Blog công nghệ

Bphone & cái tài của Nguyễn Tử Quảng với chiến lược bán hàng chớp nhoáng

Vào ngày 26/5, trong sự kiện ra mắt sản phẩm, CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng đã công bố kế hoạch bán ra Bphone tại thị trường Việt Nam. Theo đó, sản phẩm này sẽ chỉ được rao bán qua mạng theo từng đợt và trong một khoảng thời gian cho phép. Đây cũng là cách giúp Bkav giảm giá thành cho Bphone khi không phải chi ngân sách cho các chiến dịch quảng cáo, thuê mặt bằng hay các gian hàng trên thị trường. Tuy nhiên, đó chỉ là một lý do hiện hữu mà ai cũng có thể nhận ra, đằng sau là cả một chiến dịch marketing dài hơi, phát triển sản phẩm và đôi khi cũng có thể là những lý do khách quan về khả năng cung ứng sản phẩm của Bkav.

Tổng quan về đợt cung ứng Bphone đầu tiên

Vào ngày 2/6 vừa qua, đợt cung ứng đầu tiên của Bphone đã chính thức bắt đầu vào lúc 10h và kết thúc vào lúc 22h. Như vậy, những người có nhu cầu sở hữu sản phẩm của Bkav sẽ chỉ có 12 giờ đồng hồ để có thể hoàn tất các thủ tục đăng ký online, thanh toán và nhận sản phẩm. Những người đăng ký đầu tiên sẽ sớm nhận máy sau thời điểm giao dịch một tuần, còn với những ai muộn hơn sẽ phải chờ 2-3 tuần. Đợt cung ứng thứ hai chưa được tiết lộ.

Bkav đã có một đợt cung ứng sản phẩm khá hoàn hảo

Những con số cụ thể chưa được đưa ra, song, theo dự kiến, Bkav sẽ bán được khoảng 12.000 đơn vị Bphone. Trong đó, bản Bphone dung lượng 16GB có số lượng đặt mua cao nhất, chiếm hơn 50% nhờ giá thành rẻ. Ngoài ra, Bkav cũng tỏ ra bất ngờ khi lượng đặt mua mẫu máy mạ vàng 2K, dung lượng bộ nhớ 128 GB (phiên bản cao cấp nhất của Bphone) chiếm tới 20% khi mà mức giá của sản phẩm này rất cao (lên đến 22,2 triệu đồng, đã bao gồm VAT).

TP Hồ Chí Minh là nơi có lượng đặt mua Bphone cao nhất, sau đó là Hà Nội và các tỉnh thành khác. Cũng trong đợt bán đầu tiên, Bkav miễn phí vận chuyển hàng tại Hà Nội và TP HCM trong khi phí giao hàng đến các tỉnh thành khác là 200.000 đồng.

Đáng chú ý đó là việc Bkav nhận được 4800 đơn đặt mua qua hệ thống online của Bkav. Công ty này cũng cho biết con số trên đã được thống kê sau khi đã loại trừ các đơn đặt hàng “ảo”. Một con số ấn tượng cho thấy sức hút của sản phẩm cũng như cách làm marketing hiệu quả của Bkav trong thời gian qua.

Chiến lược bán hàng của Bkav

Techz đã từng có một bài viết phân tích một cách chi tiết về cách làm marketing của Bkav trong chiến dịch Bphone trong thời gian qua và tới hôm nay, sẽ là chiến lược bán hàng.

Xiaomi thường chỉ bán các thiết bị của họ trong các đợt flash sale.

Nếu bạn là người am hiểu một chút về thị trường công nghệ trong một hai năm trở lại đây, bạn sẽ biết được chiến lược bán hàng của Xiaomi hay OnePlus. Cụ thể, hai hãng sử dụng hình thức bán hàng online nhằm tiết kiệm chi phí mặt bằng, showroom và thay vì quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện đại chúng, hai hãng này chỉ cần trỏ liên kết về các trang bán hàng của mình. Điều này Bkav cũng đang học theo cách làm của Xiaomi và OnePlus.

Xiaomi đã rất thành công với chiến lược bán hàng flash sale. Ảnh: Internet

Xiaomi thường chỉ bán các thiết bị của họ trong các đợt flash sale. Flash sale hay còn gọi là bán hàng chớp nhoáng với đặc điểm là nhà sản xuất chỉ bán ra một lượng hàng hóa nhất định và chỉ trong một thời gian cố định với nhiều khuyến mãi hấp dẫn. Xiaomi cũng thường cung cấp theo lô hàng khoảng 50.00 đến 100.000 chiếc tại Trung Quốc và một số lượng ít hơn ở thị trường quốc tế nhằm đảm bảo họ chỉ sản xuất những gì chắc chắn bán được.

Bkav cũng vậy nhưng họ không đưa ra một số lượng hạn chế nào đó, thay vào đó, kéo dãn thời gian giao hàng như nhắc đến ở trên. Những người đăng ký đầu tiên sẽ nhận được hàng sớm nhất và sau đó là những người muộn hơn.

