Điện thoại

Đánh giá chi tiết OnePlus 3: Có xứng với giá bán 10 triệu đồng?

Năm 2014, một chiếc điện thoại sở hữu cấu hình mạnh mẽ với giá bán cực kỳ hấp dẫn được trình làng và ở thời điểm đó, không một ai biết đến cái tên OnePlus. Thế nhưng những gì mà OnePlus One làm được khiến cả thế giới có một cái nhìn khác về các thương hiệu điện thoại Trung Quốc này. Ngay cả Xiaomi cũng phải nể phục OnePlus đôi phần.

Không cần phải bàn tán nhiều quá trình hình thành và phát triển của OnePlus, thay vào đó, người dùng luôn luôn nhận được một sản phẩm tốt nhất, hoàn hảo nhất trong mức giá không thể rẻ hơn. OnePlus 1, OnePlus 2 đã được trình làng, tạo dấu ấn về hiệu năng với giá bán dưới 9 triệu đồng còn OnePlus 3, đây là một chiếc smartphone hoàn hảo và bước đà mạnh mẽ cho chiến lược vươn ra trên thế giới của OnePlus.

OnePlus 2 cho đến thời điểm hiện tại vẫn là một chiếc smartphone mạnh mẽ và nhiệm vụ của OnePlus là đem tới một thế hệ mới vượt trội hơn so thiết bị tiền nhiệm. Thay vì đem tới nhiều lựa chọn cấu hình khác nhau, OnePlus chỉ mang đến một phiên bản duy nhất, nâng cấp với vi xử lý Snapdragon 820, RAM 6GB và bộ nhớ trong 64GB. Đây là cấu hình mạnh nhất thế giới, cùng với Vivo Xplay 5 tạo thành bộ đôi “bất khả chiến bại” trên thị trường.

OnePlus 3 sở hữu khá nhiều thay đổi so với chính OnePlus 2 và theo đánh giá, đây là sản phẩm đáng mua nhất thị trường xách tay trong tầm giá trên dưới 10 triệu đồng. Vậy OnePlus 3 có điểm gì nổi bật và tại sao sản phẩm này lại xứng đáng để người dùng chọn lựa?

Thiết kế

Câu chuyện về thiết kế luôn là điểm nóng ở mảng smartphone khi mà cấu hình, tính năng cũng như màn hình gần như bão hòa. Không còn sự độc quyền lớn giữa các nhà sản xuất Android, thay vào đó, họ phổ biến công nghệ, linh kiện của mình cho đối thủ nhằm gia tăng lợi nhuận, đầu tư thêm vào việc phát triển nền tảng mới. Bởi vậy, thiết kế là một trong những yếu tố đặc biệt thu hút trong mắt người tiêu dùng.

Trong khi các nhà sản xuất smartphone Android khác chạy theo xu hướng có phần giống với iPhone, đặc biệt là những thương hiệu đến từ Trung Quốc, OnePlus có một nước cờ khác. Từ OnePlus 1 cho đến OnePlus 2, hãng cho phép người dùng tùy biến phần mặt lưng theo sở thích với khung viền kim loại chắc chắn, bền bỉ. OnePlus muốn mang đến một sự tự do trong ngôn ngữ thiết kế, không quá gò bó và luôn thay đổi. Tuy vậy, OnePlus 3 lại có một bề ngoài khác hẳn những gì mà người dùng tưởng tượng, đẹp mắt, sang trọng hơn rất nhiều.

Nhìn chung, lối thiết kế kim loại nguyên khối trên OnePlus 3 không mới trên thị trường, không muốn nói là khá giống một số thiết bị sẵn có hiện nay, từ mặt lưng nhám cho đến các dải anten. Có thể coi đây là nước đi chính xác của OnePlus, họ tập trung vào phần hiệu năng, cải thiện camera, giảm giá thành thay vì mất thời gian đem tới một sản phẩm với thiết kế khác biệt. OnePlus 3 trông phổ thông hơn, đơn giản hơn nhưng lại không kém phần đẹp mắt, cầm trên tay cho cảm giác thoải mái, không bị cấn. Thế nhưng, thiết kế nguyên khối sẽ khiến người dùng phải đánh đổi đi khả năng thay thế pin nhanh chóng cùng khe cắm thẻ nhớ. Dẫu vậy, điều này không quá quan trọng khi dung lượng bộ nhớ trong của OnePlus 3 lên tới 64GB.

