Blog công nghệ

Vì sao BlackBerry ngày càng mất giá trong mắt người dùng?

Giá trị của một thương hiệu được đo bằng doanh số smartphone họ bán ra hàng năm và đẳng cấp mà thiết bị của họ mang lại cho người dùng. BlackBerry đã từng đạt điểm 10 cho cả hai lý do đó và các mẫu điện thoại của hãng liên tục được mua đi bán lại mà không hề mất quá nhiều giá trị so với thời điểm ban đầu. Bên cạnh đó lượng fan BB vô cùng đông đảo, mạnh mẽ cũng như liên tục khoe về những chiếc điện thoại đẳng cấp doanh nhân với bàn phím cứng khác biệt so với phần lớn thiết bị có mặt trên thị trường. Đã có một BlackBerry như vầy!

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, không còn một hình bóng BlackBerry quen thuộc, mặc dù số lượng người dùng tin tưởng hãng vẫn không hề suy giảm nhưng bao trùm trong đầu họ là cả một sự thất vọng lớn lao. Điện thoại BlackBerry không còn sức hút như trước bởi sự bảo thủ với nền tảng BB10, tăng khả năng bảo mật và sự bảo thủ trước một thị trường sôi động. Cũng chính vì thế nên giá trị của Dâu đen mất dần, điện thoại xuống giá thê thảm mới có thể bán được hàng. BlackBerry đã không còn là chính mình!

BB OS tuy bảo mật cao nhưng lại quá ít ứng dụng tương thích

Một trong những nét đặc trưng của điện thoại BlackBerry đó chính là BB OS, một nền tảng sở hữu khả năng bảo mật tuyệt đỉnh, hỗ trợ văn phòng tuyệt đối và là niềm tự hào của chính công ty có trụ sở chính tại Canada. Tuy nhiên, niềm tự hào đi kèm sự bảo thủ khiến các dòng smartphone của BlackBerry ngày càng kém sự hấp dẫn và nguyên nhân chính lại chính từ BB 10.

Ngay cả những ứng dụng được coi là cần phải có trên smartphone, BlackBerry còn không đáp ứng được thì lấy đâu ra người dùng cho BlackBerry.

Phần cứng của BlackBerry trong những năm vừa qua đã liên tục nhận được nhiều phản hồi tốt, nhưng phần mềm lại ngược lại. Phần lớn các ứng dụng phổ biến trên Android và iPhone, BB OS chỉ chiếm một phần nhỏ nhưng lại được đánh giá rất thấp, thiếu tính cập nhật và thực sự tệ. Những ứng dụng thuộc dạng nhiều người dùng như Facebook, Twitter và Whatsapp đều bị người dùng phàn nàn và do chính sách bảo mật riêng biệt, BlackBerry càng khiến đối tác rời xa họ. Việc các ứng dụng mạng xã hội ngoảnh mặt khiến BB mất đi một lượng người dùng đáng kể. Ngay cả những ứng dụng được coi là cần phải có trên smartphone, BlackBerry còn không đáp ứng được thì lấy đâu ra người dùng cho họ. Mặc dù sở hữu lượng fan khổng lồ nhưng càng ngày hãng càng khiến họ rời xa.

BlackBerry câu kéo các đối tác bằng cách mở rộng cơ hội cho những cái tên nhỏ tham gia App World, nhưng bản thân hãng cũng không hề có bất kỳ động thái nào để kiếm soát chợ ứng dụng khiến App World chẳng khác nào là một kho rác, trùng lặp và thiếu tính hữu dụng. Ngay cả khi cho phép người dùng sử dụng ứng dụng từ Android thì cũng đã quá muộn, lượng người dùng BB OS không còn nhiều và không còn một đối tác nào hứng thú đối với một nền tảng đang chết dần chết mòn.

Cho dù làm sản phẩm tốt đến đâu, tạo được hiệu ứng mạnh mẽ đến đâu cũng khiến nhiều người than thở bởi hệ điều hành không tốt. BlackBerry Classic và Passport là hai nạn nhân gần đây nhất. Một được mệnh danh là chiếc BlackBerry tốt nhất, một được coi là độc đáo và đột phá nhất cũng không thoát khỏi “định mệnh” của các thế hệ đàn anh để rồi sau đó giảm giá cực mạnh để hút khách hơn.

Giá thành ban đầu quá đắt, hướng tới lượng nhỏ người dùng

Một chiếc smartphone dù tốt đến đâu nhưng không thỏa mãn nhu cầu thiết yếu của người dùng trong việc cài đặt ứng dụng, lên mạng xã hội một cách thoải mái, dễ dùng thì không thể thành công. BlackBerry lại là một đại diện tiêu biểu cho điều đó và hơn hết giá thành ban đầu của mỗi sản phẩm BlackBerry rất đắt do chỉ nhắm tới đối tượng là doanh nhân.

