Ngày 25/11, Wal-Mart Stores tuyên bố: kể từ ngày 1/2/2014, Doug McMillion, CEO Wal-Mart International sẽ là người lèo lái nhà bán lẻ lớn nhất thế giới này thay cho CEO Michael Duke.
Mục tiêu 1.000 tỉ USD
“Doug là nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, đã thành công ở nhiều vai trò lãnh đạo cấp cao trong tất cả các phân khúc kinh doanh của Wal-Mart; là người hiểu biết sâu sắc những xu hướng kinh tế, xã hội và công nghệ trong ngành”, S. Robson Walton, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Wal-Mart giải thích lý do chọn McMillon.
Tổ chức nghiên cứu, Buckingham Research Group cũng cho rằng McMillon là một “lựa chọn tuyệt vời” vì ông có kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài và luôn nỗ lực không ngừng để tích hợp, kết nối hệ thống ở khắp các bộ phận như thu mua, phân phối… trong suốt 22 năm làm việc ở Wal-Mart. Giá cổ phiếu Wal-Mart đã tăng 0,8% vào hôm 25/11 đạt 80,43 USD/cổ phiếu. Điều này cho thấy, bản thân các nhà đầu tư cũng đặt kỳ vọng ở McMillon. Sự ủng hộ bước đầu là điều McMillon đang đặc biệt cần, bởi ông sẽ cầm cương Wal-Mart vào đúng thời điểm vô cùng khó khăn.
Wal-Mart đang đứng trước thách thức thay đổi chiến thuật kinh doanh
Thực vậy, tập đoàn này đang gặp phải nhiều làn gió ngược. Wal-Mart đang tạo ra xấp xỉ 500 tỉ USD doanh thu hằng năm, nhưng lại đang chật vật trong việc tìm cách thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt là tại thị trường Mỹ – vốn chiếm phần lớn doanh thu của tập đoàn. Hồi giữa tháng 11/2013, tập đoàn đã báo cáo quý thứ 3 liên tiếp chứng kiến doanh số bán yếu ớt ở Mỹ và khuyến cáo có thể sẽ phải giảm giá mạnh để không thua kém các đối thủ trong kỳ nghỉ lễ, thậm chí có thể phải hy sinh lợi nhuận.
Ngay cả bộ phận quốc tế, Wal-Mart International cũng bắt đầu có dấu hiệu sa sút. Dưới sự lãnh đạo của ông McMillon (ông được giao phụ trách Wal-Mart International từ năm 2009), bộ phận quốc tế – gồm các cơ sở hoạt động bên ngoài nước Mỹ với hơn 6.000 cửa hàng và trên 823.000 nhân viên tại 26 quốc gia – đã mang về 135 tỉ USD doanh số bán trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31/1/2013, chiếm 29% tổng doanh thu tập đoàn.
Bộ phận này từ lâu được xem là động cơ tăng trưởng quan trọng nhất của tập đoàn và cũng là “liều thuốc giải độc” cho tình trạng doanh số ảm đạm ở Mỹ. Thế nhưng, trong 6 tháng, kết thúc vào ngày 31/7/2013, doanh số bán ở bộ phận quốc tế tăng chỉ 2,9%, so với mức tăng 10,5% của cùng kỳ năm ngoái. Những chật vật của Wal-Mart là lý do khiến cho giá cổ phiếu Wal-Mart chỉ tăng 18% từ đầu năm đến nay, thấp hơn nhiều so với mức tăng 26% của chỉ số S&P 500 gồm các công ty lớn nhất của Mỹ.
