Nhịp sống số

Các trình chat miễn phí đe dọa dịch vụ VoIP

VoIP ở Việt Nam

 

VoIP (Voice over Internet Protocol - thoại trên giao thức Internet) ra đời muộn nhất so với các hình thức thoại phổ biến trên thế giới, VoIP vẫn được đánh giá rất cao nhờ lợi thế giá cước rẻ. Tại Việt Nam hiện có khoảng 6 nhà khai thác dịch vụ VoIP được cấp phép (với các đầu số như 171 (VNPT), 177 (SPT), 175 (VISHIPEL),…). Bên cạnh đó – các nhà cung cấp VoIP từ nước ngoài như Singapore, Mỹ, Nga, Trung Quốc,… với những cái tên rất mạnh như Skype, Singtel,… mặc dù chưa có đại diện phân phối ở Việt Nam nhưng vẫn được người Việt Nam sử dụng nên vô hình chung đã tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt tại thị trường Việt Nam. Các nhà cung cấp liên tục giảm giá cước, giá sản phẩm cùng nhiều chính sách khuyến mãi khác để cạnh tranh và thu hút người tiêu dùng. Với lợi thế giá rẻ nên phần lớn các cuộc gọi ra nước ngoài từ Việt Nam đều được thực hiện trên dạng dịch vụ điện thoại Internet đặc biệt này.


 

 


“VoIP là dịch vụ điện thoại đường dài rẻ nhất vào lúc đó”, Linh – đại diện một đại lý cung cấp thẻ VoIP tại Vũng Tàu cho hay. Nếu như với 10 USD, gọi điện thoại cố định đường dài thì chỉ nói được 30 phút, nói bằng máy di động thì được chừng 10 phút nhưng liên lạc thông qua dịch vụ VoIP, người sử dụng có thể thoải mái nói chuyện đến  cả giờ đồng hồ” . Điều này khiến một thị trường đầy tiềm năng như Việt Nam với gần 1 triệu gia đình có người thân ở nước ngoài trở thành nơi VoIP phát triển mạnh.

 

Hiện tượng Google Talk

 

Yahoo Messenger là trình chat được biết đến phổ biến nhất ở Việt Nam. Công cụ này được cài trong hầu hết các máy vi tính. Những room chat trên Yahoo Messenger luôn là ưu tiên hàng đầu của người dùng internet trong nước. Các trình chat Yahoo Messenger cho phép mọi người trao đổi thông tin không giới hạn mà không phải mất tiền.

 

Tuy vậy, việc sử dụng các trình chat có chức năng điện thoại internet thực sự không được chú ý lắm cho tới khi Google chính thức gia nhập thị trường này và công bố công cụ chat Google Talk. Về căn bản, lúc mới ra đời, Google Talk chỉ là một ứng dụng nhắn tin miễn phí giống như Yahoo Messenger, tuy thế ngay sau khi hãng Google tích hợp thêm tính năng điện thoại PC to PC vào Google Talk và ra sức quảng bá cho nó thì tính năng mới trên đã tạo được hiệu ứng khá mạnh tới người tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên, Google Talk cho chất lượng khá tệ và cũng không đủ sức níu chân người sử dụng đi tìm giải pháp thay thế. Những trình chat như MSN, ICQ, Skype,… ngay lập tức được tải về và dùng thử các tính năng thoại PC to PC. Một số chương trình như Skype đã thể hiện được sức mạnh của nó. Điểm bất ngờ nhất là chính Yahoo Messenger cũng có các tính năng này – điều mà phần đông người sử dụng tại Việt Nam không hề biết vào lúc ấy.

 

Rẻ + chất lượng

 

“Vào thời điểm những năm 2007 khi thoại PC to PC phát triển rầm rộ ở Việt Nam, nó vẫn không được đánh giá cao” – một chuyên gia phân tích. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ sở hạ tầng internet của Việt Nam lúc đó vẫn còn yếu, ADSL vẫn chưa phổ biến và tốc độ khá chậm trong khi nhiều người phần đông vẫn dùng Dial-Up. Điều này khiến việc trao đổi trên các trình chat gặp vô số khó khăn, trong đó đáng kể nhất là việc mất tiếng, âm thanh bị vang hoặc giật. “Do đó, VoIP vẫn tiếp tục tồn tại nhờ cho phép liên lạc với chất lượng cuộc gọi cao hơn. Tuy thế, các trình chat đã lấy một một phần khách hàng của VoIP nhờ cho phép thực hiện cuộc gọi quốc tế miễn phí -  điều mà VoIP chưa làm được”.

 

“VoIP sắp hết thời” – MarketWatch viết trong một bài đánh giá gần đây. Hãng Skype vốn vừa kinh doanh VoIP trên nền công cụ chat Skype trong thời gian qua đã thông báo thua lỗ liên tục. Theo đó, Skype cho phép người dùng thực hiện cuộc gọi PC to PC một cách miễn phí trên trình chat Skype với chất lượng tương đối trong khi hỗ trợ gọi điện thoại VoIP cũng trên trình chat này với chất lượng cao hơn nhưng đi kèm với một mức phí nhất định. Chất lượng đường truyền internet tăng lên liên tục trên toàn thế giới khiến cho chất lượng “tương đối” của PC to PC đã vươn lên gần ngang bằng với VoIP. Điều này khiến VoIP mất thế thượng phong và Skype phải tự bán mình.

 

Việt Nam cũng đang đi theo “xu thế chung như thế”, nhiều nhà quan sát thừa nhận. Skype, Yahoo Messenger, MSN đang được người sử dụng ở trong nước tận dụng để thực hiện các cuộc gọi xuyên biên giới miễn phí. “Cái độc đáo hơn là chúng còn cho phép voice chat, tức vừa gọi điện thoại – vừa nhìn webcam để trông thấy nhau, điều mà VoIP không làm được”. Mới đây, Facebook rò rỉ thông tin dự án cho phép voice call trong trình chat tích hợp ở mạng xã hội này, “nếu vậy, đây có thể là cú cuối cùng đẩy VoIP vào quên lãng bởi Facebook có sức mạnh của một môi trường quốc tế với nửa tỉ người sử dụng - đó là một sức mạnh rất đáng sợ cho VoIP”, BusinessWeek tổng kết lại.