Máy tính xách tay, máy tính để bàn ngày càng sở hữu một sức mạnh vượt trội so với các thế hệ cũ và đặc biệt là giá thành vô cùng phải chăng. Ví dụ bạn có thể sở hữu một cấu hình bao gồm vi xử lý AMD FX8320 8 nhân, 8 GB RAM, ổ cứng HDD 1TB, Card đồ họa HD 7950 chỉ với 10 triệu đồng. Đây là điều không thể đối với thời điểm cách đây khoảng 5 năm. Tuy nhiên, cho dù sở hữu một hệ thống có hiệu năng mạnh đến như vậy, nhiều người vẫn cảm thấy máy khởi động chậm và chạy chương trình rất ì ạch, thì nguyên nhân đa phần đều xuất phát từ ổ cứng HDD.
Đến lúc thay thế ổ HDD. Ảnh: Internet
Như các bạn đã biết, trong các thành phần của một PC, có lẽ ổ cứng là thành phần có khả năng phát triển chậm nhất. Cho dù dung lượng ngày càng tăng, song về mặt tốc độ xử lý dữ liệu, HDD vẫn dậm chân tại chỗ. Nguyên nhân chính là do những hạn chế về mặt cơ học đối với ổ đĩa cứng. Vì thế, sự ra đời của SSD chính là một bước tiến vô cùng mạnh mẽ và đem lại rất nhiều lợi ích cho hệ thống máy tính. Vậy liệu có nên chuyển từ HDD sang SSD? Và điều này liệu có đáng giá?. Câu trả lời hết sức đơn giản đó là "nên".
SSD là gì?
Về cơ bản, SSD đã xuất hiện từ thời kì sơ khai của máy tính, tồn tại ở rất nhiều dạng khác nhau mà điển hình là RAM máy tính. Nhưng vì giá thành cho mỗi GB dung lượng quá cao, và tốc độ đọc ghi dữ liệu trên đĩa cứng vẫn chưa bị giới hạn bởi tốc độ động cơ nên SSD không được quan tâm tới việc thay thế cho ổ cứng cơ học thông thường.
Mãi đến những năm 90, các loại chip nhớ Flash mới xuất hiện với sản phẩm đầu tiên là ổ đĩa USB thông dụng ngày nay. Nhưng vào thời kỳ đó, giá thành sản xuất chip nhớ Flash vẫn còn quá đắt so với dung lượng mà nó mang lại. Bởi thế mà công nghệ này vẫn chưa thể sử dụng thay thế cho ổ cứng truyền thống.
Ổ SSD thường có giá thành cao hơn HDD cùng dung lượng. Ảnh: Internet
Trong những năm đầu của thế kỉ 21, giá của bộ nhớ Flash liên tục giảm mạnh. Cùng với sự giới hạn về tốc độ quay của các ổ đĩa đời cũ, việc này đã thúc đẩy các nhà sản xuất nghĩ đến việc làm ra một chiếc ổ cứng sử dụng các chip nhớ Flash với mục đích chính là phá bỏ giới hạn về tốc độ đọc ghi của ổ cứng truyền thống.
Và sau nhiều năm phát triển, ổ cứng thể rắn đã bắt đầu được phổ biến trong các máy tính cá nhân thông thường, ở mức giá chấp nhận được.
SSD vượt trội hơn HDD
Ngoại trừ giá thành và dung lượng, việc sở hữu SSD đều đáng giá hơn rất nhiều so với ổ cứng cơ truyền thống. Những đặc điểm có thể kể đến như:
Thời gian khởi động ổ đĩa: Ổ HDD thường sử dụng các động cơ cơ học để quay các đĩa từ, vì thế sẽ mất một thời gian từ 1-3 giây để động cơ đạt được tốc độ chuẩn cho việc sử dụng. Trong khi đó, SSD hoàn toàn sử dụng các chip nhớ và không có thành phần chuyển động nên sẽ không có khoảng thời gian khởi động ổ đĩa.
Thời gian truy cập dữ liệu và độ trễ: Ổ SSD có tốc độ đọc ghi nhanh hơn nhiều lần so với HDD thông thường, bởi đơn giản ổ SSD không bị giới hạn cơ chế quay và nhặ dữ liệu bằng cơ khí như ổ HDD. Đồng thời, SSD có thể truy cập đến bất cứ vị trí nào trên ổ đĩa mà không có độ trễ.
