Khoa học & Đời sống

Chàng trai 23 tuổi trở thành ông chủ 2 cửa hàng điện lạnh cũ vì câu nói "người như mày không bao giờ khá được"

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn và học không giỏi như bạn bè cùng trang lứa, Trần Hùng (sinh năm 1995, quê Tuyên Quang) quyết định không thi vào đại học, mà chọn cho mình hướng đi khác là học nghề điện lạnh (sửa chữa máy lạnh, thiết bị dân dụng).

Nhờ bố mẹ vay cho 10 triệu đồng làm vốn mở cửa hàng

Hùng kể: "Vì gia đình khó khăn lại học hành không giỏi giang như bạn bè nên mình quyết định đi học nghề để lo cho tương lai và gia đình. Lúc đó mình nghĩ: chỉ có nghề nghiệp trong tay thì mới thể chủ động trong cuộc sống…", Hùng chia sẻ.

Ý định học nghề và mở cửa hàng nung nấu từ đó…          

Không thi vào đại học, Trần Hùng chọn học nghề để lo cho tương lai

Sau một năm học nghề điện lạnh tại Hà Nội, Hùng quyết định ra mở cửa hàng riêng với số vốn là 10 triệu đồng, được bố mẹ vay cho. Với số tiền này, Hùng mua sắm hành trang sửa chữa và đặt cọc mặt bằng cửa hàng. Cùng lúc đó, chàng trai 9X vẫn tiếp tục song song đi làm ngoài để kiếm thêm tiền lo cho cửa hàng.

Thời gian đầu, chàng trai gốc Bắc gặp không ít khó khăn. Ngoài số vốn ít ỏi, phải xoay sở để nuôi cửa hàng nhỏ, Hùng còn chật vật với việc tiếp cận khách hàng. Khoảng 2-3 tháng đầu, số lượng khách hàng có nhu cầu sửa chữa và mua lại những mặt hàng đã qua sửa chưa còn khá khiêm tốn. Theo lời kể của Hùng, thời điểm đó, 1 tháng chỉ dư ra vài trăm ngàn đồng sau khi đã trừ các chi phí, thậm chí có tháng phải bù lỗ.

"Có cửa hàng nên mình quyết tâm dữ lắm, trăn trở phải làm sao để nuôi sống cửa hàng, nuôi sống mình. Mình vừa kết hợp nhận sửa chữa điện lạnh từ những khách hàng có nhu cầu, vừa tìm hiểu buôn bán các mặt hàng cũ đã qua sử dụng trên mạnh xã hội. Khoảng 6 tháng sau khi mở cửa hàng, lượng khách hàng gọi sửa chữa và mua hàng tăng lên. Đó là những mặt hàng như điều hòa, tủ lạnh, máy giặt, máy lọc nước…", Hùng cho hay.

Hùng bắt đầu tiếp cận khách hàng từ một trang thương mại điện tử. Mua sản phẩm về sửa chữa, làm mới lại rồi rao bán trên kênh này cho sinh viên và người đi làm tại Tp.Hà Nội. 2 năm gần đây, Trần Hùng bán hàng thêm trên kênh Google và Facebook. Trong đó, theo Hùng kênh thương mại điện tử ban đầu vẫn là kênh chính thu hút khách hàng, đồng thời có cả lượng khách đáng kể đến từ những khách quen giới thiệu bạn bè của họ.

Vốn có tay nghề Hùng đã biến mặt hàng đã qua sử dụng thành hàng mới, xài bền.

Cứ như vậy, khi lượng khách mua tăng lên thì số máy tại cửa hàng cũng được nhân lên và bán được nhiều hơn trước. Vốn có tay nghề nên Hùng biến cái đã qua sử dụng thành những mặt hàng mới, xài bền. Tuy nhiên, theo Hùng, không phải sản phẩm nào mua từ nhà dân cũng phải sửa lại vì còn mới và dùng tốt do nhu cầu chuyển nhà hoặc nâng cấp máy đời cao nên họ bán lại với giá khá hợp lý. Từ dó, Hùng lại rao bán lại cho người có nhu cầu.

Về số tiền chênh khi bán sản phẩm qua sử dụng cho khách hàng, Hùng nói: "Mức lời nhiều hay ít phụ thuộc vào giá trị sản phẩm. Càng bán các sản phẩm có giá trị cao thì lời càng cao. Ví dụ, 1 chiếc tủ lạnh qua sửa chữa, mình bán ra với giá 2 triệu đồng, trong đó nhận lời khoảng 500-700 ngàn đồng, bao gồm cả công bảo hành, vận chuyển lắp đặt".

"Gần đây thì mình nghiêng dần về những mặt hàng cao cấp như tủ lạnh bãi nhập khẩu và 1 cơ sở bán hẳn các mặt hàng mới", Hùng chia sẻ.

Chỉ vì câu nói "những người như mày không bao giờ khá lên được", chàng trai 9X đã quyết tâm thay đổi cuộc đời.

"Ngày xưa mình vốn ham chơi, lại hay bỏ bê học hành. Học xong cấp 3 gần như tất cả mọi người đều xem thường và mất lòng tin ở mình. Có một người đã nói với mình rằng "những người như mày không bao giờ khá lên được". Mình rất buồn nhưng đó cũng là câu nói khiến mình thay đổi. Mình đã quyết tâm đi học nghề với nung nấu thay đổi cuộc đời bằng chính năng lực bản thân", Hùng giải bày.

