Khoa học & Đời sống

Các ông bố bà mẹ hãy đọc những cuốn sách này để hiểu vì sao người Do Thái dạy con trẻ thành thiên tài

Khi đọc qua bản thảo của cuốn sách "Bí mật Do Thái, khơi dậy tài năng trẻ" tôi chợt nhớ đến câu chuyện một cô giáo ở mầm non Tsubaki mà tôi đang làm việc đã tâm sự như thế này:

"Khi em nhìn hình ảnh cô giáo người Nhật, cô Nina, tham gia vào buổi đi dã ngoại hái táo ngoài trời và chơi đùa cùng với các bạn một cách say mê và nhiệt tình bất kể trời hôm đó nắng như nào thì em nói thật là em khâm phục vô cùng. Quả thực rất rất hiếm giáo viên mầm non nào của Việt Nam làm được như thế. Chúng em đã được nuôi dạy lớn lên, rồi lại được đào tạo ở trường cùng một phương pháp truyền thống như thế rồi, để mà thay đổi thói quen ứng xử và chơi với trẻ của tất cả giáo viên mầm non theo cách tiếp cận của phương Tây sẽ cần thêm rất nhiều thời gian".

Ảnh minh hoạ. 

Quá trình làm việc ở mầm non cho tôi nhận thấy rằng không phải giáo viên mầm non ở Việt Nam không yêu nghề, không yêu trẻ con, không đủ sáng tạo hay khéo léo, mà tất cả nằm ở hệ tư duy và ý thức, họ đã được đào tạo để ứng xử với trẻ như thế, hay chính tuổi thơ của họ cũng đã được giáo dục như thế khi ở trên ghế nhà trường, và có khi cha mẹ đã ứng xử với họ như thế .

Trong cuốn sách "Cha mẹ vô điều kiện", tác giả Alfie Kohn đã chỉ ra rằng người lớn chúng ta thường có thói quen ứng xử với con cái giống như những cách mà chúng ta đã từng chịu ứng xử khi còn bé. Sẽ thật khó để trách những giáo viên mầm non cư xử với trẻ bằng sự tôn trọng khi mà ngay từ khi còn nhỏ họ đã chịu sự giáo dục áp đặt, cô bảo sao trò làm vậy rồi.

Khi một đứa trẻ làm một điều gì đó, câu cửa miệng của giáo viên sẽ luôn là "Cô khen bạn A, cô khen các bạn đã làm tốt…" mà chẳng có một cách khích lệ nào thú vị hơn câu nói đó. Đặc biệt khi bạn đến một trường mẫu giáo công, nơi mà mỗi lớp 40-50 trẻ/lớp thì mọi hoạt động sẽ chỉ diễn ra dưới hiệu lệnh một chiều, đó là sự áp đặt những nội quy từ giáo viên, còn cảm xúc của trẻ ra sao thì mặc.

Giáo viên và trẻ luôn ở tình trạng đối đầu, giáo viên phải đối phó với những trò nghịch ngợm, mè nheo của học sinh để làm sao ổn định nền nếp tốt nhất, khiến lũ trẻ ngoan ngoãn nghe theo nhất, chứ không phải trên tâm thế hợp tác, lắng nghe nhu cầu cảm xúc, dùng lỹ lẽ để thuyết phục. Thay vì chịu khó nghĩ xem trẻ hứng thú cái gì, thích chơi cái gì để tìm ra những ý tưởng sáng tạo mới, thông thường giáo viên chỉ thích ngồi tụ tập buôn chuyện với nhau, chứ rất ít giáo viên chịu chủ động chơi cùng trẻ. Những hoạt động học tập có rất ít trải nghiệm thực tế cũng chính là một trong những nguyên nhân giết chết tính tò mò, hiếu kì và sáng tạo của trẻ em mầm non Việt Nam.

Chính vì thế, để thay đổi tư duy và thói quen ứng xử của giáo viên mầm non, bản thân mỗi giáo viên cần phải nhận thức được rằng những thói quen mình đang ứng xử với trẻ liệu có phù hợp với trẻ hay không, để từ đó có động lực thay đổi. Trong quá trình thay đổi bản thân ấy, giáo viên rất cần tiếp cận với những tài liệu dịch từ nước ngoài để tham khảo. Có như vậy thì chúng ta mới có thể thay đổi được môi trường giáo dục mầm non của Việt Nam.

