Pin là thành phần chậm phát triển nhất của thế giới công nghệ, trải qua hàng chục năm, các viên pin ngày nay vẫn không có nhiều đột phá so với trước đây. Chai pin vẫn là nỗi lo của rất nhiều người dùng hiện nay. Cho dù một sản phẩm sở hữu khả năng bảo vệ pin ấn tượng, thời lượng sử dụng vẫn sẽ suy giảm theo thời gian, tỉ lệ nghịch với số lần sạc của thiết bị.
Tuy nhiên, mới đây, Đại học California Irvine tại Mỹ đã nghiên cứu một loại pin sở hữu số lần sạc lên tới 100.000 lần, tương đương với tuổi thọ lên tới hàng chục năm. Giả sử, mỗi ngày bạn sạc pin 2 lần, thì phải mất đến 50 năm mới có thể sử dụng hết 100.000 lần sạc theo lý thuyết. Đây có thể được coi là một loại pin bất tử, thậm chí, cho đến lúc thiết bị hỏng hóc, pin vẫn còn rất tốt.
Để đạt được điều này, các nhà khoa học đã tạo ra được điện cực bằng sợi nano sử dụng một lõi mỏng bằng vàng, được bọc xung quanh bởi các lớp MnO2 và đính lại với một loại gel điện phân thủy tinh hữu cơ. Loại pin được chế tạo bởi sợi nano này trên lý thuyết còn có thể sạc và xả lên tới 200.000 lần mà không có dấu hiện giảm dung lượng pin.
Hiện tại, viên pin được sử dụng trong các thiết bị di động hiện nay có thể sạc, xả khoảng 7000 lần trước khi có dấu hiệu xuống cấp. Công nghệ pin trên vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và sẽ còn rất lâu nữa chúng ta mới thấy được sự đột phá trong từng viên pin.