Đồ ồn: Đây là đặc điểm dễ nhận thấy nhất ngay khi sử dụng SSD, việc không sử dụng một cơ chế cơ học nào sẽ giúp SSD có một độ ồn tuyệt đối bằng 0.
Điện năng tiêu thụ: Tất nhiên, SSD tiêu thụ điện ít hơn ổ HDD từ 30-60% năng lượng, tiết kiệm từ 6-10 Watts dành cho hệ thống.
Trên đây là những điểm mà SSD hoàn toàn vượt trội hơn so với HDD, song, cho dù đã giải quyết được mặt cơ học nhưng không vì thế mà ổ cứng thể rắn không có những nhược điểm mà người dùng cần lưu ý.
Những lưu ý khi sử dụng SSD
Ổ SSD có một đại lượng để người dùng có thể biết được tuổi thọ của chúng được gọi là chu trình ghi. Mỗi khi dữ liệu được chép vào và xóa đi khỏi chip nhớ là bạn đã mất 1 chu kì (thường tính bằng GB). Số chu kỳ ghi này trên mỗi chip nhớ là xác định nên bạn cũng có thể coi thông số này chính là tuổi thọ của ổ cứng thể rắn (các ổ SSD ngày nay thường có số chu kỳ ghi đủ để đảm bảo dữ liệu của bạn không bị hư hại gì trong vòng 5 năm). Nhiều bạn vẫn thắc mắc tại sao khi mua SSD cũ, người ta thường hỏi về số giờ hoạt động, tuy nhiên, theo những thống kê gần đây, điều này không quá quan trọng. Thời gian chỉ để xác định xem SSD được sử dụng trong mục đích gì (làm ổ khởi động server hay người dùng thông thưởng) qua đó quyết định được giá cả.
Ổ SSD PCI-e. Ảnh: Internet
Thứ hai, đó chính là việc chọn mua SSD. Thông thường, hiệu suất của SSD tỷ lệ thuận với dung lượng bộ nhớ. Nếu bộ nhớ càng cao thì tốc độ truy xuất dữ liệu của ổ SSD đó càng lớn, ví dụ như ổ 64GB sẽ có tốc độ thấp nhất, sau đó đến 128 GB, 256 GB, 512 GB.... Tuy nhiên, hãy xem xét lại ngân sách của mình bởi giá thành cho 1GB SSD đang ở mức rất cao. Người dùng thường sử dụng ổ SSD cho hệ điều hành nhằm tăng thời gian khởi động và truy xuất ứng dụng. Còn với ai có nhu cầu lưu trữ cao có thể gắn thêm ổ HDD để mở rộng không gian bộ nhớ, đồng thời giảm thiểu chu trình ghi xóa để đảm bảo tuổi thọ cho SSD.
Nên chuyển từ HDD sang SSD
Rõ ràng, SSD mang đến một sự khác biệt rất lớn đối với ổ cứng truyền thống. Cho dù bạn sở hữu một thiết bị không quá mạnh ở thời điểm hiện tại nhưng việc trang bị thêm ổ cứng thể rắn sẽ giải quyết được rất nhiều điều, đồng thời tăng hiệu suất làm việc của bạn. Hơn nữa, theo một thống kê gần đây, tốc độ xử lý càng cao sẽ dẫn đến hệ lụy là sự kiên nhẫn của con người càng giảm, sự ức chế càng tăng cao khi máy tính cần phải mất rất nhiều thời gian xử lý việc khởi động hệ điều hành. Và tất nhiên, nguyên nhân chính là do ổ HDD.
Đã đến lúc chuyển sang SSD. Ảnh: Internet
Ngoài ra, các ứng dụng hiện nay đều đã tương thích tốt với các máy tính có cấu hình mạnh mẽ, tốc độ xử lý cao, kéo theo thời giản tải chúng trở nên dài hơi hơn. Thứ nhất là về đồ họa được cải thiện, thứ hai là về chức năng kèm theo sao cho hấp dẫn người dùng nhất. Bởi vậy, một HDD già cỗi với những hạn chế về cơ học sẽ không còn đáp ứng được bạn nữa. Nếu có điều kiện, nên chuyển hẳn sang việc sử dụng SSD.