Theo Hùng, nếu không thay đổi hoặc không làm được gì thì câu nói đó sẽ luôn đúng. Và nếu muốn chứng minh quá khứ không ảnh hưởng đến tương lai thì chỉ còn một cách là phải học, phải làm cho bằng được. "Những lúc áp lực về công việc hay kinh tế, mình lại thường hay nghĩ đến câu nói đó để cố gắng vươn lên. Có lẽ lòng sĩ diện của mình cao quá", Hùng cười cho hay.

Hiện ông chủ trẻ 9X sở hữu 2 cửa hàng điện lạnh với 7 công nhân làm việc cho mình, doanh thu mang về từ cửa hàng khoảng 160 triệu đồng/tháng

hia sẻ về bí quyết giúp cửa hàng ngày càng đông khách, Hùng nói: "Hiện tại khách hàng quen của mình duy trì với số lượng đáng kể và khách hàng mới cũng tìm đến cửa hàng ngày càng nhiều. Để khách hàng ủng hộ và tin cậy, mình bán giá hợp lý. Một sản phẩm đã qua sử dụng, sửa chữa lại giá chỉ bằng nửa so với sản phẩm mới, bảo hành cho khách dài hạn và đặc biệt tận tình với khách sẽ được khách yêu mến và tin tưởng".

Trải qua khá nhiều áp lực về kinh tế, đến nay, ông chủ trẻ 9X sở hữu 2 cửa hàng điện lạnh với 7 công nhân làm việc cho mình, doanh thu mang về hàng tháng từ cửa hàng khoảng 160 triệu đồng, trừ các chi phí, chàng trai 9X thu nhập khoảng 90 triệu đồng/tháng… được xem là một nỗ lực đáng ghi nhận của một người trẻ không chọn con đường tốt nghiệp đại học để lập nghiệp.  

Khai thác 90% quỹ thời gian, không để lãng phí tuổi trẻ của mình vào công việc

 "Trong công việc mình luôn lấy sự nghiêm túc làm kim chỉ nam. Ngoài công việc, mình tận dụng quỹ thời gian để giao lưu học hỏi và mở rộng tay nghề cũng như mối quan hệ với bạn bè, khách hàng. Theo mình, tuổi trẻ có hai thứ là sức khỏe và thời gian. Nếu chúng ta để lãng phí thời gian thì sẽ không bao giờ thực hiện được đam mê và sở thích cuộc đời mình", Hùng tâm sự.  

Ở nghề này, những ngày nắng, mưa đi giao hàng, lắp đặt... vất vả luôn hiện hữu. Vì thế, với nghề này, nếu không yêu nghề và đủ chịu khó thì rất dễ nản mà từ bỏ. "Dù nghề gì, khi đã quyết tâm theo phải dành trọn tâm sức và thời gian cho nó", chàng trai tuổi 23 chia sẻ.

Vốn là người sống hòa đồng với mọi người, nên Trần Hùng được biết đến là người dễ gần, nhiều người yêu mến. Hiện tại khách hàng của chàng trai 9X trải rộng ra Tp.Hà Nội và các tỉnh miền bắc.

"Với các bạn có hoàn cảnh khó khăn, mình luôn sẵn lòng giúp đỡ, thậm chí khi trả lương cao hơn hoặc cho thêm để hỗ trợ các bạn đến với ước mơ của mình", Hùng chia sẻ

Đặc biệt, Trần Hùng còn dành quỹ thời gian để giúp đỡ các bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu học nghề điện lạnh.  Hiện tại, chàng trai này đã hỗ trợ ăn và học miễn phí cho khá nhiều bạn trẻ tại cửa hàng và trả lương cho họ. Sau 5 năm lăn lộn tại Hà Nội, Hùng cho biết đã đào tạo được nhiều bạn thành công và ra mở cửa hàng riêng. Một số bạn ở lại và làm thợ kỹ thuật cho cửa hàng của Hùng.

"Ở chỗ mình có nhiều bạn đến xin học việc nhưng lúc nào mình cũng ưu tiên các bạn hoàn cảnh nhà nghèo ở tỉnh lên TP mà có khát khao lập sự nghiệp. Mình luôn sẵn lòng giúp đỡ, thậm chí khi trả lương cũng trả cao hơn hoặc cho thêm để hỗ trợ các bạn đến với ước mơ của mình", chàng trai 9X giãi bày.

Theo Hùng, con đường vào đại học không phải là lựa chọn duy nhất của các bạn trẻ. Chọn học một nghề riêng cũng là cách để mình đến với đam mê và chủ động được cuộc sống. Dù nghề gì nếu chịu khó và quyết tâm thì "đường có dài bao nhiêu đi lâu ngày cũng tới".

14 tuổi bỏ nhà đi vì bố cấm chơi game, 9x sau gần 15 năm trở thành trưởng phòng truyền thông Social của một công ty game dù chưa học hết lớp 8

Theo: Trí thức trẻ

 

Tuổi trẻ đừng ngại mắc lỗi vì mỗi sai lầm là một viên kim cương chứa đựng kinh nghiệm sống

(Techz.vn) Mỗi người chúng ta khi sinh ra có thể có những hoàn cảnh khác nhau, với những ước mơ khác nhau nhưng hành trình đi đến sự trưởng thành thì chỉ có một: Ai cũng phải nếm mùi thất bại, nếm mùi bị từ chối rồi mới chạm đến thành công.