Màn trình diễn của các mẫu laptop tại CES 2016 đã cho thấy dấu hiệu của sự trở lại của dòng thiết bị phục vụ công việc, giải trí bậc nhất trong quá khứ. Máy tính xách tay và máy tính cá nhân đã có một giai đoạn bùng nổ trong quá khứ trước khi bị xâm chiếm bởi thế hệ máy tính bảng, máy tính bảng 2-in-1 hiện nay. Cũng đã rất lâu rồi, người dùng mới thấy được sự lột xác trong thiết kế và đặc biệt hơn là công nghệ màn hình mới, sẵn sàng cho một cuộc cách mạng về hiển thị trên laptop.
Tại CES 2016, màn hình OLED xuất hiện nhiều hơn trên các nguyên mẫu máy tính từ các thương hiệu hàng đầu thế giới. Sau nhiều năm, laptop mới có được sự tân trang từ khả năng hiển thị, đúng hơn là từ rất lâu rồi. Đã đến lúc, tấm nền OLED làm tiếp công việc mà LCD truyền thống không làm được, một sự thay thế mang tới khát vọng hồi sinh thời kỳ vàng trong quá khứ của laptop.
OLED – giải pháp mới cho khả năng hiển thị
Đây có lẽ là điều không phải bàn cãi khi bạn am hiểu về công nghệ màn hình, OLED thành công trong việc cải thiện chất lượng hiển thị và đến thời điểm hiện tại, chi phí sản xuất cũng như khả năng tiết kiệm năng lượng được tối ưu hơn rất nhiều.
Nếu đang sở hữu trong tay chiếc XPS 15 của Dell hay Asus Zenbook mới nhất, chắc hẳn bạn sẽ rất tự hào với khả năng hiển thị của chúng. Điều này chính xác nếu so với các thiết bị sẵn có trên thị trường. Cả hai sản phẩm đều sử dụng công nghệ IPS (In-Plane Switching) cho màu sắc tốt cũng như góc nhìn rộng. Tuy nhiên, điểm yếu cố hữu của màn hình LCD đó là vẫn sử dụng đèn nền để chiếu sáng. Cho dù, điều này giúp màn LCD dễ sản xuất hơn, tiết kiệm chi phí, đem tới giá thành tốt hơn. Nhưng nếu xét xu hướng phát triển của laptop hiện nay, màn LCD đang dẫn mất đi tính phù hợp.
Thứ nhất, các tấm nền sử dụng màn LCD sẽ cần tới nhiều không gian hơn dành cho đèn nền và panel sẽ phải dày hơn một chút so với màn OLED. Thứ hai, thời lượng pin sẽ nhanh chóng suy giảm khi phải cấp nguồn năng lượng liên tục cho đèn nền. Cuối cùng, chính việc sử dụng đèn nền khiến sự phân bổ ánh sáng chưa thực sự tốt. Đã có những giải pháp cho vấn đề này nhưng nó vẫn tồn tại, việc xem các video hay hình ảnh có tone màu tối sẽ khó khăn và mất chi tiết tương đối nhiều. Chưa kể việc thay đổi góc nhìn sẽ phụ thuộc vào sự phân bổ của đèn nền phía sau.
Giả sử, bạn sử dụng chiếc Acer V Nitro với màn hình IPS, một trong những chiếc laptop được đánh giá có chất lượng hiển thị tốt nhất trên thị trường. Khi thay đổi góc nhìn từ trên xuống dưới hay từ trái sang phải, cho dù màu sắc không thay đổi nhưng vẫn tồn tài một khoảng tối hơn ở khoảng giữa. Có thể hiểu đây là vùng mà đèn nền không thể phát hết công suất tối đa. Điều này thực sự không tốt khi giải trí, xem ảnh sở hữu những vùng tối. Những chi tiết thuộc vùng đó sẽ không được hiển thị một cách chi tiết, rõ ràng.
