Bí ẩn bộ lạc Bimbos: Chỉ có 290 người sống trong thung lũng rộng 83.000 km2, săn bắt bằng phi tiêu
Bimbos là tên của chủng người bản địa ở Brazil, bộ lạc của họ được xem là bí ẩn nhất thế giới. Bộ lạc này được phát hiện bởi Tiến sĩ Hoan Joaquin, chuyên gia nghiên cứu rừng mưa nhiệt đới trong chuyến bay ngang thung lũng Javari vào tháng 6-1976 những phải đến cuối thập niên 1980 thì cơ quan của Chính phủ Brazil phụ trách việc bảo vệ quyền lợi của thổ dân bản địa (FUNAI) mới công bố về sự tồn tại của bộ lạc Bimbos.
Tính đến thời điểm hiện tại, Bimbos có vỏn vẹn 290 người, ngự trị tại thung lũng Vale do Javari rộng 83.000 km2 nằm ở phía tây Brazil. Người Bimbos kiếm sống bằng cách săn bắn, đánh cá, hái lượm và trồng trọt vài loại cây đơn giản như chuối, đu đủ, khoai sọ… Để tự vệ và săn bắt, họ dùng những ống thổi phi tiêu với những mũi tên tẩm chất độc. Tộc người này cũng biết dùng cung tên để săn bắt các loại thú, lấy 2 thanh gỗ khô cọ vào nhau để tạo lửa và sống trong các căn chòi nhỏ hình tam giác cao khoảng 6 mét, lợp bằng lá cọ, bên trong trang trí những tấm vải dệt bằng tay có màu sắc sặc sỡ cùng xương hàm và xương đầu của những loài thú lớn như heo vòi, heo rừng. Các căn nhà của người Bimbos thường tập trung quanh một ngôi nhà dài đặt trên một đỉnh đồi thấp.
Nếu máy bay chở khách được người Bimbos coi là xokeke - linh hồn của tổ tiên họ thì máy bay trực thăng lại bị xem là binkeke - một loại chim dữ vì nó bay gần mặt đất. Vì sống tách biệt hoàn toàn với thế giới nên người Bimbos vẫn còn cực kì lạc hậu. Họ chỉ mặc chiếc khố làm từ vỏ cây đủ che phần nhạy cảm, dù được giúp đỡ, trao cho nhiều công cụ thiết thực trong cuộc sống kèm hướng dẫn sử dụng bằng hình ảnh nhưng với họ đó chỉ là những thứ không có ích. Người già ở đây xỏ những chiếc răng nanh động vật xuyên ngang lỗ mũi, đây có thể là một biểu tượng có ý nghĩa nào đó sâu sa đối với họ.
Theo chia sẻ của nhà truyền giáo Francisni về bộ lạc Bimbos thì mỗi khi đau ốm, họ tự chữa bằng các loại rễ, lá, củ, mọc trong rừng. Cụ thể, theo ghi chép của ông, người Bimbos chữa sốt rét bằng kampo (chất độc trên da một loại ếch), đánh roi lên người bệnh cho ra mồ hôi để cắt cơn sốt (nghi lễ mariwin), nhỏ vào mắt một loại nước ép từ trái cây rất đắng, đắp lá có chứa chất kích thích mạnh (poces), uống tatxi (một loại thức uống làm từ rễ cây). Có thể nói, cách chữa bệnh dựa vào may mắn này khiến cho sự sống của người Bimbos cũng khá bấp bênh. Trường hợp một người hòi phục sau khi bị bệnh thì sẽ được tổ chức ăn mừng bằng cách sơn màu đỏ lên người lấy từ quả urucum và trong lúc tộc trưởng đập 2 cái sọ của loài chim txawa vào nhau thì mọi người sẽ nhảy múa trong tiếng hú bắt chước âm thanh của loài chim này.
Năm 1981, bộ lạc Bimbos có 50 người chết khi bị lây nhiễm bệnh từ một du khách nên đã chuyển đến sinh sống ngay cạnh bờ sông Ituí. Với dân số 87 người vào năm 1983, cuộc điều tra dân số của FUNAI năm 1985 đã chỉ ra rằng tuổi thọ của người Bimbos rất thấp khi chỉ có 7 người trên 40 tuổi và 3 người trên 50 tuổi.
Sau này, nhờ sự giúp đỡ của những nhà chức trách mà người Bimbos đã có những bước tiến lớn đáng kể trong văn hóa, xã hội. Người trẻ Bimbos đã biết mặc quần jeans, áo pull, đi giày, đeo kính mát và thậm chí là cưỡi xe mô tô, đồng thời dân số cũng gia tăng nhanh chóng, văn hóa hiện đại cũng được phổ biến ngày một rộng rãi hơn. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng nào cũng có những hệ lụy. Theo giáo sư Colemann, sức khỏe của tộc người Bimbos đang ngày càng giảm sút khi đề kháng của họ giảm đáng kể vì phụ thuộc vào thuốc Tây. Việc tiếp cận với xe bán tải, xuồng máy khiến cho họ ngày càng xa rời núi rừng hơn.
Trước những thay đổi này, Chính phủ Brazil đã khoanh vùng nơi cư trú và có kế hoạch bảo vệ tộc người Bimbos từ xa, hạn chế sự tiếp xúc từ bên ngoài để tránh cho rượu, ma túy, cờ bạc cùng các tệ nạn khác du nhập vào nơi đây. Cựu lãnh đạo FUNAI Sydney Possuelo từng xót xa tiết lộ: “Đã qua rồi những nỗ lực đưa các bộ lạc biệt lập vào thế giới hiện đại bởi một khi bạn gặp gỡ họ, bạn đã bắt đầu quá trình phá hủy vũ trụ của họ”…
Một phụ huynh và 1 học sinh tử vong thương tâm khi đi trải nghiệm bắt ngao ở Nam Định
Dù đã được người trên tàu ném áo phao xuống để cứu hộ song vẫn không thể cứu được 1 phụ huynh và 1 học sinh.