Nhịp sống số

Chủ tịch VTC Thái Minh Tần: day dứt vì còn nhiều việc dở dang

"Rời VTC tôi rất luyến tiếc, rồi không biết sau này các em có còn tâm huyết như thời của mình nữa không?"

Ông Tần chưa yên tâm với lớp kế cận. Ảnh: Mạnh Chung (VnEconomy).

Chỉ còn ít ngày nữa, TS. Thái Minh Tần - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Truyền thông Đa phương tiện (VTC) sẽ "rửa tay gác kiếm", nghỉ hưu theo chế độ Nhà nước. Trả lời trong cuộc trò chuyện trên Thời báo kinh tế Việt Nam, ông nói mình vẫn còn nhiều điều trăn trở, day dứt.

<>Chưa "ưng" lớp kế cận

Vị "lão tướng" ngành truyền hình số nói ông rất luyến tiếc và còn nhiều ưu tư, trăn trở vì thực sự còn chưa tin tưởng lắm khi giao cho lớp kế cận điều hành VTC.

"Các em bây giờ khác chúng tôi nhiều. Ngày ấy, chúng tôi làm bằng sự hăng say, nhiệt huyết", ông nói.

Nhớ lại thời kỳ đầu phát triển truyền hình Internet, có nhiều đơn vị phản đối nhưng ông đã đấu tranh rất quyết liệt và cuối cùng VTC cũng được làm, ông trăn trở "bây giờ, liệu khi chuyện khó khăn như vậy xảy ra, không biết các em có làm được không?"

"Nhiều lúc, có những cái mình muốn làm, nhưng các em bảo 'không làm được anh ạ'. Thế thì chịu!", ông chia sẻ.

Theo ông, lớp trẻ bây giờ không quyết đoán như xưa. "Nhiều lúc nghĩ đến chuyện đấy tôi cũng buồn!"

Ông cho biết, những năm vừa qua đã đầu tư đào tạo lớp kế cận mới nhưng thực sự cũng chưa "ưng" được ai. "Tôi rất sợ điều ấy", ông nói.

<>Cạnh tranh thì phải cố gắng

Nhìn nhận về việc hai ba năm vừa qua, vị trí và thương hiệu của VTC dường như đang lắng xuống, ông Tần nói ông cũng cảm nhận như vậy.

"Một hai năm lại đây, chúng tôi có đi xuống tí chút vì thiếu kinh phí. VTC làm nhiều kênh là xã hội hóa theo đơn đặt hàng nhưng rất thiếu kinh phí. Trong khi đó, VTC có tới gần 1.000 phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên... phải tự làm nuôi nhau", ông nói.

Cũng vì thiếu kinh phí, nên việc mua bản quyền truyền hình cũng gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, theo ông, do công nghệ số phát triển nên truyền hình được khởi sắc, người dân có thể xem truyền hình cáp, truyền hình số, truyền hình vệ tinh số... và cũng được lựa chọn rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ.

Cũng chính vì phát triển mạnh, nên vấn đề bản quyền có sự cạnh tranh gay gắt. Ngoài ra, sự cạnh tranh, mời kéo nhân viên, biên tập viên giữa các đài cũng diễn ra gay gắt, ông Tần cho biết.

Song, theo ông, những tác động từ áp lực cạnh tranh là tốt, là để cho mình học tập. "Mình cũng phải tự soi mình, xem mình yếu cái gì thì phải cố gắng. Tôi không quá lo lắng áp lực cạnh tranh vì nó như tấm gương phản chiếu lại cho VTC", ông nói.

<>Kế hoạch Tập đoàn truyền thông còn dang dở

Gần hai năm trước, VTC đặt mục tiêu năm 2010 sẽ trở thành tập đoàn truyền thông đa phương tiện, theo mô hình tương tự các tập đoàn truyền thông thế giới, là sự hội tụ giữa công nghệ và nội dung.

