Blog công nghệ

Chiến tranh mạng vì Biển Đông: Cuộc chiến đã được báo trước

Bên cạnh chủ đề xung đột biển Đông, cuộc chiến tranh giữa các cư dân mạng Việt Nam và Trung Quốc trong vài ngày qua cũng đã trở thành một đề tài nóng thu hút được khá nhiều sự quan tâm của báo giới. Theo ghi nhận của Trung tâm Công nghệ thông tin thuộc Học viện Kỹ thuật Quân sự, đã có 102 Website của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp Việt Nam trở thành nạn nhân của cuộc chiến này. Tuy nhiên theo ý kiến của các chuyên gia, đây chỉ những vụ tấn công đã được biết đến và thống kê, con số những Website bị tấn công trên thực tế chắc chắn sẽ còn lớn hơn rất nhiều.

Hành động tấn công vào các Website Trung Quốc của các hacker trẻ đến từ Việt Nam chính là ngòi nổ cho một cuộc chiến tranh ảo bắt đầu

Sở dĩ những tranh cãi giữa cộng đồng mạng Việt Nam và Trung Quốc không chỉ dừng lại ở mức khẩu chiến mà còn nhanh chóng leo thang thành những cuộc tấn công mang màu sắc an ninh mạng là do những thành phần hacker trẻ, thiếu hiểu biết và suy nghĩ của cả 2 bên. Bên cạnh đó, chính hành động công kích và gây hấn trước từ phía các nhóm hacker trẻ Việt Nam vài ngày trở lại đây chính là ngọn lửa làm bùng lên và châm ngòi nổ cho cuộc chiến này.

Theo số liệu thống kê của Vinasa vào ngày 25/08/2009, tổng nhân lực làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Việt Nam vào khoảng 250.000 người, khoảng 50.000 người trong số đó làm trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số. Với nguồn nhân lực này, nếu chỉ tính riêng về mặt số lượng, giả dụ một cuộc chiến tranh mạng giữa Việt Nam và Trung Quốc có thực sự nổ ra, chắc chắn chúng ta không thể chống đỡ nổi với chiến thuật biển người vốn được biết đến từ lâu của người Trung Quốc.

Thay vì khơi mào cho một cuộc chiến tranh không cần thiết, điều mà các bạn trẻ Việt Nam cần làm lúc này là giữ cho mình một cái đầu lạnh và tranh thủ sự ủng hộ của những người Trung Quốc ưa chuộng hòa bình

Bên cạnh đó, về mặt lợi ích kinh tế, rõ ràng là người dân và doanh nghiệp của cả 2 phía Việt Nam và Trung Quốc đều không hề có lợi, thậm chí còn bị ảnh hưởng rất lớn nếu xảy ra một cuộc chiến tranh mạng quy mô. Chính bởi vậy điều cần làm ngay lúc này là tháo ngòi nổ của chiến tranh. Mà điều này thì không có giải pháp nào khả dĩ hơn ngoài việc cần phải duy trì một cái đầu lạnh từ cả 2 phía. Một cuộc chiến tranh, dù chỉ là ảo chắc chắn sẽ đem đến những sự tổn thất rất lớn và không cần thiết. Hơn lúc nào hết, giới CNTT và An ninh mạng Việt Nam cần phải đoàn kết và thật bình tĩnh ngay lúc này.

Đọc thêm: Phẫn nộ vì Biển Đông, Hacker Việt tấn công phá hoại Website TQ

Mạnh Hưng