Nhịp sống số

Cha đẻ của Flappy Bird sắp mua nhà và ôtô

Khi cơn sốt Flappy Bird đạt đỉnh, “cha đẻ” của nó, Nguyễn Hà Đông, vẫn còn là một bí ẩn với báo chí Việt Nam dù tác giả sinh sống ngay tại thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, chân dung Nguyễn Hà Đông lại hiện ra sinh động dưới ngòi bút của truyền thông quốc tế, từ Forbes đến Rolling Stones.

Flappy Bird được viết trong vỏn vẹn vài ngày với nhân vật chính là chú chim với cặp mỏ “vĩ đại” bay qua bay lại giữa các ống nước màu xanh, lấy cảm hứng từ game của Nintendo mà Hà Đông thường chơi. Flappy Bird có mặt trên kho ứng dụng iOS, Android từ ngày 24/5/2013. Ban đầu, lập trình viên trẻ tuổi chỉ mong kiếm được vài trăm USD mỗi tháng từ quảng cáo trong game (in-game ads).

Cha đẻ của Flappy Bird sắp mua nhà và ôtô-image-1394611639314

Flappy Bird mất một thời gian dài bị chìm lẫn trong hàng chục ngàn game mới được tải lên mỗi ngày song đến tháng 2/2014, điều thần kỳ điên rồ xảy ra khi tựa game đứng số 1 nhiều bảng xếp hạng ứng dụng tại hơn 100 quốc gia và được tải về hơn 50 triệu lần. Truyền thông ước tính Hà Đông kiếm được 50.000 USD/ngày. Đến cả Mark Zuckerberg, ông chủ Facebook, cũng không giàu nhanh đến thế.

Thời điểm đó, Hà Đông từ chối nói về câu chuyện thần tiên của mình. Anh bị gọi là một kẻ lừa đảo, kẻ bịp bợm, thằng ăn cắp. Các blogger đua nhau cáo buộc anh sao chép trắng trợn từ Nintendo. Trang game nổi tiếng Kotaru còn viết một bài báo với tựa đề gây sốc: “Flappy Bird kiếm 50.000 USD một ngày nhờ ăn cắp”.

2 giờ 02 rạng sáng ngày 9/2, tài khoản Twitter của Hà Đông viết: “Xin lỗi người dùng Flappy Bird. 22 tiếng kể từ bây giờ, tôi sẽ gỡ Flappy Bird. Tôi không thể chịu nổi nữa”. Tin tweet được đăng lại 145.000 lần bởi đám đông hiếu kỳ. Làm thế nào một người đang có cơ hội kiếm cả núi tiền lại dừng lại? Tuy nhiên, anh thực hiện đúng như những gì đã nói, như một cú “vỗ mặt” vào những ai đã xúc phạm mình trước đó.

Hai tuần sau đó, tác giả bài báo trên Rolling Stone, David Kusher , tìm gặp Hà Đông. Nhà phát triển đi cùng người phiên dịch trong trang phục quần jeans và áo len màu xám giản dị, luôn tiết kiệm lời nói và suy nghĩ cẩn trọng trước khi phát ngôn. “Tôi chỉ muốn làm gì đó vui nhộn để chia sẻ với mọi người. Tôi không thể đoán trước thành công của Flappy Bird”.

Hà Đông trước khi nổi tiếng

Sinh ra và lớn lên tại làng lụa Vạn Phúc, Nguyễn Hà Đông chưa bao giờ mơ về ngày trở thành nhà phát triển game nổi tiếng thế giới. Ba sở hữu một cửa hàng chuyên bán thiết bị, mẹ làm trong cơ quan nhà nước, gia đình anh không quá giàu có. Sau khi mua được máy chơi game Nintendo “nhái”, Hà Đông giành mọi thời gian rảnh để chơi game Super Mario Boss.

Năm 16 tuổi, Hà Đông tự học viết game đánh cờ trên máy tính. 3 năm sau, khi theo học khoa học máy tính trong trường đại học, anh có mặt trong tốp 20 cuộc thi lập trình và là thực tập sinh của Punch Entertainment, công ty game duy nhất của Hà Nội khi đó. Bùi Trường Sơn, cấp trên của Đông, đánh giá Đông nổi bật bởi kỹ năng và tốc độ cũng như tính độc lập.

Đông sớm cảm thấy chán các game thể thao đang làm. Khi có được chiếc iPhone, anh bị mê hoặc bởi màn hình cảm ứng song không thấy game nào mang được sức mạnh đơn giản của Nintendo, ngay cả Angry Birds cũng quá đông đúc. Đông muốn viết game cho những người như anh: bận rộn, vội vàng, luôn di chuyển. “Khi chơi game trên smartphone, cách đơn giản nhất là bấm và bấm”.

Cuối tháng 4/2013, Đông nằm trên giường và ngẫm nghĩ về một game vui nhộn khác. Anh nghĩ về “thần chú” mà Nolan Bushnell, nhà sáng lập hãng game Atari, game “dễ bắt đầu nhưng khó thành thục”. Trước đó một tháng, anh tung ra game Shuriken Block với cơ chế chơi tương đối đơn giản, chỉ cần chạm trên màn hình. Còn với game mới này, anh muốn mọi thứ đơn giản hơn nữa.

Hà Đông giới hạn game chỉ trong vài yếu tố: con chim và ống nước, không thêm vào bất kỳ yếu tố nào vào quá trình chơi như thông thường. Anh điều chỉnh vật lý sao cho chỉ một cái chạm nhẹ cũng có thể giết chết con chim. Về âm thanh, anh phải thử qua hàng trăm loại trước khi chọn tiếng động dạng kung-fu để cái chết của chim sinh động hơn nhiều. “Con chim đang bay một cách yên lành, và bỗng nhiên lăn ra chết”.

