Blog công nghệ

Galaxy Note 7 bị khai tử: Thiên tử và cái chết oan ức!

Đằng sau Note 7 là cả một câu chuyện dài mà không phải ai cũng biết được. Người dùng và giới công nghệ toàn cầu chỉ biết rằng một sản phẩm hoàn hảo hiếm thấy, một đối thủ quá mạnh đối với iPhone đã ra đi sau hàng loạt sự cố liên quan đến pin mà thậm chí, mức độ xác thực của các trường hợp vẫn còn là một ẩn số.

Samsung quyết định thu hồi Note 7 trên diện rộng khi vẫn có hàng triệu thiết bị đang sử dụng một cách bình thường. Phải chăng có một sức ép nào đó khiến Gã khổng lồ Hàn Quốc phải ngay lập tức khai tử dòng điện thoại này. Note 7 được sinh ra với sứ mệnh leo lên ngôi vương của thị trường di động, khẳng định vị thế của Samsung nhưng định mệnh đã khiến sản phẩm này phải nhanh chóng đi vào dĩ vãng. Những người cha đẻ của Note 7 cũng rất muốn xóa bỏ những ảnh hưởng của nó trong tâm trí người dùng và lấy lại hình ảnh của chính mình.

Samsung rất nỗ lực với chính sách đổi trả, bồi hoàn thỏa đáng trên toàn cầu khiến cả thế giới hài lòng. Nhưng rồi vụ thu hồi Note 7 cũng sẽ cần phải xem xét lại, bởi đơn giản, phía sau một cái chết luôn có những điều uẩn khuất mà bản thân các phân tích và chính Samsung cần phải nắm rõ để tránh đi vào vết xe đổ trong năm sau. Note 7 ra đi mà không một lời giải thích, một cách chóng vánh sau những lời xin lỗi của ban lãnh đạo Samsung và có lẽ nào, ngay từ lúc được khai sinh, sản phẩm này đã phải đón nhận một định mệnh khắc nghiệt khi những người cha đẻ có phần vội vã trước sức ép từ Apple.

Note 7 – đỉnh cao và vực thẳm

Hiếm có một sản phẩm nào đạt được thành công tột đỉnh như Note 7 trong năm 2016. Samsung vô cùng tự tin về sản phẩm này khi số tiền chi ra cho quảng cáo Note 7 cũng thấp hơn so với những cái tên Note 5, S7, S7 Edge trong khoảng một năm trở lại đây. Bởi đơn giản, Note 7 quá hoàn hảo trong thiết kế, đủ sức hút về tính năng và không có điểm nào chê trách về pin, một sản phẩm hội tụ mọi yếu tố vô địch. Doanh số 2,5 triệu chiếc chỉ sau một thời gian ngắn là minh chứng rõ rệt cho điều đó.

Note 7 ra đi mà không một lời giải thích, một cách chóng vánh sau những lời xin lỗi của ban lãnh đạo Samsung và có lẽ nào, ngay từ lúc được khai sinh, sản phẩm này đã phải đón nhận một định mệnh khắc nghiệt khi những người cha đẻ có phần vội vã trước sức ép từ Apple

Samsung thực sự phải mỉm cười mãn nguyện khi đứa con cưng của dòng Note ghi nhận những thành công ban đầu, đồng thời, chuẩn bị cho một giai đoạn cuối năm bùng nổ về doanh số. Chưa bao giờ, thế giới công nghệ nhắc nhiều đến Note 7 như vậy, phần lớn là những lời có cánh. “Một chiếc phablet hoàn hảo”, “mẫu smartphone đáng sở hữu nhất thế giới”, “camera chụp đẹp nhất thế giới” … liên tục được đưa ra khi nói đến Note 7. Tuy nhiên, cả thế giới nhìn vào Note 7 thì đó là lúc Samsung chịu sức ép lớn nhất, chỉ một sai xót nhỏ, nhà sản xuất sẽ gánh một hậu quả lớn. Đáng tiếc, Note 7 hoàn hảo là thế nhưng lại bốc cháy trong quá trình sử dụng.