Làm sao để thúc đẩy bộ phận quốc tế là thách thức lớn của McMillon ở vị trí người đứng đầu Wal-Mart. Bởi lẽ, trong bối cảnh thị trường Mỹ đã gần như bão hòa, việc đẩy mạnh hoạt động ở nước ngoài sẽ là chìa khóa mở ra cánh cửa tăng trưởng cho Tập đoàn. “Tăng trưởng của Wal-Mart sẽ đến từ các thị trường quốc tế khi tập đoàn đang nỗ lực vươn tới mục tiêu trở thành doanh nghiệp 1.000 tỉ USD”, Allen Questrom, từng là thành viên Hội đồng Quản trị của Wal-Mart, nhận xét.
“Địch” ở cả bốn phương
Hiện tại, tình hình đang diễn biến không có lợi cho McMillon. Doanh số bán tại một số thị trường chính như Mexico và Canada đang giảm. Trong khi đó, tại Ấn Độ, tập đoàn đã chia tay với đối tác trong nước. Kết quả là hồi tháng 10/2013, Wal-Mart cho biết, sẽ tạm gác lại kế hoạch mở hàng trăm cửa hàng bán lẻ ở Ấn Độ. Đó là một bước giật lùi đối với nhà bán lẻ này sau khi tập đoàn đã bỏ ra nhiều năm trời giành giật chỗ đứng tại một trong những thị trường lớn nhất châu Á.
Không chỉ đau đầu về tăng trưởng, Wal-Mart hiện đang đối mặt với các cuộc điều tra liên bang về những cáo buộc vi phạm đạo luật Chống tham nhũng nước ngoài của Mỹ (tại Mexico, Ấn Độ, Trung Quốc và Brazil). McMillion lại ngồi trong Hội đồng Quản trị của Wal-Mart de Mexico kể từ năm 2009, sau khi các vụ vi phạm xảy ra (Wal-Mart cho biết đang hợp tác hỗ trợ điều tra với chính phủ Mỹ). Giải quyết những vấn đề này cũng sẽ khiến cho ông hao hơi tổn sức.
Wal-Mart còn đối mặt với những thay đổi trong ngành bán lẻ: xu hướng mua sắm trực tuyến ngày càng tăng. Để đối phó với thay đổi này, Wal-Mart đã sáp nhập các hoạt động trực tuyến, cửa hàng và cả thương mại di động, một chiến lược khuyến khích khách hàng sử dụng ứng dụng Wal-Mart khi họ đi mua sắm tại cửa hàng. Nỗ lực này đã đem lại một số thành công. Trong quý III năm nay, doanh số bán lẻ trực tuyến đã tăng 40% và tập đoàn dự kiến bộ phận thương mại điện tử sẽ đạt con số 10 tỉ USD, chiếm 2,1% tổng doanh số bán vào cuối năm nay.
Dù đây là một sự cải thiện lớn, nhưng Wal-Mart vẫn còn bị bỏ xa bởi đối thủ thương mại điện tử lớn nhất: Amazon, vốn đạt tới 61 tỉ USD doanh thu thuần trong năm tài chính vừa rồi. Một dấu hiệu nguy hiểm cho Wal-Mart, theo Kantar Retail – một công ty tư vấn ở London – là ngày càng nhiều khách hàng của Wal-Mart lại đi mua sắm trên Amazon. Nghĩa là nếu không đầu tư mạnh hơn vào mảng trực tuyến, Wal-Mart có thể sẽ mất thị phần vào tay đối thủ Amazon. Thế nhưng, dường như Wal-Mart vẫn chưa đặt nặng vấn đề này. Bằng chứng là tập đoàn vẫn tiếp tục rót vốn lớn vào các cửa hàng với kế hoạch mở ra khoảng 130 đại siêu thị trong năm nay.
Những thách thức này có nghĩa là Wal-Mart cần phải thực hiện những thay đổi lớn để có thể thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng giới phân tích cho rằng, đó là điều ít có khả năng xảy ra, bởi vì việc chọn người trong nhà Doug McMillon có nghĩa là sẽ “không có những thay đổi lớn có ý nghĩa về mặt chiến lược”, chuyên gia phân tích Ian Gordon của S&P Capital IQ, nhận xét.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp