so với thời kì trước khi làm đường. Bởi nó phá thế bế tắc, mở ra con đường phát triển kinh tế, thông thương cho hàng vạn đồng bào các DTTS vùng cao nguyên đá này. Giờ đây, con đường Hạnh phúc gập ghềnh sỏi đá ngày nào đã được mở rộng, và thay áo bằng một lớp nhựa mới. Ngày nay, đây là con đường huyết mạch đưa khách du lịch từ thành phố Hà Giang lên Công viên Địa chất Toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn. Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc với những địa chỉ Cột cờ Lũng Cú, Dinh “Vua Mèo”, Phố cổ Đồng Văn, Đèo Mã Pí Lèng, Chợ tình Khau Vai thu hút hàng vạn người mỗi năm lên chiêm ngưỡng, khám phá. Con đường là biểu hiện sức mạnh của con người trước thiên nhiên, là niềm tự hào của sức mạnh đoàn kết.
Vị đại gia giàu nhất Hà Nội xưa, hiến 5.000 lượng vàng cho cách mạng, được đặt tên cho 1 tuyến phố
Thời điểm đó, số vàng hơn 5.000 lượng ‘đại gia’ này hiến cho cách mạng gấp đôi ngân khố Chính phủ có, giúp Chính phủ giải quyết khó khăn tài chính.