Nhịp sống số

Ăn mì trong bồn cầu, chơi ma túy kiếm tiền phản cảm từ YouTube ở VN

Ăn mì trong bồn cầu, chơi ma túy kiếm tiền phản cảm từ YouTube ở VN

Cách đây ít ngày, Guillaume Chaslot, cựu nhân viên của Google, cho rằng hệ thống đề xuất của YouTube chỉ có mục tiêu duy nhất: gây nghiện. Hệ thống đề xuất video tự động của YouTube từng bị chỉ trích nhiều trong quá khứ vì có thể tự đưa ra những video thuộc chủ đề độc hại, dù người dùng không chủ động tìm kiếm đến chúng.

 “Tại Việt Nam, thuật toán đề xuất của YouTube đang khuyến khích người làm nội dung tạo ra những video phản cảm như vậy. Những nội dung nhảm, gây tranh cãi, bẩn thường thu hút nhiều lượt xem hơn. Dù có cố xem những video nội dung tốt thì tab thịnh hành và phần đề xuất cũng sẽ dắt người dùng đến các video bẩn”, Nhật Minpay, người làm YouTube chuyên nghiệp với kinh nghiệm hơn 6 năm cho biết.

Chiều theo thị hiếu của người dùng

Theo ông Nhật, nếu một kênh đầu tư bài bản cho các nội dung như giáo dục, khoa học hay ca nhạc, thu nhập từ YouTube họa may chỉ "hòa vốn". Nhưng với một kênh sơ sài có nội dung nhảm, phản cảm, gây tranh cãi, tò mò thì nguồn tiền từ YouTube có thể đến nhiều hơn.

Điều này dễ thấy khi một MV ca nhạc đầu tư cả tỷ vẫn thua một video giang hồ mạng hay các dạng thử thách phản cảm quay bằng smartphone. Những video này cũng hiện quảng cáo adsense, có thể gây hại đến thương hiệu chi tiền chạy chiến dịch trên YouTube.

Những nội dung phản cảm đang "hút view" trên YouTube Việt.

“Sự bất công của thuật toán và cách mà YouTube công nhận thành quả của người sáng tạo khiến người làm nội dung tự hỏi: 'Vì sao tôi phải làm nội dung sạch?' bởi càng sốc, càng phản cảm thì càng gây tò mò. Chỉ cần biết cách lách tiêu chuẩn cộng đồng là có nhiều view, nhiều tiền", ông Nhật chia sẻ.

Theo số liệu từ SocialBlade, kênh YouTube của ca sĩ Đen Vâu thành lập năm 2014 có 1,2 triệu đăng ký, 356 triệu lượt xem và thu nhập ước tính thấp nhất 14.000 USD/ tháng.

Trong khi đó, kênh YouTube PHD Troll được thành lập năm 2017 hiện có 4 triệu đăng ký, 1,6 tỷ lượt xem cùng thu nhập ước tính thấp nhất 30.000 USD/tháng. Mức thu nhập này ngang bằng kênh Faptv từng đại diện Việt Nam tại YouTube Rewind 2018.

PHD Troll - một kênh YouTube với nội dung “nghịch ngu”, cũng là nguồn cảm hứng cho YouTuber đổ trứng lên đầu mẹ để ăn mừng 20.000 đăng ký - có tất cả chỉ số cao gấp nhiều lần Đen Vâu - ca sĩ được giới trẻ theo dõi.

Một số kênh khác được Google Việt Nam tự hào như nguồn cảm hứng cho các YouTuber như Giang Ơi, Bội Ngọc Piano… cũng không thể đọ các chỉ số này với PHD troll.

“Tất cả gói gọn trong hai chữ “thị hiếu” và thuật toán của Google đang chạy theo tiêu chí này để có thêm giờ xem”, ông Nhật nhận định.

Chủ đề nhảm, phản cảm tràn lan YouTube

Với từ khóa “thử thách”, YouTube Việt cho ra hàng loạt các video với nội dung phản cảm, nguy hiểm như ngủ trong quan tài, mua quần lót gái bán dâm, đá bóng trên nền gạch xà bông, nhảy từ nóc nhà…

Mới đây, việc YouTuber ăn mừng 20.000 đăng ký bằng cách đổ trứng lên đầu mẹ bị cộng đồng lên án cũng xuất phát từ một thử thách tương tự.

Video phản cảm nhận được nhiều lượt xem sẽ tạo thành trào lưu khiến nhiều YouTuber cùng làm. 

Video về thử thách đổ trứng lần đầu được kênh PHD Troll đăng tải cuối năm 2018. Với tiêu đề “Đổ 400 quả trứng lên đầu người lạ”, video trên thu hút 10 triệu lượt xem, 7.200 bình luận và 55.000 lượt thích và vẫn được bật kiếm tiền từ quảng cáo.

“Chỉ cần một thau trứng, một nạn nhân và smartphone, video trên có thể kiếm 5.000-40.000 USD (theo SocialBlade) thì việc các YouTuber khác bắt chước làm theo là điều dễ hiểu”, Trọng Nhân, người có kênh dạy ngoại ngữ trên YouTube chia sẻ.

