Nếu bạn thường xuyên nhắn tin hay soạn email trên điện thoại thì chất lượng của bàn phím là điều đầu tiên cần cân nhắc khi mua điện thoại.
<>>
Hầu hết các smartphone ngày nay đều trang bị bàn phím ảo thay thế cho bàn phím vật lý trước đây. Do đó, bạn phải làm quen với cách gõ văn bản trên mặt kính phẳng của smartphone nếu muốn sử dụng thành thạo chiếc điện thoại của mình. Cuộc thí nghiệm với 5 điện thoại Android dưới đây có thể sẽ giúp bạn đánh giá về tốc độ gõ phím, độ chính xác của bàn phím các loại điện thoại này.
Năm điện thoại được thử nghiệm gồm HTC Sensation 4G, LG Revolution, Motorola Droid X2, Samsung Galaxy S II và Samsung Nexus S 4G. Ứng dụng được sử dụng là Typing Droid - một tiện ích giúp đo tốc độ và độ chính xác khi nhập liệu. Các máy này sẽ được đặt ở chế độ nằm ngang và vô hiệu hóa một số chức năng như như tự động sửa lỗi và gợi ý từ để tránh sự can thiệp của chúng vào ứng dụng. Tốc độ được tính theo số kí tự/phút và độ chính xác tính theo %.
HTC Sensation 4G
Siêu điện thoại 2 nhân của HTC với màn hình 4,3 inch, đủ rộng để cho phép chiếc bàn phím ảo có một thiết kế tốt. Phím "@" và ".com" được giành riêng 2 vị trí trên bàn phím. Bàn phím của HTC Sensation 4G cho phép nhập số và các biểu tượng bằng cách bấm giữ phím chữ cái. Khi gõ, phản hồi của bàn phím là rung và tiếng động "lách tách" như khi gõ phím thật.
Bàn phím HTC đạt tốc độ trung bình cao nhất trong các điện thoại Android được đem ra thử nghiệm. Độ chính xác đạt 96,4%.
Bàn phím HTC Sensation 4G đạt tốc độ trung bình cao nhất, độ chính xác đứng thứ 2. Thứ tự trong bảng: tốc độ tối đa, tốc độ trung bình, độ chính xác.
LG Revolution
Bàn phím máy này không cho phép ấn giữ phím chữ để nhập số. Chức năng tự động sửa lỗi lại hoạt động quá "tích cực", thường đưa ra gợi ý các từ sai. Khi vô hiệu hóa tính năng này, LG Revolution cho tốc độ gõ nhanh nhất và tốc độ trung bình nhanh thứ 2. Tuy nhiên, độ chính xác của LG Revolution lại nằm bét bảng.
Độ chính xác trên bàn phím LG khá tệ.
Motorola Droid X2
Droid X2 sở hữu màn hình qHD 4,3 inch, bàn phím cảm ứng đa chạm cùng khoảng cách khá rộng giữa các phím. Bàn phím không có phím đặc biệt hay phím 2 chức năng. Bàn phím của Droid có phản ứng khá nhạy, cho kết quả gõ chính xác cao nhất (98,6%). Tuy nhiên, để gõ dấu phẩy và dấu nháy thì người dùng phải chuyển sang một kí tự riêng, khá mất thời gian và làm giảm tốc độ nhập liệu. Đây có thể là những nguyên nhân khiến Droid X2 chịu kết quả bét bảng về tốc độ tối đa và tốc độ trung bình.
Samsung Galaxy S II
Màn hình Super AMOLED 4,3 inch cho phép bàn phím của Galaxy S II được thiết kế khá rộng. Tuy nhiên khoảng cách giữa các phím quá gần nên khi nhập liệu, người dùng rất dễ đánh nhầm phím cần đánh với phím bên cạnh. Điều này lý giải nguyên nhân Galaxy S II đứng thứ 2 từ dưới lên về độ chính xác (95,3%). Tuy nhiên, hàng phím chữ trên cùng cho phép nhập số nhanh bằng cách ấn giữ phím, đồng thời, các từ gợi ý khi gõ được hiển thị ở một không gian rộng, cho phép người dùng dễ dàng chọn lựa từ mình cần. Bàn phím của S II đứng vị trí thứ 3 về tốc độ tối đa và tốc độ trung bình.
Samsung Nexus S 4G
Samsung Nexus S 4G sở hữu màn hình Super AMOLED 4 inch, chạy hệ điều hành Android Gingerbread cùng bàn phím mặc định phiên bản mới nhất của Google. Bấm và giữ phím ở hàng chữ cái trên cùng cho phép nhập liệu số và các kí tự. Độ chính xác của Nexus S 4G đứng thứ 2, nhưng tốc độ trung bình thì lại tệ thứ 2 trong số 5 smartphone được thử nghiệm.
Kết luận
HTC Sensation 4G giành giải nhất với tốc độ gõ phím trung bình nhanh nhất và cho độ chính xác cao thứ Hai. Thêm vào đó, các phím chuyên dụng @ và ".com" rất tiện lợi cho người dùng. Tính năng giữ phím chữ cái để nhập số và kí tự ngay trên bàn phím mà không phải chuyển qua một layout riêng giúp HTC thêm một điểm cộng cho vị trí số 1.
Theo laptopmag