Nhịp sống số

Các siêu Hacker Việt Nam và những lần sa lưới

Các siêu Hacker Việt Nam và những lần sa lưới

Hacker đầu tiên "mang chuông đi đánh xứ người"

Ngày 19/5/2004, Nguyễn Văn Phi Hùng chính thức ra hầu tòa tại Singapore và được biết đến như người đầu tiên "mang chuông đi đánh xứ người" cho giới hacker Việt Nam. Hùng thực hiện hành vi của mình bằng một game trực tuyến có cài sẵn chương trình trojan chứa phần mềm ẩn ghi lại phím gõ. Với cách làm này, Phi Hùng đã nắm được thông tin cá nhân của bạn học và sử dụng nó để lấy cắp 638 USD từ tài khoản ngân hàng của họ. Kết quả là Nguyễn Văn Phi Hùng bị tuyên án 20 tháng tù giam, dù rằng khung hình phạt này đã nhẹ hơn rất nhiều so với mức án được đề xuất.

Nhóm hacker trẻ tuổi và vụ trộm 100.000 thẻ tín dụng ở Anh

Năm 2010, nhiều người đã cảm thấy bất ngờ khi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm công nghệ cao (C50), Bộ Công An cho biết vừa phối hợp với Cảnh sát Vương quốc Anh khám phá thành công vụ hacker Việt Nam đột nhập lấy cắp thông tin của khoảng  100.000 thẻ tín dụng ở Anh.

Sau quá trình điều tra, lực lượng chức năng đã tiến hành bắt giữ 4 đối tượng bao gồm Lê Đăng Khoa, Nguyễn Ngọc Lâm, Nguyễn Ngọc Thanh và Nguyễn Đình Nghi (sống tại Hà Nội và TP.HCM). 4 đối tượng này được xác định là những kẻ cầm đầu các vụ đột nhập và ăn cắp dữ liệu. Đây đều là các đối tượng có tuổi đời còn rất trẻ và giỏi về công nghệ thông tin.

Theo những gì các đối tượng này khai nhận tại cơ quan điều tra, bằng những thủ thuật về công nghệ, nhóm hacker trẻ tuổi này đã tiến hành xâm nhập vào hệ thống của các ngân hàng tại Anh. Sau đó “biến” tài khoản tín dụng của người khác thành của mình và lấy cắp tiền trong tài khoản.

Để tránh bị chủ tài khoản phát hiện, họ chuyển tiền thành nhiều lần với giá trị không lớn. Bên cạnh đó để đối phó với cơ quan chức năng trong nước, họ không trực tiếp đứng ra nhận tiền mà thuê người khác dùng CMND của mình để làm thủ tục rút tiền tại các ngân hàng. Ngoài tiền mặt, họ còn mua sắm nhiều tài sản có giá trị như máy tính xách tay, các loại vật dụng đắt tiền rồi gửi qua đường bưu điện.

Trước đó, thông tin từ cơ quan Cảnh sát Vương quốc Anh cho biết, các đối tượng đã xâm nhập vào hệ thống mạng của một công ty tại Anh và lấy cắp thông tin của 100.000 thẻ tín dụng trị giá 6 triệu bảng Anh. Dấu vết để lại cho thấy vụ việc có liên quan đến hacker VN.

Bị đặc vụ Mỹ dụ ra nước ngoài rồi tiến hành bắt giữ

Vào năm 2013, nhiều các trang mạng cả trong nước và thế giới đều đồng loạt đăng tải thông tin về Ngô Minh Hiếu – một hacker trẻ tuổi Việt Nam bị bắt giữ bởi các đặc vụ Hoa Kỳ. Theo cáo buộc từ phía Hoa Kỳ, Ngô Minh Hiếu bị bắt giữ vì liên quan đến vụ việc bán thông tin cá nhân của hàng trăm nghìn người tại Mỹ thông qua các website do hacker trẻ này điều hành.

Cơ quan chức trách của Mỹ cho biết trong thời gian từ năm 2007 đến năm 2012, Ngô Minh Hiếu và một số người khác đã ăn cắp và buôn bán thông tin cá nhân của khoảng 500.000 người Mỹ gồm các thông tin về tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, địa chỉ và số điện thoại. Ngô Minh Hiếu bị buộc 15 tội danh, với tổng mức hình phạt có thể lên tới trên dưới 40 năm tù.

