Quy định là vậy, nên cứ dịp tháng 4-5 thường lệ, các Đoàn tơi tới ra thăm, tàu này vừa đi tàu khác đã đến, cho mọi người lên thăm đảo vài tiếng, rồi lại tất tưởi đến đảo - điểm đóng quân khác... khiến bộ đội no nê "món" chào cờ. Có những đảo, trong những tuần liên tục tổ chức chào cờ. Có khi ngày chào cờ tới 2 lần.
Vất vả nhất là đảo trung tâm như Trường Sa Lớn, chào cờ - đọc 10 lời thề nhưng không thể thiếu "tiểu chế độ" duyệt đội ngũ, nên tuần - ngày đông đoàn đến, anh em đi rạc cả cẳng, Tổ Quân kỳ lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng vác cờ ra đường băng, nghiêm trang trong lời hát Quốc ca và rầm rập vung tay, thẳng chân lượn vòng trong tiếng nhạc "Vừng đông hửng sáng" tèn ten...
"Gian nan" thế đấy, nhưng chẳng một ai phàn nàn, kêu ca. Bởi điều rất đơn giản: Lễ chào cờ không chỉ nêu cao lòng tự hào dân tộc trong mỗi người, không kể chủ hay khách, mà còn thắp lên niềm thiêng liêng về Tổ quốc, chủ quyền biển đảo cháy rực trong từng con tim, khơi nguồn dòng máu nóng và khiến ta thêm yêu thương mỗi vốc nước, sợi mây, làn gió, nhành san hô nơi tít tắp biển trời.
Không thể tự hào sao được, khi giữa ù ù gió hú, muối mặn chát trên môi, ngước nhìn lên cao tít mây trời, lá cờ đỏ sao vàng tung bay ngạo nghễ, khẳng định chủ quyền ngàn năm bất diệt.
Không thể nghẹn ngào niềm yêu Tổ quốc sao được, khi giữa lao xao vụn san hô đuổi nhau trên bờ cát, lanh lảnh gió tinh nghịch luồn qua nòng súng chiến sĩ trực canh, giữa khô hanh những trụi trần khắc khổ, không màu xanh làm dịu nắng... bỗng vút lên trầm hùng, tiếng hát "Tiến Quân ca"...
Và tất cả, cùng đanh mắt, vuông quai hàm, hô muốn vỡ lồng ngực "Xin thề!" trước Quốc kỳ, Quân kỳ lời thề của những người lính: "Chúng tôi. Quân nhân trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, lấy danh dự người chiến sĩ cách mạng, xin thề dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc...", bên những đồng đội yêu thương, da sạm đen đã quen thiếu rau thiếu nước, môi bỏng rộp nỗi nhớ đất liền, nhưng mắt ai cũng sáng quắc cảnh giác khi chong mắt nhìn chân biển - xa trời, giữ gìn tiền tiêu Tổ quốc...
Và chắc chắn một điều: Tất cả những ai ra với Trường Sa, tham dự những Lễ chào cờ, tưởng như rất bình thường, chỉ dành cho khách ấy, cũng đều nhớ mãi cùng với niềm tự hào dân tộc, yêu Tổ quốc và tự thấy mình gắn bó với biên đảo, với những người lính xa hun hút Trường Sa.
Cũng đúng thôi, bởi chẳng ở nơi đâu, người lính Trường Sa lại gánh lên vai thêm 1 lời thề: Lời thề thứ 11 của "Quân nhân Trường Sa", đó là: "Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc!". Những lời thề - Vang vọng giữa Trường Sa…
Khối Sĩ quan chỉ huy và Tổ Quân kỳ duyệt đội ngũ trong lễ chào cờ trên đảo Trường Sa Lớn.
Phân đội chiến đấu ngang qua bia chủ quyền và Thủ trưởng Đoàn công tác.
Chỉnh đốn trang phục làm lễ chào cờ, trên đảo Sinh Tồn Đông.
Chào cờ Tổ quốc ở Sinh Tồn Đông.
Sĩ quan chỉ huy Phân đội trên đảo Sinh Tồn Đông đọc 10 lời thề.
Chào cờ trên đảo Sơn Ca.
Sĩ quan đảo Sơn Ca đọc 10 lời thề.
Chào cờ bên bia chủ quyền Trường Sa Đông.
Chào cờ trên đảo Trường Sa Đông.
Duyệt đội ngũ trên đảo Sơn Ca.
Chiến sĩ Trường Sa Đông đọc 10 lời thề.
Sĩ quan Trực ban Tác chiến, đảo Trường Sa Đông.
Đại tá Nguyễn Ngọc Tương, Phó Chủ nhiệm Chính trị Hải quân.
Chào cờ trên đảo Trường Sa Lớn.
Sĩ quan trực ban đảo Trường Sa Lớn đọc 10 lời thề.
Các Khối trưởng chuẩn bị dẫn đầu khối, duyệt đội ngũ trong lễ chào cờ, tại Trường Sa.
Mời bạn xem thêm: Tại sao chúng ta không đáp trả Trung Quốc bằng máy bay và tàu ngầm ?
Theo: maithanhhai.com