Điều này đem lại cho Bkav khả năng kiểm soát được nhu cầu người dùng tốt hơn, đồng thời, lượng thiết bị sản xuất trong vừa tầm tay. Ví dụ, Bkav đặt sẵn 5000-7000 đơn vị Bphone để cung ứng và khi con số vượt qua mốc này (dự đoán là 12.000), các xưởng sản xuất của hãng sẽ tiếp tục làm việc để bù vào số lượng còn thiếu. Do đó dẫn đến tình trạng delay cho những khách hàng đặt mua muộn hơn. Đây là một sự khéo léo trong cách bán hàng của Bkav, Bphone sẽ được đảm bảo mua hết theo từng đợt, không còn tình trạng ế hàng.

Bkav tỏ ra khéo léo khi lựa chọn việc bán Bphone online

Trong tương lai, chẳng có điều gì là không thể bởi Bkav đang nắm trong tay công nghệ sản xuất cũng như những bằng sáng chế tiên tiến nhất của người Việt.

Trở lại với Xiaomi, Chiến lược flash sale của Xiaomi giúp họ kiểm soát tồn kho và giảm lãng phí, tránh những thảm họa sản xuất quá nhiều đã gặp phải gần đây với Fire Phone của Amazon và Surface RT của Microsoft. Mặc dù chiến lược flash sale khiến cho việc có được thiết bị của Xiaomi trở nên khó khăn hơn, công ty này đã biến điều đó thành tích cực, tạo ra quảng cáo thổi phồng định kỳ khi các đợt flash sale với một số lượng thiết bị hạn chế mở cửa mỗi tuần. Các tài khoản mạng xã hội của Xiaomi, đặc biệt là trên Weibo và WeChat, đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút mọi người vào trang đăng ký cho mỗi đợt flash sale mới.

Và từ đó những kỷ lục liên tục được tạo ra, flash sale sẽ đi kèm với flash buy và những con số 50 ngàn chiếc Mi4 được bán ra trong 25 giây cũng không có gì là ngạc nhiên nữa. Bkav chưa đạt được đến tầm cỡ đó và cũng cần phải nhấn mạnh người Việt cũng khác với người Trung Quốc. Nhưng trong tương lai, chẳng có điều gì là không thể bởi Bkav đang nắm trong tay công nghệ sản xuất cũng như những bằng sáng chế tiên tiến nhất của người Việt.

Bkav chưa đủ khả năng cung cấp số lượng lớn Bphone

Đây là điều mà nhiều người băn khoăn nhất tại thời điểm này bên cạnh việc thắc mắc xưởng sản xuất Bphone được đặt tại đâu? Mọi thứ chưa được giải đáp, song, có một điều cần khẳng định, một công ty mới bước chân vào làng smartphone sẽ không có được một xưởng sản xuất lớn nếu không sử dụng các đối tác bên ngoài cho khâu lắp ráp nhằm đảm bảo cho số lượng đơn hàng vượt trội. Bkav cũng không phải ngoại lệ.

Bên trong nhà máy lắp ráp Bphone. Ảnh: Internet

Việc bán hàng online với khung thời gian nhất định sẽ là điều kiện cần để Bkav kiểm soát được chất lượng đầu ra sản phẩm một cách tốt nhất cũng như đảm bảo hệ dây chuyền làm việc một cách trơn tru thay vì làm việc ở mức quá tải nhằm đưa ra thị trường một số lượng lớn thiết bị. Đây vừa là hạn chế vừa là sự khôn khéo trong kinh doanh của Bkav. Tất nhiên, Bkav sẽ sớm khắc phục điều này bởi hãng đã có thời gian chuẩn bị hơn 4 năm nhằm phục vụ cho sự ra mắt của Bphone. Một nhà máy lớn, một trung tâm công nghệ cao ở đâu đó tại Việt Nam chắc cũng sắp được hoàn thiện bởi trong phát biểu của CEO Nguyễn Tử Quảng, Bphone sẽ là dòng smartphone mang tính quốc tế, việc một xưởng sản xuất nhỏ có lẽ là không đủ.

Việc bán hàng online với khung thời gian nhất định sẽ là điều kiện cần để Bkav kiểm soát được chất lượng đầu ra sản phẩm một cách tốt nhất cũng như đảm bảo hệ dây chuyền làm việc một cách trơn tru thay vì làm việc ở mức quá tải nhằm đưa ra thị trường một số lượng lớn thiết bị.

Tham vọng lớn sẽ đi kèm những thành công lớn trong tương lai. Hy vọng là vậy! Bphone chính là niềm kiêu hãnh của người Việt.

 

Bkav bán thành công 2400 chiếc Bphone mạ vàng sau 12 giờ tiêu thụ

(Techz.vn) Theo Bkav, hiện tượng quá tải liên tục xảy ra đối với 2 trang bán hàng online của hãng này kể từ khi Bphone bắt đầu chính thức được mở bán.