Báo Mới

Ai đã 'chống lưng' cho 'cậu Thủy'?

(Techz.vn) Từng bị bắt vì lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng. Khi cơ quan công an bắt giữ vợ chồng "cậu Thuỷ", người dân địa phương đã hiếu kỳ kéo đến xem dài tới cả cây số.

Sau khi "nhà ngoại cảm" Nguyễn Thanh Thúy (sinh ngày 1/5/1959) tức "cậu Thủy" và vợ là Mẫn Thị Duyên (sinh ngày 28/4/1962) bị bắt và khởi tố (28/10) về hành vi làm giả hài cốt, di vật, nơi chôn liệt sỹ, PV đã tìm về nơi cư trú của hai đối tượng tại thôn Trác Bút, thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Khi chúng tôi hỏi thăm về nhà "cậu Thủy", có người đã nói ngay: “Bị bắt là đúng rồi, làm ăn kiểu vô lương tâm thế cơ mà!”.

Từng hành nghề lấy vàng giả,  đổi vàng thật?

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì người dân nơi đây không quá bất ngờ khi biết tin vợ chồng Thúy - Duyên bị bắt. Nhiều người còn bảo: "Nếu ông ta còn ở ngoài vòng pháp luật thì còn làm khổ nhiều người. Đáng nhẽ ông ta phải bị bắt từ lâu rồi!".

Được biết, Nguyễn Thanh Thúy không phải là người gốc ở đây. Quê ông ở Ân Phú, Phú Lâm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Trước đây, Nguyễn Thanh Thúy đã từng công tác trong ngành công an, nhưng do vi phạm kỷ luật nên đã bị tước quân tịch, đuổi khỏi ngành. Trước khi về chung sống với đối tượng Mẫn Thị Duyên từ năm 1995 ở thôn Trác Bút, Thúy đã từng có vợ con. Bản thân Duyên cũng đã có con riêng. Hai người tuy chung sống với nhau nhiều năm nhưng không có con chung. Trong quá trình chung sống, hai đối tượng cùng hành nghề thầy cúng và tìm mộ thất lạc. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu tiên bước chân vào "nghề", hai đối tượng đã có nhiều thủ đoạn lừa đảo như lấy vàng giả đổi vàng thật của khách hàng đến đây cúng bái.

Vì có những hành vi lừa đảo trắng trợn, năm 1996, Thúy và Duyên bị công an tỉnh Bắc Ninh bắt vì tội lừa đảo, chiếm dụng tài sản và tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép. Với các tội danh này, Thúy bị kết án 10 năm tù giam, Duyên 12 năm tù giam. Năm 2005, sau khi ra tù, Thúy tiếp tục hành nghề tìm mồ mả và bắt đầu nhận tìm mộ liệt sỹ. Thúy thường tự nhận mình là "nhà tâm linh" với biệt danh tự xưng là "cậu Thủy".

Không biết Thúy và Duyên đã bày trò lừa đảo tìm mộ ở những đâu chứ người dân xóm Trác Bút không mấy người tin là hai người này có khả năng đó. Với họ, vợ chồng nhà Thúy - Duyên chỉ là những người bày trò cúng bái, mê tín dị đoan. Bởi thực tế, trong những năm 90, hoạt động mê tín, lừa đảo của vợ chồng Duyên - Thúy đã bị phát giác và vì hành vi này mà cả hai đã phải ngồi "bóc lịch" trong nhiều năm.

Số thầy thì để cho ruồi nó bâu!

Cũng trong thời gian Thúy sinh sống ở thôn Trác Bút cùng Duyên, Thúy đã từng bị chính quyền địa phương nhắc nhở vì những hành vi hoạt động mê tín của mình. Do vợ chồng Duyên - Thúy sống biệt lập nên hàng xóm láng giềng ít ai biết họ làm những gì từ sau khi mãn hạn tù. Hơn nữa, trước đây, có lần chính người trong họ của Duyên đã từng nhờ Thúy tìm hai ngôi mộ của các cụ đang bị thất lạc. Sau rất nhiều lần tìm kiếm, "cậu Thủy" tuyên bố bó tay càng khiến người dân nơi đây không tin chuyện tìm mộ, ngoại cảm của "cậu Thủy". 

Bây giờ, khi đã biết những mánh khóe lừa đảo, làm hài cốt, di vật giả rồi tự chôn xuống của Nguyễn Văn Thúy, nhiều người dân nơi đây mới vỡ lẽ: "Chắc vì mộ các cụ ở cánh đồng làng, lại không biết các cụ được chôn với những gì nên ông ấy mới không có cơ hội để làm giả? Chính vì thế mà không tìm ra được thứ gì...".

