Nhịp sống số

Apple - Samsung và cuộc tranh chấp bản quyền thiết kế

Phiên tòa phân xử việc Apple đòi Samsung bồi thường số tiền kỷ lục 2,5 tỷ USD đã bắt đầu ngày 30/7 tại Mỹ và kết quả dù nghiêng về bên nào cũng sẽ có tác động không nhỏ đến thị trường smartphone và tablet.

Năm 2011, Apple gửi đơn lên tòa án San Jose cáo buộc hãng điện tử Hàn Quốc đã ngang nhiên sao chép kiểu dáng iPhone và iPad. Đây chỉ là một chương trong cuộc đối đầu trường kỳ giữa hai phía về thiết kế sản phẩm. Một vụ kiện khác đã bắt đầu vào tuần trước và hai bên cũng đang đấu đầu nhau tại Anh và Đức, trong đó tòa án Đức cấm Samsung bán Galaxy Tab 7.7 ở châu Âu còn tòa án Anh lại cho rằng Galaxy Tab 10.1 không ấn tượng bằng iPad nên không thể coi đây là sự sao chép.

Mục tiêu của Apple không phải tiền mà là muốn tiêu diệt đối thủ.

Tuy nhiên, phiên tòa ở Mỹ gây chú ý bởi Apple đòi Samsung khoản tiền phạt lên tới 2,5 tỷ USD - mức kỷ lục liên quan đến tranh chấp bản quyền công nghệ. Samsung phản ứng lại rằng những gì Apple đang có cũng chỉ là đi ăn cắp, chưa kể một số chi tiết như là thiết kế chữ nhật bo góc của smartphone và tablet đã là điển hình của ngành công nghiệp từ bao năm nay.

Thẩm phán Lucy Koh ở San Jose tháng trước yêu cầu Samsung rút máy tính bảng Galaxy 10.1 khỏi thị trường Mỹ trong thời gian chờ phiên tòa diễn ra. "Đó là một thông điệp đầy mạnh mẽ, phần nào cho thấy bà ấy nghĩ gì về Samsung và Apple", Bryan Love, chuyên gia về luật và bản quyền tại Đại học Santa Clara (Mỹ), nhận xét. Dù vụ kiện sẽ được quyết định bởi bồi thẩm đoàn 10 người, thẩm phán Koh vẫn có quyền bác bỏ nếu bà nghĩ là họ đang sai lầm.

"Mối quan tâm của mọi người không đơn giản là khoản tiền khổng lồ mà Apple đòi mà là liệu Samsung có quyền tiếp tục bán sản phẩm của họ hay không", Mark A. Lemley, Giáo sư tại trường luật Stanford, cho hay.

Lemley nhận định phán quyết nghiêng về Apple sẽ khiến người tiêu dùng có cảm giác rằng các sản phẩm Android như của Samsung đang gặp rắc rối về mặt pháp lý. Còn phán quyết nghiêng về Samsung (nhất là khi hãng này thắng thế trong việc yêu cầu Apple trả tiền nếu muốn sử dụng bản quyền công nghệ mà họ đang nắm giữ) sẽ dẫn đến việc Apple nâng giá sản phẩm lên cao hơn nữa.

Các cuộc đàm phán bên ngoài tòa án với sự tham gia của CEO Apple Tim Cook và lãnh đạo cao cấp của Samsung đã không đi đến thống nhất, dẫn đến một phiên tòa dự kiến có thể kéo dài tới 4 tuần (diễn ra vào thứ hai, thứ ba và thứ sáu trong hai tuần đầu tính từ 30/7, nếu chưa kết thúc thì hai bên sẽ hầu tòa hàng ngày trong 2 tuần tiếp theo).

Việc không thể thương lượng được giới luật sư tin rằng có liên quan đến tuyên bố của Steve Jobs khi còn sống. Samsung cũng đã hướng sự chú ý của thẩm phán tới câu nói của cố CEO Apple được nhắc đến trong cuốn tiểu sử duy nhất được ông hợp tác rằng: "Tôi sẽ dành đến hơi thở cuối cùng của mình, dùng đến đồng xu cuối cùng trong số 40 tỷ USD của Apple tại ngân hàng để chiến đấu với chuyện này. Tôi sẽ hủy hoại Android vì đó là sản phẩm ăn cắp". Trong cuộc gặp Eric Schmidt, Chủ tịch Google, tại một quán cafe ở Palo Alto sau đó, Jobs nói không muốn hai bên hòa giải: "Tôi không cần tiền của các ông, kể cả khi các ông đưa tôi 5 tỷ USD. Tôi cũng có khối tiền. Điều tôi muốn là các ông ngừng ngay việc sử dụng các ý tưởng của chúng tôi và đưa vào trong Android".

