Bài học khởi nghiệp: Đôi khi vấp ngã không phải là thất bại, mà là một phần của thành công
Vấp ngã không phải là thất bại
Tan vỡ gia đình, rơi vào khủng hoảng hay gặp những khó khăn trong cuộc sống, đó đều là những giai đoạn khó khăn có thể xảy đến trong cuộc đời chúng ta.
Nếu bạn không thể vượt lên được thất bại của mình, thì có lẽ là bạn sẽ mãi mãi “núp” sau cái bóng của những thất bại đó. Thất bại của bạn cũng giống như việc chấn thương khiến một cầu thủ bóng chày nổi tiếng trở thành người phải ngồi trên ghế dự bị thôi; nó đâu có khiến bạn trở thành người thất bại. Chừng nào còn gắn với môn thể thao ấy và còn tiếp tục cố gắng, thì bạn vẫn còn là cầu thủ nhà nghề. Nếu bạn không sẵn sàng làm điều cần phải làm, thì thất bại không phải là vấn đề của bạn, mà bạn chính là vấn đề. Để đạt được thành công, bạn phải cảm thấy mình xứng đáng đạt được thành công để rồi có trách nhiệm làm cho mong muốn thành công trở thành hiện thực.
Đó cũng là câu chuyện của những doanh nhân khởi nghiệp sau. Họ đã và đang thành công trên nhiều phương diện. Hãy cùng lắng nghe những câu chuyện khởi nghiệp của họ để nhận ra rằng: đôi khi vấp ngã không phải là thất bại...
Khởi nghiệp từ những vấp ngã
1. Grant Cardone - từ nghiện ma túy đến nghiện làm giàu
Grant Cardone là triệu phú tự thân nổi tiếng của Mỹ, đồng thời là tác giả của 4 cuốn sách kinh doanh nằm trong top bán chạy của New York Times và cũng là chuyên gia tư vấn cho nhiều công ty nằm trong danh sách Fortune 500 (các công ty hàng đầu tại Mỹ). Ít ai biết rằng ông đã từng ngập trong nợ nần và nghiện ma túy.
"Tất cả những gì có được ngày hôm nay đều nhờ nỗ lực cai nghiện của tôi và sau đó là tôi bị 'nghiện' trở thành người giàu có. Tôi muốn sự hiện diện của mình trên hành tinh này có ý nghĩa hơn và tôi đã làm được", Grant tỏ ra phấn khích vì mình đã thay đổi được cuộc sống, sau khoảng thời gian khó khăn.
Triệu phú Grant Cardone từng chia sẻ năm 17 tuổi, công việc bán hàng đầu tiên của ông là trong một cửa hàng quần áo. Tuy nhiên, ông ghét công việc này vì ghét phải nói chuyện, tiếp xúc với người lạ. Ông làm công việc này chỉ vì để sống.
Từ một người cực kỳ ghét bán hàng, ông Cardone đã tập trung tinh thần làm việc, nỗ lực xây dựng quan hệ với khách hàng trong suốt mấy năm. Bằng việc nghiêm túc học bán hàng và làm việc chăm chỉ, sau 32 năm, ông đã trở thành một doanh nhân thành đạt. Ông sở hữu 3 công ty trị giá hàng triệu USD và được coi là "Chuyên gia bán hàng hàng đầu" và "Chuyên gia huấn luyện doanh nghiệp hàng đầu".
Thêm vào đó, ông còn được công chúng biết đến với vai trò là người dẫn chương trình radio có tên Cardone Zone. Với những thành công ở nhiều lĩnh vực, ông Cardone đã kiếm được bộn tiền và trở thành triệu phú giàu có năm 30 tuổi và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ.
2. Tom Ferry - Chấp nhận khó khăn cũng là một cách để thành công
Tom Ferry - người sáng lập kiêm CEO của Tom Ferry International, tập đoàn tư vấn bất động sản lừng danh, đã từng đưa ra một trong những quyết định khó khăn nhất trong suốt giai đoạn khởi nghiệp của mình. Vào thời điểm thị trường bất động sản suy thoái giai đoạn 2007-2009, Tom đã tập trung vào việc giúp đỡ các khách hàng khắc phục khủng hoảng.
Tom đã giúp khá nhiều doanh nghiệp thích ứng với hoàn cảnh khi chuyển hưởng hoạt động từ hình thức bán lẻ truyền thống tiếp cận tối đa với thị trường thông qua các phương thức khác như ngân hàng hay các nhà đầu tư tư nhân khác. Nhờ vậy, số lượng nhà bán được trong cơn khủng hoảng đã "cứu sống" công ty của Tom.
"Chúng tôi đã hết sức hỗ trợ họ để chúng tôi có thể kiếm thêm thu nhập. Tôi và các nhân viên của mình đã hướng dẫn, giúp họ tất cả về các vấn đề kí kết hay hợp đồng. Nhờ vậy mà cứu được chúng tôi đấy!", Tom Ferry tỏ ra rất hài lòng với cố gắng của cả công ty.
