Thủ thuật công nghệ

Làm thế nào để kéo dài tuổi thọ cho laptop?

Các nhà sản xuất luôn cho ra những sản phẩm có chất lượng hoàn thiện tốt nhất nhằm giữ chân khách hàng. Tất nhiên, “tiền nào của nấy” vẫn đúng trong mọi trường hợp, song, một chiếc laptop có hoạt động được bền bỉ, cống hiến nhiều năm hay không lại phụ thuộc vào người dùng.

Của có bền hay không cũng do người sử dụng, có người dùng một chiếc laptop cho tới 5 năm không phải bảo hành hay sửa chữa bất kỳ một chi tiết nào, có chăng là do cấu hình máy quá cũ kỹ, cần phải nâng cấp. Cũng có người chỉ dùng nửa năm máy đã gặp rất nhiều trục trặc. Những lúc như vậy, chúng ta không thể hoàn toàn đổ lỗi cho nhà sản xuất mà trước hết hãy xem lại cách sử dụng của bản thân. Nếu để xảy ra những điều dưới đây, chắc chắn chiếc laptop của bạn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuổi thọ.

Nhiệt độ quá cao

Nhiệt độ quá cao (hay gọi ngắn gọn hơn là quá nhiệt) luôn là vấn đề mà hầu hết các nhà sản xuất phải đau đầu. Phân khúc phổ thông đang là chủ đạo, song, phần lớn các mẫu laptop thuộc phân khúc này không có được khả năng tản nhiệt tốt khi khe gió hạn chế và chất liệu nhựa tỏa nhiệt kém hơn rất nhiều so với kim loại. Bên cạnh đó, người dùng lại có nhu cầu sử dụng cấu hình cao nên rất khó khăn cho các nhà sản xuất đem tới những giải pháp triệt để.

Nhiệt độ lại là yếu tố quyết định tới chất lượng, tuổi thọ của máy. Khi hoạt động dưới sức nóng lớn, các linh kiện sẽ không thể đảm bảo một hiệu suất tốt và bền bỉ. Đồng thời, các linh kiện sẽ nhanh chóng bị hỏng hóc và oxi hóa. Vậy làm thế nào để khắc phục?

Các mẹo vặt bằng phần mềm như tăng tốc quạt hay giảm tải cho CPU, GPU hầu như không có nhiều tác dụng. Bởi vậy, việc kê laptop cao hơn so với mặt phẳng để tạo không gian cho không khí lưu thông là một giải pháp dễ làm và hiệu quả hơn rất nhiều. Thêm vào đó, sở hữu một đế tản nhiệt cao cấp là điều quá tuyệt vời. Đặc biệt, tránh sử dụng máy trên các bề mặt giữ nhiệt như đệm, chăn, gối, tra lại keo tản nhiệt tại CPU hay GPU.

Bám quá nhiều bụi bẩn

Cũng giống như bất kỳ thiết bị nào trong ngôi nhà của bạn, laptop bám rất nhiều bụi bẩn, đặc biệt là khe tản nhiệt bởi đây là nơi không khí lưu thông liên tục trong quá trình sử dụng. Tiếp đó là bàn phím, Touchpad, các cạnh màn hình và phần chi tiết bên trong mainboard.

Việc khe tản nhiệt bám quá nhiều bụi khiến khả năng lưu thông của không khí giảm, ít hiệu quả, dẫn tới việc quạt gió hoạt động mạnh hơn, ồn và nóng hơn. Bên cạnh đó, bụi bẩn bám trong mainboard khiến các linh kiện tiếp xúc kém, gây ảnh hưởng đến quá trình làm việc cũng như hiện tượng chập điện rất dễ xảy ra.

Cách khắc phục đó là bạn thường xuyên vệ sinh bên ngoài máy như bàn phím, màn hình cũng như toàn bộ thân máy. Nếu có kinh nghiệm có thể tự tháo và lau chùi linh kiện bên trong ở nhà, song, lời khuyên bạn nên mang ra trung tâm để có những giải pháp toàn diện hơn. Tất nhiên, cũng phải đề phòng trường hợp bị thay thế linh kiện dễ tháo như ổ cứng, RAM, ổ quang ….. Nhớ ký tên lên từng thành phần nhé!

Định kỳ cho vệ sinh khoảng 6 tháng một lần cho những ai sử dụng với cường độ cao và 1 năm một lần cho nhu cầu thông thường.

Các tác động vật lý

Vốn là một thiết bị dễ bị tổn thường bởi các tác động vật lý, laptop cần phải được bảo toàn trước những va chạm mạnh, chất lỏng…

Chất lỏng là kẻ thù đối với bất kỳ thiết bị điện tử nào trên thị trường. Thật không may, hầu hết các mẫu laptop bạn đang sở hữu đều không có khả năng chống nước từ các khe hở như bàn phím, ốc. Bởi vậy, đặt thiết bị tránh xa những vật thể có chứa chất lỏng như cốc nước chẳng hạn, chỉ trong một khoảng khắc đen đủi, bạn có thể sẽ phá hủy cả một hệ thống do chập điện giữa các thành phần linh kiện bên trong. Bên cạnh đó, có những giải pháp giữ máy luôn khô thoáng trong điều kiện thời tiết ẩm, vệ sinh túi đựng và hạn chế để ướt balo đựng máy khi trời mua.

Tác động thứ hai chính là những va chạm mạnh. Laptop ngày nay càng sở hữu thân hình sexy thì càng trở nên mảnh mai, dễ vỡ, đặc biệt ở phần mặt lưng. Nếu có tác động vừa đủ, màn hình có thể sẽ bị nứt, tấm panel đằng sau sẽ bị loang màu và sẽ mất một khoảng khá lớn để sửa chữa. Ngoài ra, bản lề cũng rất nhạy cảm với va chạm bởi đây là thành phần được nhồi nhét tương đối nhiều chi tiết như ốc, lẫy, rất dễ bị bung và khó sửa chữa. Ổ HDD cũng vậy rất dễ bị hỏng do cơ chế quay vật lý. Nếu ổ cứng vẫn đang hoạt động và toàn máy xảy ra va chạm sẽ rất dễ bị hỏng hóc.

Cách khắc phục: hạn chế di chuyển khi máy đang hoạt động, bảo vệ bằng túi chống sốc có thêm các hạt silica hút ẩm.

Nhìn chung, các laptop hiện nay đều có thể hoạt động tốt trong khoảng 2 năm đổ lại và nếu biết cách giữ gìn, đồng thời áp dụng một số mẹo nhỏ để đảm bảo hệ thống hoạt động một cách trơn tru nhất sẽ kéo dài tuổi thọ thêm nhiều năm.Thế nhưng quan trọng hơn, bạn cần có một lộ trình nâng cấp, thay thế cụ thể cho chiếc laptop của mình. Bởi một hệ thống sẽ nhanh chóng lỗi thời sau khoảng 2-3 năm sử dụng. Chúc các bạn có được một thiết bị hoàn hảo, bền bỉ để phục vụ cho nhu cầu của mình!

 

Những mẫu laptop sẽ tiếp tục "hot" trong giai đoạn đầu năm 2016

(Techz) Theo báo cáo từ nhiều nhà phân tích thị trường, những laptop có tính di động cao và giá cả hợp lý dẫn đầu xu hướng trong năm tới.