Mục tiêu khi lên tập đoàn là hoạt động theo 5 khối, gồm công nghệ và nội dung số, kinh doanh dịch vụ viễn thông, kinh doanh dịch vụ truyền hình số, truyền thông báo chí và khối sự nghiệp - đào tạo. Đồng thời, VTC sẽ thành lập 3 tổng công ty trực thuộc tập đoàn, trong mỗi tổng công ty lại có hàng chục công ty con.

Sau đó kế hoạch này lại lùi đến quý 3/2011 để chính thức trình đề án thành lập tập đoàn lên Chính phủ. Nhưng đến thời điểm hiện tại, kết quả cũng còn đang dang dở.

Theo ông Tần, việc VTC khó khăn lên tập đoàn là do chưa có sự thống nhất quan điểm khi cho rằng việc lựa chọn truyền hình là lĩnh vực kinh doanh chính và VTC sẽ là cơ quan chủ quản của Đài truyền hình kỹ thuật số VTC, thay vì Bộ Thông tin và Truyền thông chủ quản.

Song, "cái đó cũng chỉ một phần mà lý do chính là thủ tục chậm trễ", ông nói. "Bộ đã xem xét nhiều lần rồi, bây giờ gửi cho các cơ quan bộ ngành liên quan, sau đó Bộ nhận xét rồi trình lên Chính phủ. Nhưng... giờ vẫn chưa có thông tin gì".

Bện cạnh đó, kế hoạch đầu tư vào mạng di động EVN Telecom không thành cũng làm ông Tần day dứt, bởi theo ông, rất khó cho VTC khi không có mạng viễn thông, vì làm truyền hình đa phương tiện mà không có mạng độc lập thì khó làm được.

"Lẽ ra, nếu VTC mua được EVN Telecom thì sẽ có vai trò rất lớn để chúng tôi làm truyền hình đa phương tiện và cũng là một nền tảng để VTC lên tập đoàn", ông nói.

Có lẽ điều khiến người chèo lái "con thuyền" VTC hơn 10 năm qua hài lòng nhất là đã lựa chọn đúng công nghệ và phát triển kịp thời trên thị trường, đưa VTC trở thành đơn vị đi đầu truyền hình số và nội dung số tại Việt Nam.

Dù còn nhiều trăn trở, day dứt, "nhưng biết làm sao, xã hội phân công rồi, đến tuổi nghỉ hưu thì mình phải chấp hành thôi", ông nói.

Ông cho biết sẽ không tiếp tục tham gia tại các tổ chức, hiệp hội. "Có lẽ, tôi về nghỉ ngơi thôi... Bao năm tháng lăn lộn, bây giờ sức khỏe không nhiều nên về nghỉ để thảnh thơi", ông nói.

 

Ông Thái Minh Tần sinh năm 1950 tại Nghệ An. Ông được đào tạo tại Khoa Vô tuyến (Đại học Bách khoa Hà Nội) và có bằng Tiến sĩ khoa học Kinh tế và Kỹ sư điện tử.

Sau khi ra trường, ông được phân công về công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam.

Sau một thời gian, ông chuyển sang VTC và đã đưa VTC từ một xí nghiệp làm dịch vụ bảo hành ti vi và các thiết bị truyền hình với vỏn vẹn hơn 30 nhân viên trở thành một tổng công ty Nhà nước đi tiên phong trong cung ứng dịch vụ, ứng dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực viễn thông, CNTT, phát thanh truyền hình.

Năm 2006, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động khi đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc VTC.

Ông Tần đủ tuổi nghỉ hưu từ ngày 1/1/2010, nhưng xuất phát từ nhu cầu thực tế, Bộ TT&TT đã xin phép và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho kéo dài thời gian công tác của ông Thái Minh Tần đến hết năm 2011.

Sau đó, Ban lãnh đạo VTC đã có văn bản đề nghị cho ông Tần được kéo dài thời điểm nghỉ hưu đến hết năm 2015, nhưng không được Bộ TT&TT chấp nhận. Ông Tần sẽ chính thức nghỉ hưu từ ngày 1/1/2012 tới đây.