Theo kết quả nghiên cứu của Razer – hãng chuyên sản xuất phụ kiện chơi game cho người dùng máy tính, tổng cộng có khoảng ba kiểu cầm chuột thông dụng nhất mà chúng ta có thể bắt gặp, mỗi kiểu đều bao gồm những ưu nhược điểm riêng khác hẳn nhau.
Palm Grip
Mô tả: Cầm theo kiểu Palm Grip tức là toàn bộ lòng bàn tay được đặt lên lưng chuột, ngón trỏ và ngón giữa sẽ duỗi thẳng, đặt lên hai nút chuột phải và trái tương ứng. Trong khi đó, các ngón cái, áp út và út có xu hướng tỳ vào hai bên hông để ôm chặt lấy thân chuột.
Một biến thể của kiểu cầm chuột Palm Grip là ở bên hông phải (xét với chuột dùng cho tay phải) chỉ còn ngón út, ngón áp út sẽ duỗi thẳng để đặt vào nút chuột phải, còn ngón giữa thì lui vào trong, đặt lên chuột giữa (nút cuộn).
Phân tích: Cầm theo kiểu Palm Grip rõ ràng đem lại sự thoái mái khi chơi game trong thời gian dài, nhất là cho các ngón bấm chuột vì chúng luôn được duỗi thẳng đều. Người cầm chuột theo kiểu Palm Grip ít có xu hướng điều khiển theo cách nâng hẳn chuột lên khỏi bề mặt di chuyển, họ chủ yếu dùng lực từ cổ tay và cẳng tay để đẩy chuột qua lại.
Chính vì vậy, người dùng có thể đạt được tốc độ di chuột rất nhanh (IPS) bằng cách xoay vặn cổ tay và cánh tay, nhưng để đạt được độ chính xác cao thì lại rất khó vì không tận dụng được ngón tay vào việc điều hướng chuột. Hơn nữa, các ngón tay duỗi thẳng đơ còn khiến phản xạ nhấn chuột không nhanh.
Claw Grip
Mô tả: Claw Grip cũng là một kiểu cầm chuột được nhiều người dùng sử dụng, đặc biệt trong các thể loại game đòi hỏi sự chính xác cao trong di chuyển, hay trong khi thực hiện các công việc như thiết kế đồ họa. Khi cầm theo kiểu Claw Grip, lòng bàn tay của bạn vẫn đặt lên lưng chuột như Palm Grip nhưng lúc này các ngón tay co lại, ngón tỏ và ngón giữa đặt lên hai nút chuột phải và trái tương ứng trong tư thế sẵn sàng click.
Phân tích: Với kiểu cầm chuột Claw Grip, người dùng đã cải thiện được độ chính xác khi di chuyển nhiều hơn vì trong thao tác điều hướng chuột đã có sự tham gia của các ngón tay, bên cạnh lực xoay, vặn cổ tay và cẳng tay.
Hai ngón tay nhấn chuột ở trong tư thế co lên, nên phản xạ click chuột nhanh hơn so với trạng thái nằm duỗi thẳng. Tuy vậy, nếu sử dụng chuột trong tư thế này lâu sẽ gây mỏi các ngón tay vì vừa phải cong lên để click chuột, vừa phải tham gia vào việc di chuyển chuột.
Chính vì điều này mà trong quá trình sử dụng, nhiều lúc người dùng đôi khi sẽ lại duỗi thẳng các ngón tay, đưa kiểu cầm trở lại gần giống Palm Grip để các ngón tay thoải mái nghỉ ngơi.
Fingertips Grip
Mô tả: Kiểu cầm chuột này ngoài việc phụ thuộc vào thói quen còn có thể do kiểu chuột mà bạn sử dụng chi phối. Nói một cách khác, cho dù bạn đã quen với Claw Grip hoặc Palm Grip thì nếu phải sử dụng một chú chuột kiểu dáng quá nhỏ hay có phần thân sau ngắn thì vẫn cứ phải chuyển qua Fingertips Grip như một phản xạ tự nhiên.
Fingertips Grip tức là phần lòng bàn tay không tiếp xúc với lưng chuột, phần cổ tay tỳ hẳn xuống bề mặt di chuyển, đẩy chuột lên phía trên nơi chỉ có các ngón tay nẵm giữ. Ngón trỏ và ngón giữa vẫn giữ nhiệm vụ click chuột.
Phân tích: Với kiểu cầm Fingertips Grip yếu tố chính xác cao trong di chuyển luôn được đảm bảo với sự trợ giúp của các ngón tay. Tuy nhiên, cũng trong quá trình di chuyển, người dùng sẽ có xu hướng nhấc bổng chuột lên một chút so với bề mặt bên dưới nên nếu cảm biến quang/laser của chuột và bề mặt mousepad không được thiết kế tối ưu sẽ rất khó thao tác.
Với kiểu cầm này, phản xạ click nhanh như ở Claw Grip vì có tư thế ngón tay nhấn chuột giống nhau. Nhược điểm lớn nhất của kiểu cầm Fingertips Grip là người dùng sẽ thấy mỏi nếu phải dùng chuột lâu, chưa kể những loại chuột không dây, nhỏ nhưng chưa chắc đã nhẹ.