Mời bạn xem thêm: Xâm nhập đường dây buôn bán thiết bị do thám cá nhân tại Hà Nội.
Trong kế hoạch này, Tổng thống Mỹ nghiêm cấm việc nghe trộm lãnh đạo của các nước đồng minh, bắt đầu kiềm chế hoạt động thu thập dữ liệu điện thoại của người Mỹ.
Trong một bài phát biểu quan trọng, ông Obama đã từng bước trấn an người Mỹ và người nước ngoài rằng Mỹ sẽ quan tâm tới những vấn đề bảo mật được nhấn mạnh trong loạt thông tin mà cựu nhà thầu Edward Snowden tiết lộ về các hoạt động giám sát của NSA.
Ông Obama nói: “Những cải cách mà tôi đề xuất hôm nay sẽ giúp người Mỹ thêm tự tin rằng quyền lợi của họ sẽ được bảo vệ, thậm chí ngay cả khi các cơ quan tình báo và cơ quan thực thi pháp luật của chúng tôi duy trì những công cụ cần thiết nhằm đảm bảo chúng ta được an toàn”.
Trong khi bài phát biểu nhằm mục đích gạt bỏ những mối lo ngại rằng chương trình do thám của Mỹ đã đi quá xa, các biện pháp của ông Obama chưa tháo dỡ được những chương trình gián điệp điện tử của Mỹ. Mới đây, giới truyền thông đăng tải thông tin là NSA thu thập gần 200 triệu tin nhắn văn bản mỗi ngày của người dùng toàn thế giới, và cài đặt vào 100.000 máy tính những phần mềm cho phép NSA kiểm soát những máy tính này ngay cả khi chúng không kết nối Internet.
Ông Obama hứa rằng Mỹ sẽ không nghe lén lãnh đạo của các nước đồng minh, “trừ khi bắt buộc vì mục đích an ninh quốc gia”.
Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Bước đi này được thiết kế để xoa dịu mối quan hệ gay gắt giữa Mỹ và một số nước. Ví dụ như mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Đức sau những báo cáo nổi lên hồi năm ngoái là NSA nghe lén điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã hủy chuyến thăm chính thức nước Mỹ để phản đối việc NSA theo dõi email và điện thoại di động của bà.
Ông Obama nói: “Lãnh đạo của các nước đồng minh và các quốc gia bằng hữu xứng đáng được biết rằng nếu tôi muốn biết suy nghĩ của họ về một vấn đề, tôi sẽ nhấc điện thoại và gọi cho họ, thay vì dùng cách nghe lén”.
Tuy nhiên, ông cũng nói rằng tình báo Mỹ sẽ tiếp tục thu thập thông tin về kế hoạch của các chính phủ khác, và sẽ không xin lỗi, đơn giản vì các dịch vụ do thám của Mỹ đem lại hiệu quả hơn.
Để xoa dịu sự tức giận của công chúng trước tiết lộ rằng NSA xâm phạm quyền riêng tư của người dân Mỹ, ông Obama cam kết sẽ duy trì những chính sách mà ông cho rằng cần thiết để bảo vệ nước Mỹ. Làm như vậy, ông đã đi ngược lại lời khuyên của một số nhà lãnh đạo tình báo Mỹ.
Một số đề xuất của ông Obama đã gây ra mối hoài nghi từ đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ. Đảng này bày tỏ mối lo ngại rằng tổng thống Mỹ đang đi quá xa trong việc kiểm soát những chương trình gián điệp quan trọng. Nghị sỹ Đảng Cộng hòa Bob Corker nói: “Chúng tôi cần biết thêm thông tin về các chính sách mới của tổng thống trước khi đưa ra phán quyết cuối cùng, nhưng tôi lo ngại rằng một số đề xuất của ông ấy đi quá xa, làm giới hạn khả năng của chúng tôi trong việc bảo vệ quốc gia trong khi chỉ đem lại ít lợi ích cho sự tự do của người dân Mỹ”.
Ông Obama nói rằng một trong những thay đổi lớn nhất sẽ là chấm dứt chương trình thu thập kho siêu dữ liệu về các cuộc điện thoại của người Mỹ (họ đã gọi điện cho ai, gọi vào thời điểm nào).
Nhằm ủng hộ quyền riêng tư, chính phủ Mỹ sẽ không lưu trữ kho siêu dữ liệu về liên lạc điện thoại, một quyết định sẽ gây khó chịu cho một số quan chức tình báo.
Một ban cố vấn tổng thống đề nghị rằng nên để cho một bên thứ ba, ví dụ như các công ty điện thoại, lưu trữ kho siêu dữ liệu này. Tuy nhiên, ông Obama chưa đưa ra đề xuất cụ thể về tổ chức sẽ lưu trữ kho dữ liệu này trong tương lai.
Ngoài ra, ông Obama nói rằng tòa án Giám sát Tình báo Nước ngoài (FISA) cần xem xét lại trước khi các cơ quan tình báo muốn kiểm tra cơ sở dữ liệu của hàng triệu cuộc điện thoại, trừ trưởng hợp thực sự khẩn cấp.
Đọc thêm: Smartphone Toàn Cầu Trước Nguy Cơ Bị Hack Bởi NSA
Hiểu Phương