Doanh nghiệp

BKAV phone và giấc mơ của chàng Quảng "nổ"

Sau bước đột phá bằng việc chuyển đổi mô hình từ công ty TNHH sang tập đoàn công nghệ cao, BKAV một lần nữa lại  khiến nhiều người bất ngờ với quyết định tham gia vào lĩnh vực sản xuất phần cứng khi mới đây chính lãnh đạo cấp cao của tập đoàn này đã xác nhận BKAV đang tiến hành những thử nghiệm đầu tiên cho chiếc điện thoại mang thương hiệu BKAV của riêng mình.  

Nguyễn Tử Quảng.

Còn nhớ, cách đây hơn chục năm, sự xuất hiện của phần mềm diệt virus mang thương hiệu BKAV là một trong những dấu son của ngành công nghệ thông tin Việt Nam và dấu son đó gắn liền với tên tuổi của “hiệp sĩ công nghệ thông tin” Nguyễn Tử Quảng. Nhưng ở vào thời điểm hiện tại cái tên Nguyễn Tử Quảng với phần đa dân công nghệ lại mang ý nghĩa tiêu cực nhiều hơn tích cực khi mà “hiệp sĩ công nghệ thông tin” ngày nào giờ đây đã được gắn cho cái mác “Quảng nổ” to đùng.

Người ta gọi ông là “Quảng nổ” bởi cái tên Nguyễn Tử Quảng giờ đây gắn liền với những phát ngôn gây sốc, từ chuyện “Bkis sẽ trở thành Microsoft của Việt Nam” cho đến “BKAV là phần mềm diệt virut tốt nhất thế giới” và rồi còn vô vàn danh hiệu mỹ miều khác nữa cho BKAV mà ông này phong tặng. Do vậy, khi nghe đến thông tin về việc BKAV sẽ tham dự vào thị trường smartphone Việt Nam cuối năm nay, nhiều người cũng như tôi sẽ nghĩ rằng đây lại là một phát ngôn gây sốc nữa của “Quảng nổ”.

Quảng sẽ lại nổ hay tiếp tục thành công với giấc mộng mang tên smartphone Việt ?

Với việc thông tin BKAV đang tiến hành thử nghiệm để cho ra đời một chiếc smartphone mang nhãn hiệu của công ty này vào cuối năm đã được ông Vũ Thanh Thắng, giám đốc công ty SmartHome, một công ty thành viên của BKAV xác nhận thì có vẻ như thông tin gây sốc này sẽ trở thành hiện thực trong một thời gian không xa nữa. Dự án này sẽ thành công hay thất bại thì chỉ có thời gian mới có thể đưa ra câu trả lời nhưng “Liệu đây có phải là một nước cờ khôn ngoan của “Quảng nổ” hay không ?” thì tôi xin mạo muội đưa ra câu trả lời cho các bạn.

Để một sản phẩm có chỗ đứng thực sự trên thị trường thì theo quan niệm phương Đông thời điểm ra đời của nó ít nhất cần phải hội tụ đầy đủ ba yếu tố, đó là thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Nếu chiểu theo phương châm trên thì chắc chắn việc tung BKAVphone vào thời điểm này là một quyết định sai lầm của ông Quảng.

Tại sao lại là sai lầm ? Nếu chỉ xét riêng đến yếu tố thiên thời và địa lợi thôi đã đủ để cho thấy đây là một quyết định sai lầm.  Khi mà thị trường smartphone đang ngày càng trở nên bão hòa như hiện nay chưa kể đến việc hàng loạt mẫu điện thoại thông minh của các nhà sản xuất tên tuổi khác liên tục được cho ra lò với mật độ chóng mặt thì đâu sẽ là chỗ đứng cho chiếc điện thoại mang thương hiệu của anh “Quảng nổ”.

Không thể phủ nhận BKAV đang làm một trong những thương hiệu mạnh hiếm hoi của Công nghệ thông tin Việt.

Và nếu muốn gia nhập làng smartphone thời điểm hiện tại thì phân khúc mà BKAV muốn hướng tới cho sản phẩm của mình sẽ là gì ? Nếu nhắm vào phân khúc smartphone cao cấp thì một kẻ mới chân ướt chân ráo tham gia vào thị trường này liệu có thể cạnh tranh nổi với Nokia hay thậm chí là HKPhone không ? đấy là chưa nói đến các trùm cuối trong ngành sản xuất thiết bị di động như iPhone của Apple hay Samsung với Galaxy S. Theo lời ông Vũ Thanh Thắng thì chiếc smartphone này sẽ không hề thua kém những chiếc smartphone “đỉnh” thời điểm hiện nay như iPhone5 hay HTC One với một mức giá dễ chịu hơn nhiều, nhưng cái gì sẽ đảm bảo cho chất lượng của sản phẩm? Liệu đây thực sự là một chiếc điện thoại của người Việt như các ông đã nói hay lại là một sản phẩm vỏ BKAV nhưng ruột thì của Tàu?

