Thiết bị công nghệ

[Benchmark] SSD tốc độ vượt trội trong thời bão giá HDD - Tại sao không?

Nhắc đến nâng cấp máy, chắc hẳn đa số chúng ta đều nghĩ tới card đồ họa và bộ xử lý trước tiên, sau đó mới tới các bộ phận khác như bo mạch chủ, bộ nguồn hay tản nhiệt… Còn ổ cứng thì chỉ đơn giản là dung lượng càng cao càng tốt. Điều này không khó hiểu bởi sự thực tốc độ ổ cứng ít ảnh hưởng tới hiệu năng hệ thống hơn các thành phần khác.
Tuy nhiên “ít hơn” không có nghĩa là không đáng kể. Một người bạn của tôi từng kêu ca rất nhiều về việc chiếc ổ cứng WD Green làm hệ thống i7-2600K của cậu ấy chậm đi rất nhiều: bật ứng dụng rất lâu, load game cực chậm, hay dính lỗi “not responding”…
Trong bối cảnh lũ lụt Thái Lan đẩy giá HDD lên rất cao và chưa biết bao giờ mới giảm về như cũ, tại sao chúng ta không thử nâng mấy ổ cứng theo hướng khác: tốc độ thay vì dung lượng?
 
SSD: Điểm mạnh và yếu

Tốc độ

Bạn đọc sẽ thấy trực quan hơn ưu thế này của SSD ở các benchmark phía dưới.

Một chiếc SSD tỏ rõ ưu thế về tốc độ trước HDD trên mọi phương diện: khởi động ứng dụng, nạp màn chơi, sao chép dữ liệu, khởi động hệ điều hành chỉ trong 10 giây… Trong khi một chiếc HDD thông thường có tốc độ đọc-ghi chỉ vào khoảng 100 đến 150 MB/s thì ở SSD, con số này có thể lên tới 550 MB/s!
 
Kết cấu thể rắn

Thay vì sử dụng phiến đĩa, các ổ SSD lưu trữ dữ liệu bằng các chip nhớ NAND. Ngoài khả năng hoạt động song song giữa các chip nhớ (đẩy tốc độ đọc-ghi lên cao), điều này còn giúp SSD bền bỉ hơn nhiều so với HDD, đặc biệt trong các môi trường rung lắc mạnh hoặc khi người dùng nhỡ đánh rơi ổ cứng. Không chỉ vậy, SSD vẫn im lặng tuyệt đối sau một thời gian dài sử dụng chứ không phát ra âm thanh lọc cọc của phiến đĩa quay như các HDD.
 

 

Điện năng tiêu thụ và nhiệt độ

Với phương thức hoạt động bằng chip nhớ, SSD tiêu thụ cực kì ít điện năng và hầu như không tỏa nhiệt. Trong khi đó, HDD cần tới 10W (hoặc hơn) trong quá trình vận hành và rất cần một quạt làm mát, bởi theo khuyến cáo của các nhà sản xuất, thường xuyên hoạt động ở nhiệt độ cao sẽ giết chết HDD của bạn!
 
Điểm yếu

- Không nhiều người dám bỏ ra nhiều tiền để rước về một chiếc ổ có dung lượng ít hơn, đặc biệt khi có nhiều thứ cần quan tâm hơn như card đồ họa, bộ xử lý, tản nhiệt… Tuy nhiên trong bối cảnh giá HDD cao như hiện nay, điểm yếu này của SSD có vẻ mờ nhạt đi một chút.
 
- Ngoài giá thành, SSD còn một điểm yếu nữa là hay gặp vấn đề với các trình điều khiển firmware. Để đạt được hiệu năng tốt nhất và khắc phục lỗi, người dùng cần thường xuyên kiểm tra và cập nhật firmware mới của hãng sản xuất. Đây là một phiền toái không có ở HDD.
 
- Hơn nữa, tuy sở hữu tốc độ khá ấn tượng, nhưng các ổ SSD sẽ chậm dần theo thời gian sử dụng (hay chính xác hơn là số lần ghi-xóa). Do vậy người dùng không bao giờ nhận được tốc độ đúng như thông số của chiếc ổ. Tuy thế, bạn hoàn toàn có thể khôi phục tốc độ cho ổ SSD của mình như khi mới mua bằng thao tác Erase xóa toàn bộ dữ liệu (không phải format). Thế nhưng đây rõ ràng không phải điều mong muốn của bất kỳ người dùng nào.
 
Kiểm nghiệm hiệu năng: SSD so găng HDD

Cấu hình thử nghiệm

Bo mạch chủ: AsRock Z68 Pro3
Bộ xử lý: Intel Core i5 2500K
Bộ nhớ trong: 3x 2 GB Gskill RIPJAWS 1600 cas 8
Card đồ họa: MSI GTX 560 Ti Twin Frozc II OC
Nguồn: Seasonic X660
Ổ cứng: HDD WD Caviar Blue 320 GB
SSD Mach Xtreme MX-DS Turbo 120 GB
 
 
Caviar Blue là dòng HDD phổ thông của Western Digital. Sản phẩm có tốc độ đọc-ghi vào khoảng 110 MB/s. Đây là phiên bản chuẩn SATA 3, tuy nhiên theo tôi SATA 3 là không cần thiết đối với các HDD bởi chúng vẫn chưa khai thác hết tốc độ của giao tiếp SATA 2. Caviar Blue 320 GB hiện có giá khoảng 1.800.000 VNĐ – tức tăng hơn gấp đôi so với cách đây nửa năm.
 