OnePlus 3 mỏng hơn so với OnePlus 2 nhưng hệ quả là camera của máy quá lồi gây ảnh hưởng đến tâm lý chung của người sử dụng khi kính của cảm biến sẽ xước khi tiếp xức trực tiếp với các bề mặt cứng. Tuy vậy, cũng không cần phải quá lo lắng khi sau một thời gian sử dụng, kính camera không hề dễ xước, thậm chí là cực bền. Bởi đơn giản, OnePlus không phải “tay xoàng” về việc hoàn thiện sản phẩm.

OnePlus cũng sử dụng kính cong 2.5 để bao phủ mặt trước, theo xu hướng chung hiện nay. Viền màn hình rất mỏng cùng các diện tích phía trên và dưới của màn hình được tối ưu giúp máy đạt được kích thước nhỏ gọn hơn, tương đương Samsung Galaxy S7 Edge và bé hơn hẳn so với iPhone 6S Plus cùng kích thước màn hình 5.5 inches. Phím home cảm ứng được tích hợp cảm biến vân tay cùng hai phím cảm ứng dạng tròn để giúp người dùng thay đổi chức năng tùy theo thói quen sử dụng.

Một điểm mà chúng ta cần phải nhấn mạnh trên OnePlus 3 đó là cảm biến vân tay một chạm với tốc độ siêu nhanh, chỉ cần chạm là đã mở khóa ngay cả khi ở trạng thái nghỉ, màn hình đang tắt.

 

Trên tay OnePlus 3: Cuốn hút ngay từ cái nhìn đầu tiên, vân tay siêu nhạy

(Techz.vn) OnePlus 3 đã chính thức được đưa về thị trường Việt Nam và gần như ngay lập tức, sản phẩm này đã thu hút được sự chú ý của rất nhiều người dùng cũng giới công nghệ trong nước.

 

Màn hình và âm thanh

Một trong những điểm đáng thất vọng nhất của hai chiếc OnePlus đi trước đó là màn hình. Sử dụng công nghệ IPS với độ phân giải Full HD nhưng độ sáng cũng như chất lượng hiển thị của OnePlus 1 hay OnePlus 2 đều không thuyết phục được giới chuyên gia cũng như người dùng. Tất nhiên, ở thời điểm ra mắt, chúng ta không thể đòi hỏi được hơn ở OnePlus với mức giá quanh 7-8 triệu đồng.

OnePlus 1 có màn hình hiển thị màu sắc tốt nhưng lại không đủ sáng để hoạt động ngoài trời, trong khi đ&oacoacute;, OnePlus 2 đã cải thiện được độ sáng nhưng tính chính xác của màu đã thụt lùi so với thế hệ tiền nhiệm, thường ngả về tone màu lạnh. OnePlus 2 là cả một sự thật vọng to lớn về khía cạnh màn hình. Bởi vậy, việc chuyển sang AMOLED mang tới một điều gì đó mới mẻ, đồng thời cải thiện một cách tối đa khả năng hiển thị.

Cũng phải nhấn mạnh một điều, thông tin từ các chuỗi cung ứng trong năm 2016 cho hay màn hình AMOLED với kích thước 5.5 inches đổ xuống đã giảm giá thành, thậm chí rẻ hơn màn IPS, đồng thời cho khả năng tiết kiệm năng lượng tối ưu. Bởi vậy, rất nhiều nhà sản xuất đã trang bị công nghệ màn hình này cho thiết bị của mình, OnePlus cũng không phải ngoại lệ.

Màn hình trên OnePlus 3 được nhà sản xuất gọi Optic AMOLED (màn AMOLED quang học) cho khả năng hiển thị rực rỡ, độ tương phản cao và màu đen sâu tuyệt đối. Mới đây, OnePlus đã cập nhật phần mềm cho sản phẩm này, đem tới khả năng điều chỉnh hiển thị theo tiêu chuẩn SRGB. Các thành viên của diễn đàn XDA rất bất ngờ và thích thú ở bản cập nhật này. Tuy nhiên, thiết bị được nhắc đến trong bài viết chưa update do đã mở bootloader và tinh chỉnh hệ thống qua buildprop để tối ưu lại RAM, nhằm đem tới hiệu năng cao nhất.

