Việt Nam là nước đứng thứ 2 thế giới trong lĩnh vực sản xuất thiết bị di động, phần lớn là do các nguồn đầu tư cũng như doanh nghiệp nước ngoài như Samsung, LG, trước đây là Intel. Đối với các nhà sản xuất trong nước, lĩnh vực sản xuất thiết bị di động còn khá mới mẻ, tiềm lực về công nghệ còn yếu, bởi vậy, khi lựa chọn được những đối tác sáng giá như Qualcomm sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng về mẹt công nghệ dành cho những cái tên nổi bật như VNPT Technology.
Trong quá khứ, VNPT cũng đã tung ra một mẫu smartphone của riêng mình nhưng kết quả thì không còn gì xa lạ. Dù đến từ đâu, thương hiệu Việt cũng bị “dè bỉu” nhưng cũng một phần đến từ chi phí sản xuất cao dẫn đến giá thành không thực sự hợp lý và vấn đề công nghệ lại được lên hàng đầu. Khi các nhà sản xuất ở Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc có những công nghệ vượt trội thì Việt Nam vẫn còn rất lạc hậu, do đó, cách rút ngắn khoảng cách này chính là sử dụng những công nghệ sẵn có từ những cái tên hàng đầu. Ở trường hợp này, sự hợp tác của Qualcomm và VNPT Technology là tương lai, là sự phát triển của ngành công nghiệp công nghệ cao này tại Việt Nam.
Qualcomm – đối tác chiến lược của VNPT Technology
Thực tế, không chỉ với VNPT Technology, Qualcomm cũng sẽ là đối tác tiềm năng với bất kỳ công ty nào tại Việt Nam. Trước đó, Qualcomm cuãng đã hợp tác để cho ra mắt Bphone của BKAV, đồng thời trong các cơ sở hạ tầng viễn thông hiện nay đều có những thiết bị gán mác của công ty này.
Ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc khu vực Đông Dương của Qualcom, lại tỏ ra lạc quan cho nền công nghiệp đi dộng Việt Nam. Ông cho rằng, hiện tại Việt Nam có những cơ hội tôt để xây dựng nền công nghiệp di động riêng. Những hãng điện thoại lớn nhất cũng đã đặt nhà máy sản xuất điện thoại ở Việt Nam như Samsung, Nokia. Khi các doanh nghiệp này đặt nhà máy tại Việt Nam thì hàng loạt các doanh nghiệp phụ trợ sẽ đi cùng. Đây sẽ là lợi thế cho các doanh nghiệp của Việt Nam muốn sản xuất điện thoại di động và máy tính bảng có thể sẽ không phải mua của Trung Quốc nữa.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần có chiến lược xây dựng nền công nghiệp sản xuất các thiết bị di động. Trong đó, Việt Nam cần có quyền sử dụng các phát minh mà các hãng hàng đầu thế giới phát minh ra trong lĩnh vực di động. Qualcomm có thể chia sẻ những sáng chế này cho các quốc gia để phát triển nền công nghiệp di động này.
Qualcomm thỏa thuận chia sẻ bản quyền công nghệ với VNPT Technology thể hiện cam kết của Qualcomm trong việc cung cấp bản quyền sử dụng cho VNPT Technology tất cả những bằng phát minh của Qualcomm trên nền tảng CDMA, 3G, 4G LTE. Thêm vào đó, thỏa thuận này cũng đảm bảo VNPT Technology được sử dụng những phát minh tương lai của Qualcomm trên nền tảng CDMA và LTE. Đi kèm với việc chia sẻ bản quyền công nghệ, Qualcomm cũng chia sẻ các thiết kế tham chiếu cho các dòng sản phẩm di động trên nền tảng CDMA và LTE.
“Qualcomm sẽ cung cấp công cụ phát triển và kiểm tra sản phẩm, đi kèm với các chương trình huấn luyện và chuyển giao công nghệ của Qualcomm cho kỹ sư của VNPT Technology. Việc chia sẻ công nghệ và thiết kế tham chiếu cũng như các chương trình huấn luyện sẽ giúp VNPT Technology tối ưu chi phí nghiên cứu phát triển, mang sản phẩm đến với người tiêu dùng nhanh hơn, và đặc biệt, giúp VNPT Technology sử dụng tất cả các công nghệ tương lai của Qualcomm trên nền tảng CDMA và LTE. Đối với Qualcomm, đây là sự kiện rất quan trọng với hy vọng việc ký kết hợp tác sẽ giúp VNPT Technology – thành viên tập đoàn VNPT – thành công trong việc khẳng định sự phát triển công nghệ của VNPT và mang sản phẩm chất lượng hàng đầu đến với người dùng Việt Nam và trên thế giới”, ông Thiều Phương Nam nói.