Cuốn sách "Mười bước để trở thành một Giáo viên tuyệt vời" là một cuốn sách rất hay để giáo viên mầm non nói riêng và chính bố mẹ tham khảo về cách tiếp cận của nền giáo dục Do Thái, một nền giáo dục từ lâu đã nổi tiếng về sự sáng tạo và tôn trọng cá nhân trẻ. Cuốn sách là những kinh nghiệm và đúc kết quý báu của tác giả Michal Nahari Larkin, người đã có hơn ba thập kỷ làm trong lĩnh vực mầm non với via trò là giáo viên. Người đã đạt được rất nhiều những thành tựu đáng ghi nhận trong lĩnh vực giáo dục, người đã theo đuổi triết lí sống như RALPH WALDO EMERSON, nhà triết học, nhà văn và nhà thơ người Mỹ đã từng nói"Không có đam mê thì chẳng bao giờ gặt hái được điều tuyệt vời nào cả".

Cuốn sách chủ yếu đưa ra các phương pháp nhằm giải quyết hai yếu tố: Yếu tố thứ nhất là mối liên hệ giữa giáo viên và học sinh. Và yếu tố thứ hai chính là phương tiện mà các thầy cô áp dụng để đánh thức niềm đam mê và hứng thú của các em.

Thay vì ở tư thế đối phó, chỉ thị cho học sinh, một giáo viên hãy trở thành người tôn trọng sự sáng tạo và niềm đam mê của trẻ, vui vẻ ủng hộ và khuyến khích các em tìm tòi khám phá thêm để có thể trở thành người có ảnh hưởng tích cực đến học sinh.

Trong 8 yếu tố mà tác giả đưa ra: Tình yêu, TÔN TRỌNG, Công nhận, TIN TƯỞNG, LẮNG NGHE, Giáo dục, TẠO ĐỘNG LỰC, Thú vị, Chia sẻ và ảnh hưởng, có lẽ TÔN TRỌNG và LẮNG NGHE chính là hai phẩm chất mà môi trường mầm non Việt Nam cần học hỏi nhiều nhất. Làm thế nào để đánh thức đam mê và hứng thú cho trẻ?

Nếu giảng dạy ở trường học được thông qua những trải nghiệm gắn liền với thực tiễn. Nếu trường học là môi trường học tập mà mỗi học sinh đều được tôn trọng sự khác biệt, và bản thân giáo viên là người hiểu được tầm quan trọng của cách tiếp cận, ứng xử với học sinh như thế, đứa trẻ sẽ luôn ở trạng thái vui vẻ khi đến trường, thoả sức sáng tạo và tự tin với chính mình. 

Môi trường giáo dục mầm non ở Việt Nam còn nhiều điều để nói lắm, chủ yếu xuất phát từ việc xã hội chưa thực sự quan tâm đúng về tầm quan trọng của giáo dục trẻ ở giai đoạn từ 0 đến tuổi. Phụ huynh thiếu sự tôn trọng (nếu so với cách tôn trọng của phụ huynh dành cho giáo viên tiểu học trở lên), xã hội thiếu quan tâm, đó là lí do đầu vào thi tuyển của giáo viên mầm non đã rất thấp rồi. Tất cả những yếu tố đó đã tạo nên một bức tranh giáo viên mầm non Việt Nam yếu đuối và ảm đạm là thế.

Khi chia sẻ những điều này trong bài giới thiệu về cuốn sách "Bí mật Do Thái khơi dậy tài năng trẻ", điều tôi mong mỏi nhất đó là cuốn sách này đến tay càng nhiều giáo viên mầm non và đến tay càng nhiều ba mẹ càng tốt. Bởi giáo viên mầm non và cha mẹ sẽ chính là những người góp phần thay đổi lớn lao những đứa trẻ bây giờ cũng chính là tương lai của thế giới sau này.

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Nguyễn Thị Thu, đồng sáng lập trường mầm non Tsubaki.

Theo: Trí Thức Trẻ 

 

Du học tự túc chỉ dành cho hội "con nhà giàu" và những ai "kém cỏi" không săn được học bổng?

(Techz.vn) Du học chưa bao giờ là dễ dàng. Du học tự túc hay học bổng đều có những cái khó riêng, việc đánh đồng du học tự túc là ăn chơi, kém cỏi là một điều vô cùng thiển cận.