Nhịp sống số

Bỏ 29 triệu mua iPhone XS Max, nhận được máy mô hình

Ngày 1/10, tài khoản Facebook V.P, ngụ TP.HCM đăng trong nhiều hội nhóm mua bán điện thoại cũ bài viết kêu cứu cho. Cụ thể, chị V có mua một chiếc iPhone XS Max 256 GB với giá 29 triệu đồng từ một người lạ qua sàn thương mại điện tử Chợ Tốt.

Kiểm tra máy kỹ vẫn bị lừa

"Người này hẹn tôi ở 750 Nguyễn Kiệm, Phú Nhuận, TP.HCM. Trước lúc đến tôi gọi thì người này nói đang đi làm, điện thoại để ở nhà cho vợ. Khi tôi sang đến nhà thì người này nói vợ anh ta đi đón con. Sau đó hẹn tôi ở một quán cà phê để kiểm tra máy vì nhà không có Wi-Fi", V kể lại những cuộc hẹn khó khăn khi hẹn mua máy.

Tin rao bán iPhone Xs Max đầy đủ hộp, phụ kiện với giá 29,5 triệu đồng thu hút nhiều người mua thiếu cảnh giác.

"Sau khi kiểm tra máy kỹ lưỡng, người bán hỏi tôi đã ưng ý chưa. Nếu ưng thì đếm tiền, thanh toán đi. Tôi yêu cầu chuyển khoản thì người này đòi thanh toán bằng tiền mặt do không có điện thoại để kiểm tra tiền chuyển khoản qua hay chưa. Tôi phải đi rút tiền đưa cho anh ta.

Trong lúc tôi đếm tiền, người này nói phải tháo SIM và nhanh tay bỏ máy vào hộp và đặt vào cốp xe giúp tôi. Về nhà mở hộp tôi tá hỏa khi nhận ra đây chỉ là máy mô hình", chị V kể lại.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên người dùng mua hàng trên các chợ điện tử bị lừa bởi chiêu thức này. Anh Hoàng Văn, nhân viên văn phòng tại quận 9, TP.HCM cuối năm 2017 cũng gặp trường hợp tương tự.

"Khi chắc chắn máy hoạt động tốt, tôi yêu cầu lắp SIM và trả tiền thì người này giật lại chiếc máy và nói đưa tiền rồi muốn làm gì cũng được. Trong lúc cặm cụi đếm tiền khoảng 10 giây thì người này bỏ máy vào hộp giúp tôi. Thanh toán xong về đến nhà tôi mới tá hỏa khi thấy bên trong chỉ là máy mô hình", anh Văn nói.

Bên dưới bài đăng của V, rất nhiều bình luận cho rằng họ cũng bị lừa với chiêu thức tương tự. Chợ tốt, Nhật Tảo, 5giay.vn là những trang web thương mại điện tử được nhắc đến trong các bình luận như là nơi các mặt hàng này thường xuất hiện.

Cú lừa đã có từ 3 năm trước

Ba năm trước, công an quận Thủ Đức, TP.HCM cũng đã tạm giữ 5 nghi can để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan điều tra xác định Đặng Vũ Duy (24 tuổi, ở Gò Vấp) là kẻ cầm đầu.

Tại cơ quan điều tra, Duy khai đã thực hiện trót lọt 13 vụ đánh tráo điện thoại giả bán cho khách hàng. Để lừa đảo, chúng mua 2 chiếc điện thoại iPhone thật rồi tung lên mạng rao bán với giá 7-8 triệu đồng. Khi khách đặt hàng, Duy hẹn đến một quán cà phê ở quận Thủ Đức hoặc Gò Vấp.

Năm 2015, băng nhóm của Đặng Vũ Duy, ngụ Gò Vấp, TP.HCM từng nổi tiếng với chiêu "trộm long tráo phụng" để lừa bán iPhone mô hình cho nhiều người.

