(Techz.vn) Năm 2013 đã gần trôi qua và đánh dấu nhiều sự kiện thành công của Khoa học và Công nghệ của Việt Nam.
Dưới đây là 9 sự kiện Khoa học và Công nghệ tiêu biểu nhất trong năm:
1. Thông qua Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi
Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi (có hiệu lực từ 1/1/2014) đã được Quốc hội thông qua tháng 7/2013.
Đây là bộ luật có nhiều đổi mới, hi vọng tạo nhiều bứt phá cho nền khoa học nước nhà như tháo gỡ các khó khăn cố hữu như cơ chế tài chính, cơ chế hành chính.., hướng đến khoán sản phẩm cuối cùng, tạo sự chủ động cho những người làm nghiên cứu.
Bộ luật cũng quy định ngày 18/5 là Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
2. Đề án phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến 2020
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ là thúc đẩy hoạt động dịch vụ thị trường khoa học và công nghệ.
Trong đó, sẽ đổi mới quy trình, thủ tục đăng kí thành lập và hoạt động của tổ chức dịch vụ khoa học công nghệ; thực hiện cơ chế khuyến khích hoạt động dịch vụ khoa học công nghệ; rút ngắn khoảng cách phát triển của thị trường khoa học công nghệ so với các loại thị trường khác.
Đến năm 2020, sẽ thiết lập mạng lưới sàn giao dịch công nghệ kèm theo hệ thống tổ chức dịch vụ khoa học công nghệ hỗ trợ, trọng tâm tại các thị trường lớn như TP Hà Nội, TP HCM và TP Đà Nẵng.
3. Lập nhiều “cầu nối” giữa nghiên cứu và thương mại
Để đưa nghiên cứu thành sản phẩm thiết thực, đã có nhiều chương trình, dự án tiên tiến ra đời như: Đổi mới Sáng tạo (IPP), Đề án Thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam, các chương trình hợp tác quốc tế…
Các dự án, chương trình này sẽ chọn ra những sản phẩm có tiềm năng để tài trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp khoa học công nghệ khởi nghiệp, quản trị kinh doanh, phát triển thương hiệu và sản phẩm…để biến các sáng chế thành sản phẩm thương mại.
4. Từng bước làm chủ không gian
Đúng 9 giờ 6 phút 31 giây, ngày 7/5/2013, tên lửa đẩy Vega đem theo vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam VNREDSat-1 đã được phóng vào vũ trụ.
Việt Nam VNREDSat-1 đã đưa Việt Nam trở thành nước thứ năm trong khu vực có vệ tinh viễn thám, sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Singapore.
Ngày 4/8/2013, vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon do các nhà khoa học trẻ của Trung tâm Vệ tinh Quốc gia (VNSC) phát triển đã được phóng thành công lên Trạm ISS qua tàu vận chuyển HTV4 của Nhật Bản và được lưu giữ trên Trạm ISS hơn 3 tháng.
Cơ quan chủ trì VNREDSat-1, PicoDaragon là Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, cũng là nơi đã chế tạo thành công máy bay không người lái vào tháng 5/2013.
5. Doanh nghiệp và tư nhân đầu tư vào khoa học công nghệ
Sáng 21/7, tên lửa đẩy đã đưa phi thuyền của Nhật Bản lên quỹ đạo trái đất, mang theo vệ tinh của FPT, đánh dấu lần đầu tiên một vệ tinh do khối tư nhân Việt Nam sản xuất lên vũ trụ.
Bên cạnh đó, một doanh nghiệp ở Thái Bình cũng làm “nổi sóng” dư luận với một dự án táo bạo: Chế tạo tàu ngầm mini.
Tàu ngầm mini gây sóng cho giới công nghệ trong nước
Khối doanh nghiệp, tư nhân đã và đang đóng góp ngày càng nhiều các nghiên cứu, sáng tạo cho phát triển kinh tế, xã hội.
6. Thêm giải thưởng cho các nhà khoa học
Bộ Khoa học và Công nghệ đã chính thức đưa ra Giải thưởng Tạ Quang Bửu của dành cho các tác giả của công trình nghiên cứu cơ bản xuất sắc thuộc 7 lĩnh vực: toán học, khoa học máy tính và thông tin; hóa học; khoa học trái đất và môi trường; sinh học và khoa học tự nhiên khác.
Một số các cơ quan và tổ chức khác cũng đã và đang lập các giải thưởng dành cho những người làm nghiên cứu như Giải thưởng Trần Đại Nghĩa của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam…
7. Nhiều nghiên cứu thành công, có ý nghĩa lớn với nông nghiệp
Ngày 28/8/2013 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh tổ chức Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu giải mã gen một số giống lúa bản địa của Việt Nam, mở ra hướng khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn gen quý trong các chương trình chọn và lai tạo giống.
Ngoài ra, các nhà khoa học Việt Nam liên tục tạo ra các giống cây trồng có giá trị kinh tế cao như lúa gạp, nấm ăn, các giống cây dùng công nghệ chuyển gen…để từng bước đưa vào sản xuất.
Nhiều thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp như máy thu hoạch mía, máy cấy, máy thu hoạch rơm… cũng đã được nghiên cứu và áp dụng thành công trên đồng ruộng Việt Nam.
8. Hội nghị “Gặp gỡ Việt Nam” lần 9
Được khởi xướng bởi vợ chồng GS Nguyễn Thanh Vân, “Gặp gỡ Việt Nam” lần 9 tổ chức ở Quy Nhơn từ 28/7 - 17/8.
Lần đầu tiên trên lãnh thổ nước ta diễn ra một hội nghị khoa học mang tầm vóc thế giới, quy tụ được hơn 200 nhà khoa học hàng đầu đến từ 30 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có những nhà khoa học từng đạt giải Nobel Vật lí.
Điểm nhấn quan trọng nhất tại Gặp gỡ Việt Nam lần này chính là sự ra đời của Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành.
Trung tâm được xây dựng trên diện tích hơn 20 ha, gồm khu hội nghị, khu nghỉ dưỡng và các công trình phụ trợ khác do UBND tỉnh Bình Định, Giáo sư Trần Thanh Vân và các cộng sự đầu tư.
9. Tuần lễ Truyền thông khoa học và công nghệ
Tuần lễ truyền thông khoa học diễn ra cuối tháng 9/2013 tại Hà Nội, nhằm giới thiệu các nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong hoạt động khoa học, quảng bá rộng rãi các thành quả khoa học trong nước và thế giới, nhằm thúc đẩy ứng dụng nhanh các tiến bộ kĩ thuật vào sản xuất và đời sống…
Tuần lễ là một “cú hích” để các nhà khoa học gần gũi hơn với giới truyền thông, để truyền tải những thành quả mình làm được với doanh nghiệp và công chúng, tạo “những cây cầu” hiệu quả giữa nghiên cứu và ứng dụng.
Đọc thêm: Việt Nam vẫy gọi, vệ tinh PicoDragon cất tiếng trả lời
Theo: TTCN