Thiết bị đầu tiên ghi nhận là đã bốc cháy khi đang sạc và liên tiếp sau đó, khoảng 35 trường hợp tương tự đã xảy ra. Samsung đã họp khẩn và chỉ ra những chiếc Note 7 sử dụng pin của SDI bị lỗi và quyết định thu hồi sản phẩm này, thay thế bằng pin của một đối tác khác. Tuy vậy, việc cháy nổ lại quay trở lại như một thói quen và thường xuyên hơn. Cuối cùng Note 7 đã bị chính Samsung khai tử, cũng vội vã như cái cách mà thiết bị này được sinh ra.

Nạn nhân của sức ép và những toan tính vội vã

Ai cũng hiểu rằng, việc Samsung sớm cho ra mắt Note 7 nhằm đè lên thị phần của iPhone 7 Plus ra mắt sau đó hơn 1 tháng. Toan tính của Samsung là hoàn toàn có cơ sở khi Note 7 hội tụ đủ tinh hoa của công nghệ, mang trong mình sứ mệnh của kẻ bất bại ở phân khúc cao cấp bên cạnh những thông tin rò rỉ không được lòng người dùng của iPhone 7 Plus. Dẫu sao, Note 7 là một ánh hào quang rực rỡ từng tồn tại của Samsung nhưng chỉ trong phút chốc cũng giống như cái cách thiết bị này sinh ra và bị khai tử.

Có nhiều ý kiến cho rằng Samsung đã quá vội vã đẩy Note 7 ra thị trường với số lượng lớn với khâu quản lý chất lượng chưa được đảm bảo. Số lượng nhiều, đẩy nhanh tiến độ sẽ khiến khâu giám sát giảm hiệu quả, các nhà máy hoạt động hết công suất đó sau khi Note 7 được giới thiệu. Chỉ cần một sai sót nhỏ ở đầu ra, khiến Note 7 phải trả giá. Song, Samsung không phải không biết điều đó, họ thậm chí đã chuẩn bị từ rất lâu, thử nghiệm sản phẩm trước khi đến tận tay người tiêu dùng. Vậy có phải Samsung vội vã? Câu trả lời là chính xác, nhưng vội vã trong việc kết luận nguyên nhân và thu hồi sản phẩm trong đợt đầu tiên và bên cạnh đó là sức ép từ phía cơ quan chức năng, các Hội đồng, Ủy ban trên toàn thế giới.

Dưới sức ép từ phía người dùng, các kênh truyền thông và yêu cầu giải thích tức các nhà mạng, hệ thống bán lẻ, ông Koh đã quyết định thu hồi 2,5 triệu thiết bị đã vận chuyển.

Ở những thời điểm đầu, Samsung hoài nghi nhiều cáo buộc đã được làm giả và tranh luận về những chiếc Note 7 cháy nổ chỉ là thiểu số so với số lượng thiết bị bán ra. Ngay sau khi tiếp nhận trường hợp đầu tiên, Giám đốc bộ phân di động D.J Koh cùng các lãnh đạo mảng di động bao gồm ngài J.K.Shin và G.S.Choi đã cùng nhau kiểm tra kết quả ảnh chụp X-quang và cấu trúc điện thoại. Nguyên nhân ban đầu là do pin của Samsung SDI sản xuất phình to trong quá trình sử dụng, pin của các nhà cung cấp khác lại không có một vấn đề nào xảy ra.

Tuy vậy, Samsung cũng không chỉ ra vì sao pin lại có thể phình to và tỏa nhiệt lượng lớn khiến thiết bị có thể cháy hay nổ như vậy. Chỉ biết rằng, dưới sức ép từ phía người dùng, các kênh truyền thông và yêu cầu giải thích tức các nhà mạng, hệ thống bán lẻ, ông Koh đã quyết định thu hồi 2,5 triệu thiết bị đã vận chuyển. Quyết định này được Lee Jae Yong, người thừa kế thế hệ thứ ba của Samsung ủng hộ.