Trong lúc chờ khách di chuyển, chúng cho đồng bọn đến điểm hẹn trước hoặc bám theo người mua để thăm dò. Nếu khách đi cùng người thân, chúng sẽ ngừng giao dịch và chờ đến khi khách đi một mình.

Gặp khách, Duy đưa 2 chiếc điện thoại iPhone thật cho họ xem. Tuy nhiên, khi giao hàng Duy dùng một chiếc điện thoại giả có mô hình như iPhone thật, bỏ vào hộp điện thoại cho khách xem trước đó rồi nhanh chóng tẩu thoát.

Cái giá của rẻ hơn 5 triệu đồng

Nhiều bình luận bên dưới bài viết cho rằng V đã quá "ham rẻ" vì mẫu iPhone Xs Max 256 GB có giá thị trường 34,8 triệu đồng, đắt hơn khoảng 5 triệu so với mức giá V bỏ ra.

"Tôi thấy máy này bán ở Apple Mỹ 27 triệu đồng nên tôi thấy mức giá 29 triệu đồng là dễ hiểu. Người bán còn nói máy này của chị gửi về nên tôi thấy cũng hợp lý", V nói.

Sau khi phát hiện sự việc, V đã tố cáo lên công an địa phương và đang chờ điều tra, giải quyết.

Đến ngày 3/10, V cho biết sau nhiều ngày chia sẻ lên mạng xã hội, người bán đã liên hệ trả lại tiền và yêu cầu gỡ bài đăng. Vì nghĩ mình đã nhận lại tiền nên V đã nhờ các diễn đàn mua bán điện thoại gỡ bài. Tuy nhiên nhiều người bình luận việc gỡ bài đồng nghĩa thương lượng với kẻ xấu.

Hình ảnh người bán do V chụp được lúc mua máy.

Mô hình iPhone được kẻ gian sử dụng cho việc tráo hàng dễ dàng mua được qua một số trang rao vặt nước ngoài với giá khoảng 300.000 đồng. Tại Việt Nam, chúng cũng được trưng bày tại các cửa hàng điện thoại thay cho hàng thật để hạn chế rủi ro, mất cắp.

Trước khi một mẫu iPhone chính thức ra mắt, hình ảnh của nó thường bị lộ trước từ nhà máy ở Trung Quốc. Các công nhân, kỹ sư tại nhà máy thường "tuồn" bản thiết kế iPhone ra bên ngoài để dựng thành mô hình có độ chính xác tầm 95%, sau đó bán cho các nhà làm phụ kiện (ốp lưng, bao da, miếng dán màn hình...) để họ kịp sản xuất và đón đầu ngày iPhone mới lên kệ.

"Ngay khi phát hiện nội dung này vào sáng 2/10, Chợ Tốt đã liên hệ người mua tìm hiểu thông tin về trường hợp lừa đảo này và hướng dẫn người mua trình báo công an sự việc. Song song đó, Chợ Tốt sẽ phối hợp với công an để cung cấp thông tin điều tra. Tin đăng nghi ngờ vi phạm đã bị gỡ xuống, đồng thời tài khoản đăng tin bán sản phẩm nghi ngờ vi phạm cũng đã bị khóa trong cùng ngày", đại diện Chotot.vn trả lời Zing.vn.

Vị này cũng khuyên người dùng khi mua điện thoại trực tuyến cần tránh đưa lại sản phẩm cho người bán sau khi đã trả tiền, không chuyển tiền trước khi nhận hàng, nên kiểm tra hàng trước khi giao dịch và đi cùng người có am hiểu về sản phẩm.

Theo Zing.vn

 

Nơi nào bán iPhone Xs Max rẻ nhất thế giới?

(Techz.vn) Hiện tại, bộ ba iPhone mới đang bị thét “giá trên trời” nhưng có một nơi tại Mỹ lại bán chúng với nhiều ưu đãi.