Trong phần cài đặt, người dùng được cung cấp một thanh trượt nhằm thay đổi tone màu chủ đạo theo sở thích. Khi thay đổi, độ sáng cũng bị ảnh hưởng, giảm khi chuyển sang tone màu lạnh. Nhìn chung, màn hình trên OnePlus 3 cho khả năng hiển thị màu sắc rực rỡ, màu trắng chính xác và có thể hoàn toàn được sử dụng dưới ánh nắng mặt trời. Độ sáng cao nhất của OnePlus 3 đạt 433 nits, không quá cao cũng không quá thấp so với mặt bằng chung của thị trường. Ngoài ra, độ phân giải ở mức Full HD cũng đủ để người dùng trải nghiệm và tương tác với thiết bị.

Không giống như màn hình, phần âm thanh của OnePlus 3 không quá nổi trội. Không có một sự bổ sung bộ giải mã chất lượng cao, thay vào đó phụ thuộc vào module của con chip Snapdragon 820 với hệ thống loa đơn không mang lại nhiều hiệu ứng cùng với đó là âm thanh nhỏ vừa đủ để sử dụng. Chất lượng âm qua tai nghe cũng chỉ dừng ở mức trung bình.

Hiệu năng

Có quá nhiều điều để nói về OnePlus 3, đặc biệt là về hiệu năng. OnePlus luôn mang đến một sản phẩm có cấu hình cao nhất và OnePlus 3 không phải là một ngoại lệ đáng tiếc nào cả. 6GB – dung lượng RAM lớn nhất thế giới ở thời điểm hiện tại cùng con chip Snapdragon 820 cho hiệu năng thực sự ấn tượng. Thử nghiệm thông qua Antutu Benchmark sau khi đã giải phóng lượng RAM cho phép chạy nền tối đa cho kết quả 143.397 điểm, cao hơn so với các đối thủ cùng cấu hình như LeEco Max2, Vivo Xplay 5, Zuk Z2 Pro và vượt xa so với iPhone 6S hay Samsung Galaxy S7 edge.

Việc chỉ trang bị màn hình Full HD đem tới một hiệu suất đồ họa tốt hơn rất nhiều so với các siêu phẩm chạy màn hình QHD, việc gánh các game nặng là điều hoàn toàn dễ dàng đối với OnePlus 3. Ngay cả việc chạy OpenGL ES 3.1 Car benchmark cũng đạt 18fps – một số điểm hiếm trong làng smartphone. Nên nhớ, GPU Adreno 530 đang được đánh giá cao nhất ở thời điểm hiện tại.

Kết quả đo được từ Antutu Benchmark

Thử nghiệm với một số tựa game quen thuộc, tốc độ khung hình trung bình là 30fps, riêng game Modern Combat 5 lên tới 39fps. Mọi con số được thống kê qua ứng dụng GameBench trong quá trình chơi game thực tế. Ngoài ra, một điểm đáng chú ý đó là máy tản nhiệt rất tốt, chỉ ở mức ấm khi chơi game.

Điều sẽ khiến các game thủ khó chịu trên siêu phẩm này đó là máy rất mỏng, cầm nắm chưa thực tối ưu cho chơi game. Để thao tác được gọn nhẹ hơn, phần đệm tay phải tỳ sát vào các cạnh bên và vô hình chung che đi lỗ loa khiến âm thanh rất nhỏ, thậm chí là im luôn.

Còn về khả năng đa nhiệm, “tuyệt vời” là từ để mô tả về OnePlus 3 với lợi thế thế dung lượng RAM 6GB. Bạn có thể khởi động nhiều ứng dụng cùng một lúc và sẽ không cần phải tải lại mỗi khi cần tới. Thử nghiệm việc chạy tới 20 ứng dụng, máy còn trống tới hơn 4GB RAM, một con số quá đỗi ấn tượng.

Camera

Nếu như cấu hình cao là điều gần như mặc định trên sản phẩm của OnePlus thì camera lại điểm mà thương hiệu này cần phải cải thiện. OnePlus One, OnePlus Two đã từng thất bại ở phương diện này với cảm biến Omni Vision. Để không phạm phải sai lầm tiếp theo, OnePlus đã tăng giá thành, đồng thời mang cảm biến Sony IMX 298 với độ phân giải 16MP, khẩu độ F/2.0 lên OnePlus 3.