Hãng điện tử Hàn Quốc cho rằng những phát ngôn đó "thể hiện thành kiến, động cơ không đúng đắn của Apple và mục đích của họ là hủy diệt của Android". Tuy nhiên, thẩm phán Koh nói: "Tôi không nghĩ đây là vụ kiện của Steve Jobs".

Về phía Apple, trong hồ sơ gửi lên tòa án, các luật sư của hãng này nói họ gần như không thấy sự khác biệt nào giữa sản phẩm giữa hai công ty và những tài liệu nội bộ của Samsung cũng cho thấy họ sao chép thiết kế và giao diện của Apple. "Samsung từng bán rất nhiều điện thoại và một mẫu tablet do họ tự thiết kế", luật sư Apple mô tả. "Giờ thì các thiết bị di động của Samsung không chỉ trông giống iPhone và iPad, chúng còn sử dụng những tính năng tương tác với người dùng đã được Apple đăng ký ".

Apple cũng cung cấp bằng chứng rằng vào tháng 2/2010, Google đã khuyến cáo Samsung máy tính bảng P1 và P3 (Galaxy Tab và Galaxy Tab 10.1) trông giống iPad và yêu cầu nên có một thiết kế khác. Năm 2011, nhóm thiết kế sản phẩm của Samsung cũng nói họ cảm thấy 'hối tiếc" vì Galaxy S trông tương tự iPhone.

Còn trong hồ sơ của Samsung, hãng này tố cáo iPhone rốt cuộc cũng chỉ là sản phẩm sao chép từ phong cách thiết kế đặc trưng của Sony. Chưa kể, Samsung đã tham gia thị trường di động từ năm 1991 còn Apple mới góp mặt từ năm 2007.

Samsung tố Apple bắt chước Sony.

"Apple chẳng qua muốn thu hẹp sự lựa chọn của người tiêu dùng nhằm duy trì nguồn lợi nhuận từ những sản phẩm có giá cắt cổ của họ. Điện thoại Android do Samsung và các hãng khác sản xuất (tất cả đều bị Apple kiện tại những thị trường khác nhau trên toàn cầu) mang đến cho người tiêu dùng một hệ điều hành mở, linh hoạt và sự lựa chọn phong phú về giá cả thay cho các mẫu thiết bị duy nhất và đắt đỏ trong một hệ sinh thái khép kín của Apple", Samsung nhấn mạnh.

Vụ kiện cũng ảnh hưởng đến cả một số hãng khác, như Microsoft, IBM, Nokia và RIM đã phải gửi báo cáo đến toà án đề nghị một số thỏa thuận trao đổi bản quyền riêng giữa các bên không bị tiết lộ trong suốt phiên tòa.

Samsung đang liên tục vượt Apple và Nokia để trở thành hãng điện thoại lớn nhất thế giới. Apple đã bán ra 26 triệu iPhone trong quý III/2012, thấp hơn so với dự đoán của giới phân tích và chỉ bằng một nửa doanh số smartphone của Samsung. Chính vì thế, có ý kiến cho rằng Apple đang dựa vào vụ việc này để câu giờ, làm chậm tốc độ bành trướng đối thủ trong khi chờ iPhone thế hệ sáu ra đời.

"Dù nói thế nào, thì phiên tòa cũng đang diễn ra rồi", chuyên gia Bryan Love nhận xét. Ông cho rằng, trong một ngành công nghiệp tồn tại sự chồng chéo, nơi có quá nhiều công ty nắm giữa những bản quyền quan trọng khác nhau trên cùng một thiết bị mà người chơi này lại không thể không sử dụng công nghệ của bên kia (chỉ riêng chiếc điện thoại nhỏ bé cũng chứa tới 250.000 bằng sáng chế), thì kiện cáo bị xem là thứ vũ khí hủy diệt lẫn nhau, do đó tốt nhất các bên nên ngồi lại thương lượng để chia sẻ bản quyền hơn là lôi nhau ra tòa.

<>Châu An