Đây không phải lần đầu tiên một chiếc smartphone mang trong mình lớp vỏ bọc Việt Nam được đem ra làm mồi nhử cho công chúng. FPT, Viettel rồi đến cả Vinaphone cũng đã nhiều lần cho ra mắt những chiếc điện thoại như vậy. Hết FPT F12, Avio Sen S3 rồi V8503 được giới thiệu ra công chúng, nhưng kết quả mà các nhà sản xuất này thu được là gì ? tất cả chỉ là một số không tròn trĩnh khi mà người dùng giờ đây đã quá quen thuộc với chiêu bài điện thoại Việt Nam “made in Trung Quốc”. Kể cả cho dù có là người Việt yêu nước nhất đi chăng nữa thì họ sẽ chọn gì giữa một bên là iPhone và một bên là chiếc điện thoại mang nhãn hiệu của anh “Quảng nổ”. Và tất nhiên sẽ chả có gì ngạc nhiên khi người Việt sẽ quay lưng lại với BKAV Phone như những gì họ đã làm với những người anh em trước đấy của nó một khi mà họ đã không tin tưởng mấy vào sản phẩm này.


Đấy là ở phân khúc cao cấp, còn ở phân khúc tầm trung thì như thế nào ? phân khúc điện thoại tầm trung có thể được hiểu là những chiếc điện thoại có giá không quá cao, từ 5 đến 7 triệu việt nam đồng. Nhưng giờ đây khi mà tất cả các nhà sản xuất đều ra sức vơ bèo vạt tép để tranh giành nhau những mẩu cuối cùng trên miếng bánh thị phần, việc có được một chỗ đứng vững chắc trong phân khúc tầm trung cũng không phải là một điều dễ. Có một điều dễ dàng nhận thấy là trong thời gian gần đây các nhà sản xuất lớn như Samsung và Apple đều đã có những động thái quyết liệt thể hiện rõ quyết tâm của các hãng này trong việc chiếm hữu thị trường phân khúc tầm trung, tiêu biểu là việc Samsung cho ra đời phiên bản mini của Galaxy S4 hay Apple một lần nữa phải thay đổi triết lý kinh doanh của hãng để cho ra mắt một dòng điện thoại iPhone giá rẻ dành cho đối tượng khách hàng bình dân hơn. Và rõ ràng nếu nói về tiềm lực, công nghệ và độ hot của thương hiệu, một chiếc smartphone gắn với thương hiệu BKAV rõ ràng là không thể ăn được một chiếc smartphone gắn nhãn Apple.

Chưa hết, với việc đa phần những chiếc smartphone ngoạt trừ iPhone của Apple hay Blackberry  ra đều mất giá một cách quá nhanh với tốc độ phi mã, thì người dùng có quá nhiều sự lựa chọn với một chiếc điện thoại có mức giá ở phân khúc tầm trung trên thị trường. Một chiếc điện thoại thuộc hàng top ở thời điểm hiện tại có giá bán 13, 14 triệu đồng nhưng chỉ hơn một năm sau, khi các sản phẩm mới hơn ra mắt, giá của những chiếc điện thoại này bị tụt xuống 8,9 thậm chí là 6, 7 triệu đồng là việc hết sức bình thường. Và câu hỏi được đặt ra ở đây là người dùng sẽ chọn gì, một chiếc điện thoại cựu flagship của một hãng danh tiếng, thậm chí là hàng 2hand hay một chiếc smartphone mới coóng được sản xuất bởi BKAV gắn trên mình thương hiệu “Quảng nổ” ? Tôi tin rằng, một người dùng thông thái và khôn ngoan sẽ không mất quá nhiều thời gian để đưa ra sự lựa chọn của mình.