Còn với ông Lê Văn Tiến, nguyên phó Chủ tịch, trưởng công an thị trấn Chờ, đồng thời cũng là trưởng thôn Trác Bút trong nhiều năm thì việc vợ chồng Thúy - Duyên bị bắt chỉ là chuyện sớm, muộn bởi ông biết chắc chắn Nguyễn Thanh Thúy không hề có khả năng tìm mộ. Một bằng chứng rõ ràng nhất đó là vào đầu năm 2013, khi người nhà của liệt sỹ Mẫn Bá Phùng nhờ Thúy tìm mộ. Được biết liệt sỹ Mẫn Bá Phùng là người cùng làng với ông Tiến.

Ông Tiến nhớ rất rõ ông Phùng là người đi đợt 1 năm 1965, ông là người đi đợt 2. Tuy hai người không ở cùng đơn vị nhưng đều tham gia ở chiến trường Đông Nam Bộ. Vì ngày đó đi bộ đội đóng quân ở xa nhà, trong chiến trường ác liệt, ai cũng mừng nếu may mắn gặp được đồng hương. Do vậy, ông Tiến nhớ rất rõ từ chi tiết ngày, tháng, hoàn cảnh, những lần được gặp ông Phùng, hoặc những lần gặp đồng hương kể về ông Phùng. Thế nên kể cả khi người nhà nhận được giấy báo tử của ông Phùng (năm 1968) nhưng ông Tiến vẫn không tin. Bởi thực tế, đến tận cuối năm 1970, ông vẫn gặp ông Phùng. Sau đó, ông còn có mấy lần gặp đồng hương và cho đến đầu năm 1972, ông vẫn được nghe kể về ông Phùng.

Ông Tiến khẳng định, khi ông Phùng hy sinh, dù ông không biết chính xác vị trí nhưng chắc chắn là chỉ ở vùng Đông Nam Bộ bởi ông được biết đơn vị ông Phùng chỉ tham gia chiến đấu ở đó. Điều này ông cũng đã từng kiểm tra từ các đồng đội cùng đơn vị với ông Phùng. Vậy mà "cậu Thủy" lại tìm thấy mộ của liệt sỹ Phùng thì lại ở ĐăkLăk (thuộc chiến trường Tây Nguyên)?!.

Khi biết chuyện này, ông Tiến đã nói với gia đình liệt sỹ Phùng nhưng không ai tin. Lúc đó họ chỉ tin vào khả năng của Nguyễn Văn Thúy. Theo ông Tiến thì có lẽ vì một phần thân nhân của liệt sĩ Mẫn Bá Phùng là người nhà của Mẫn Thị Duyên, nên họ nghe và tin Thúy hơn.

Không chỉ không tin "khả năng" của "cậu Thủy" mà người dân nơi đây cũng thấy bức xúc khi trước đây, vợ chồng Duyên - Thúy vẫn nghênh ngang cao ngạo tuyên bố rằng không ai động được đến họ. Bởi trước đây đã có đài báo đăng tải về việc làm sai trái của vợ chồng Thúy - Duyên với ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam mà thấy họ vẫn không hề hấn gì. Thế nên, nhiều người đã từng hoài nghi về cách xử lý của cơ quan chức năng khi thấy vợ chồng Duyên - Thúy vẫn nhởn nhơ, ung dung đi lừa đảo.

Đây chính là lý do khi hay tin vợ chồng Duyên  - Thúy bị công an bắt giữ, người dân địa phương kéo đến xem dài cả cây số. Họ rất phấn khởi khi cuối cùng kẻ lừa đảo cũng đã bị sa lưới. Ông Nguyễn Hữu Vinh, Bí thư Đảng uỷ thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh cho biết: "Hôm Thuý và Duyên bị bắt, cán bộ, đảng viên, các cựu chiến binh và bà con rất phấn khởi và tin tưởng cơ quan chức năng sẽ xử đúng người đúng tội".

 Chiều 29/10, khi chúng tôi đến, tòa nhà 3 tầng lộng lẫy, hoành tráng của vợ chồng Duyên - Thúy ở thôn Trác Bút trong tình trạng "cửa đóng, then cài". Đến sáng 30/10, khi chúng tôi quay lại thì bắt gặp một thanh niên dắt chiếc xe máy hiệu Attila màu đỏ đứng ở cổng. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn vào trong nhà hỏi thăm chủ nhân thì người thanh niên này nói: "Nhà này không có gì mà hỏi, không có ai ở nhà cả", rồi phóng xe đi rất nhanh.    
  

 

Mời bạn xem thêm:  Ngân hàng chính sách xã hội và con số 7,9 tỷ của "cậu Thuỷ"

 Hồng Long (NĐT)