Ông Nam cũng chia sẻ thêm, hiện nay Qualcomm có khoảng 119.000 bản quyền công nghệ trên CDMA và LTE. Trên toàn cầu, có khoảng 300 đối tác có thỏa thuận chia sẻ bản quyền với Qualcomm. Việc ký kết với VNPT Technology sẽ có ảnh hưởng rất lớn trong việc phát triển sản phẩm trên nền tảng CDMA và LTE; và kể cả các công nghệ trong tương lai mà Qualcomm đang đầu tư phát triển trong phòng lab. Việc này giúp VNPT Technology tối ưu chi phí nghiên cứu phát triển bằng cách sử dụng ngay các nghiên cứu, thiết kế mà Qualcomm đã đầu tư hàng tỷ USD để đưa ra. VNPT Technology do đó có thể đưa sản phẩm với công nghệ mới nhất ra thị trường nhanh hơn. Đặc biệt, hiện nay, Việt Nam đang triển khai 4G LTE, việc chia sẻ bản quyền công nghệ dựa trên LTE sẽ giúp VNPT Technology có dịch vụ 4G nhanh và hiệu quả hơn.
Sẽ có smartphone Lotus thế hệ mới?
Ngay cả khi có Qualcomm hỗ trợ về mặt công nghệ, việc sản xuất smartphone của Việt Nam vẫn còn rất nhiều chông gai. Những ai có mặt tại buổi họp báo đều thấy được sự hiện diện của Lotus 2, chiếc smartphone được sản xuất bởi chính VNPT, nhưng quãng đường để sản phẩm này thương mại còn rất dài. VNPT Technology có đủ tiềm năng nhưng không phải ở thời điểm này, có quá nhiều sự cạnh tranh và một thương hiệu Việt liệu có đủ tầm để vươn ra thế giới.
Trước đây, thời điểm Lotus S1 ra mắt, không ai là không tin tưởng vào một thành công mang tên VNPT nhưng rồi cần phải nhận định lại. Một chiếc smartphone với màn hình 5 inches, vi xử lý xung nhịp 1GHz RAM 512MB, bộ nhớ trong 4GB đi kèm kích thước quá khổ vào năm 2013 không có được thành công là điều hiển nhiên. Màn ra mắt thiếu ấn tượng, nhận nhiều chỉ trích với chip MediaTek khiến VNPT Technology loay hoay và sự ra mắt của dòng Lotus S2 cũng không khá hơn bao nhiêu.
Thương hiệu tiếp theo đủ tiềm lực, công nghệ là BKAV đã trình làng Bphone nhưng với mức giá quá cao dù đã sử dụng nhiều công nghệ tiên tiến đã khiến sản phẩm này đi vào ngõ cụt. Tuy vậy, triển vọng mà BKAV để lại là rất lớn và tất nhiên, trong triển vọng đó là sự hậu thuẫn rất lớn từ Qualcomm. Hiện giờ, Qualcom đã thỏa thuận với VNPT và một tương lai sáng lạng hơn đang chờ phía trước. Thế nhưng....
Công nghệ của Qualcomm chỉ đủ để tạo nên một nền tảng xử lý cho một chiếc smartphone, xa hơn là các modem thu phát sóng và một chiếc smartphone chỉ có thế? Không đơn giản như vậy, còn rất nhiều thành phần cộng thêm việc nghiên cứu về hành vi khách hàng, tối ưu chi phí sản xuất mà VNPT cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai đầy sóng gió phía trước. Điều hợp lý hiện nay đó là sử dụng công nghệ của Qualcomm để phục vụ cho các mạng di động, các công nghệ tiên tiến và tạo dựng nền tảng IoT (Internet Of Things) chuẩn mực, từ đó làm chủ, đưa ra các tiêu chuẩn riêng cho smartphone. Từ đó thương hiệu Việt mới có được tiếng nói với chính người Việt.
Còn việc có Lotus S2 hay không thì như đã nói ở trên là có nhưng sẽ không vội vàng tiếp cận ngay ở Việt Nam, thay vào đó sẽ được chào hàng ở các nước châu Phi, Đông Nam Á hay Nam Mỹ để tham dò và hoàn thiện sản phẩm. Rõ ràng, VNPT đã có một kế hoạch dài hạn cho một chiếc smartphone thương hiệu Việt thuần tuý với sự hợp tác của Qualcomm trong tương lai.
VNPT nhận chuyển giao công nghệ từ Qualcomm, đặt mục tiêu vươn tầm thế giới
(Techz.vn) Với thoả thuận này, VNPT có quyền sử dụng rất nhiều các phát minh và bản quyền sáng chế được chuyển giao từ Qualcomm.