Mach Xtreme MX-DS Turbo là dòng SSD có tốc độ thuộc hàng cao nhất hiện nay. Sử dụng các chip nhớ MLC NAND Flash, tốc độ đọc-ghi của MX-DS Turbo có thể lên tới 550 MB/s. Sản phẩm sử dụng giao tiếp SATA 3, có khả năng tương thích ngược với SATA 2 nhưng tốc độ giảm đi đáng kể.
 
* Xin cám ơn công ty Ha Noi Computer đã hỗ trợ 2 sản phẩm này.
 
Thời gian khởi động – tắt máy

Hệ điều hành mà tôi sử dụng là Windows 7 Ultimate. Thời gian được tính từ lúc bắt đầu boot vào ổ cứng cho đến khi khởi động xong hệ điều hành.
 


Tốc độ boot ổ cứng của MX-DS Turbo nhanh hơn gần 3 lần, còn tắt máy thì nhanh gấp 2 lần.
 
Các trình benchmark tốc độ ổ cứng: Crystal DiskMark – HD Tach – A Disk Benchmark

 
HD Tach - Caviar Blue
 
HD Tach - MX DS Turbo
 
A Disk Benchmark - Caviar Blue
 
A Disk BenchMark - MX DS Turbo

Tốc độ đọc-ghi của MX-DS Turbo rõ ràng nhanh hơn Caviar Blue gấp nhiều lần. Trong khi Caviar Blue chỉ rơi vào khoảng 110 MB/s thì MX-DS Turbo nhanh hơn tới gần 5 lần! Đây là tốc độ benchmark của SSD khi chỉ vừa cài đặt hệ điều hành, thực tế sử dụng có thể kém hơn.
 
Thời gian sao chép dữ liệu & giải nén

Phép thử này chỉ nhằm mang tính tham khảo, bởi trên thực tế do giá thành quá đắt đỏ, SSD chỉ được dùng để cài đặt hệ điều hành và ứng dụng chứ ít khi lưu trữ dữ liệu. Phép thử bao gồm sao chép thư mục nặng 1,16 GB chứa 290 tập tin JPEG; sao chép tập tin mkv nặng 1,86 GB và giải nén tập tin iso nặng 7,08 GB.

 
Thời gian cài đặt game: StarCraft II – BattleField: Bad Company 2 – Dirt 3


MX-DS Turbo hơn Caviar Blue một khoảng kha khá.
 
Các phép benchmark hệ thống: 3DMark Vantage – 3DMark 11 – PCMark Vantage

Caviar Blue (trái) và MX-DS Turbo (phải)
 
Caviar Blue (trái) và MX-DS Turbo (phải)

Cùng là phần mềm đánh giá khả năng xử lý đồ họa, nhìn chung kết quả giữa Caviar Blue và MX-DS Turbo không khác nhau mấy. Duy chỉ có phép thử Physics của 3DMark 11 chấm cho SSD điểm số cao hơn HDD. Nguyên nhân bởi phép thử này đòi hỏi trao đổi luồng dữ liệu lớn. Điều này có nghĩa các ứng dụng với nhiều hiệu ứng vật lý sẽ khai thác được điểm mạnh của SSD.
 
Caviar Blue (trên) và MX-DS Turbo (dưới)

PCMark 11 là phần mềm đánh giá toàn diện khả năng làm việc và giải trí của hệ thống. Theo đó giải pháp SSD MX-DS Turbo tỏ ra vượt trội hơn HDD Caviar Blue rất rất nhiều. Trên mọi phương diện từ nghe nhạc, chơi game... giải pháp SSD đều nhận được điểm số cao hơn từ 1,5  đến 4 lần!
 
Thời gian khởi động game và nạp màn chơi: StarCraft II - Shogun 2: Total War


Đây là 2 game chiến thuật rất nặng với các màn chơi có môi trường phức tạp. Thời gian khởi động lâu và load màn chậm dễ làm điên đầu các game thủ, đặc biệt nếu bạn vừa “ăn hành”.
 
Hiệu năng game: StarCraft II – Shogun 2: Total War – BattleField: Bad Company 2 – Dirt 3


Thật đáng tiếc! Không như nhiều người vẫn nghĩ, ổ cứng thể rắn SSD dù tốc độ vượt trội nhưng hầu như không hơn gì HDD ở khoản khung hình/giây trong game.
 
Kết luận

Nhắc đến SSD, có rất nhiều lý do để “nho còn xanh lắm” như giá thành đắt đỏ, dung lượng thấp, nhìn “nhỏ nhỏ đáng ghét”… nhưng không thể phủ nhận những lợi thế mà tốc độ ưu việt của nó mang lại. Mát mẻ, không rung, im lặng tuyệt đối, độ bền cao, tiết kiệm điện năng, tốc độ vượt trội, không lag không delay… Chỉ qua 3 ngày ngắn ngủi sử dụng MX-DS Turbo, tôi phải mất cả tuần để thích ứng lại với tốc độ “chậm rì” của chiếc Caviar Black đang sử dụng.
 
Tuy nhiên dù khả năng khai thác ứng dụng tăng rõ rệt, SSD lại không đem lại lợi thế nào đối với khung hình trong game – điều mà các game thủ quan tâm nhất. Hơn nữa để khai thác được lợi thế tốc độ, cả hệ điều hành và ứng dụng đều phải được cài trên ổ SSD, nên ổ cứng thể rắn hầu như vô nghĩa khi bạn trang bị dung lượng ít hơn 60 GB.
 
Với giá thành đắt đỏ, tùy chọn SSD đương nhiên vẫn xếp sau các linh kiện khác. Tuy nhiên, nếu đã cảm thấy hài lòng với hiệu năng của hệ thống, hoặc đang hướng tới môi trường làm việc tối ưu, chắc chắn SSD là sự lựa chọn không làm bạn hối tiếc.