Còn ở phân khúc tầm thấp, nếu nhắm tới đối tượng khách hàng ở phân khúc này thì việc có một chỗ đứng trên thị trường là điều có thể nhưng việc tạo được một cái danh để rồi từ đó chiếm lĩnh được các phân khúc cao hơn không phải là điều đơn giản một chút nào. Và đừng quên rằng, t&aacirc;m lý của người Việt ta, đặc biệt là người miền Bắc thì cực kì sính ngoại và thích khoe mẽ. Đừng ngạc nhiên khi thấy một anh công chức bình thường lương chưa đến 6 triệu đồng một tháng nhưng tay thì vẫn cầm chiếc iPhone bằng mấy lần tháng lương của anh ta cộng lại. Phần đông người Việt là như thế, những tiện ích công nghệ trên một chiếc iPhone hay Galaxy S4  đa phần đều thừa thãi với rất nhiều người, vì một chiếc điện thoại ngoài để nghe, gọi, nhắn tin, chơi game, lướt web ra thì công dụng của nó là một vật thể hiện đẳng cấp và khả năng tài chính của người dùng và thậm chí cái công dụng ấy với nhiều người còn quan trọng hơn các công dụng của một chiếc điện thoại thực thụ. Tất nhiên, với một chiếc BKAV Phone thì cái công năng kể trên sẽ là quá sức với nó. Vậy nên, sẽ không có gì khó hiểu khi người ta chọn iPhone, Galaxy S4, HTC One thay vì chiếc điện thoại gắn nhãn “Quảng nổ” cho dù chiếc điện thoại ấy tốt đến mấy, hiện đại đến mấy và thậm chí giá chỉ bằng một phần mấy giá của những chiếc điện thoại kia trên thị trường.

 

Cái chết của BKAV là ở chỗ lòng người không thuận.

 

Thiên thời, địa lợi thất thế thì đã đành, nhưng cái thua lớn nhất của BKAV Phone nếu như nó được ra mắt thì lại nằm ở yếu tố nhân hòa, dù cho nó mang trên mình một thương hiệu Việt. Ở bất cứ lĩnh vực kinh doanh nào, việc nắm bắt tâm lý người dùng là cực kì quan trọng, thậm chí nó là yếu tố chính quyết định sự thành bại của một sản phẩm. Một khi muốn thành công, muốn bán được hàng thì điều cần phải có là niềm tin của người sử dụng. Nhưng hãy nhìn lại xem, từ khi BKAV bắt đầu hoạt động dưới hình thức kinh doanh cho đến nay, cái mà BKAV thu được là gì ? Ngoại trừ doanh thu từ phần mềm của họ đem lại do nó đã bắt đầu tính phí, cái mà Nguyễn Tử Quảng và BKAV nhận được phần đa là gạch đá từ phía người sử dụng.

Cái danh “hiệp sĩ công nghệ thông tin” ngày nào giờ có còn được mấy ai nhớ đến, họ gọi anh là “Quảng nổ”, họ nhớ đến anh từ những tuyên bố gây sốc hay có thể gọi là những xì căng đan công nghệ do anh ta tạo ra hơn là những gì anh ta đã làm được trong hiện tại và trong quá khứ. Và khi mà đa phần người Việt đều quay lưng lại với phần mềm diệt virus mang thương hiệu BKAV dù nó đã xây dựng được vị thế riêng với trên 10 năm hoạt động thì lấy gì ra để đảm bảo BKAV Phone sẽ có một tương lai hứa hẹn hơn nếu không muốn nói luôn từ đầu là dự án này rồi sẽ thất bại từ trong trứng nước.

BKAV có tham vọng trở thành một tập đoàn Công nghệ, đó là một điều đáng hoan nghênh. Nhưng nếu muốn điều đó trở thành sự thực thay vì chỉ là một câu giễu cợt của mọi người khi nhớ đến, Nguyễn Tử Quảng và BKAV phải bắt đầu bằng một cách khác, chứ không phải bằng cái dự án BKAV Phone mà họ rêu rao trên báo chí mấy ngày qua. Samsung và Huawei thành công vì lẽ gì, họ thành công vì  thay vì huênh hoang với thế giới rằng “Tôi là một tập đoàn công nghệ” hay “Tôi giỏi nhất” “Tôi tốt nhất” thì họ làm điều đó, để thế giới thấy điều đó và dù muốn dù không phải gọi họ với những cái danh đó.