Ngoài một số tin tweet về game, Hà Đông không dùng bất cứ kênh quảng bá nào khác. Cũng như nhiều game khác, Flappy Bird thất bại. Lần đầu tiên game được người khác nhắc đến trên Twitter lại là một câu chửi thề: “Fuck Flappy Bird” vào ngày 4/11.

Bỗng nhiên, Flappy Bird nổi như cồn. Cuối tháng 12/2013, người chơi tràn lên mạng xã hội để khoe nhau “thành tích” đập vỡ điện thoại chỉ vì khó chịu khi chơi game này. Twitter trở thành nơi để than vãn về Flappy Bird với 16 triệu tin tweet nhắc tới nó. Một người gọi nó là “game khó chịu nhất mà tôi không thể ngừng chơi”. Từ Reddit đến YouTube, từ văn phòng ra sân chơi, Flappy Bird nhanh chóng tiến lên bảng xếp hạng tốp 10 ứng dụng vào đầu tháng 1/2014. Cuối cùng, không quảng cáo, không chiến lược, không một logic nào cả, ngày 17/1, game leo lên vị trí số 1 bảng xếp hạng iOS và một hay hai tuần sau là Google Play.

Cha đẻ của Flappy Bird sắp mua nhà và ôtô-image-1394611723831

Hà Đông nhận giải thưởng trong một cuộc thi viết trò chơi và ứng dụng di động năm 2008. Ảnh: Internet

Cuộc sống đảo lộn vì Flappy Bird

“Chứng kiến game lên hạng, tôi cảm thấy thật tuyệt vời”, Hà Đông hồi tưởng. Anh bị choáng ngợp bởi sự thành công và cả số tiền sắp đổ vào tài khoản ngân hàng. Dù Apple và Google hưởng 30% lợi nhuận, anh nhẩm tính có thể có được 50.000 USD/ngày. Dù vậy, chàng thanh niên lại không thấy “quá hạnh phúc”.

Khi thông tin về số tiền đang kiếm được tiết lộ, Hà Đông xuất hiện dày đặc trên mặt báo và cả truyền hình, đến lúc này ba mẹ anh mới biết con trai đã viết game. Cánh săn ảnh túc trực tại nhà và anh không thể ra ngoài mà không bị để ý. “Đó là điều tôi không bao giờ muốn. Xin hãy để tôi yên”, anh viết lên Twitter.

Tuy nhiên, điều kinh khủng nhất không phải là ống kính phóng viên. Trong chiếc iPhone của Đông còn lưu nhiều tin nhắn “khủng bố”: một từ người phụ nữ dọa trừng phạt vì “làm phân tán đầu óc trẻ em trên toàn thế giới”, một than vãn “13 đứa trẻ trong trường đã đập điện thoại game của cậu và chúng vẫn chơi vì chúng “nghiện” đập điện thoại”. Ngoài ra, còn có email của những công nhân bị mất việc, của một người mẹ không thể nói chuyện với con của mình. “Ban đầu tôi nghĩ chỉ là đùa thôi, song tôi nhận ra họ thực sự bị tổn thương”.

Đầu tháng 2/2014, sức nặng của mọi thứ: sự soi mói, chỉ trích không ngừng, sự buộc tội khiến Đông tan nát. Anh không thể ngủ, không thể tập trung, không muốn ra ngài cửa. Bố mẹ lo lắng cho những gì con trai đang trải qua. Tin tweet của anh ngày càng u ám hơn. “Tôi có thể gọi Flappy Bird là một thành công, song nó đang hủy hoại cuộc sống của tôi. Và tôi ghét nó”. Anh nhận ra điều phải làm là gỡ bỏ nó. Bấm một nút, Flappy Bird biến mất. Khi được hỏi vì sao lại làm điều này, Đông trả lời: “Tôi tự quyết định vận mệnh của mình. Một người suy nghĩ độc lập”.
Khi Flappy Bird biến mất, tin đồn được lan rộng: Hà Đông từng tự tử, Nintendo đang kiện anh, anh bị dọa giết. Việc từ chối trả lời báo chí càng đẩy suy đoán lên tột cùng. Tuy nhiên, sự vắng mặt của nó cũng khiến người ta phải nhìn nhận lại. Kotaku xin lỗi vì cáo buộc anh đạo game. “Ông tổ của game”, Bushnell, so sánh Flappy Bird với game hit Pong: “Game càng đơn giản tính thỏa mãn càng cao”.

Cha đẻ của Flappy Bird sắp mua nhà và ôtô-image-1394611774594

Với Hà Đông, hàng triệu người đã tải game Flappy Bird vẫn đang mang về cho anh hàng chục ngàn USD. Anh đã bỏ việc và nghĩ về việc sắm một chiếc Mini Cooper, một căn hộ. Anh cũng có tấm hộ chiếu đầu tiên. Hiện tại, anh bận rộn với niềm yêu thích lớn nhất là viết game. Anh tiết lộ đang phát triển 3 game cùng lúc với chung phong cách: kịch bản game đơn giản, đồ họa cổ điển và độ khó ngay từ đầu.

Sau khi xóa sổ Flappy Bird, Đông cảm thấy “dịu đi&rdqurdquo; dù không thể quay trở lại cuộc sống trước đó. Anh vẫn từ chối những lời đề nghị mua game này. Liệu Flappy Bird có thể bay lại lần nữa không? “Tôi vẫn đang cân nhắc”, Đông nói. Anh không làm phiên bản mới sóng nếu tung trở lại, anh sẽ kèm theo lời cảnh báo: “Xin hãy nghỉ ngơi”.

Đọc thêm: Điện thoại của nạn nhân máy bay mất tích vẫn đổ chuông

Thu Thủy