Khoa học & Đời sống

Còn bao nhiêu cá thể rùa hồ Gươm tại Việt Nam và thế giới?

Lý giải khoa học về rùa hồ Gươm

Không thể phủ nhận tầm quan trọng của “cụ" rùa hồ Gươm đối với thế giới tâm linh của không ít người dân Việt Nam. Điều này bắt nguồn từ sự tích vua Lê Thái Tổ trả gươm sau khi đánh tan giặc Minh xâm lược vào năm 1428. Tuy nhiên, dù huyền thoại về rùa hồ Gươm có huyền ảo thế nào đi chăng nữa, chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng rùa hồ Gươm thực chất là một thực thể sống. Và vì thế, chúng ta cũng cần nhìn về “cụ” rùa hồ Gươm với một góc nhìn khoa học.

Theo các nhà khoa học quốc tế thuộc Chương trình bảo tồn rùa châu Á, rùa hồ Gươm là một cá thể thuộc loài Rafetus Swinhoei. Loài rùa này còn được biết dưới cái tên rùa nước ngọt mai mềm khổng lồ hay rùa mai mềm Thượng Hải. Cũng có những tài liệu gọi Rafetus Swinhoei là con giải, một nhánh khác của loài rùa.

Rafetus Swinhoei đáng chú ý vì đầu dài với phần miệng giống như mõm lợn. Kích thước của nó có thể dài trên 100 cm, rộng trên 70 cm và cân nặng khoảng 120–140 kg. Mai của chúng có thể dài và rộng trên 50 cm. Đầu dài trên 20 cm và rộng trên 10 cm. Con đực nói chung nhỏ hơn con cái nhưng có đuôi to và dài hơn. Về mặt kích thước, có thể xếp rùa hồ Gươm vào một trong những giống rùa nước ngọt lớn nhất thế giới.  

Đây là nhận định có cơ sở khoa học nhất về rùa hồ Gươm bởi Ông Douglas Hendri, giám đốc Chương trình bảo tồn rùa châu Á đã từng khẳng định, việc xét nghiệm ADN cho thấy rùa hồ Gươm là một cá thể thuộc loài Rafetus Swinhoei.

Tuy nhiên theo PGS Hà Đình Đức, người được mệnh danh là “Nhà rùa học” sau hàng chục năm trời chụp ảnh và nghiên cứu rùa hồ Gươm, ông lại không đồng tình với cách nhận định trên.

PGS Hà Đình Đức cho rằng, rùa hồ Gươm là một loài hoàn toàn mới và được xếp cùng loại với những cá thể rùa khổng lồ tại Đồng Mô và những địa phương khác dọc sông Hồng.

Với những nhận định khá chủ quan của mình, PGS Hà Đình Đức tạm đặt tên cho loài rùa mới này là Rafetus leloii hay Rùa Lê Lợi. Ý kiến của PGS Hà Đình Đức cũng nhận được khá nhiều sự tán đồng của một số nhà khoa học trong nước.

PGS Hà Đình Đức chụp ảnh vời rùa hồ Gươm cạnh tháp Rùa.

Theo giả thuyết của PGS Hà Đình Đức, Rùa Hồ Gươm có thể có nguồn gốc từ Lam Kinh, Thanh Hóa, cùng quê với vua Lê Lợi, và được vua Lê thả vào Hồ Gươm. Lý do là bởi trước đó trong lịch sử chưa từng ghi nhận thông tin gì về loài rùa lớn tại Thăng Long, ngoại trừ sự tích về thần Kim Quy nhuốm màu huyền thoại.

Một nhà khoa học khác của Việt Nam là GS Lê Trần Bình (Viên Công nghệ sinh học) cho biết mẫu ADN của rùa hồ Gươm có nhiều nét tương đồng với rùa Quảng Phú (Thanh Hóa). Đây cũng là một luận điểm bổ sung cho lập luận của PGS Hà Đình Đức. Bên cạnh đó, từ mẫu gene thu được về cá thể rùa hồ Gươm vào năm 2011, các nhà khoa học trong nước cũng khẳng định sự khác nhau về mẫu ADN giữa cá thể rùa hồ Gươm và giống rùa Rafetus Swinhoei hay giải Thượng hải.

Với 2 quan điểm và những kết quả nghiên cứu đối ngược nhau vậy, hiện vẫn còn có rất nhiều ý kiến tranh luân liên quan đến nguồn gốc khoa học của rùa hồ Gươm.

Còn bao nhiêu rùa hồ Gươm trên thế giới?

Các nhà khoa học từng cho rằng có hơn một cá thể rùa sống tại hồ Gươm. Tuy nhiên quá trình giăng lưới đưa rùa hồ Gươm lên bờ chữa bệnh vào tháng 4/2011 đã cho thấy có vẻ như hồ Gươm hiện chỉ còn 1 cá thể rùa duy nhất.

Trước đó, kể từ sau năm 1945, Việt Nam từng ghi nhận sự xuất hiện của 3 cá thể rùa khác tại hồ Gươm. Trong số này, một cá thể rùa chết vào ngày 2/7/1967. Đây cũng là cá thể rùa được ướp xác và bảo quản tại đền Ngọc Sơn.

Hai cá thể còn lại cũng chịu số phận tương tự. Trong đó một cá thể chết do bị giết thịt vào năm 1962 khi bò lên vườn hoa Chí Linh (khu vực tượng đài Lý Thái Tổ ngày nay) sau một cơn mưa lớn. Một cá thể khác không rõ năm chết hiện được trưng bày tại bảo tàng Hà Nội.

Cá thể rùa hồ Gươm cuối cùng được ghi nhận cũng đã qua đời vào ngày 19/1/2016 vừa qua.

Cá thể rùa hồ Gươm được lưu giữ tại đền Ngọc Sơn (Hà Nội).

Ngoài những cá thể rùa ghi nhận tại hồ Gươm, một khu vực khác là hồ Đồng Mô cũng từng phát hiện ra dấu hiệu của loài rùa có kích thước lớn tương tự. Theo quan sát của các nhà khoa học, cá thể này cùng loài với rùa hồ Gươm và là cá thể duy nhất còn lại của loài này được ghi nhận tại Việt Nam.

Trong khoảng chục năm trở lại đây, thế giới từng ghi nhận về 6 cá thể rùa Rafetus swinhoei. Ngoài 2 cá thể tại Việt Nam gồm rùa hồ Gươm và cá thể rùa hồ Đồng Mô, còn 4 cá thể khác tại Trung Quốc. Hai trong số 4 cá thể rùa tại Trung Quốc cũng đã chết. Điều này cũng có nghĩa chỉ còn lại 3 cá thể tạm được cho thuộc loài Rafetus Swinhoei.

Phóng sự về cá thể rùa Đồng Mô của kênh VTC14.

Cũng cần phải chú ý rằng, có không ít câu chuyện về loài rùa khổng lồ được kể lại tại một số địa phương có nhiều đầm phá dọc sông Hồng như Hòa Bình, Phú Thọ. Điều này làm dấy lên những hy vọng dù nhỏ nhoi về sự tồn tại ngoài tự nhiên của loài sinh vật đặc biệt này.

 

Vì sao cụ Rùa nổi, bằng lăng hoá đỏ?

Gần đây, người dân đang xôn xao về hiện tượng cây bằng lăng gần nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp bất ngờ chuyển màu, và cụ Rùa nổi lên trong ngày tiễn đưa Đại tướng