Thông báo về vụ án của hacker Ngô Minh Hiếu trên website của Bộ Tư pháp Mỹ.(Ảnh: Internet)

Bảo cáo buộc từ phía cơ quan hành pháp Mỹ cũng cho rằng, Ngô Minh Hiếu đã điều hành một số website và các diễn đàn mua bán thông tin cá nhân như Superget.info và Findget.me. Trong quá trình điều khiển hoạt động của các website này, Hiếu cùng các đồng sự đã tạo ra nhiều tài khoản trên các dịch vụ tiền ảo và sử dụng những tài khoản này để nhận tiền từ hoạt động bán dữ liệu thẻ tín dụng cũng như các thông tin cá nhân khác.

Trong bản cáo trạng, Hiếu và đồng bọn thường bán những gói thông tin rất lớn. Như ngày 18/11/2011, nhóm này chào một gói 4.000 thẻ tín dụng với giá 4.600 USD và 500 USD tiền phí server. Ngày 26/11/2011 chào gói 5.000 USD cho 22.000 thẻ tín dụng và 10.000 USD cho 50.000 thẻ tín dụng.

Ảnh chụp hộ chiếu của Ngô Minh Hiếu (Ảnh: Internet)

Trước tính tinh vi của sự việc, để có thể bắt được Hiếu, các đặc vụ Mỹ đã tiến hành dụ Hiếu ra khỏi Việt Nam bằng một đề nghị làm ăn. Khi Hiếu tới Guam, vùng lãnh thổ thuộc Mỹ ở Thái Bình Dương thì bị bắt.

Theo như tìm hiểu, Ngô Minh Hiếu sinh năm 1989 ở Gia Lai, từng là cựu  sinh viên Học viện Công nghệ Unitec ở Auckland (New Zealand) vào các năm 2008-2009. Trong quá trình học, Hiếu từng bị cáo buộc liên quan tới một vụ lừa đảo tín dụng bằng tài khoản TradeMe (một trang đấu giá trên mạng theo kiểu eBay). Sau khi về Việt Nam và bị bác đơn xin visa sang lại New Zealand, Hiếu đã hack trang web của trường khiến trang web này bị ngưng hoạt động trong hai ngày hồi tháng 7/2009.

Sinh viên lớp kỹ sư tài năng và con đường vào sau song sắt

Trong các vụ án làm chấn động giới hacker Việt Nam, gần đây nhất là vụ việc liên quan đến một sinh viên thuộc lớp kỹ sư tài năng hồi đầu năm 2014. Nhân vật chính của câu chuyện là Nguyễn Văn Hòa, sinh viên lớp kỹ sư tài năng (Đại học Bách khoa TP.HCM).  Hòa bị bắt vì những cáo buộc liên quan tới việc đột nhập vào các tài khoản nước ngoài để trộm cắp thông tin về thẻ tín dụng.

Theo lời kể của những người quen biết Hòa, chàng trai này học rất giỏi, đặc biệt là về lĩnh vực công nghệ thông tin. Hòa có thể ngồi lỳ hàng giờ bên chiếc máy vi tính để gõ những dòng lệnh.

Nguyễn Văn Hòa và các tang vật của vụ án sau khi bị tiến hành bắt giữ (Ảnh: Internet)

Con đường phạm tội của Hòa bắt đầu từ việc gia nhập “Thế giới ngầm - UnderGround”, một diễn đàn kín dành cho giới hacker. Bị lôi kéo bởi các thành viên trong đó, Hòa bắt đầu làm quen với việc lấy cắp thông tin từ thẻ tín dụng của những tài khoản nước ngoài rồi bán đi để kiếm tiền. Khi bị bắt giữ, trong tài khoản đứng tên Nguyễn Văn Hòa là hơn 7 tỷ đồng. Đây là số tiền mà các đối tượng khác nhau trả cho chàng trai trẻ này để đổi lấy những thông tin về các tài khoản.

Với con số hơn 300.000 tài khoản tín dụng mà Hòa đã đánh cắp thành công, nếu những người mua lại chúng sử dụng các tài khoản đó để mua hàng trực tuyến với số tiền chỉ 1 triệu đồng trên mỗi tài khoản, con số mà họ nhận lại đã lên tới 300 tỷ đồng.

Có một điều đáng lưu ý là, toàn bộ số tiền Hòa nhận được trước đó từ các vụ mua bán đã được chuyển về cho bố để mua đất ở Bình Dương và TP.HCM. Khi bị bắt giữ, Hòa không hề có biểu hiện của một kẻ chơi bời, thậm chí nơi ăn trốn ở của em tại TP.HCM còn vô cùng nhếch nhác.

 

Vạch trần thủ đoạn của vụ tấn công nhằm vào VCCorp

(Techz.vn) Dù vụ tấn công vào hệ thống trang tin điện tử của VCCorp đã chính thức khép lại, rất nhiều sự quan tâm chú ý vẫn được dành cho hồi kết của vụ việc này.