Theo ý kiến của cá nhân tôi, thay vì đầu tư cho cái dự án smartphone tốn tiền tốn của tốn thời gian nhưng lại kém hiệu quả, BKAV còn khối việc phải làm. Việc đầu tiên mà ông Quảng nên làm thay vì cái dự án smartphone ngớ ngẩn kia là lấy lại danh tiếng. Ông ta phải hiểu là tại sao mọi người lại không ưa ông ta, tại sao BKAV lại trở thành cái gai trong mắt nhiều người. Ai cũng biết là làm kinh doanh thì phải quảng cáo, mà đã gọi là quảng cáo thì phải “nổ” nhưng không có nghĩa là nổ một cách tung trời như thế. Trước kia, vào thời điểm mới ra mắt của BKAV, khi truyền thông chưa phát triển, khi ông Quảng chưa “chém gió” mọi người vẫn biết đến ông ta, vẫn dùng BKAV và dù BKAV lúc ấy chưa được thương mại hóa nhưng ông Quảng vẫn thu về lợi nhuận, lợi nhuận ấy không phải là tiền như bây giờ nhưng nó là thương hiệu, là niềm tin, là một sự tôn trọng từ phía cộng đồng tới “hiệp sĩ công nghệ thông tin” Nguyễn Tử Quảng.

Và để ước mơ biến BKAV thành một tập đoàn Công nghệ như những gì vẫn hay hô hào thì thưa ông, ông hãy hô ít thôi và làm nhiều lên. Hãy để cho mọi người để mắt tới cái ông đang làm thay vì điều ông đang nói. Và nếu BKAV thực sự mạnh như ông vẫn tưởng tượng, nếu ông thực sự làm được những điều mà trước đây ông vẫn nói, lúc đấy tự khắc mọi người sẽ nhìn ông bằng con mắt khác, cộng đồng công nghệ sẽ nhìn ông bằng còn mắt khác.   

Cái mà ông Quảng cần làm là nói ít thôi, và thay vào đó là hãy làm.

Còn nếu muốn tìm cho mình một hướng đi mới, thì cái mà đất nước này cần, cái mà Việt Nam đang cần không phải là những người biết lắp ghép những linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài thành một chiếc smartphone, cái mà chúng ta cần là một nền công nghiệp phụ trợ. Nếu nền công nghiệp phụ trợ đủ mạnh, để mỗi năm chúng ta không phải mất đi hàng bao nhiêu tỷ đồng cho nhập khẩu, sẽ không bị các tập đoàn điện tử nước ngoài trốn thuế theo hình thức chuyển giá, theo kiểu như Samsung hay CocaCola vẫn hay làm, họ tạo ra sản phẩm ở nước ta, tiêu thụ ở thị trường của ta nhưng lại nhập nguyên vật liệu từ nước họ với một cái giá khai khống để rồi mỗi năm vẫn hô hào thua lỗ dù cho việc sản xuất vẫn mở rộng không ngừng.

Cái mà đất nước chúng ta thực sự cần là một ngành công nghiệp phụ trợ như thế chứ không phải là một cái mẽ bề ngoài, không phải là một chiếc smartphone có vỏ “made in Việt Nam”, lại càng không phải là một chiếc máy tính bảng hay bất kì sản phẩm công nghệ theo kiểu treo đầu dê bán thịt chó nào khác. Samsung, Huawei cũng đi lên để trở thành tập đoàn Công nghệ từ những thứ nhỏ bé như vậy bởi khi họ có nền móng, khi những phần nhỏ nhất trong sản phẩm của họ thực sự là của họ, do họ làm ra, do họ phát triển thì cái ngày mà họ làm ra những cái lớn hơn thế từ việc lắp ghép những cái nhỏ hơn sẽ gần hơn, sẽ đến nhanh hơn, rất nhiều. Cái mà chúng ta cần là kiểu làm thực, ăn thực, chứ chúng ta không cần kiểu ăn xổi, không cần kiểu làm được 7, 8 nhưng hô thành 10 như ông vẫn hay làm (hay mọi người vẫn nghĩ là ông làm), ông Quảng ạ.

Hy vọng rằng Nguyễn Tử Quảng cùng với BKAV sẽ sớm trở thành một thương hiệu đáng để người Việt cảm thấy tự hào.

Bài viết này không phải để vùi dập BKAV, càng không phải là để vùi dập ông Nguyễn Tử Quảng, bài viết này chỉ thể hiện mong muốn của người viết muốn cho những doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam trở thành những con cá kình bơi ra biển lớn, nhưng trước hết những con cá kình ấy phải thể hiện được cái uy thế của nó ở trên ao nhà. Và để làm như vậy thì cần phải có những bước đi đúng đắn, phải biết tập trung vào chất xám con người, vào nghiên cứu để phát triển những sản phẩm phục vụ cho cộng đồng bởi chính bàn tay người Việt để dần dần thay thế vị trí của hàng ngoại nhập, chứ đừng chỉ làm những quả bom nổ vung trời trên giới truyền thông để đánh bóng tên tuổi của mình.

Mạnh Hưng