Được biết, trong giai đoạn khó khăn, hầu hết các công ty khác đều đã đầu hàng với số phận. Riêng Tom Ferry, ông đã tìm kiếm cơ hội đầu tư cho riêng mình bằng cách giúp đỡ càng nhiều người càng tốt.
Ông còn thuê một trong những nhà văn giỏi nhất bấy giờ, Laura Morton để viết một cuốn sách hướng dẫn các đồng nghiệp khác vượt qua khủng hoảng. Hơn thế nữa, ông còn tổ chức các buổi hội thảo miễn phí và sẵn sàng giảm giá để hỗ trợ những khách hàng tìm đến.
"Tôi không mất đi niềm tin mà thích ứng với thời gian khó khăn. Chính điều đó tạo nên khác biệt trong sự nghiệp của tôi", Tom Ferry tự tin trả lời một cuộc phỏng vấn.
3. Tai Lopez - Hãy biến số lượng thành chất lượng
Tai Lopez là một nhà đầu tư tài ba, một cố vấn đáng tin cậy của nhiều tập đoàn lớn. Dù đang sở hữu khối tài sản triệu đô, nhưng ít ai biết rằng Lopez đã trải qua khoảng thời gian khởi nghiệp tồi tệ như thế nào.
Tai Lopez kể lại: “Từng có thời điểm, trong túi tôi chỉ có 47 USD, không xe, không việc làm, không bằng đại học và không có mục đích sống cho riêng mình. Sách và Mike Stainback - người thầy và cũng là vị cố vấn đầu tiên đã dạy tôi, cho tôi một công việc để kiếm tiền”
"Tôi đã làm việc cật lực, cố gắng và cố gắng hơn nữa nhưng vẫn không thể có được gì ngoài việc tăng lương định kì. Mãi sau này tôi mới hiểu ra chỉ cần làm việc thông minh hơn, chia nhỏ công việc và xử lí dứt điểm trong những khoảng thời gian thích hợp, mọi vấn đề sẽ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết", Tai Lopez nhận ra vắt hết sức lực ra làm việc không phải lúc nào cũng hiệu quả.
Một trong những lí do khiến một vấn đề trở nên quá rắc rối, đó là chúng ta thường quá nhanh chóng muốn giải quyết vấn đề, đó không phải là cách giải quyết. "Tôi dám chắc rằng, top 10 người giàu có nhất trên hành tinh, họ không phải lúc nào cũng làm việc. Nhưng có khi 1 giờ làm việc của họ lại hiệu quả gấp 100 lần chúng ta", Lopez chia sẻ.
4. AJ Riviera - Thành công một mình không phải là ý hay
AJ Rivera cũng là một diễn giả, một cố vấn kinh doanh khác rất thành công thuộc The Oracles. AJ từng phạm sai lầm khi đã cố gắng mở rộng quy mô khởi nghiệp quá sớm:
"Tôi đã đốt cháy giai đoạn, không tuân theo các quy trình để có được mô hình kinh doanh thành công. Kết quả là tôi mất hàng nghìn đô từ tiền tiết kiệm để bù lỗ. Thậm chí còn không mua nổi cho vợ sắp cưới của tôi một cái thiệp vào dịp Giáng sinh hay các món thưởng cho nhân viên vào dịp Lễ".
Lễ giáng sinh năm 2014 trở thành khoảng thời gian kinh doanh tồi tệ nhất của AJ, đó là lúc ông nghĩ về việc phát triển cùng đội nhóm: "Tôi nhận ra việc tin tưởng và dựa vào những người khác trong nhóm quan trọng như thế nào nếu muốn thành công. Từ họ, tôi học được rất nhiều điều về kinh doanh".
Ngay sau đó, công ty của AJ đã dần hồi phục và họ đạt được gần 500.000 USD vào khoảng giữa năm kế tiếp. Năm 2016, AJ quyết định thành lập một công ty tư vấn để giúp đỡ những người gặp khó khăn trong kinh doanh và đã thu về 1,5 triệu USD trong năm đầu tiên.
"Không ai hoàn thành bất cứ điều gì ý nghĩa một mình, đó là bài học tôi nhận được sau những thất bại", AJ Rivera rất tâm đắc về những gì mình cùng cả nhóm đã thực hiện.
Theo: TriThucTre
Triết lý con gián: Kẻ sống sót sau cùng không phải là kẻ mạnh, thông minh hay tài giỏi mà là người thích nghi tốt nhất!
(Techz.vn) Dù bạn có tài giỏi, thông minh đến đâu, nếu không thể thích nghi với sự thay đổi của môi trường, tất yếu bạn sẽ bị đào thải. Cùng xem những bài học xương máu dưới đây và ngẫm.