Trong vài năm trở lại đây, để có thể kích cầu người dùng, nhiều nhà bán lẻ đã đưa ra hình thức kinh doanh mới, đó là mua hàng trả góp. Với hình thức này, chỉ cần có trong tay một số tiền bằng khoảng 30% giá trị món hàng muốn mua, các khách hàng đã có thể sở hữu ngay chiếc điện thoại hay chiếc máy tính mà mình muốn có. Tất nhiên không thể thiếu là các giấy tờ chứng minh nguồn gốc nhân thân của người đến mua hàng.
Theo như lời bên bán lẻ, số tiền mà người dùng còn thiếu sẽ được chuyển sang hình thức trả góp. Tức là, tùy theo thời hạn mà người mua đăng ký, phần tiền còn thiếu sẽ được chia thành các gói nhỏ và trả dần. Với sự hấp dẫn của của mình, chính sách này đã ngay lập tức thu hút được sự quan tâm từ phía những người có nhu cầu mua máy.
Tuy nhiên, cũng có không ít người đặt dấu hỏi và hình thức mua bán này. Họ quan ngại về số tiền thực sự mà mình phải bỏ ra để sở hữu máy.
Để trả lời cho câu hỏi có nên mua hàng trả góp hay không, chúng ta thử cùng làm một phép tính nho nhỏ.
Giả sử, người mua muốn sở hữu một chiếc iPhone 6 bản 16GB với giá trị 14,19 triệu đồng. Nếu người mua trả trước 70% giá trị của món hàng và thời gian đăng ký trả góp là trong vòng 6 tháng, số tiền mà họ sẽ phải trả hàng tháng là 933.000 đồng. Số tiền này được tính toán dựa theo tỷ suất lợi nhuận của một hệ thống hỗ trợ tài chính khá lớn hiện nay là Home Credit.
Như vậy, hết kỳ hạn 6 tháng trả góp, tổng số tiền mà người mua phải trả sẽ là:
933.000 x 6 + 70% x 14.190.000 = 15.531.000 đồng
Lúc này mức chênh lệch với giá ban đầu và giá trả góp của máy sẽ là 1.341.000 đồng, bằng 9,45% giá trị ban đầu của máy.
Với trường hợp có kỳ hạn cao nhất (12 tháng) và trả trước thấp nhất (chỉ 30%), mỗi tháng người mua máy sẽ phải trả số tiền 1.248.000 đồng. Hết 12 tháng trả góp, người mua máy sẽ phải trả số tiền tổng cộng là:
1.248.000 x 12 + 30% x 14.190.000 = 19.233.000 đồng
Mức chênh lệch giá bán giờ đây sẽ không còn là 9,45% nữa mà sẽ là 35,5%. Tức là người mua sẽ phải bỏ ra số tiền hơn 19 triệu đồng sau khi đã hoàn tất toàn bộ quá trình thanh toán. Đây rõ ràng là mức chênh lệch rất khủng khiếp nếu so với giá bán ra của máy lúc ban đầu.
Số tiền người mua phải trả với tỷ lệ trả trước là 30%, 60% và 90% cùng kỳ hạn 6 tháng.
Bảng tính như trên với kỳ hạn được nâng lên gấp đôi (12 tháng).
Nhìn vào 2 bảng tính trên, ta có thể nhận thấy mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa thời gian trả góp và tổng số tiền mua máy. Càng kéo dài thời gian trả góp, người mua sẽ càng phải mua hàng với mức giá cao hơn so với giá bán ban đầu.
Ngược lại với điều này là tỷ lệ phần trăm trả trước, tỷ lệ này càng thấp, tổng số tiền mà người dùng phải chi trả sẽ càng cao.
Có thể thấy rằng, việc mua bán trả góp cũng giống như một con dao 2 lưỡi. Nếu người mua có thể làm chủ tình hình tài chính của bản thân, giảm thời gian trả góp và tăng số tiền trả trước, với mức lãi suất không quá lớn, đây sẽ là một giải pháp chấp nhận được nếu bạn thực sự có nhu cầu mua máy.
Trong trường hợp ngược lại, nếu không tính toán cẩn thận và kéo dài thời gian mua hàng, người dùng sẽ phải bỏ ra một mức chênh lệch rất lớn để đáp ứng ngay lập tức nhu cầu của mình.
Với mức lãi suất ở thời điểm hiện tại, bạn có thể mua trả góp nếu số tiền còn thiếu hụt là không quá lớn. Còn trong trường hợp bạn chỉ có một số tiền nhỏ trong tay và muốn sở hữu ngay một chiếc điện thoại cao cấp; tốt nhất là bạn nên giảm nhu cầu của mình xuống, hoặc là tìm đến một nguồn tài chính khác (bạn bè, người thân) thay vì đâm đầu vào mua hàng trả góp với một mức lãi suất kinh hoàng.