Đây không phải loại cảm biến xa lạ đối với người dùng khi hầu hết các smartphone tầm trung, cận cao cấp đều sử dụng. Điều khác biệt giữa các dòng sản phẩm này đó là khả năng xử lý của ứng dụng camera đi kèm cũng như SoC giải quyết đầu ra của các bức ảnh như thế nào. Thật khó nói chất lượng ảnh của OnePlus 3 ngang tầm với các siêu phẩm hàng đầu hiện nay nhưng đối với phân khúc tầm trung, cận cao cấp, có nhiều điểm vượt trội hơn rất nhiều.

Camera trên OnePlus 3 được đóng gói với rất nhiều tính năng bao gồm lấy nét theo pha, ổn định quang học kết hợp cùng ổn định điện tử, Auto HDR, chế độ HD và Dynamic De-Noise. Cho dù trong điều kiện thiếu sang, tính năng Dynamic De-Noise hoạt động không thực sự hiệu quả nhưng đối với người dùng, thế là quá đủ.

Ở điều kiện đủ sáng, OnePlus 3 cho ra chất ảnh hài hòa, không quá rực rỡ, đầy đủ chi tiết, độ tương phản tốt. Khả năng bắt chuyển động ấn tượng nhờ nền tảng sức mạnh của vi xử lý Snapdragon 820. Có một điểm yếu của OnePlus 3 đó là khả năng chụp cận cảnh còn hạn chế, bắt nét chưa chính xác và màu sắc dễ bị bệt. Để khắc phục vấn đề này, người dùng chỉ cần chuyển sang chế độ chỉnh tay, bức ảnh cho ra sẽ tuyệt hơn rất nhiều.

Trong điều kiện thiếu sáng, chất lượng ảnh ở mức khá, xuất hiện nhiều nhiễu nhưng vẫn nằm trong điều khả năng chấp nhận được. Ngoài ra, một điểm cộng cho OnePlus 3 khi ứng dụng camera đơn giản, nhanh, giao diện dễ tiếp cận và sở hữu một số tính năng cơ bản và đặc biệt là sự xuất hiện của chế độ chỉnh tay. OnePlus 3 cho phép quay video time lapse và video thường ở độ phân giải 4K. Thực tế chất lượng quay camera từ cảm biến rất tốt, 4K cũng được xử lý mượt mà và một điểm không thể không nhắc đến là khả năng lọc âm trên mức tuyệt vời. Không nhiều smartphone giá xấp xỉ 10 triệu đồng làm được điều này. OnePlus thực sự đã ghi dấu ấn một cách hoàn hảo đối với thiết có cái tên đầy hấp dẫn “1+3 =4”. Dưới đây là một số ví dụ

Camera selfie của OnePlus 3 không có góc quá rộng nhưng về mức độ chi tiết và màu sắc thể hiện quá xuất sắc, ngay cả điều kiện thiếu sáng, một phần do độ phân giải đạt 8MP.

Phần mềm

OnePlus 3 chạy nền tảng Oxygen dựa trên Android 6.0 Marshmallow. Ưu điểm của Oxygen đó giao diện rất nhẹ, thuần Google giống như trên Nexus. Có thể nhiều người không thích sự thiếu hoa mỹ này nhưng đối với những ai thích vọc vạch Android hay dùng để chơi game, giao diện càng nhẹ sẽ càng tốt hoặc thậm chí là tôn vinh sự đơn giản. Mọi thứ mà người dùng cần đều có sẵn khi kéo thanh Notification xuống phía dưới.

Do phím home được làm dưới dạng cảm ứng, tích hợp vân tay, OnePlus đã cung cấp rất nhiều tùy chỉnh bao gồm cả việc giữ lâu và nhấp kép vào phím cảm ứng này. Người dùng có thể thiết lập nháy đúp vào nút home để khởi động camera giống như trên Galaxy S7, song, đáng tiếc, tính năng này chỉ xuất hiện khi màn hình đã được mở khóa hoặc giữ lâu để khởi động trình tìm kiếm bằng giọng nói. Ngoài ra, OnePlus khá thông minh khi để hai phím đa nhiệm, back ở dạng tròn để người dùng có thể tủy chỉnh các tính năng tương tác theo ý muốn.

Nhìn chung, gần như những tính năng hay nhất trên smartphone Android hiện nay đều được OnePlus đưa vào Oxygen và làm cho chúng hiệu quả đến bất ngời. Bên cạnh đó, OnePlus 3 còn sở hữu cảm biến vân tay một chạm có thể coi là nhanh nhất thế giới hiện nay, vượt trội hơn so với Galaxy S7 Edge và nhỉnh hơn so với iPhone 6S.