Màn OLED thì khác, công nghệ này sử dụng các diode phát quang hữu cỡ và không cần đèn nền dẫn tới khả năng tiết kiệm pin hơn so với màn LCD. Bên cạnh đó, độ mỏng được tối ưu cũng như khả năng hiển thị ở các vùng tối tốt hơn, độ tương phản tăng, màu đen sâu hơn khi các điểm ảnh tắt hẳn và các chi tiết sáng yếu sẽ được tự điều chỉnh rõ ràng hơn. Ngoài ra, độ tương phản được cải thiện cũng dẫn đến hình ảnh sống động hơn rất nhiều. Đó là tương lai mà các nhà sản xuất laptop muốn hướng đến.
Sự khác biệt của việc sử dụng đèn nền và các diode tự phát
Người dùng sẽ cảm thấy sự khác biệt rõ rệt
Các thương hiệu hàng đầu luôn tìm kiếm những phương pháp cải thiện màu sắc cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, việc sử dụng đèn nền đã khiến họ phải đau đầu, hình ảnh càng rực rỡ, đèn nền càng phải hoạt động với công suất lớn, giảm tuổi thọ pin khi đây là một yếu tố vô cùng quan trọng dẫn đến sự thành công của một chiếc laptop ngày nay.
Bản thân màn LCD, cao nhất trên laptop hiện nay là IPS LCD cũng chỉ cho màu sắc ở mức trung thực, tỷ lệ trên 70% RGB, không thực sự rực rỡ, nịnh mắt như màn OLED. Nhưng với nhu cầu giải trí, màn LCD hiện này không thực hiện một cách thỏa đáng dành cho người tiêu dùng.
Mọi người đều đồng ý rằng, một tỷ lệ tương phản cao hơn sẽ tốt hơn và từ đó việc xác định sự khác biệt giữa vùng sáng và tối trở nên rõ ràng, các màu sắc sẽ rực rỡ hơn, thích mắt hơn. Đúng như các chuyên gia khẳng định, quan trọng là ở nhận thức mỗi người, nhưng thực sự, màn OLED quá khác biệt nếu tính riêng trên laptop.
Một cuộc cách mạng mới đang diễn ra
Cho đến thời điểm hiện tại, mới có bốn mẫu laptop sở hữu màn hình OLED và tất cả đều được giới thiệu tại CES 2016 bao gồm Alienware 13, Lenovo ThinkPad X1 Yoga, HP Spectre X360 13-inches, Samsung Galaxy S Tab Pro. Tất cả đều sở hữu màn hình vừa đủ với độ phân giải 2K và Samsung là thương hiệu gia công chính cho màn hình của những chiếc laptop trên. Tuy nhiên, giá thành của những sản phẩm này rất cao.
Chiếc Lenovo ThinkPad X1 Yoga có giá tới 1650 USD (tương đương với 36,6 triệu vnđ) cao hơn nhiều so với bản không dùng màn OLED, đồng thời cấu hình phần cứng vẫn chỉ giữ nguyên. Đáng tiếc, người dùng thật khó sở hữu laptop với màn OLED giá rẻ trong năm 2016, thậm chí là 2017. Tuy nhiên, sự xuất hiện lần này sẽ mang tới một cuộc cách mạng.
Ít ai có thể đoán được màn 4K lại trở nên rộng rãi trên laptop hiện nay kể từ thời điểm Toshiba tung ra thiết bị sở hữu màn hình độ phân giải siêu cao. Một năm sau đó, mỗi nhà sản xuất trên thế giới sở hữu một thiết bị với màn hình UHD, công nghệ tiên tiến nhất. Bởi vậy, không có lý do gì, với nhiều lợi thế, màn hình OLED sẽ đem tới những giải pháp mạnh mẽ hơn trong tương lai và mức độ phổ biến sẽ nhiều hơn. Có thể, người dùng sẽ sớm có được laptop sử dụng màn OLED với mức giá phải chăng hơn khi có nhiều đơn đặt hàng đối với Samsung hay LG hiện nay.
Thật khó có thể dự đoán nhưng có thể khẳng định, màn OLED sẽ là tương lai của laptop và chúng ta bắt đầu chào đón sự trở lại của ngành công nghiệp sản xuất đang dần bị lãng quên này!