Blog công nghệ

Trung Quốc đang giật bẫy người dùng Facebook Việt ?

Trung Quốc đang giật bẫy người dùng Facebook Việt ?

(Techz.vn) Đã có những tin đồn về việc, ứng dụng MomanCamera chính là một cái “bẫy chủ quyền” của Trung Quốc dành cho cộng đồng mạng Việt Nam.

Ở Việt Nam, hàng hóa Trung Quốc tràn ngập đủ loại từ thiết bị điện tử công nghiệp cho đến các mặt hàng tiêu dùng. Và theo thói quen sinh hoạt, dân mình cứ thấy rẻ là mua. Bởi vậy đã không ít lần, người Việt mắc phải mưu của những người hàng xóm xấu tính. Chả vậy mà dịp tết âm lịch hồi đầu năm, không ít người đã phải giật mình khi thấy những dòng chữ “Tam Sa” gắn đầy chi chít trên những chiếc lồng đèn ngay giữa trung tâm vùng đất cảng. Ấy là còn chưa kể đến những vụ việc như thu mua lá điều, rễ cây tiêu, móng trâu bò, ốc biêu vàng và thậm chí có cả... đỉa. Không ai biết “người hàng xóm” lâu năm kia thu mua những thứ ấy để làm gì, chỉ biết rằng không ít người Việt mình đã phải rơi vào cảnh điêu đứng vì chạy theo những cuộc lùng mua đó.

Có hay không việc Trung Quốc giật bẫy người dùng FB Việt ?-image-1383472854605

Một điểm đóng quân trái phép của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa (Việt Nam). 

Có lẽ do phải đối mặt với quá nhiều âm mưu tàn độc như vậy mà tâm lý đề phòng đã dần len lỏi vào đời sống dân Việt ta. Chả biết từ bao giờ, dân ta đã dần cảnh giác hơn với nhưng mặt hàng gắn mác “China”. Và với những người tiêu dùng thông thái biết lo biết nghĩ cho vận mệnh nước nhà, người ta còn cảnh giác cả với những sản phẩm nước ngoài có ghi “chữ lạ”.

Nếu là một “thần dân” trung thành của “vương quốc mạng”, chắc hẳn bạn sẽ chẳng xa lạ gì với những hình ảnh được thể hiện dưới dạng hoạt họa đang được đăng tải tràn ngập trên News Feed mấy ngày vừa qua. Đây là một ứng dụng xử lý hình ảnh của Trung Quốc có tên gọi là 魔漫相机 (MomanCamera), nếu hiểu theo cách nói của Google Translates thì là “Máy ảnh ma thuật” hoặc đại loại như vậy. Với khả năng ghép ảnh thành những bức vẽ Chibi đầy ngộ nghĩnh, người dùng có thể hóa thân thành rất nhiều những nhân vật với phong cách khác nhau một cách dễ dàng. Chính vì độc đáo và dễ dàng sử dụng như vậy nên MomanCamera đã nhanh chóng tạo ra một cơn sốt tràn ngập thế giới ảo và thu hút được hàng trăm nghìn lượt tải về trên các kho ứng dụng của Android và iOS.

Có hay không việc Trung Quốc giật bẫy người dùng FB Việt ?-image-1383472753304

Sau vụ việc đèn lồng Trung Quốc gắn chữ Tam Sa, dân mạng Việt mấy ngày vừa qua đang xôn xao vì sức lan tỏa của ứng dụng đến từ Trung Hoa với những dòng "chữ lạ".

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như một số người sử dụng không phát hiện ra rằng, ở ngay bên dưới những bức ảnh đã qua chỉnh sửa kia luôn xuất hiện một dòng “chữ lạ”. Và rất nhanh sau phát hiện ấy, người ta đồn đại với nhau rằng, đấy là những câu nói khẳng định chủ quyền của "người hàng xóm" về cái gọi là “Tam Sa”.

Theo như tìm hiểu của cá nhân người viết “Tam Sa” theo cách viết của người Trung Quốc là “三沙市”. Đây là cách mà người láng giềng phương Bắc dùng để gọi cho một vùng lãnh thổ rộng lớn nằm trong đường 9 đoạn trên biển Đông mà trong đó bao gồm cả các quần đảo Hoàng Sa, Trường sa và một diện tích không nhỏ vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Còn những dòng chữ trên các tấm hình thành phẩm kia là “魔漫相肌、時時有惊喜”dịch ra tiếng Việt có nghĩa là “Máy ảnh ma thuật, luôn luôn có bất ngờ”. Và như vậy, những lời đồn đoán về việc người láng giềng Trung Hoa đang cố tình giật bẫy người dùng Việt Nam bằng ứng dụng chỉnh sửa ảnh kể trên là hoàn toàn không có cơ sở.

Có hay không việc Trung Quốc giật bẫy người dùng FB Việt ?-image-1383472900908

Hình ảnh cho thấy điểm đóng quân của các nước trên các đảo và các bãi nổi, bãi cạn tại quần đảo Trường Sa ở thời điểm hiện tại. (Các điểm màu tím trong hình là các đảo và bãi đá đang thuộc quyền kiểm soát của Việt Nam).

Tuy nhiên, với những động thái “xấu chơi” đã nhiều lần xảy ra từ trước đến nay của người láng giềng phương Bắc, việc dân mạng ta đề cao cảnh giác với những sản phẩm không có nguồn gốc xuất sứ rõ ràng là một việc nên làm. Khi mà công cuộc đòi lại chủ quyền biển đảo của đất nước ta vẫn còn đó những gian nan thì những hành động dù nhỏ của các cư dân mạng cũng sẽ là những viên đá chủ quyền thực sự trên những vùng biển còn đang bị các thế lực nước ngoài tranh chấp.

Đọc thêm: Huawei: "Sặc Mùi" Trung Quốc

Mạnh Hưng