Nhịp sống số

Cafe wifi - Hãy lịch sự!

Cafe wifi - Một dịch vụ phổ cập

Cafe và wifi, 2 thứ bây giờ dường như không tách rời

Ban đầu, Cafe wifi được mở ra với mục đích lôi kéo những “con nghiện” Internet ở thời kỳ mà giá dịch vụ này còn cao và không phải gia đình nào cũng có khả năng chi trả. Thế nhưng, chỉ sau vài năm, cafe wifi đã trở thành một thứ bình dân sau khi Internet trở thành một dịch vụ rẻ và phổ cập ở các thành phố, thị xã, thị trấn (ở nông thôn thì có lẽ chúng ta sử dụng 3G nhiều hơn). Không chỉ là nơi uống cafe, truy cập internet miễn phí như trước đây, cafe wifi còn là nơi họp mặt bạn bè, tán gẫu, là nơi gặp gỡ đối tác, tổ chức sự kiện (nhỏ), thậm chí là làm việc.

Nhiều quá cafe không chỉ kinh doanh cafe mà còn đi kèm dịch vụ cơm văn phòng, rồi mở rộng ra thêm cả một số dịch vụ như nghe nhạc sống, xem phim 3D, chơi game,...

Xuất hiện ở mọi nơi

Kể cả ngoài ... bãi biển

Nói chung, với muôn hình vạn trạng, cafe wifi đang phát triển cực kỳ mạnh mẽ. Ở đâu ta cũng có thể gặp một tấm biển “Cafe wifi”, từ các con ngõ nhỏ, cho tới những cung đường lớn... 

Giá cafe tại các quán cafe như thế này, trước đây, có cao hơn đáng kể so với một quán cafe thông thường. Nhưng ngày nay, trước áp lực cạnh tranh và độ phổ cập ngày một lớn, mức giá của những nơi này cũng không khác gì mức giá của các quán cafe không cung cấp wifi (thực tế thì những quán cafe không có wifi chỉ còn là những quán vỉa hè, hoặc quán của những người chủ quá cổ hủ)

Cafe wifi - Cũng là nét văn hóa

Nói về văn hóa cafe - wifi chắc nhiều bạn đọc cũng bắt đầu có ý niệm về những việc như không nên ngồi quá lâu, không nên download những gói phần mềm lớn,..... Nói chung là giống như văn hóa “share wifi” ở xóm trọ.

Nhưng không chỉ thế, cafe wifi, nghĩa là không chỉ có phần wifi, mà còn có cả phần “cafe”, và đó mới là phần người chủ quán thu được lợi nhuận. Và đây chính là phần làm cho quán cafe wifi khác một quán “Internet công cộng” hay “Quán game” thông thường.

Một phần quan trọng để dẫn đến độ “hút khách” của một quán cafe đó chính là thái độ phục vụ của cửa hàng. Tuy nhiên, tới nhiều vài quán cafe, chúng ta có thể thấy, nếu như không gọi đồ uống (đồ ăn), hoặc ngồi “hơi” lâu là lập tức sẽ nhận được sự nhíu mày, lườm nguýt của cả nhân viên lẫn chủ quán. Tuy nhiên không phải ngẫu nhiên mà chuyện này xảy ra.

Thái độ của nhân viên và chủ quán nhiều khi không được tốt, nhưng có phải ngẫu nhiên?

Trong một bài báo gần đây trên một trang báo trong nước, người viết có đọc được nhiều chia sẻ của những chủ quán cafe wifi, những người trực tiếp lãnh chịu hậu quả từ những vị khách tạm gọi là “thiếu văn hóa cafe - wifi”.

Dưới đây là chia sẻ của một số chủ cửa hàng:

Anh Kiên, một chủ quán cafe kiêm cơm văn phòng tại Hoàng Cầu:

“Có những vị khách trơ trẽn tới mức không thể chịu nổi. Anh ta ăn mặc bảnh chọe, ra dáng một doanh nhân thành đạt nhưng tuần có 7 ngày, anh ta tới quán 3 ngày, ngồi từ 8 giờ sáng tới 3,4 giờ chiều mới cắp cặp đi về. Điều bức xúc nhất chính là ngày nào cũng như ngày nào, anh ta chỉ gọi đúng một ly nước”

Chàng “doanh nhân thành đạt” này không phải đối tượng duy nhất xài “chùa” ghế ngồi của quán. Anh Kiên kể thêm, gần quán của anh là trụ sở của một công ty bán hàng đa cấp. Tất cả mọi người đều luôn miệng tự hào về khả năng kiếm tiền, thành đạt. Thế nhưng cái khoản chi tiền lại không khác gì cách của con nhà nghèo.

