Nhịp sống số

Liệu cước 3G có “leo” theo giá xăng

Vẫn điệp khúc cũ: Kêu ca cước 3G thấp hơn giá thành, thất thu vì các dịch vụ tin nhắn trực tuyến đang được các nhà mạng dựa vào đó để chuẩn bị tăng giá cức dịch vụ.


Giá cước 3G ở Việt Nam đang thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực

Khoảng hơn 1 tuần trở lại đây, câu chuyện về tăng cước 3G được hâm nóng trở lại với việc lãnh đạo một mạng di động lớn cho rằng do cạnh tranh nên họ phải đặt giá bán tương đối thấp so với giá thành. Bên cạnh đó, thông tin các mạng di động bị áp lực tăng giá 3G đồng loạt rộ lên kèm theo việc xới lại dịch vụ OTT là một nguyên nhân khiến những nhà cung cấp dịch vụ viễn thông bị giảm doanh thu. Và điều kỳ lạ là những động thái này xảy ra ngày sau khi giá xăng tăng lên mức cao nhất trong lịch sử.

Trên thực tế, cước 3G ở Việt Nam thấp so với thế giới là một thành tựu lớn của ngành viễn thông Việt Nam. Cũng nhờ có cước 3G thấp mà hàng triệu người Việt Nam nhanh chóng được hưởng các tiện ích gia tăng công nghệ cao trên di động. 

Giá cước thấp cũng góp phần phổ cập mạng 3G ở Việt Nam

Thế nhưng, việc cước 3G thấp là chiến lược do các mạng di động Việt Nam tự đặt ra với định hướng bình dân hóa dịch vụ công nghệ cao để thu hút khách hàng chứ không bị ai ép buộc. Trên thực tế, việc thu hút khách hàng dùng 3G cũng đem lại một nguồn thu lớn cho các mạng di động trong bối cảnh doanh thu về thoại và SMS đang chững lại vì thị trường đã bão hòa.

Đặc biệt, trước khi có lời than thở bán 3G giá thấp so với giá thành của lãnh đạo một mạng di động lớn, một ông lớn di động khác còn có phương án về gói cước 3G mới với mức độ ưu đãi lớn hơn trước đây mà thực chất là giảm cước 3G. Vậy thực chất của câu chuyện 3G là gì?

Bộ phận HS-SV được hưởng lợi nhiều từ mức cước thấp như hiện nay

Thứ nhất, vào đầu năm 2013, khi mà hàng loạt các doanh nghiệp Việt lớn báo lỗ hoặc giảm lãi lớn thì 2 đại gia viễn thông là Viettel và VNPT đều công bố những con số lợi nhuận khổng lồ. Theo công bố, Viettel đạt 24.500 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD), VNPT là 8.500 tỷ đồng  mà phần lớn lợi nhuận đến từ “mỏ vàng” di động. 

Tuy nhiên, cùng với đó, các đại gia viễn thông đối diện với thị trường di động đang dần tới ngưỡng bão hòa và khó tăng trưởng mạnh về doanh thu. Trước đó, các nhà mạng cũng vẫn phải đối mặt với các ứng dụng gọi nhắn tin miễn phí (OTT) trên nền Internet như Skype, Viber, Yahoo Messenger… nhưng họ không nêu vấn đề đó bởi tăng trưởng còn dễ. Nay khi tăng trưởng khó khăn, các dịch vụ OTT được nhà mạng nêu ra như một lý do làm giảm doanh thu và phải tăng giá cước để bù đắp hoặc hạn chế OTT. Trong khi đó, điều quan trọng nhất mà trước đây tất cả các nhà mạng đều đề cao là lợi ích của người tiêu dùng thì hoàn toàn bị lờ đi. 

Có thể thấy việc tăng cước di động, với lý do liên quan đến dịch vụ OTT cũng tương tự như việc tăng giá rau xanh của một số tiểu thương ở chợ vài năm trước đây khi giá vàng tăng phi mã, với câu nói nổi tiếng: “Giá vàng tăng thì rau xanh cũng phải tăng giá”.

Những ứng dụng nhắn tin trực tuyến (TTO) đang làm giảm doanh thu từ dịch vụ SMS của các nhà mạng

Thứ hai, với các dịch vụ trên nền Internet, nếu không phải là OTT thì cũng có rất nhiều ứng dụng khác tương tự hỗ trợ cho nhu cầu liên lạc với giá rẻ của người dùng và là một xu hướng tích cực, đang lên của xã hội. Việc lấy OTT - một nhân tố mới có tính cách mạng, đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, trở thành một “điểm nhấn” trong lý do tăng cước di động trong bối cảnh kinh tế khó khăn sẽ không phải là điều được hàng chục triệu người tiêu dùng Việt Nam hoan nghênh. 

Nếu chỉ nhìn vào cái lợi cục bộ của vài ông lớn di động mà quên đi quyền lợi của hàng chục triệu người Việt Nam, cũng như xu hướng phát triển của công nghệ trên thế giới thì liệu ngành viễn thông trong nước còn giữ được vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế?

Thứ ba, đưa ra lý do về giá bán thấp, dịch vụ OTT làm giảm doanh thu lớn để tăng cước nhưng lợi nhuận của các nhà mạng vẫn lên tới cả tỷ USD thì sự hợp lý với người tiêu dùng nằm ở đâu? 

Giữa bối cảnh vật giá leo thang từng ngày, giá xăng cũng vừa lên mức cao kỷ lục, khiến cho chúng ta thêm hoài nghi về việc chẳng sớm thì muộn cước 3G cũng “đi theo tiếng gọi của anh Xăng”, lên giá và làm khổ người tiêu dùng.

Đọc thêm:  Cuộc đua 3G có ngã rẽ mới