Asus

ASUS K551L - Tốt "gỗ", "nước sơn" cũng hay!

Thiết kế không đẹp, nhưng hay

Thuộc dòng K – theo tiêu chí “hiệu năng, linh hoạt”, song không có nghĩa là K551L kém hấp dẫn. Đánh giá khách quan mà nói, có thể kích thước và thiết kế của K551L có vẻ “thường thường”, đơn giản đến mức đơn điệu, nhưng vẫn hay hay, nếu soi kỹ từng chi tiết.

Vẻ chán mắt đầu tiên có lẽ là kích thước của máy. Có màn hình đến 15,6 inch, lẽ đương nhiên, kích thước của K551L cũng khá to. Nhưng nếu bạn đã quen với thiết kế hầm hố, phong cách của những “cỗ máy chiến game di động” với kích thước tương đương thì thiết kế quá đơn giản của máy khiến bạn... cụt hứng!

ASUS mang phong cách Ultrabook của họ vào thiết kế của K551L. Đó là cách thiết kế bo tròn, vạt góc giúp máy cỏ vẻ mỏng hơn... Cố ý làm mỏng phần thân máy mà vẫn đảm bảo yếu tố chịu lực thông qua bộ vỏ nhôm... Song, mỏng và to lại là 2 yếu tố kết hợp kém đẹp.

 

Màn hình lớn khiến kích thước của máy dội lên đáng kể

Mặt trên màn hình làm bằng nhôm, khá đẹp với cách trang trí vân xước, mang lại nét cứng chắc bên cạnh cảm giác mát lạnh “đã tay”

Cách bo tròn, vạt góc được xem là xảo thuật giúp mang lại cảm giác mỏng mảnh

Mặt phím, mà thật ra cũng là bộ khung chính bằng nhôm nhằm cân bằng giữa các yếu tố: độ cứng để bảo vệ phần cứng bên trong, đảm bảo độ mỏng cần thiết và giúp trao đổi nhiệt đủ để hệ thống hoạt động ổn định.

Hốc tản nhiệt nằm ngay cạnh trong, giáp ranh với màn hình, giống thiết kế truyền thống luôn được đánh giá cao của dòng Macbook

Kích thước lớn giúp ASUS có thể trang bị cả phím số chuyên biệt trên K551L. Kích thước phím được thu nhỏ bớt nhưng vẫn đủ dễ thao tác, lại mang cảm giác khá thoáng.

Quá mỏng, nên thiết kế cổng RJ45 cũng khác biệt

 

K551L vẫn đủ món ăn chơi với các cổng kết nối cần thiết như HDMI, khe đọc thẻ SD, 3 cổng USB, cổng tai nghe và cả ổ quang ghi/đọc DVD

 

Cạnh đáy là lớp nhựa liền mạch. Theo đó, K551L sử dụng pin liền trong máy. Và vì chỉ sử dụng một tấm nhựa liền ở cạnh đáy nên thao tác nâng cấp RAM, thay HDD hay vệ sinh quạt tản nhiệt khá thuận lợi. Quan ngại duy nhất là nhà phân phối đã dán tem bảo hành che mất phần ốc định vị nên bạn không còn cách nào khác là mang đến hãng khi có nhu cầu can thiệp phần cứng.

 

Hai khe loa nằm gần vị trí vạt góc nhằm tránh hiện tượng cản hay dội âm.

Về cách đóng gói sản phẩm, K551L có vỏ hộp dùng chung vỏ hộp với dòng Vivobook.

Phụ kiện đi kèm gồm có adapter kiểu mới, sổ bảo hành, sách hướng dẫn, đĩa Driver, vải lau màn hình và cả một con chuột quang có dây độ nhạy cao mà ASUS dành tặng khách hàng

 

Trang bị phần cứng

Khá thú vị khi K551L dùng thuộc phân khúc trung cấp nhưng được trang bị cấu hình khá tốt. Máy sử dụng vi xử lý Intel thế hệ 4 với tên mã Haswell kết hợp với bộ xử lý đồ họa Nvidia Geforce. Với phiên bản mà Techz thử nghiệm, sự kết hợp giữa Intel Intel Core i5 4200U, RAM 4GB và GPU Nvidia GeForce 840M/Intel HD 4400 là khá chuẩn cho hầu hết nhu cầu sử dụng của bạn.