Mỗi khi có hội thảo (mà hội thảo tại công ty đa cấp này diễn ra thường xuyên), một nhóm khoảng 6,7 người thường tụ tập tại quán của anh. Họ ngồi đó, ít nhất 6 tiếng để “thuyết trình” thêm và “truyền đạo”, dạy nhau cách kiếm tiền bạc tỷ. Ấy thế mà, lần nào cũng như lần nào, họ chỉ gọi đúng… 1 ấm trà và nước nóng.

Anh Kiên bức xúc: “Đi đông người và ngồi lâu đến vậy nhưng họ chỉ gọi 1 ấm trà và… 6,7 phích nước nóng để hãm trà. Khi thanh toán, họ chỉ mất vài ngàn đồng trong khi gần chục con người xài chỗ miễn phí, xài wifi miễn phí hàng tiếng đồng hồ”.

“Tôi ngạc nhiên ở chỗ tới giờ ăn trưa, nhân viên lên hỏi họ có ăn gì không họ lắc đầu. Tới giờ ăn tối, họ cũng lắc đầu. Không hiểu họ nhịn đói hay dấm dúi ăn khi vắng bóng nhân viên”.

Không chỉ vậy, có người dù ăn cơm nhưng vẫn tranh thủ lúc nhân viên bận rộn không thể để mắt tới rồi… đánh bài chuồn.

Anh Kiên còn chia sẻ thêm những cách quỵt tiền của nhiều “thượng đế”. Họ thường đi theo nhóm. Từng người trong nhóm ra về trước với lý do có việc bận và nhắn nhủ nhân viên rằng người về sau sẽ trả tiền. Đôi khi vì quá bận, nhân viên lơ là. Đến lúc quay lại bàn tính tiền thì chẳng còn ai nữa. Hôm sau nếu có đòi tiền, cả nhóm sẽ chối bay, chối biến rằng mình trả rồi.

Chị Minh, một chủ quán café kiêm cơm văn phòng khác:

“Kinh doanh là làm dâu trăm họ. Khi khách bước vào, dù không ưa đến đâu, tôi cũng không thể đuổi khách ra ngoài. Mà nếu để họ vào, họ sẽ tái diễn xài ‘chùa’ cơ sở vật chất của quán”.

Không thể đuổi khách, chị Minh phải nghĩ ra từng biện pháp với từng người cụ thể. Với một vị khách có “tiền sử” âm thầm chuồn thật nhanh khi nhân viên không để ý để quỵt tiền, chị cho người giám sát chặt chẽ.

Tuy nhiên, chị Minh vẫn lắc đầu ngao ngán: “Nói là giám sát chặt chẽ mà có chặt chẽ được đâu. Có lúc tôi cúi xuống lấy tiền lẻ trả tiền cho khách hay ghi order của khách, người ta lỉnh đi từ lúc nào. Khi nhân viên lên tính tiền thì chỉ thấy mỗi tô mì sạch trơn, còn người thì bốc hơi”.

Có lúc ức quá, chị nói thẳng: “Cô cho cháu xin tiền mấy hôm trước cô quên chưa trả” thì vị khách đó bù lu, bù loa ra chiều oan ức lắm: “Tôi bằng tuổi bố mẹ cô mà lại đi ăn quỵt của cô à? Làm ăn có đạo đức một tí đi chứ”.

Thế rồi vị khách đó sấn sổ mắng chửi chị. Ấy thế mà, hôm sau chị vẫn thấy cô ta tới quán ăn tiếp.

 

Mục đích của các vị khách hàng “chùa” tới quán chỉ là tận dụng chỗ ngồi và wifi miễn phí của quán để làm việc riêng. Họ tiết kiệm chi phí cho bản thân bằng cách gọi một ly nước rẻ tiền nhất trong menu. Tới bữa ăn, họ lấm lét gặm bánh mì mang theo cho qua bữa.

Vậy đấy, không phải ngẫu nhiên mà những chủ hay nhân viên cửa hàng tỏ ra có thái độ khó chịu với những khách hàng muốn “đi lễ” này. Họ đã phải chịu thua lỗ, phá sản, nhẹ hơn thì giảm doanh thu vì những thói quen có lẽ là “không văn minh” của người khách hàng đến sử dụng dịch vụ của mình mà không muốn hoặc chỉ muốn trả phí ở mức thấp nhất.

