Nhịp sống số

Đừng để bị trầm cảm vì dùng Facebook

Mạng xã hội trở nên phổ biến với hàng tỷ người sử dụng, hàng trăm triệu tài khoản hoạt động hàng tháng. Điều này đã góp phần tọa nên một cách sống mới dành cho con người, một xu hướng giao tiếp, trao đổi, chia sẻ thông qua internet. Tất nhiên, không thể phủ nhận được những mặt tích cực mà mạng xã hội đem lại cho cuộc sống hiện đại ngày nay, song, bên cạnh đó là những nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe cũng như tâm sinh lý thay đổi của người sử dụng.

“Tôi sợ rằng một ngày nào đó công nghệ sẽ vượt qua cả tương tác giữa người với người. Khi đó, ta sẽ có một thế hệ ngu đần”. Đây là câu nói của nhà khoa học vĩ đại nhất thế kỷ 20 - Albert Einstein. Nếu đem đối chứng câu nói trên vào sự phát triển bùng nổ của Facebook, Google+ hay Twitter có lẽ ngài Einstein đã dự đoán đúng. Mạng xã hội không phải lúc nào cũng tốt và tác động xấu lúc nào cũng có thể xảy ra, đặc biệt là nguy cơ mất tự tin vào bản thân khi thấy sự thành công của người khác và nặng nề hơn là căn bệnh trầm cảm đang có xu hướng gia tăng trên toàn cầu.

Lo ngại của Albert Einstein về sự phát triển của công nghệ. Ảnh: Internet

Larry Rosen, Giáo sư Tâm lý học tại Đại học bang California, Mỹ, một chuyên gia về mối liên hệ giữa tâm lý học và công nghệ cho rằng, những thanh thiếu niên xuất hiện trên Facebook nhiều hơn thể hiện “khuynh hướng yêu bản thân”. Họ cũng có xu hướng mắc chứng trầm cảm, điểm số trong học tập thấp hơn, rối loạn tâm lý và gặp phải những vấn đề sức khỏe trong tương lai nếu họ tương tác trên Facebook quá nhiều.

Mạng xã hội thể hiện bản chất thật của bạn nhưng đừng để nó lấy đi những gì vốn có, đang có và sắp có của bạn.

Ngược lại, tầng lớp trẻ sử dụng cũng học cách bày tỏ “lòng thông cảm ảo” đối với các bạn bè trên mạng và ít nhiều là cách hòa nhập xã hội từ phía màn hình. Giáo sư Rosen cũng nhấn mạnh vào vấn đề giao tiếp trực tiếp giữa cha mẹ và con cái thay vì theo dõi con cái trên mạng hay trông cậy vào các phần mềm để theo dõi con cái trên mạng. Như vậy, mạng xã hội sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới những người trẻ tuổi khi phần lớn thời gian được dành cho những câu comment, những dòng status tâm trạng hay chi là sẻ chia những tấm hình, thông điệp thay vì những tương tác trực tiếp giữa người và người. Điều này sẽ dẫn đến việc thiếu tự tin trong các mỗi quan hệ bên ngoài và chỉ tập trung nói chuyện với thế giới phía sau màn hình. Mạng xã hội thể hiện bản chất thật của bạn nhưng đừng để nó lấy đi những gì vốn có, đang có và sắp có của bạn.

Một nguyên nhân lớn hơn dẫn đến căn bệnh trầm cảm khi sử dụng mạng xã hội đó là sự ghen tị, cay cú với những người khác khiến chúng ta kém hài lòng về cuộc sống của mình. Facebook cũng có thể giúp cải thiện lòng tự tin, nhưng điều này chỉ khi bạn tham gia mạng xã hội này với một mục đích duy nhất, xem trang trang cá nhân của riêng bạn. Còn khi hoạt động của bạn tập trung vào các trang cá nhân và cập nhật của người khác, lợi ích trên sẽ đảo chiều.

Bạn càng nhìn vào đời sống của người khác qua những cập nhật Facebook của họ bao nhiêu, thì bạn càng cảm thấy ít hài lòng về đời sống của mình bấy nhiêu. Cảm giác này bị gọi là “ghen tị kiểu Facebook” và hãy tin đi, điều này có thật và bạn nên thừa nhận trước bản thân mình. Theo những nghiên cứu mới nhất xem xét các tác động của Facebook cho thấy cứ ba người trả lời, có một người cảm thấy chán nản về cuộc sống của mình hơn sau khi dành thời gian lướt Facebook.

Bên cạnh đó, Facebook lại có xu hướng trưng ra những khoảnh khắc hạnh phúc, thành đạt và dẫn đến một lầm tưởng về sự hạnh phúc trong thế giới ảo tương đồng với ngoài đời thực. Bởi chẳng có lý do nào khiến người khác phải đăng lên những bức ảnh đau đớn và khốn khổ. Việc làm này chẳng khác nào “vạch áo cho người xem lưng”.

Hãy sử dụng Facebook một cách khôn ngoan, luôn giữ cho mình “một cái đầu lạnh và một trái tim nóng” và hãy nhớ cuộc sống thực “thực” hơn rất nhiều mạng xã hội.

Sau khi kém hài lòng với cuộc sống đi kèm với những nỗ lực lớn nhưng không đạt hiệu quả, con người sẽ chuyển sang một trạng thái khác, trạng thái được gọi là cay cú. Hầu hết chúng ta đều trải qua những dằn vặt khi ngó thấy hình ảnh bạn bè vui chơi trên bãi biển đầy nắng, nước xanh, cát trắng trong khi chúng ta đang sống trong một môi trường đầy nắng vàng nhưng lại chen chúc trong tình trạng kẹt xe trước giờ làm. Những cảm giác đố kỵ hay ganh tị đó chỉ có khi ta ngầm so sánh mình với bạn bè hay thậm chí là một người nào đó xa lạ trên mạng. Và rồi lâu dần, cảm giác đó ngấm sâu vào tâm trí bạn, thường xuyên làm quen với sự bực tức, cay cú, không hài lòng với bản thân sẽ là nguyên nhân chính dẫn đến căn bệnh trầm cảm vô cùng nguy hiểm. Bởi vậy, hãy sử dụng Facebook một cách khôn ngoan, luôn giữ cho mình “một cái đầu lạnh và một trái tim nóng” và hãy nhớ cuộc sống thực “thực” hơn rất nhiều mạng xã hội.

 

Những điều tệ nhất trên mạng xã hội Facebook

(Techz.vn) Facebook là mạng xã hội lớn nhất thế giới với 1,23 tỷ người dùng. Bên cạnh những lợi ích về mặt kinh doanh, tương tác, kết nối con người trên toàn thế giới, Facebook còn ẩn chứa những điều mà thực sự khi nghĩ đến, chúng ta chỉ có thể thốt lên một câu : “thật là tệ!”