Ngày 2/9, Samsung không hề công bố lý do chính xác khiến Note 7 phát nổ thay vào đó để tội gánh lên Samsung SDI và chuyển sang sử dụng pin của các đối tác khác, đồng thời tiến hành chương trình đổi mới trên toàn cầu. Một quyết định có phần vội vã của Samsung và đáng lý ra, họ cần chậm lại, tập trung tìm hiểu nguyên nhân cụ thể hơn. Hiển nhiên, Note 7 một lần nữa cứa thêm vào trái tim đang tổn thương của người dùng sản phẩm này trên toàn cầu.

Những thiết bị đã đổi trả với chứng nhận an toàn tiếp tục cháy nổ, xuất hiện thường xuyên hơn và có nhiều bằng chứng xác thực hơn (đơn cử như video clip Note 7 cháy trong cửa hàng Burger King tại Hàn Quốc). Lần này, Note 7 đã bị cấm bán trên diện rộng với hàng loạt câu hỏi, khuyến cáo từ các cơ quan chức năng như Ủy ban An toàn sản phẩm tiêu dùng Mỹ, các nhà mạng…

Lãnh đạo của Verizon đã từng nói với ngài Lee Jae Yong rằng Note 7 không thể bán được nữa. Bên cạnh đó, việc Samsung tự ý thu hồi hàng triệu chiếc Note 7 không thông qua quy trình chính thống của Ủy ban An toàn sản phẩm tiêu dùng Mỹ (CPSC) cản trở các nhà chức trách tìm ra nguyên nhân gốc rễ. Samsung đã tự ý làm và điều này khiến họ thiệt đơn thiệt kép. Cuối cùng, Note 7 đã bị khai tử một cách oan nghiệt, không một lời giải thích.

Sứ mệnh thiên tử và cái chết oan uổng

Xin dành một phút mặc niệm cho Samsung Galaxy Note 7. Đã có một bài viết về cuộc sống ngắn ngủi của Note 7 với tựa đề: “Galaxy Note 7 & Samsung: Chẳng phải anh hùng cũng là trang tuấn kiệt”. Đúng! Note 7 là trang tuấn kiệt trong thế giới thiết bị, còn Samsung họ là một trang tuấn kiệt với cách xử lý hậu quả tuyệt vời, nâng cao lợi ích của người tiêu dùng. Tuy nhiên, chẳng phải đến lúc Note 7 bị khai tử, người ta mới nhắc đến điều đó. Cuộc đời ngắn ngủi của Note 7 dấy lên những nghi ngại về mức độ an toàn của thiết bị điện tử ngày nay, khi công nghệ pin đã quá lỗi thời. Nhưng đằng sau nó là cả một chuỗi sự kiện dài, một màn đấu trí kinh hoàng giữa nhà sản xuất, cơ quan chức năng và các nhà đầu tư hay những toan tính hợp thời nhưng lại sai trong cách vận hành.

Bên cạnh đó, việc Samsung vội vàng rút toàn bộ Note 7 trên thế giới sau hai lần mà không có lấy một bản báo cáo chi tiết về nguyên nhân cháy nổ khiến nhiều người hoài nghi. Phải chăng nhà sản xuất đang che dấu một điều gì đó ở đằng sau khi quyết định một cách nhanh chóng, điều này đang được CPSC tìm hiểu. Dẫu kết quả có như thế nào thì Note 7 vẫn là một thiết bị đáng thương, bị khai từ mà không có lấy một nguyên nhân cụ thể, là nạn nhân của những toan tính, bị bóp nghẹt trong sức ép của thế giới công nghệ vốn không hề yên ả.

Một bản án quá trái ngang dành cho kẻ có thể được coi là Thiên tử, người hứa hẹn sẽ thống trị thị trường smartphone.

 

Thu mua Note 7 đổi trả, dân buôn lãi đơn lãi kép

(Techz.vn) Nhận mua lại Galaxy Note 7 tại chỗ với mức giá từ 16-17 triệu đồng, mua lại voucher 800.000 đồng là những chiêu bài mà dân buôn kiếm lãi trong giai đoạn Note 7 đang được thu hồi trong diện rộng.