Nhịp sống số

Bí quyết chỉnh điều hòa vừa mát vừa tiết kiệm điện

Những mẹo nhỏ dưới đây sẽ giúp bạn biết cách sử dụng điều hòa không lo tốn tiền điện lại vừa đảm bảo được quá trình làm mát cho cả gia đình:

Chọn nhiệt độ hợp lý

Nhiều người sau khi đi trời nắng về thường có thói quen đặt nhiệt độ xuống mức thấp nhất (16-18 độ C), với mong muốn căn phòng sẽ mát lạnh ngay lập tức. Nhưng đây là một quan niệm sai lầm. Bởi việc làm này vừa khiến thiết bị hoạt động quá tải, gây lãng phí điện, vừa ảnh hưởng tới sức khỏe.

Khi hạ nhiệt độ sâu 16-18 độ C, máy nén sẽ hoạt động tối đa để nhiệt độ hạ sâu, và liên tục duy trì chế độ hoạt động tối đa để giữ mức nhiệt này.

Thực tế là khi bạn đi ngoài đường, nhiệt độ ngoài trời thường ở mức 30-38 độ C. Vì vậy, khi về phòng bạn chỉ cần điều chỉnh nhiệt độ xuống khoảng 25 độ C là không khí đã dễ chịu hơn rất nhiều, vừa không khiến bạn quá sốc nhiệt.

Ở Việt Nam, mức nhiệt độ phù hợp được khuyên cài đặt là 25-27 độ C. Hãy nhớ rằng cứ mỗi khi bạn giảm 5 độ C thì điều hòa sẽ tiêu tốn thêm khoảng 40% điện năng.

Không tắt, bật, điều chỉnh điều hòa nhiều

Không tắt, bật điều hòa liên tục.

Một số người thường tắt điều hòa khi đã đủ lạnh, bật quạt cho đỡ tốn, khi nào phòng nóng tiếp tục bật lên. Nhưng thực tế, cách này lại tiêu tốn điện năng hơn do điều hòa phải khởi động lại nhiều lần, khiến máy hỏng nhanh hơn.

Bởi theo các chuyên gia điện máy, bật/tắt điều hoà liên tục sẽ làm máy nén, động cơ quạt phải khởi động lại nhiều lần và làm lạnh đến nhiệt độ cài đặt khi mà nhiệt độ phòng đã tăng lên. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ làm tiêu tốn một lượng điện năng lớn gấp 3 lần mức năng lượng cần để duy trì độ lạnh của phòng.

Lời khuyên của các chuyên gia là nên bật hoặc tắt điều hòa khoảng 30 phút trước khi ra hoặc vào phòng. Sau khi bấm nút tắt bằng điều khiển từ xa, người dùng nên ngắt luôn áp-tô-mát. Nếu không, thiết bị vẫn hoạt động và tiêu hao một lượng điện đáng kể. Bên cạnh đó, người dùng cũng không nên để thiết bị hoạt động liên tục cả ngày mà nên có quãng nghỉ phù hợp.

Nên tìm hiểu kỹ các chế độ của điều hòa

Nhiều người rỉ tai nhau khi dùng điều hoà hãy để ở chế độ Dry (biểu tượng hình giọt nước). Thực tế, chế độ này tiêu thụ ít điện năng hơn do điều hòa hút hơi ẩm khỏi phòng, làm không khí khô ráo, không oi bức. Tuy nhiên, người dùng nên sử dụng chế độ này trong trường hợp môi trường có độ ẩm cao, trên 60%.

Còn trong điều kiện khô nóng, độ ẩm dưới 50%, hãy chọn chế độ Cool. Các chuyên gia khẳng định, điều hoà cài đặt ở chế độ Cool sẽ làm căn phòng mát hơn cài đặt ở chế độ Dry. Đặc biệt, trong những ngày trên nắng nóng lên tới trên 40 độ C thì chế độ Dry hầu như không có tác dụng, chúng chỉ làm căn phòng nóng và khó chịu.

Buổi tối, người dùng không nên để nhiệt độ quá thấp bởi nhiệt độ ngoài trời cũng giảm theo thời gian, nên hẹn giờ ngắt tự động. Vào ban đêm, cơ thể con người cũng không đòi hỏi mức nhiệt thấp. 