Thời lượng pin

Nếu so về độ mỏng, viên pin 3000mAh được coi là cả một sự cố gắng của OnePlus. Nhiều người nhận định, giá như OnePlus 3 được làm dày hơn, viên pin được nâng lên tầm 4000mAh sẽ khiến máy hoàn hảo hơn. Trên thực tế, độ mỏng của máy cũng khiến nhiều người dùng cầm nắm chưa thực sự tốt, dễ trơn tuột. Bản thân người viết cũng không thích độ mỏng này. Dẫu vậy, viên pin 3000mAh không phải quá tệ như tưởng tượng.

Với màn hình hiển thị công nghệ AMOLED cùng độ phân giải chỉ dừng ở mức Full HD, máy cho thời lượng onscreen đạt gần 6 giờ, cao hơn so với LG G5 và thấp hơn Samsung Galaxy S7 Edge, thậm chí là thua xa so với OnePlus 2. Thử nghiệm với chơi game Asphalt 8, máy cho thời gian chơi liên tục đạt 3h53 phút với mức xử lý đồ họa cao, một con số không hề tồi.

OnePlus 3 được trang bị công nghệ Dash Charge, một biến thể của VOOC đến từ Oppo. Củ sạc lớn với dòng ra lên tới 4A đi kèm cáp tiêu chuẩn USB Type-C của OnePlus giúp thời gian sạc pin của thiết bị chỉ vỏn vẹn 67 phút, nhanh hơn rất nhiều so với Galaxy S7 với công nghệ Quick Charge 2.0 và tất nhiên, không có một chiếc iPhone nào sánh kịp tốc độ sạc này. Trên thị trường chỉ có LG G5 với thời gian sạc đạt 76 phút có thể tính ngang ngửa với OnePlus 3.

Tuy nhiên, một thực tế sẽ khiến người dùng phải phiền lòng đó là ngoài cáp USB đi kèm, không có phụ kiện nào trên thị trường hiện nay giúp OnePlus 3 sử dụng tối đa lợi thế từ công nghệ Dash Charge. Nguyên nhân là do đầu kết nối Type-C sẽ có thêm 2 chân để nhận diện công nghệ sạc, đồng thời bổ sung dòng vào cho OnePlus 3 thay vì chỉ có 5 chân như truyền thống. Ở thời điểm này, nếu chẳng may bị hỏng, sẽ không có linh kiện thay thế hoặc sử dụng cáp Type-C thường và không thể sạc nhanh được.

Thay cho lời kết

Ở thời điểm đầu, OnePlus 3 đã được bán ra với doanh số khá ấn tượng tại thị trường Việt Nam và những đợt hàng mới vẫn đang còn bỏ ngỏ bởi ở Trung Quốc, sản phẩm này cũng được chào đón nồng nhiệt. Điều này thực sự dễ hiểu khi với mức giá chỉ 10 triệu đồng, người dùng đã có thể sở hữu một chiếc smartphone mạnh mẽ bậc nhất thế giới, thiết kế đẹp, màn hình tốt và cảm biến vân tay siêu nhạy.

OnePlus 3 sở hữu camera ở mức khá và đáp ứng hoàn toàn nhu cầu chụp ảnh hiện nay của người dùng với giao diện ứng dụng đơn giản, dễ tiếp cận và camera selfie thực sự gây được ấn tượng lớn. Điểm trừ đáng tiếc trên OnePlus 3 nằm ở thiết kế camera khá lồi và rất ít phụ kiện trên thị trường tương thích với dòng máy này.

Rõ ràng, trong phân khúc giá 10 triệu đồng, OnePlus 3 rất đáng để sở hữu nếu xét với mặt bằng chung thị trường hiện nay. Ngoài ra, phần mềm đi kèm theo máy cũng dễ dàng tương thích với mọi thị trường, có thể sử dụng mạng 4G LTE tại Việt Nam. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng nhất hiện nay khi mua điện thoại xách tay.

 

Trên tay OnePlus 3: Cuốn hút ngay từ cái nhìn đầu tiên, vân tay siêu nhạy

(Techz.vn) OnePlus 3 đã chính thức được đưa về thị trường Việt Nam và gần như ngay lập tức, sản phẩm này đã thu hút được sự chú ý của rất nhiều người dùng cũng giới công nghệ trong nước.