Còn BlackBerry, họ vẫn loay hoay với cái gọi là đẳng cấp, sang trọng mà doanh nhân cần có. Khi mà những chiếc iPhone, điện thoại Android có thể Push Mail, nhiều ứng dụng hơn thì BIS, BES cũng không còn giá trị gì nữa.

Điện thoại dành cho doanh nhân là tiêu chí phát triển từ những buổi đầu của BlackBerry nhưng lại không phù hợp với xu thế hiện nay. Các nhà sản xuất khác nhắm vào tính phổ biến với doanh số cực cao, đa dạng người dùng. Phổ thông có, cao cấp có và dành cho doanh nhân cũng có. Hãy thử để ý “đẳng cấp doanh nhân” giờ còn dành riêng cho BlackBerry không hay người dùng chuyển sang những chiếc điện thoại cao cấp của Samsung và đỉnh cao là iPhone. Người ta dùng những chiếc iPhone mới để nói lên đẳng cấp của mình thay vì BlackBerry như trước đây. Còn BlackBerry, họ vẫn loay hoay với cái gọi là đẳng cấp, sang trọng mà doanh nhân cần có. Khi mà những chiếc iPhone, điện thoại Android có thể Push Mail, nhiều ứng dụng hơn thì BIS, BES cũng không còn giá trị gì nữa.

Giảm giá đột biến đã trở thành thương hiệu và hệ lụy khôn lường

Để bán được hàng, trong những năm trở lại đây, BlackBerry có thói quen giảm giá mạnh để thu hút người dùng. Một chiếc điện thoại giảm nửa giá, giảm 2/3 giá đã trở thành thương hiệu của BlackBerry. Do đó không quá khó để tạo cho người dùng một thói quen chờ đợi nhà sản xuất giảm giá rồi mới mua thay vì bỏ số tiền ngang bằng với một chiếc iPhone mới để trang bị cho mình một chiếc điện thoại để gửi mail, bảo mật thông tin tốt và chả để làm gì khác. Việc đưa mức giá xuống thấp đồng nghĩ BlackBerry tự đưa mình xuống đồng đẳng với các thương hiệu điện thoại Trung Quốc và từ đó mất giá trong mắt người dùng.

BlackBerry Passport giảm giá mạnh trong thời gian qua. Ảnh: TheVerge

Người dùng ngoảnh mặt với BlackBerry, hãng lại càng phải giảm giá mạnh và càng giảm giá mạnh, người dùng càng ngoảnh mặt.

Việc giảm giá có thể là giải pháp tạm thời dành cho BlackBerry tạo nguồn vốn cho tương lai nhưng mang lại một hệ lụy khó lường, đó là tâm lý người dùng. Chả ai muốn đổ một số tiền lớn cho một sản phẩm bị mất giá, Việc sử dụng smartphone hiện nay thường mang tính kế thừa và nâng cấp bởi tốc độ phát triển quá nhanh, người dùng có xu hướng mua sản phẩm mới để thay thế. Cũng giống như BlackBerry, họ cần phải bán thiết bị cũ để có nền tảng cho những thiết bị cho tương lai.

Chả ai dám mua một chiếc điện thoại 17 triệu đồng rồi sau đó chỉ còn vỏn vẹn 8 triệu đồng cho hàng mới như Passport, lúc bán họ cũng chỉ có thể bán với giá tốt nhất là 6 triệu, thậm chí hàng xách tay cũng chỉ còn có 5 triệu. Một sản phẩm mất giá tới 11 triệu chỉ sau 18 tháng có mặt liệu có đáng để mua, thậm chí là còn khó bán. Đó là lý do người dùng ngoảnh mặt với BlackBerry và càng ngoảnh mặt, hãng lại càng phải giảm giá mạnh và càng giảm giá mạnh, người dùng càng ngoảnh mặt. Vòng tuần hoàn đó sẽ không tiêu biến đi trong thời gian ngắn và từ đó biểu tượng Dâu đen càng mất giá trong mắt người dùng.

 

Chơi Blackberry cổ...sự hoài niệm về một "ông hoàng"

(Techz.vn) Nhắc đến Blackberry là người ta hình dung ngay đến những chiếc điện thoại nam tính, mạnh mẽ và cũng đầy quyến rũ với bàn phim qwerty trứ danh. Vài năm trước đây, sở hữu một chiếc Blackberry luôn là điều mong ước của nhiều bạn trẻ đam mê công nghệ.