Nhiều chủ cửa hàng khốn đốn vì nạn xài wifi "chùa"

Ngày xưa, khi những thiết bị sử dụng wifi còn đắt tiền và to lớn (máy tính xách tay), thì cách quản lý những người khách có tiền sử “chùa” xem ra dễ dàng, và những khách hàng “chân chính” sẽ không bị vạ lây từ cách đối phó của quán. Nhưng ngày nay khi mà những thiết bị có khả năng truy cập mạng không dây trở nên “nhiều như đất”, từ “quân đoàn” smartphone tới cả những thiết bị phổ thông cũng có khả năng này, khiến cho việc quản lý ngày càng khó khăn, và các quán buộc phải đưa ra những cách đối phó tiêu cực một cách bất đắc dĩ.

Cách thứ nhất không mang tính chất công nghệ, dễ thực hiện nhưng ảnh hưởng tới “hình ảnh” của quán rất lớn, đó là tác động trực tiếp bằng con người: tiến hành thu tiền ngay khi khách gọi đồ ăn/ thức uống (làm thế khách sẽ rất ít khi gọi thêm đồ, ảnh hưởng đến doanh thu, mặt khác sẽ làm mất thiện cảm), và sử dụng các biện pháp “mặt nặng, mày nhẹ” với những khách có hành vi ngồi quá lâu mà không gọi thêm gì.

Cách thứ hai “kỹ thuật” hơn, đó là tắt wifi, với lý do “bảo trì” khi thấy có những vị khách “chùa”, sử dụng lọc băng thông để chặn hoặc phân bố đều cho những người sử dụng ( đối phó với khách hàng lợi dụng mạng wifi để download các nội dung lớn). Về cơ bản thì cách này không khác mấy cách xử lý khi chúng ta “share” wifi. Tuy nhiên đây cũng chưa phải giải pháp tối ưu, bởi nó sẽ khiến những người dùng “chân chính” bị ảnh hưởng.

Hãy làm người khách hàng văn minh

Trước tiên, để được tôn trọng, bạn phải tuân thủ những nguyên tắc cơ bản đã, đó là điều tất nhiên. Ở đây chúng tôi muốn nói đến những quy tắc khi sử dụng dịch vụ “cafe - wifi”. Dưới đây là một vài quy tắc mà tôi muốn chia sẻ cùng bạn đọc:

- Điều tiên quyết, bạn đến quán cafe, có chỗ ngồi tốt, có không gian đẹp, có nơi để tâm sự, chia sẻ, nên hãy trả tiền cho những thứ ấy, đừng vì một món tiền nhỏ mà làm xấu đi hình ảnh của mình, ít nhất là trong mắt những người chịu thiệt hại vì hành vi của bạn (nếu nó xảy ra).

- Thứ hai, không nên dùng wifi “chùa” để download các gói tin lớn. Thực chất thì các quán cafe wifi tốt thường có đường truyền cáp quang, là một lợi thế lớn nếu các bạn muốn download phim hay các nội dung lớn. Nhưng tại sao không ra những quán game, quán internet công cộng với tốc độ không kém và được sử dụng thoải mái hơn, không phải rụt rè, lo sợ người ta phát hiện, và, quan trọng là giá cũng rẻ hơn nữa. (một cốc cafe có thể đổi được 3,4 tiếng ngoài quán game cơ mà).

Hãy sử dụng wifi một cách đúng mức

- Thứ ba, thử tưởng tượng bạn là người kinh doanh, bạn sẽ nghĩ gì khi người ta vào quán của mình, đi cả chục người, ngồi hàng tiếng đồng hồ, làm ồn, và ảnh hưởng, khiến cho không khách nào dám vào thêm nữa? Hãy đàm phán và thuê lại địa điểm, tôi tin mức giá sẽ tốt, và bạn sẽ được phục vụ với thái độ tốt nhất có thể!

- Thứ tư, lời gửi đến những bạn muốn “táy máy” với một phần mềm mà tôi có nghe tên là “netcut”. Chủ quán không thù oán gì bạn, tại sao bạn phải hạ thấp chất lượng dịch vụ của họ trong mắt những người khách khác?

Những quán cafe wifi không đáng để bị những "hacker" thực tập

Trên đây là một vài chia sẻ của người viết, mong rằng bạn đọc sẽ có một thói quen “cafe - wifi” lành mạnh để những chủ quán không còn phải thực hiện những biện pháp tiêu cực, ảnh hưởng tới số đông người sử dụng nữa!