Cạnh bên phần cứng chính tốt, các trang bị khác trên K551L cũng hấp dẫn, góp phần nâng cao hiệu năng hoạt động tổng thể. Bạn có sự kết hợp giữa SSD 24GB và HDD 500GB giúp hệ thống hoạt động nhanh, đủ sức lưu trữ lượng dữ liệu lớn. Công nghệ Instant On cho phép khởi động lại trong 2 giây từ chế độ Sleep. USB 3.0 truyền dữ liệu nhanh hơn đến 10 lần. Kết nối không dây Bluetooth 4.0 và Wi-Fi n tiện dụng...

K551L được ASUS trang bị màn hình 15,6 inch. Dù chỉ đạt chuẩn HD 1366 x 768 px nhằm tối giản chi phí, song màn hình này lại là màn hình Color Shine với tấm nền LED giúp nâng độ sáng cũng như cải thiện khả năng thể hiện game màu.

Nhìn chung, cảm qua về màn hình khá tốt. Rõ ràng việc đánh đổi kích thước to vật vã để có được chiếc màn hình ngon-bổ-rẻ này là hoàn toàn hợp lý, thuyết phục. Khuyết điểm duy nhất của màn hình K551L nói riêng, hay màn hình gương nói chung là hiển thị khá kém trong điều kiện ánh sáng môi trường xung quan quá tốt.

 

Một chi tiết quan tâm khác là bàn phím và touchpad. Theo đanh giá của Techz thì bàn phím chiclet trên K551L có độ nảy tốt, hành trình phím dài cùng cụm phím điều hướng lớn giúp việc nhập liệu hay điều khiển bằng phím khá thuận tiện, không bị nhầm phím.

 

Touchpad trên K551L khá lớn, trang trí viền kim loại khá đẹp. Tuy nhiên bề mặt touchpad hơi nhám, khiến thao tác kém nhanh. Khoảng nhấn click chuột lại khá sâu nên kém thuyết phục. Hơn nữa, dù là touchpad cảm ứng đa điểm, song cảm giác sượng tay cộng với hỗ trợ chưa ấn tượng của Windows khiến touchpad kém hấp dẫn. Chuột ngoài vẫn luôn là chọn lựa tối ưu. 

Hiệu năng khá ấn tượng

Dẫu biết rằng K551L được trang bị GPU Nvidia Geforce GT740M, chưa phải là trang bị cao cấp nhất, cạnh đó là vi xử lý chỉ dừng ở mức Core i5, song khả năng trình diễn của hệ thống cũng khá ấn tượng. Theo thực tế kiểm nghiệm của TechZ thì với cả các tựa game cao cấp, với thiết lập đồ hoạ trung bình, K551L vẫn khá "nuột".

Điểm ấn tượng chính là hệ thống tỏ ra khá mát ngay cả khi "chiến" lên tục. Phép đo bằng phần mềm RealTemp cho thấy K551L duy trì nhiệt độ dưới 70oC. Khi tải các tác vụ nặng, nhiệt độ có thể tăng nhanh, song nhanh chóng được cân bằng bởi bộ tản nhiệt hoạt động rất hiệu quả. Đó cũng là chi tiết bù đổi cho thiết kế tương đối cồng kềnh của K551L.

Đó là các phép thử với một số tựa game offline vốn yêu cầu cấu hình tương đối mạnh. Lẽ đương nhiên, có thể vận hành tốt loại game này thì vấn đề chơi game trực tuyến của K551L có lẽ không phải bàn cải. Đó phải chăng cũng là những gì mà ASUS định hướng cho K551L, chiếc laptop nhỏ gọn, đáp ứng tốt nhu cầu giải trí phổ thông của người dùng.

Hoài An