“Dạng video thử thách này càng gây sốc càng có nhiều lượt xem và đăng ký. Một số kênh còn cố tình làm những video dạng này để tăng tương tác ban đầu cho kênh”, ông Nhân nói thêm.

Điển hình là kênh Haha** với các video có lượt xem trung bình 100.000. Thế nhưng, cuối năm 2018, kênh này đăng video "Giả nghiện ma túy để thử lòng người yêu". Trong hơn 6 tháng, video này mang về cho kênh gần 700.000 lượt xem, thuộc top những nội dung có lượng truy cập lớn nhất của kênh.

Trào lưu "dùng ma túy" từng xuất hiện trong phần đề xuất của YouTube.

Ngoài ma túy, những nội dung khác như thử thách làm chó 24 giờ, chấm mọi thứ với phân, ăn mì trong bồn cầu, hút 1.000 điếu thuốc, giả vờ tới tháng để thử lòng người yêu... cũng đang tràn ngập YouTube Việt.

Tuy vô bổ, độc hại nhưng những nội dung này lại khiến người xem tò mò, từ đó tăng lượt xem, đem lại doanh thu quảng cáo cho chủ kênh. Chính điều này khiến nhiều người không ngại "giả nghiện", giả chó, giả chết để được người dùng YouTube chú ý đến.

Bất công với người làm nội dung "sạch"

Theo YouTube, thẻ thịnh hành cung cấp cho người dùng những video hot nhất theo từng quốc gia. Nó tự động cập nhật cứ sau 15 phút. YouTube cho biết thẻ thịnh hành được đo lường kết hợp giữa các chỉ số khác nhau bao gồm số lượt xem, tốc độ tăng số lượt xem, từ đó lượt xem đến và tuổi của video.

Và hơn hết, theo mạng xã hội video này, thẻ thịnh hành ghi lại những gì đang xảy ra trên YouTube và trên thế giới. Việc video nhảm xuất hiện tràn lan trên YouTube, trong mục đề xuất và thẻ thịnh hành phần nào phản ảnh chất lượng các video đăng tải lên nền tảng này tại Việt Nam.

Nhiều video đầu tư nội dung, thiết bị cũng khó lòng vượt được những nội dung nhảm.

"Không thể chiều theo thị hiếu mãi được. Google cần có công cụ, con người lọc nội dung tốt hơn bởi các chỉ số như lượt xem, lượt đăng ký không phản ánh được nội dung của video. Chí ít YouTube phải can thiệp vào tính năng đề xuất và tab thịnh hành", ông Nhân cho biết.

Sự trỗi dậy và phát triển mạnh mẽ của nội dung nhảm, phản cảm cũng gây ảnh hưởng lớn đến những người sản xuất nội dung vì cộng đồng.

"Việc YouTube không kiểm duyệt và chịu trả tiền quảng cáo cho những video trên phần nào khuyến khích những YouTuber sáng tạo những nội dung hút view nhưng độc hại như vậy. Những người làm nội dung như tôi đôi khi cảm thấy chạnh lòng", ông Nhật nhấn mạnh.

Theo ông Nhật, YouTube cần chia nhỏ thẻ thịnh hành và phân loại video. "Ví dụ, các kênh dạy ngoại ngữ, nấu ăn, nhạc cụ cần được xếp vào thẻ thịnh hành dành cho giáo dục. Để làm được điều này, trước hết YouTube phải có thuật toán để nhận diện những gì đang diễn ra trong video chứ không thể cứng nhắc chạy theo các chỉ số được", ông Nhật cho biết.

Quảng cáo trên kênh YouTube bẩn gây hại thương hiệu

"Việc hình ảnh thương hiệu xuất hiện bên cạnh những video phản cảm, vi phạm là chuyện mà các nhãn hàng không nên xem là bình thường. Quảng cáo trong môi trường mạng xã hội, toàn bộ rủi ro nếu có đều thuộc về doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cách mua quảng cáo còn thể hiện tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội”, thạc sĩ Đặng Thị Kim Chi, giảng viên ngành quan hệ công chúng Đại học Văn Lang, TP.HCM cho biết.

Cũng theo Thạc sĩ Kim Chi, khi nhắm mắt chạy theo chỉ số tiếp cận khách hàng, doanh nghiệp đang đứng trước các khủng hoảng truyền thông không lường trước được.

“Khi rót tiền vào cho một kênh quảng bá thảm họa, các doanh nghiệp chưa lường trước những khủng hoảng sẽ xảy ra sau đó. Một số trường hợp các mẫu quảng cáo hiển thị ngẫu nhiên trên những nội dung xúc phạm chính quyền, nếu bị người dùng chụp lại, rủi ro khủng hoảng khó lường trước được. Trong trường hợp này, doanh nghiệp là bên bị cơ quan chức năng xử lý đầu tiên”, bà Kim Chi nói thêm.

Theo: Zing.vn 

 

Thuật toán ma quỷ của YouTube hoạt động ra sao?

(Techz.vn) Guillaume Chaslot, cựu nhân viên của Google, cho rằng hệ thống đề xuất của YouTube chỉ có mục tiêu duy nhất: gây nghiện.