Chế độ quạt gió tự động cũng nên được tận dụng, bởi nó giúp tiết kiệm điện khi công suất hoạt động của điều hòa lúc này nhỏ hơn các chế độ khác, đồng thời cả căn phòng sẽ được mát một cách toàn diện. Một số người thường để quạt gió thổi mạnh vào một khu vực nhất định, vừa gây lãng phí vừa không tốt cho sức khỏe về lâu dài.

Lắp đặt cục nóng đúng cách

Cục nóng là bộ phận rất quan trọng để làm lạnh không khí trong phòng. Nhưng cục nóng thường được lắp bên ngoài trời. Do vậy, bạn lưu ý cần lắp cục nóng tại nơi có ít ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào, nhằm hạn chế tối đa nhiệt độ từ mặt trời làm nóng cục nóng, và luống không khí được máy nén làm lạnh sẽ nhanh chóng được làm mát tốt hơn.

Ngoài ra, cục nóng cũng cần được lắp cách tường ít nhất 30cm, vì nếu cục nóng trực tiếp gắn lên tường hoặc đặt gần, thì nhiệt tỏa ra từ cục nóng sẽ làm nóng ngược lại bức tường trong phòng. Như vậy, điều hòa sẽ tốn không ít điện năng để làm mát lại phần tường bị nóng này trong quá trình duy trì mức nhiệt.

Kiểm tra ống dẫn và che chắn cục nóng

Đôi khi bụi bẩn bám trong các ống dẫn hay ống dẫn bị rò rỉ cũng có thể là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến hệ thống làm mát của máy, làm tốn rất nhiều điện năng.

Bạn cũng nên dùng tấm bạc chống nhiệt để phủ dàn nóng vì việc này giúp cho dàn nóng của điều hòa không bị ánh mặt trời chiếu trực tiếp. Nếu có điều kiện, người sử dụng có thể làm khung chống nóng bằng gỗ hoặc các vật liệu cách nhiệt khác tốt hơn. Chi phí để mua tấm bạc chống nhiệt khá rẻ nhưng có thể giúp tiết kiệm tiền điện của điều hòa từ 5% đến 10%. 

Sử dụng điều hòa kết hợp với quạt điện

Nên sử dụng điều hòa kết hợp với quạt điện.

Kết hợp vừa bật điều hòa và quạt điện khiến chúng ta có cảm giác "tốn gấp 2 lần điện". Nhưng đây lại là một trong những biện pháp đơn giản mà hiệu quả tới không ngờ trong việc vừa làm mát căn phòng, lại vừa giúp bạn tiết kiệm phần nào công suất điện.

Khi được kết hợp, quạt điện sẽ giúp nâng cao khả năng lưu thông không khí lạnh ra khắp phòng, giúp vừa làm mát vừa nhanh, lại vừa giúp chúng ta dễ chịu hơn hẳn, dù không cần để nhiệt độ thấp. Song chỉ nên sử dụng quạt điện trong khoảng từ 15 - 20 phút đầu khi mới khởi động điều hòa, sau đó nên tắt bớt, vì khi không khí trong phòng đã lạnh thì dùng quạt trần không còn hiệu quả nữa mà còn gây tốn điện.

Thường xuyên vệ sinh, bảo dưỡng điều hòa

Việc thường xuyên vệ sinh, đặc biệt là lọc gió của điều hòa sẽ vừa giúp tăng hiệu suất làm lạnh của điều hòa, vừa giúp tiết kiệm điện một cách tối đa trong quá trình sử dụng.

Ngoài ra, bất kỳ những hỏng hóc, hoặc trục trặc nào trong quá trình làm việc của điều hòa cũng nên lập tức được khắc phục, để điều hòa có thể hoạt động hiệu quả và tiết kiệm điện hơn.

 Theo: vietnamnet 

 

Tặng vợ 60 nhẫn vàng lễ Tình nhân: Câu nói ấm lòng của anh thợ điều hòa

(Techz.vn) “Chị ơi có nhẫn ép vỉ loại 1 chỉ không, tôi mua 60 chiếc?”. Nhân viên cửa hàng vàng ngạc nhiên hỏi lại là muốn mua sỉ hay sao mà lại lấy nhiều vậy thì người đàn ông này nói: “Mua về tặng vợ”.